Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 25 tháng 4, 2020

Tháng Tư Quốc Hận - Từ Hiroshima/Nagasaki, Suy Nghĩ Về COVID-19 Và "Người Thắng Trận" - Nguyễn Văn Thành

“Ngày 6 tháng 8 năm 1945, Hoa-Kỳ thả trái bom nguyên tử đầu tiên xuống Hiroshima, hơn 80.000 người bốc hơi. 3 ngày sau, Hoa-Kỳ thả trái bom nguyên tử thứ hai xuống Nagasaki, hơn 40.000 người nữa bốc hơi . . . Nhật đầu hàng vô điều kiện, chấp nhận thua trận và chấm dứt Thế Chiến Thứ Hai.”- Trích lời giảng bài của thầy Khánh, dạy sử địa lớp 11AB2, trường Chân Phước Liêm, năm 1972. Thời đó nhìn thầy Khánh giảng bài hăng say trên bục, với giọng nói mạnh mẽ và cặp mắt cương quyết sau cặp kính trắng trông không khác gì một vị chỉ huy ngoài mặt trận. Thầy là người có vóc dáng của một lực sĩ chuyên nghiệp, mê tập tạ và hay mặc áo sơ-mi ngắn tay nên những bắp thịt rắn chắc của cánh tay thầy được dịp phô trương những khi hăng say giảng bài trên bục, hoặc lúc viết mạnh tay trên tấm bảng, nhiều lần thầy đã làm gãy cả những viên phấn trắng rơi trên sàn lớp. Nhưng hôm đó tôi không chú ý đến nét thể thao của thầy như mọi lần, mà chỉ để ý đến hai chữ thầy đã lập đi lập lại khi nói về hai trái bom nguyên tử rơi xuống nước Nhật: thầy dùng chữ “bốc hơi” để nói đến những người chết vì bom nguyên tử.<!>
Sao lại “bốc hơi” nhỉ? Thầy có giảng thêm: “Khi bom nguyên tử nổ, sức nóng lên đến cả ngàn độ, sắt thép cũng chảy ra”. Sắt thép gặp nhiệt độ cao thì thành chất lỏng, tôi có thể hình dung ra được, nhưng cơ thể người ta bốc hơi vì nóng quá thì tôi chưa nghe ai nói vậy bao giờ. Gương mặt thầy lúc đó nhìn nghiêm trang chứ không có vẻ gì đùa giỡn; dù vậy, trong lòng tôi vẫn thấy cách dùng chữ “bốc hơi” của thầy có gì khó hiểu. Có lẽ vì vậy mà hai chữ “bốc hơi” vẫn cứ hoài in trong trí cho đến lúc tôi có dịp đi thăm Nhật Bản, nhân dịp cùng các bạn CPL đi cruise từ thành phố Tokyo.
Vì có ý định đi thăm hai thành phố lịch sử này, nên tôi và bà xã bay đến Tokyo một tuần lễ trước ngày đi cruise. Chúng tôi lên chương trình ngồi xe điện tốc hành Shinkansen 8 tiếng, từ Tokyo đến Nagasaki, một chặng đường 600 miles (960km). Hiroshima nằm trên đường đi từ Tokyo đến Nagasaki. Nhưng chúng tôi đã hẹn gặp anh chị Nhi/Lan ở Hiroshima, nên chúng tôi đi Nagasaki trước một ngày, ngủ một đêm ở Nagasaki, và dùng xe điện tốc hành quay trở lại Hiroshima ngày hôm sau để cùng anh chị Nhi/Lan viếng thăm Hiroshima.

Ga Nagasaki

Sau khi xuống ga Nagasaki, chúng tôi lấy xe bus đi ngay đến công viên Hòa Bình (Peace Park), nằm không xa Viện Bảo Tàng Nguyên Tử (Atomic Museum) bao nhiêu, nên có thể đi bộ được giữa hai địa điểm này.


Công viên Hòa Bình Nagasaki nằm trên một vùng đất cao, phải đi qua hai đoạn cầu thang cuốn, hoặc cầu thang bộ, mới lên đến đỉnh. Dọc theo hai đoạn thang đi bộ này có một vườn hoa xinh xắn, được trồng gọn gàng ngay chính giữa lối đi, để chúng tôi vừa ngắm các loại hoa đủ màu sắc vừa bước lên, cho đến bậc thang cuối cùng thì được chứng kiến một cảnh sắc hoàn toàn khác: một hồ phun nước tròn thật lớn, đó là Fountain of Peace nằm ngay giữa lối đi vào công viên Hòa Bình. Thấp thoáng sau màn nước phun lên giữa hồ, chúng tôi có thể thấy bức tượng Hòa Bình Nagasaki màu xanh từ xa.


Đi vòng qua hồ nước tròn này để vào công viên, tôi quay nhìn lại hồ, thấy hai hàng nước phun lên thành hình chữ V, dưới ánh nắng mặt trời bắt đầu ngã về chiều, giữa bầu trời xanh và mây trắng, tạo thành một khung cảnh đẹp đáng được ghi lại trong ký ức:


Qua khỏi Fountain of Peace là khu vực chính của công viên Hòa Bình, với 49 khu tưởng niệm, mỗi khu có các tượng riêng biệt với lời giải thích ý nghĩa và xuất xứ của những tượng đã được dựng lên ở đó.



Một trong số 49 khu tưởng niệm này đã làm tôi dừng lại lâu hơn để đọc kỹ lời chú giải, vì nó đã giải thích được lời giảng bài năm nào của thầy Khánh, khi thầy dùng chữ “bốc hơi” làm tôi thắc mắc mãi. Khu tưởng niệm có tên là Angels and Cupids.

Angels and Cupids

Lời giải thích tại đây nói rằng: các nạn nhân của bom nguyên tử trước khi chết đều cảm thấy rất khát nước vì các phân tử nước trong cơ thể của họ đã bị chất phóng xạ làm “bốc hơi” hết. Người ta đã tìm thấy rất nhiều xác chết nằm dọc theo bờ sông hoặc các vũng nước, trong nhiều tư thế đang uống vì cơ thể đòi hỏi, họ thấy khát kinh khủng nên vội vàng tìm các nguồn nước để uống. Nhưng cái khát chỉ là cảm giác ảo tưởng! Thật ra, vì phóng xạ nguyên tử làm cơ thể con người mất nước quá nhanh, không còn sức sống luân lưu nữa và họ đã chết trong cái khát ảo tưởng như thế.


Khu tưởng niệm này là khu duy nhất có đặt nhiều chai nước và cả các sô nước lớn để khi khách thập phương đến thăm viếng, dùng gáo múc nước, tưới lên tấm mộ bia bằng đá để phía sau, như một hình thức xoa dịu cơn khát của các nạn nhân. Trên đầu khu tưởng niệm còn có cái chuông để khách kéo dây chuông gọi hồn các nạn nhân về, khi mộ được tưới nước. Những hình ảnh và lời giải thích tại khu tưởng niệm này chắc chắn sẽ làm chạnh lòng những người đến thăm viếng và hiểu được phần nào cảm giác trước khi chết của các nạn nhân.


Chúng tôi đi hết một vòng quanh các khu tưởng niệm trước khi ra khu vực rộng rãi ngay trước mặt bức tượng nổi tiếng Nagasaki Peace Statue màu xanh, nơi người Nhật tổ chức các buổi lễ tưởng niệm nạn nhân hàng năm vào ngày 9 tháng 8, ngày tang của Nagasaki khi trái bom nguyên tử thứ hai rơi xuống ngay khu vực công viên Hòa Bình này.


Woman and Dove

Gần như tất cả các khu tưởng niệm ở Nagasaki Peace Park đều mang những hình tượng không rõ nét, hoặc mang tính bi thảm của một biến cố kinh hoàng nhất trong Thế Chiến Thứ Hai. Nhưng có một khu tưởng niệm khác cũng đã làm tôi dừng lại khá lâu, đó là bức tượng mang thật rõ nét bình yên của một thiếu nữ và con chim bồ câu, bức tượng Woman and Dove của Singapore gởi tặng, một bức tượng không lời chú thích, khách thăm viếng sẽ tự tìm ra ý nghĩa của nó, giữa 48 hình tượng sâu sắc đầy xúc động khác. Đó là tượng 1 chú chim bồ câu nghiêng đầu nhìn vào cô gái đang mĩm cười nhìn lại, với một khuôn mặt bình yên và nụ cười tự tin, tràn đầy sức sống mãnh liệt trẻ trung. . . Có lẽ chừng đó cũng đã đủ để ta hiểu được quốc gia Singapore muốn nhắn nhủ gì với dân tộc Nhật Bản khi gởi tặng họ bức tượng này.


Chúng tôi rời khu vực chính của công viên Hòa Bình Nagasaki, quay trở lại hồ nước Fountain of Peace và đi xuống các bậc thang với vườn hoa ở giữa. Tối nay, chúng tôi sẽ ngủ lại ở Nagasaki, để sáng hôm sau lấy xe điện đi về Hiroshima gặp anh chị Nhi/Lan, và 4 người chúng tôi sẽ đi thăm Hiroshima Peace Park, nơi trái bom nguyên tử đầu tiên đã rơi xuống Nhật Bản ngày 6 tháng 8 năm 1945.


Ga Hiroshima

Khi chúng tôi đến nhà ga Hiroshima, chị Lan đã đứng đó chờ với chiếc khăn len quàng cổ màu cờ vàng ba sọc đỏ thật dễ nhận ra. Chị đưa chúng tôi đến phòng đợi, nơi anh Nhi đang chờ mọi người. Sau vài phút thăm hỏi vui vẻ, chúng tôi lên đường ra trạm xe bus đi thẳng đến công viên Hòa Bình Hiroshima.


Rất khác với công viên Hòa Bình Nagasaki nằm trên một đồi cao riêng biệt, công viên Hòa Bình Hiroshima nằm giữa thành phố lớn và sầm uất hơn Nagasaki nhiều. Giòng sông Ota chảy qua thành phố này chia khu vực công viên Hòa Bình và Atomic Dome ra làm hai. Xe bus thả chúng tôi xuống trạm Atomic Dome trước để bước quanh vòng rào bao bọc khu Atomic Dome, một cấu trúc bị bom nguyên tử làm hư hại nặng, nhưng tòa tháp tròn vẫn còn đứng sừng sững với phần mái, giờ chỉ còn là vòm khung sắt trơ trụi.


Một vài khu tưởng niệm được dựng lên cạnh hàng rào bao quanh khu Atomic Dome này. Có những chai nước và vài chậu hoa đã được đặt sẵn để tưởng nhớ các nạn nhân.


Rời khu Atomic Dome, chúng tôi đi bộ qua cây cầu Aioi (Aioi Bridge) để viếng công viên Hòa Bình Hiroshima (Peace Park) nằm bên kia bờ sông Ota, đối diện với khu Atomic Dome. Công viên này có diện tích khá lớn, nên dù ở ngay trung tâm thành phố cũng có yên tĩnh hơn khu Atomic Dome bên kia bờ sông. Ở đây không có nhiều khu tưởng niệm ý nghĩa như công viên Hòa Bình Nagasaki. Các kiến trúc ở đây cũng mang đường nét tân thời hơn và không nhấn mạnh về thảm họa chiến tranh hoặc nạn nhân bom nguyên tử như chúng tôi thấy ở Nagasaki. Chúng tôi thấy lác đác vài xe bus đưa khách Nhật, có lẽ là sinh viên học sinh đến thăm đài tưởng niệm. Họ lần lượt kính cẩn nghiêng mình trước đài tưởng niệm và theo người hướng dẫn đoàn đi quanh khu vực công viên.


Dù có khác nhau về vị trí, khung cảnh và đường nét kiến trúc, cả hai khu công viên Hòa Bình Nagasaki và Hiroshima đều có hai điểm giống nhau là nước và chim hạc xếp bằng giấy:

1. Nước: cả hai công viên đều có thiết kế những hồ nước lớn làm điểm chính của công viên. Điều này như là một biểu tượng dễ hiểu để tưởng nhớ đến các nạn nhân. Những chai nước và chậu nước được khách thăm viếng đem đến đặt rải rác ở các khu tưởng niệm cũng mang ý nghĩa như thế.


2. Chim hạc giấy (Origami Cranes): cả hai công viên đều có nơi đặt các chuỗi dây, kết hàng ngàn con hạc giấy đủ màu lại với nhau, do khách thăm viếng đem đến. Người Nhật tin rằng chim hạc là loài chim quý, sống được cả ngàn năm, nó có thể đáp lại may mắn cho một điều ước (wish) của bất cứ ai, nếu người đó có kiên nhẫn xếp được một ngàn con chim hạc. Tuy nhiên, sự có mặt của các chuỗi chim hạc giấy ở hai công viên Hòa Bình này lại bắt nguồn từ một điều ước đau thương khác, của một cô bé ở Hiroshima, tên Sadaco Sasaki (đài tưởng niệm và hình của cô đính kèm bên dưới).


Khi trái bom nguyên tử nổ ở Hiroshima, cách nhà cô bé Sadaco Sasaki này khoảng 1 dặm (1.6km); lúc ấy cô bé chỉ mới 2 tuổi, bị sức ép của bom nổ thổi bay ra ngoài cửa sổ nhưng cô vẫn sống sót. Gần 10 năm sau mầm ung thư do nhiễm phóng xạ bom nguyên tử mới xuất hiện trong người. Trong khi được điều trị ở bệnh viện, cô bé đã xếp hạc giấy khi nghe cha mình nói là nếu xếp xong một ngàn con hạc giấy thì sẽ được toại nguyện với lời ước; thế nhưng tội nghiệp làm sao, chỉ mới xếp đến con chim hạc thứ 644 thì cô bé qua đời lúc 12 tuổi. Các bạn học cùng lớp đã thay Sadaco làm tiếp chim hạc giấy cho đủ số 1.000 và gởi theo, trong ngày đưa bạn ra nghĩa trang. Câu chuyện của Sasaki truyền ra khắp thế giới, và mọi người xem em là biểu tượng của những nạn nhân bom nguyên tử. Và cũng từ đó, hàng ngàn chim hạc giấy đủ màu sắc đã có mặt hàng năm ở hai công viên Hòa Bình nổi tiếng này.


Chiến tranh từ xưa đến nay bao giờ cũng bi thảm và tàn khốc! Nhưng chiến tranh nguyên tử mới thực sự làm thế giới phải suy nghĩ lại. Chỉ với 2 trái bom nguyên tử trong vòng 3 ngày, từ ngày 6 đến ngày 9 tháng 8 năm 1945, đã có 120 ngàn người bốc hơi chết ngay tức khắc, chưa kể vài chục ngàn người khác đã chết nhiều năm sau đó vì bị nhiễm phóng xạ.
Hậu quả của những gì đã xảy ra ở Nagasaki và Hiroshima có thể sẽ làm thế giới cảnh giác cao về những nguy cơ chiến tranh nguyên tử, nhưng liệu những nhà lãnh đạo độc tài toàn trị, những người chủ trương dùng bạo lực để làm bá chủ thế giới bằng mọi giá, có sẽ dùng một vũ khí khác như vũ khí sinh học hoặc vi trùng chẵng hạn, để vừa giết người hàng loạt vừa làm suy yếu tiềm lực của đối phương về kinh tế và quân sự, hầu tạo cơ hội giành chiến thắng?


Lúc tôi viết đến đây, thế giới đã có hơn 160.000 người chết và hơn 2.300.000 người bị nhiễm vi trùng COVID-19. Gần như tất cả các quốc gia trên thế giới, kể cả Hoa-Kỳ, đều bị suy giảm tiềm lực về kinh tế và cả quân sự. Nếu giả sử xảy ra một cuộc chiến tranh thế giới ngay bây giờ, ai sẽ là người có lợi, nếu không phải là những người cộng sản, những kẻ không còn lương tri và tình người, những kẻ luôn tạo ra sự xáo trộn để lợi dụng thời cơ tiêu diệt đối thủ? Những kẻ này không ngại ngùng hy sinh tánh mạng hàng triệu người dân của chính quốc gia họ để thỏa mãn cái “cứu cánh và phương tiện” bất nhân mà họ muốn. Nhìn vào lịch sử của các quốc gia cộng sản, chúng ta thấy rõ không có điều gì tàn ác nhất, bất lương nhất mà họ không dám làm?
Trong bất cứ cuộc chiến nào, nếu được lựa chọn, không ai muốn mình làm người thua trận. Nhưng nếu giữa chấp nhận thua trận để ngày nay được trở thành một quốc gia giàu mạnh độc lập như Nhật Bản, và vỗ ngực “thắng trận” như cộng sản Việt Nam, để bây giờ trở thành một quốc gia mất chủ quyền, người dân sống trong nỗi lo âu mỗi ngày vì sự đe dọa của giặc Hán, thì có ai trong chúng ta còn mong muốn được làm “Người Thắng Trận” nữa không?


Dân tộc Việt Nam không thiếu người tài. Đất nước Việt Nam với hai mặt biển và đất liền, chắc chắn thuận lợi để phát triển, nhanh hơn là một đảo quốc nằm lẻ loi giữa mặt biển như Nhật Bản, mà thời kỳ vàng son “Hòn Ngọc Viễn Đông” của Miền Nam Việt Nam không cộng sản trước đây đã là bằng chứng. Chính những hạ sách của cộng sản kể từ ngày chúng tự hào “chiến thắng” đã đầu độc, làm thui chột, tàn lụi dần mòn chính nghĩa dân tộc Việt.
Giống như những nạn nhân bom nguyên tử, người dân Việt trong nước có thể ảo tưởng là mình chỉ đang khát nước và chỉ cần tìm được nguồn nước uống là sẽ sống được. Kỳ thật, chất phóng xạ cộng sản đang chậm rãi thấm ngầm và làm bốc hơi tinh thần chống ngoại xâm từ ngàn xưa của dân tộc Việt, cho đến lúc mọi cố gắng có thể trở thành vô ích hoặc quá trễ!
Xin được thắp chung một nén hương cho những đồng bào và chiến sĩ đã bỏ mình vì Tự Do, kể từ ngày 30/4/1975; cho những nạn nhân chiến tranh cộng sản và những nạn nhân của trận đại dịch viêm phổi COVID-19 trên toàn thế giới.

Nguyễn Văn Thành - 20/4/2020

Viết xong trong tháng tư Quốc Hận, giữa mùa đại dịch Vũ-Hán (Corona virus COVID-19).


 
Kính mời Quý Vị nghe bài hát tưởng nhớ đến những thuyền nhân đã bỏ mình trên đường vượt biển:
Hồn Hận Thiên Thu

Kính mời Quý Vị vào thăm trang nhà danchuca.org qua “link” sau đây:
Kính
DanChuCa.org

Hồn Hận Thiên Thu
Nguyễn Văn Thành
 
Xuôi Nam, lại xuôi Nam, như ngày nào em cùng đoàn người
Về phương Nam, phương Nam, khi có giặc về làng.
Phương Nam em đi không có mắt quen chờ trông
và không những tình người em mỏi mong.
 
Nước mắt tuôn giòng, sống chết cam lòng
Buồn này buồn nào hơn non sông.
Sóng đã cao dày, bão đã dâng đầy
Người còn gặp người đi săn người.
 
Lòng em như trối trăn dưới cơn điên mê bạo tàn
Lệ em tuôn chứa chan giữa những tiếng người kêu van
Tình quân ơi thấu chăng nỗi đau riêng em một mình?
Hồn em nay hiển linh sẽ quyết theo người thân chinh.
 
Nghe chăng trong gió hỡi lời thiết tha: “Tình quân ơi!”
Hay chăng trên sóng lấp lọn tóc em xoả rối bời!
Nghe không bao ác thú lời oán than còn thiên thu!

Không có nhận xét nào: