Ông Trump cho rằng tin Kim Jong Un bị bệnh là không chính xác- Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump cho biết trong một cuộc họp báo tại Nhà Trắng hôm thứ Năm (23/4) rằng, ông “nghĩ những báo cáo đó là không chính xác”, theo Reuters ngày 24/4.“Chúng tôi có một mối quan hệ tốt với Triều Tiên, tôi có một mối quan hệ tốt với Kim Jong Un và tôi hy vọng cậu ấy ổn”, ông Trump nói.Tờ Daily NK, trụ sở ở Seoul, hôm 20/4 dẫn nguồn tin giấu tên báo cáo rằng Kim Jong Un đã hồi phục sau khi trải qua một thủ thuật tim mạch vào ngày 12/4.<!>
Mỹ chỉ trích Trung Quốc tại hội nghị ASEAN
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 23/4 nói với các đối tác Đông Nam Á là Trung Quốc lợi dụng việc thế giới đang bận rộn với đại dịch virus corona để đẩy mạnh những tham vọng lãnh thổ tại Biển Đông.
“Bắc Kinh đã lợi dụng việc các nước đang chú trọng đến đại dịch để đơn phương loan báo thành lập những quận mới tại các quần đảo và các khu vực trên biển, đánh chìm một tàu đánh cá Việt Nam trước đây trong tháng, và lập những “trạm nghiên cứu” trên Đá Chữ Thập và Đá Subi”, VOA Việt ngữ ngày 24/4 dẫn lời ông Pompeo.
Nhà ngoại giao hàng đầu Mỹ đưa ra cáo buộc này trong một hội nghị qua video với các Bộ trưởng Ngoại giao 10 nước thành viên Hiệp hội Đông Nam Á.
Tàu chiến Mỹ đi qua eo biển Đài Loan lần hai trong một tháng
Một tàu chiến Mỹ đã đi qua eo biển Đài Loan lần thứ hai trong một tháng, quân đội Đài Loan và Mỹ cho biết trong hôm thứ Sáu, theo Reuters ngày 23/4. Hoạt động này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Đài Loan và Trung Quốc gia tăng sau khi một tàu sân bay Trung Quốc mới đây đã đi gần hòn đảo.
Trung Quốc xây sân vận động bóng đá mới
Hãng tin AFP cho biết, đội bóng mạnh nhất Trung Quốc Guangzhou Evergrande (Quảng Châu Hằng Đại), đã khởi công xây dựng sân vận động mới của họ, với nguồn kinh phí lên tới 12 tỷ nhân dân tệ (1,7 tỷ USD). Sân vận động với sức chứa 100.000 người. Việc xây dựng diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc vừa nới lỏng các biện pháp siết chặt xã hội từ đại dịch Covid-19.
Ấn Độ: Xu hướng tử vong vì Covid-19 giảm ‘bí ẩn’
Virus corona đã lây nhiễm cho hơn 2,7 triệu người trên toàn cầu, gần 190.000 ca tử vong. Nhưng trong những tuần gần đây, số ca tử vong vì Covid-19 có xu hướng tăng mạnh ở một số quốc gia, thì ở Ấn Độ dường như đang xảy ra điều ngược lại.
Thủ phủ Mumbai, nơi khoảng 12 triệu dân sinh sống, chứng kiến số ca tử vong giảm khoảng 21% trong tháng 3 so với cùng tháng trong năm 2019, theo dữ liệu của thành phố. Số người chết giảm mạnh 67% ở Ahmedabad, thành phố lớn nhất bang Gujarat. Một số doanh nghiệp tang lễ và nhà hỏa táng báo cáo doanh thu sụt giảm từ loại hình kinh doanh này, đặc biệt là vào tháng Tư.
“Điều đó khiến chúng tôi rất ngạc nhiên”, Reuters dẫn lời Shruthi Reddy, giám đốc điều hành công ty dịch vụ tang lễ Anthyesti Funeral cho biết.
Trung Quốc bị cả thế giới quay lưng vì xuất khẩu sản phẩm y tế kém chất lượng
Chính quyền Trung Quốc gần đây đẩy mạnh chiến dịch “ngoại giao khẩu trang”, xuất khẩu lượng lớn vật tư y tế sang nhiều nước khác nhằm “nâng cao hình ảnh trên trường quốc tế”. Nhưng “gậy ông đập lưng ông”, điều này trái lại lại trở thành một trò hề khiến xã hội quốc tế quay lưng.
Hôm thứ Năm (23/4), nhiều kênh truyền thông đưa tin rằng Tây Ban Nha đã mua 640.000 bộ dụng bộ xét nghiệm nhanh từ công ty Sinh học Dịch Thụy, Thâm Quyến (gọi tắt là công ty Dịch Thụy), kết quả 58.000 bộ xét nghiệm được giao vào cuối tháng trước bị lỗi. Bất ngờ hơn là các bộ xét nghiệm được chuyển đến trong tháng Tư này vẫn không cho kết quả xét nghiệm chính xác. Tây Ban Nha đành phải hủy đơn đặt hàng và yêu cầu hoàn lại tiền.
Cùng ngày, chính phủ Canada tuyên bố, khoảng 1 triệu khẩu trang KN95 (đây là phân loại khẩu trang Trung Quốc khác với khẩu trang N95 của phương Tây) được mua từ các công ty Trung Quốc không đáp ứng đủ các tiêu chuẩn mà Bộ y tế đưa ra, nên chúng sẽ không được phân phối cho các tỉnh hoặc thành phố.
Trong khi các quốc gia bị đại dịch viêm phổi Vũ Hán tấn công, cần gấp bộ xét nghiệm và thiết bị bảo hộ cá nhân (PPE), thì việc sử dụng các sản phẩm Trung Quốc kém chất lượng không chỉ nguy hiểm đến tính mạng, mà còn ảnh hưởng công tác phòng chống dịch bệnh và tiến độ tranh thủ thời gian trong việc cứu người.
Tệ hại hơn nữa, cùng lúc chính quyền Trung Quốc thúc đẩy xuất khẩu các thiết bị bảo hộ cá nhân và bộ xét nghiệm ra thế giới, các công ty Trung Quốc đã “đục nước béo cò”, tăng giá những mặt hàng này và yêu cầu phải trả tiền trước khi giao hàng, do đó thu được lợi nhuận đáng kể.
Ngoài ra, khi các quốc gia phàn nàn về chất lượng kém của các sản phẩm được mua từ Trung Quốc, chính quyền Trung Quốc đã không xem xét cải thiện chất lượng sản phẩm, thay vào đó đổ lỗi cho người dùng sử dụng không đúng cách.
Ngoài Tây Ban Nha và Canada, trước đó, ngày 21/3, Bộ Y tế Hà Lan cho biết trong một tuyên bố, họ phải thu hồi hàng chục nghìn chiếc khẩu trang đã được phân phối cho các bệnh viện vì chúng không đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn chất lượng.
Ngày 8/4, chính phủ Phần Lan tuyên bố, 2 triệu khẩu trang y tế được mua từ Bắc Kinh không đạt tiêu chuẩn và không thể sử dụng trong các bệnh viện. Ông Tomi Lounema, người đứng đầu Cơ quan Cung ứng Khẩn cấp Quốc gia (NESA), chia sẻ trong một cuộc họp báo rằng, thị trường khẩu trang Trung Quốc “vô cùng hỗn loạn, giá cả không ngừng tăng lên, việc mua hàng cần phải chốt sớm và trả tiền trước, rủi ro thương mại rất cao”.
Hai ngày sau, ông Tomi Lounema thừa nhận đã chi 10 triệu Euro để mua số vật tư y tế đó, kết quả nếu không phải bệnh viện không sử dụng được thì chính là hợp đồng đã ký mà bên kia không thực hiện đúng như thỏa thuận. Ông Lonema cuối cùng đã phải từ chức.
Tháng trước, Cộng hòa Séc cũng tuyên bố rằng ít nhất 80% trong số 150.000 bộ xét nghiệm virus nhanh được mua từ Trung Quốc không sử dụng được và độ chính xác không cao như các dụng cụ xét nghiệm khác. Cộng hòa Séc đã buộc phải tiếp tục sử dụng các dụng cụ xét nghiệm thông thường khác.
Trong tháng này, các phương tiện truyền thông xã hội đã lan truyền một đoạn video về một công nhân làm việc trong nhà máy sản xuất khẩu trang Trung Quốc đã lau giày bằng khẩu trang. Các quan chức biên giới Úc đã thu giữ khoảng 800.000 chiếc khẩu trang bị lỗi được mua từ Bắc Kinh, trị giá 7,6 triệu USD. Một bộ trưởng cao cấp của chính phủ nước này đã nói rằng, hành vi tăng giá của các công ty Trung Quốc chẳng khác chi “tống tiền”.
Các nhà khoa học ở Slovakia, Thổ Nhĩ Kỳ và vương quốc Anh đã phàn nàn rằng bộ dụng cụ phát hiện virus được mua từ các công ty Trung Quốc không sử dụng được, khiến tổn thất hàng triệu đô la.
Quốc gia Georgia đã hủy đơn đặt hàng mua bộ xét nghiệm từ công ty Dịch Thụy, trong khi Malaysia chuyển sang đặt mua hàng của một công ty Hàn Quốc.
Hoa Kỳ cũng xuất hiện tình huống tương tự. Thống đốc bang Illinois J.B. Pritzker đã bỏ ra 17 triệu đô la để đặt mua khẩu trang KN95 từ các công ty Trung Quốc.
Vào giữa tháng 4, vì khẩu trang không đạt tiêu chuẩn, bang Missouri đã thu hồi từ các nhân viên cấp cứu khoảng 48.000 khẩu trang KN95 do Trung Quốc sản xuất.
Hành động của bang Missouri đã khiến các quan chức của Bộ Y tế Công cộng bang Illinois (IDPH) đưa ra cảnh báo rằng khẩu trang do Trung Quốc sản xuất không đáp ứng đủ các tiêu chuẩn. Khuyến cáo rằng chỉ sử dụng chúng trong trường hợp bất đắc dĩ và nhân viên y tế vẫn nên sử dụng khẩu trang N95.
Thủ tướng Nhật Bản muốn rút các công ty khỏi Trung Quốc?
Trong khi dịch bệnh đang hoành hành trên thế giới, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã đề xuất các biện pháp nhằm xây dựng nền kinh tế ít phụ thuộc hơn vào Trung Quốc.
Lời kêu gọi của ông Abe đã dẫn đến cuộc tranh luận sôi nổi trong giới chính trị ở Trung Quốc. Một nguồn tin trong lĩnh vực kinh tế ở Trung Quốc cho biết, Bắc Kinh đang có những lo ngại nghiêm trọng về việc các công ty nước ngoài rời khỏi Trung Quốc.
Nếu đại dịch viêm phổi Vũ Hán không xảy ra, ông Tập Cận Bình sẽ có chuyến thăm Nhật Bản đầu tiên và kết thúc bằng việc ông Tập tự hào tuyên bố “kỷ nguyên mới” trong quan hệ Trung – Nhật. Tuy nhiên, mối quan hệ Trung – Nhật giờ đang đứng giữa ngã tư đường khi chuyến đi của ông Tập bị hoãn lại.
Có thể nhìn thấy những tín hiệu sớm nhất về chính sách mới của ông Abe từ ngày 5/3. Cụ thể, trong cuộc họp Hội đồng về Đầu tư cho tương lai, ông Abe cho biết, ông muốn các cơ sở sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng cao sẽ trở về Nhật Bản. Một cách tình cờ, ngày 5/3 cũng là ngày công bố hoãn chuyến thăm Nhật của ông Tập.
“Do virus corona, sản phẩm sản xuất tại Trung Quốc đến Nhật Bản ít hơn”, ông Abe nói trong cuộc họp. “Mọi người đang lo lắng về chuỗi cung ứng của chúng ta”.
“Chúng ta nên cố gắng di dời các mặt hàng có nhiều giá trị gia tăng trở về Nhật Bản”, ông cho biết. “Và đối với những mặt hàng khác, chúng ta nên đa dạng hóa sản xuất tại nhiều quốc gia như các nước ASEAN”.
Ngày 7/4, chính phủ Nhật Bản đã thông qua gói kích thích kinh tế khẩn cấp nhằm kêu gọi tái lập chuỗi cung ứng đã bị tấn công bởi dịch bệnh. Chính phủ dành khoảng 2,2 tỷ USD trong kế hoạch ngân sách bổ sung cho năm tài khóa 2020 để hỗ trợ các công ty Nhật chuyển nhà máy về nước hoặc chuyển đến các nước Đông Nam Á nhằm đa dạng hóa sản xuất.
Ngoài ra, tại Hoa Kỳ, đã có những cuộc họp bàn đến sự phụ thuộc về chuỗi cung ứng của Mỹ vào Trung Quốc.
Nếu cả Hoa Kỳ và Nhật Bản, nền kinh tế lớn nhất và lớn thứ ba thế giới, đều rời khỏi Trung Quốc, việc này sẽ tạo ra tác động rất lớn đến nền kinh tế nước này.
Năm Canh Tý 2020 sẽ như thế nào đối với Trung Quốc?
Hiện tại, đang có một chủ đề được thảo luận sôi nổi trong giới trí thức Trung Quốc, đó là, dựa theo biểu đồ chiêm tinh học của nước này, năm Canh Tý 2020 là năm chuột vàng, 60 năm mới có một lần. Tuy nhiên, năm Canh Tý thường được cho là năm mà Trung Quốc xảy ra các biến động lịch sử lớn.
Ví như, vào năm 1840, dưới triều đại nhà Thanh, chiến tranh nha phiến nổ ra đã dẫn đến sự đình trệ của Trung Quốc kéo dài hơn một thế kỷ.
Sáu mươi năm sau, vào năm 1900, đến cuối triều đại nhà Thanh, một liên minh 8 quốc gia gồm Anh, Mỹ, Đức, Pháp, Ý, Nga, Nhật Bản, Áo – Hungary đã bao vây, chiếm đóng Bắc Kinh, được gọi là năm Quốc nạn Canh Tý.
Tiếp theo, vào năm 1960, xảy ra nạn đói do cuộc cách mạng Đại nhảy vọt gây ra. Yang Jisheng, cựu nhà báo của Tân Hoa Xã đã tiết lộ rằng, có tới 36 triệu người đã chết vì nạn đói này, vượt xa con số mà chính phủ Trung Quốc công bố.
Hiện tại, với năm 2020, mặc dù Trung Quốc đã đi qua đỉnh của dịch bệnh, nhưng nhóm chuyên gia lâm sàng nghiên cứu về virus Vũ Hán của nước này cảnh báo đợt bùng phát thứ hai có thể xảy ra vào tháng 11 hoặc muộn hơn. Nhà dịch tễ học hàng đầu Trung Quốc, ông Chung Nam Sơn cho biết, chủng virus corona mới đã đột biến và tỷ lệ tử vong do virus này gây ra có thể đạt đến mức cao hơn 20 lần so với bệnh cúm thông thường.
Trong quá khứ, đại dịch cúm Tây Ban Nha những năm 1918-1920 cho thấy, làn sóng lây nhiễm thứ hai nghiêm trọng hơn lần đầu. Hồi đó, ước tính 1/3 dân số trên trái đất với khoảng 500 triệu người đã bị nhiễm bệnh và 50 triệu người tử vong.
Virus Vũ Hán xuất hiện ở Trung Quốc vào cuối năm 2019 và sau đó lan rộng ra toàn cầu. Cuộc đàn áp những người đã cố gắng cảnh báo cho công chúng về mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh và việc trì hoãn những phản ứng ban đầu của Trung Quốc đã khiến cộng đồng quốc tế nổi giận.
Ngoài ra, Tổng thống Trump đã gọi virus corona chủng mới là “virus Trung Quốc” và yêu cầu Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về hậu quả của dịch bệnh. Nếu các công ty lớn của nước ngoài rút khỏi Trung Quốc, bao gồm các công ty của Nhật Bản, đó sẽ là “đòn chí mạng” đánh vào kinh tế của quốc gia này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét