Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 27 tháng 4, 2020

QUÁCH THOẠI - Giữa lòng cuộc đời - Dương Hoàng Mai

quachthoai
(Quách Thoại qua nét vẽ họa sĩ Đinh Cường)
Tôi vẫn nghĩ mỗi quyển sách chứa chất hồn  nó qua từng trang sách. Nhưng chưa bao giờ thấy điều này được chứng thực rõ ràng như chuyện kể về quyển thơ của Quách Thoại. Câu chuyện ly kỳ về số phận quyển thơ Quách Thoại qua lời kể nhà văn Nhã Ca giống như chuyện „kinh dị „ , „liêu trai“ :Quyển thơ Quách Thoại do nhà xuất bản Văn Nghệ in vào ngày 06.06.1963 trong tủ sách của nhà văn Nhã Ca đã bị hốt ra xe chở đi trong chiến dịch „ Bài trừ văn hóa Mỹ Ngụy vào đêm 03.04.1976″.Trên đường dẫn ra xe chở sách , quyển sách đã rớt như chính nó biết chạy trốn lũ người vô tri đang muốn tóm nó quăng vào ngọn lửa hung tàn. Nằm bên lề đường bị xe chở sách cán ngang, nó vẫn ngẩng đầu trỗi dậy để được mang lại vào ngôi nhà thân yêu , sau đó cùng chủ nhân ra khỏi căn nhà bị đuổi <!>.
 Nơi chốn ở mới nó tiếp tục lặng lẽ trốn sau cánh cửa tủ chờ người bạn yêu thơ đến. Nhà văn Mai Thảo trong những ngày trốn lánh công an đã đến ở ẩn trên căn gác xép gia đình nhà văn Nhã Ca và được gặp lại quyển thơ Quách Thoại .

Quyển thơ rớt từ kẹt tủ vào tay người yêu thơ như chính nó biết đi tìm bạn.
Đúng như nhà văn Nhã ca đã bảo „Thơ có hồn thiêng và quyển sách có mắt „.

Sau đó tập thơ Quách Thoại được bay theo gia đình nhà văn Nhã Ca xuất cảnh, để rồi gần 50 năm, sau ngày chào đời, đã được Tủ sách Tiếng Quê Hương tái sinh lại vào năm 2013 , với tựa đề „Quách Thoại- Giữa lòng cuộc đời „ .
Tựa sách đã nói lên tính „bất tử“của thơ Quách Thoại.
Dù nhà thơ Quách Thoại mất khi mới 27 tuổi đời  thi nhân như vẫn sống mãi giữa khu vườn thi ca dân tộc với những bài thơ mang nặng âm hồn. Ít nhất là âm hồn của hàng nghìn người bị đưa ra đấu tố trong „ Cải cách ruộng đất 1954„.
Hồn của những người đã bị đập bằng những nhát cuốc thù hận, bị chôn sống bạo tàn, bị đâm, chém một cách rất thản nhiên.
Qua những bài thơ tả lại tấn bi kịch lớn của dân tộc Việt Nam, con chữ trong thơ Quách Thoại như đang gào thét, kêu la, nhưng vẫn vô âm một cách lạ kỳ ,ma hoặc . Như từng đoạn phim câm với những vong hồn câm nín, tức tưởi đang bật âm thanh cuồng nộ vì bị chôn sống:….
Kìa, nó cử động
Ngo ngoe hai chân trong không
Tôi tưởng còn nghe nó rống
Giữa khoảng ruộng đất im lìm đồng không.
(Phạm Văn Thông-trang 160)

giualongcuocdoi (1)Trước tội ác quá lớn,  người trẻ tuổi Quách Thoại như bàng hoàng sững sốt và phải bật lên lời cảnh giác :
..Mà thưa ông, ông có hiểu những người đó
Là ai không để mà tính liệu
Vì đến lượt ông rồi ông cũng sẽ bị chúng nó thủ tiêu..
(Người em gái-trang157)

Không chỉ lên tiếng cảnh báo, tâm hồn Quách Thoại tràn đầy nhiệt huyết tuổi trẻ khi nghĩ về tự do, dân chủ, về tương lai đất nước:
…….
Ta nhìn lên trời tự do hiển hiện
Đường tương lai gió thổi lá cờ bay
Ôi lá cờ dân chủ mến thương thay
Qua thế kỷ lầm than giờ mới thấy
……
(Cờ Dân Chủ, tr.188)

Quách Thoại chỉ cần có những bài thơ hiện thực như trên cũng đã đủ gây ấn tượng khó quên về ông. Nhưng thơ Quách Thoại không chỉ mang tính hiện thực và ấn tượng.Toàn bộ tập thơ ông bao trùm màu sắc hiện sinh, rồi vượt qua luôn giới hạn hiện sinh để đi vào miền siêu thực huyền ảo. Giống cuộc đời ông,  thơ Quách Thoại  chứa chấp mối mâu thuẫn phức tạp giữa bầu nhiệt huyết yêu người yêu đời và cái nhìn u tối, xa lánh nhân gian. Ông yêu cuộc sống nhưng lại chính tự hủy diệt đời mình. Như con thiêu thân tự bay vào lửa với nguồn bám víu cuối cùng là thi ca. Phải chăng khi tâm hồn đã thăng hoa siêu thoát, đã muốn bay tận lên chốn cao, xa hẳn thế gian  cần phải bỏ lại thân xác tầm thường .

Nhắc về cái chết của Quách Thoại, thi sĩ Thanh Tâm Tuyền người viết tặng Quách Thoại câu
Người thi sĩ bay vào miền đất lạ“ đã bảo„..

Cái chết của Thoại không những chỉ làm đau đớn bằng hữu của chàng là chúng tôi
mà còn là một cái tang lớn cho văn học trong mười năm trở lại đây“:

Một mất mát lớn vì nguồn Sáng Tạo ngùn ngụt chưa trổ hoa trọn vẹn .
Lời cáo chung Quách Thoại viết tặng bạn thi văn nói lên nỗi khát khao Sáng tạo luôn trăn trở trong tâm hồn người nghệ sĩ:
Lỡ một mai tôi chết trần truồng không cơm áo
Thì hồn tôi xin phảng phất chốn trăng sao
Ðể nhìn các anh như vừa gặp buổi hôm nào
Và trong câu chuyện tôi sẽ cười nhắc bảo:
Còn sáng tạo ta hãy còn sáng tạo
( Sáng Tạo)

Đọc tập thơ Quách Thoại cùng chi tiết cuộc đời ông, chúng ta phải liên tưởng ngay đến Hàn Mạc Tử, Bích Khê, Rimbaud…
Những chàng thi sĩ trẻ tài hoa mệnh yểu, những người như đã biết trước mình phải sớm từ giã cõi đời,  ráo riết đi đến tận cùng chốn thi ca, đến miền ảo diệu.
Nơi đó ánh trăng muôn thưở chiếu sáng, ngàn hoa đưa hương ngọt ngào rạo rực:
Mà đêm nay ta khóc một đêm trường
Rồi bay lạc trong hồn thơ mộng ảo
Và say sưa ta chèo thuyền lảo đảo
Trôi phiêu lưu trên sóng bạc giòng trăng
(Hương Trăng -Khởi Hành số 60, tháng 10.2001)

Như Hàn Mạc Tử, Quách Thoại tắm hồn trong nguồn trăng tình tự cùng với  nỗi cô đơn đến sầu não:
Ta thức một đêm trắng
Tỏ tình với trăng hoa
Ta chết nằm liêu vắng
Không bóng người đi qua.
(Liêu Vắng -Khởi Hành số 80, tháng 6.2003)

Giai nhân trong thơ Quách Thoại cũng tỏa rạng ngời ánh châu đê mê như Tố nữ của Bích Khê :
em tỉ mỉ đẹp ngời nơi ba ngấn
thân hình em uốn khúc quá yêu quen
cả người em ướm lửa chất thơm men
trên ngực đồi vú sen còn kín búp
hương trinh tiết vẫn còn nguyên ẩn núp
trên làn da và trong tận hồn xuân..
… (Em -trang 99)

Điểm khiến thơ Quách Thoại lung linh ngời sáng ánh trăng, thơm hương ảo diệu loài hoa lạ quý là  do chúng chứa những tư tưởng nhiệm mầu của tâm hồn đã ngộ,  như đã đến chốn Niết Bàn …
Lòng hữu hạn ước mơ thương đời vô hạn
Tối trần gian khát vô cùng ánh sáng
Trăng đã về mầu nhiệm chiếu không gian
Chuông vừa ngân thổn thức nhạc Niết Bàn…
(Ta Úp Mặt)

Hay  đang bay cao lên tận cõi Thiên Đường để cúi xuống nhìn thấy hạ giới thật tối tăm:
Loài người nay trần truồng không Thượng Đế
Dắt nhau đi trong tiến bộ diệu kỳ
Ngày tàn rồi bóng tối đến lâm ly
Đêm u khổ vào cuộc đời tội lỗi
Đêm đã đến chiều nhân gian hấp hối
Ánh sáng ơi! khao khát đến vô cùng.
(Giữa Lòng Cuộc Đời)
ARENA

Với mắt nhìn xuyên suốt như được mở con mắt thứ ba, tai nghe muôn loài vạn vật thầm thì, thi sĩ  hóa thân  thiền sư như nhiên :
Ðứng im ngoài hàng dậu
Em mỉm nụ nhiệm mầu
Lặng nhìn em kinh ngạc
Vừa thoáng nghe em hát
Lời ca em thiên thâu

Ta sụp lạy cúi đầu.
…(Thược dược- trang 64)

Có thể nói gương mặt rất trẻ Quách Thoại là biểu tượng lớn của đỉnh cao nền thi ca Việt Nam từ thưở 1950 cho đến tận hôm nay ,
những  bước chân in dấu ấn trừu tượng thời thượng:

Tôi đã đi trên những buổi chiều
những buổi chiều của quá khứ
rất cô liêu
và mưa gió rất nhiều
trên những buổi chiều Việtnam …

(Những Buổi Chiều Việt Nam, tr.148-153)
Quách Thoại không chỉ bước chân qua những buổi chiều Việt Nam, ông đã bước chân thật sâu vào Cõi thơ Việt Nam, tô đậm thêm chất Việt Nam cho dòng Thơ ca dân tộc, đồng thời tiến đến đỉnh cao nền thi ca hiện đại thế giới. Điều này đã khẳng định chổ đứng người thi sĩ trẻ. Ông như chết trần truồng trong đời thường nhưng lại được bao bọc mãi giữa lòng Thi ca dân tộc với những vần thơ bất tử.
Dương Hoàng Mai
Munich
07.11.2013
quachthoai-hue
Tiểu Sử nhà thơ Quách Thoại:
Nhà thơ Quách Thoại tên thật là Đoàn Thoại, sinh năm 1929 tại Huế, ông là em ruột nhà văn Lý Hoàng Phong. Năm 14 tuổi đã đọc thơ và say mê Tagore. Năm 1948 (19tuổi) ông vào Sài Gòn cộng tác với các báo Đoàn Kết, Làm Dân. Năm 1949 – 1950, làm Tổng thư ký tuần báo Nguồn Sống. Năm 1955, ông viết cho các báo Việt Chính, Người Việt và Sáng Tạo. Thơ của ông thường đăng rải rác trên các báo. Quách Thoại say mê thi ca, tính tình phóng khoáng, sống mãnh liệt, nghiện thuốc phiện. Ông bị bệnh lao, phải vào nhà thương Hồng Bàng, không người chăm sóc. Ngày 7 tháng 11 năm 1957, ông mất trong hoàn cảnh cô đơn.
Tác phẩm
– Giữa lòng cuộc đời (1963)
– Những bài thơ tình đầu tiên (chưa xuất bản)
– Cờ dân chủ (chưa xuất bản)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét