Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 25 tháng 4, 2020

Họa sĩ Ann Phong nói về ký ức 45 năm và dự án hướng về thế hệ trẻ - Tina Hà Giang

1
(Hoạ sĩ Ann Phong trong phòng vẽ)
 ”Nhớ lại cái thời tháng Tư năm 75, lúc đó tôi mới 17 tuổi. Cái tuổi đó dễ nhớ lắm, tại vì đó là tuổi cặp bồ mà tôi không kiếm ra anh nào để cặp hết á, tại mấy ảnh đi lính hết rồi.””Thời gian đó, chính tôi thấy, học thời trung học, tôi thấy mấy anh học cao hơn mình một hai lớp mấy ảnh từ từ mất hết không còn thấy trong lớp nữa, mà chỉ thấy con gái với mấy anh trẻ hơn thì nhiều…” Họa sĩ Ann Phong, người Mỹ gốc Việt định cư ở California, kể lại. Ngày 30/4/1975 chiến tranh Việt Nam chấm dứt. Quốc gia và chính thể có tên Việt Nam Cộng Hòa thôi hiện hữu. Chủ nghĩa cộng sản thống trị đất nước. Màu cờ sắc áo của miền Nam biến mất trên quê hương, mang ra khỏi Việt Nam nền dân chủ còn non yếu. Đã 45 năm. Thời gian tưởng đủ dài để xóa nhòa k‎ý ức của biến cố đổi đời ấy.
<!>
Thế nhưng với họa sĩ Ann Phong, chỉ cần một gợi nhớ, là kỷ niệm, theo thời gian đã lẩn sâu vào tiềm thức lại ồ ạt kéo về.
 2
Ann Phong, Tuổi thơ, 1994
 3
Ann Phong, Chiếc thuyền tang, 1995
 Những ngày tháng Tư
Tiếp xúc với phóng viên BBC News Tiếng Việt qua Zoom hôm 18/4/2020, người họa sĩ thành danh trong giới nghệ thuật Mỹ, nhưng rất gắn bó với cộng đồng Việt, cho biết bà thỉnh thoảng vẫn bị ám ảnh về cái màu đỏ cam của lửa, trong những ngày cuối của cuộc chiến.
”Thời gian đó, đi học vẫn đi học, nhưng mà trước 30/4 thì tụi mình bị giới nghiêm một thời gian không ai được ra đường. Buổi tối thì tối nào cũng thấy hỏa châu nổ hết, sáng cả bầu trời nguyên một cái tháng Tư. Tới gần 30/4 thì thấy phi trường Tân Sơn Nhất bị nổ, thấy lửa cháy, ban đêm vẫn còn cháy. Nhà tôi ở quận 11 của Sài Gòn, nên không thấy phi trường, nhưng vẫn nghe được tiếng rung, thấy được lửa, ánh sáng của lửa từ xa tới vẫn thấy được.”
”Hỏa châu với lửa, cái màu cam nó quyện trong màu đỏ có cái gì hấp dẫn mà hơi rùng rợn, thê thảm, cho nên tôi không quên được có lẽ là như vậy.” Họa sĩ Ann Phong tâm sự.
”Sau 30/4 thì bắt đầu thấy đường phố mở ra hết. Ai cũng nhào ra đường để mà tìm coi một cái gì đó. Gia đình tôi lúc đó ba tôi có nghĩ tới việc đi. Nhưng mà ba tôi đi một mình ra tới bến Bạch Đằng, xong rồi thấy ổng trở về, ông nói ‘đông quá, không đi nổi, mà mình lại đông con mà đi như vậy thế nào cũng mất mấy đứa, thế nào cũng chết tụi nó’ nên ba không chịu đi. Mà mẹ thì nghe lời ba thành ra tất cả ở nhà chịu trận hết là như vậy.”
Sau cái ngày định mệnh đó, bà Ann Phong cho biết, cảm xúc con người họa sĩ của bà bắt đầu hoạt động mạnh. Bà kể:
”Tôi không nhớ chữ nhiều, nhưng hình ảnh thì nhớ nhiều, và cái đó làm cho tôi vẽ rất dễ. Hình ảnh mà vẫn tôi nhớ là nét sợ hãi, hãi hùng trên khuôn mặt của mỗi người dân nó đều hiện ra sau 30/4. Không ai dám nói nhiều, vì nói nhiều thì bị ghi vào lý lịch cho nên không ai dám nói, nhưng mà khuôn mặt lúc nào cũng sợ nó hiện ra..”
 7
Ann Phong, Một lời dặn dò, 2008
 Tìm đường vượt biên
Không đi được thì thôi mình ở lại, bà Ann Phong cho BBC biết đã tự nhủ, và khuyên mình cố gắng học xong ngành mỹ thuật để theo đuổi giấc mơ làm họa sĩ đã có từ bé.
Nhưng đó là dự định bà nhanh chóng thấy không thể thực hiện ở Việt Nam.
”Từ năm 77 tới năm 81 tôi thấy nhiều, hiểu nhiều và nó làm tôi lớn một cách nhanh chóng. Tôi nghĩ là mình vô tội, mình sống trong một đất nước bắt đầu mở ra thì mình sẽ ok, nhưng mà nó không ok. Năm 78, 79 tôi bắt đầu thấy người ta nằm ngoài đường vì đánh tư sản mại bản, người ta bị đuổi ra khỏi nhà rất nhiều.”
”Lý thuyết của cộng sản nó chỉ là lý thuyết, khi mình chỉ đọc lý thuyết thì ai đọc lý thuyết cũng thấy nó rất là hay. Nhưng tôi đụng trúng bức tường không có cửa năm 77 khi tôi thi vào Cao đẳng Mỹ thuật không đậu, rồi năm 78, tôi thi vào Cao đẳng Mỹ thuật lần thứ hai cũng không đậu luôn.”
L‎ý giải việc mình không thể học ngành mình muốn, bà Ann Phong nói:
”Lý lịch gia đình tôi thì không đến nỗi xấu, nhưng tôi thi rớt hai lần vì không phải là con gia đình cách mạng, không được ưu tiên gì hết. Nghĩ lại thì tôi hiểu cái điều đó. Vì hội họa có thể là một ngành để tuyên truyền, bên Mỹ gọi là propaganda, tức là nếu mình không đứng bên phe họ, thì cũng khó mà vô. Lúc đó người miền Bắc họ vào Nam rất là đông…”
”Thi rớt, cả năm đó không biết làm gì, tôi cứ đạp xe đi vòng vòng trong cái thành phố đã bị đổi tên rồi, thấy người ta nằm ở dưới đất, nằm rất nhiều ở ngoài đường, nằm trên bãi cỏ dưới những bóng cây lớn ở bùng binh Sài Gòn.”
Không vào được trường mình muốn, bà Ann Phong chuyển hướng, thi vào trường Đại học Sư phạm. Và cánh cửa trường Sư phạm đã mở, mở luôn cho bà cơ hội vượt biên.
”Lý do tôi thi đậu trường Sư phạm về sau tôi mới biết là tại vì thày cô đi cải tạo hết rồi, không đủ thày cô để dạy. Cũng nhờ tôi đi dạy như vậy mà tôi được học trò thương. Tại vì tôi trẻ, mà tôi không nói gì về Hồ Chí Minh hết, tôi nói về nghệ thuật cho mấy em nghe. Tôi dụ mỗi em vẽ mỗi ngày vẽ một tiếng, vẽ xong thì tôi kể chuyện cho mấy em nghe, những chuyện về Nhà thờ Đức Bà, những chuyện các em không biết. Các em thương tôi vì chỉ có tôi nói cho các em nghe những chuyện hay mà mấy em không biết. Năm 81 có một em học sinh dẫn tôi đi vượt biên, thế là tôi đi với em.”
Bà Ann Phong người học trò được đưa từ Sài Gòn xuống Bạc Liêu, hai người do hai người khác nhau dẫn đi. Đến nơi, bà mới biết là học trò đã bị bắt, thế là bà vượt biên, một mình.
Bà sống ở trại tị nạn Pula Bidong khoảng 6 tháng, qua trại tị nạn Palawan, Phi Luật Tân sống thêm 6 tháng nữa và năm 1982 được vào Mỹ.
 4
Ann Phong tại trại tị nạn Palawan năm 1982, trước khi đến Mỹ định cư
 Đến với hội họa
Như nhiều người khác mới đến Mỹ, việc đầu tiên bà Ann Phong phải làm là học tiếng Anh và kiếm sống và phải tạm gạt hội họa qua một bên.
Cứ lăn lộn với cuộc sống như vậy một thời gian, hội họa ngày càng xa tầm tay với, cho đến khi bà gặp một tai nạn xe hơi nặng phải vào bệnh viện, và tại đây có thì giờ suy gẫm về cuộc đời.
Tôi đi vượt biên để làm gì? Có phải vì tiền không? Hay vì giấc mơ làm họa sĩ không thực hiện được ở Việt Nam? Nếu kỳ này tôi chết thì có phải là chết mà vẫn không đạt được giấc mơ, không được làm gì mình muốn không? Bà Ann Phong tự vấn.
Thế là ra khỏi bệnh viện bà bỏ hết, bỏ trường đại học, bỏ luôn ngành làm răng kiếm được khá tiền, chuyển trường qua Cal Poly Pomona học ngành mỹ thuật. Năm 1992, khi tốt nghiệp ngành mỹ thuật, bà là học sinh xuất sắc toàn trường, dù nói tiếng Anh vẫn chưa giỏi.
 5
Ann Phong, Chợ đêm, 2008
 Được hỏi về tâm trạng sau 45 nhìn lại, họa sĩ Ann Phong cho biết sống ở Mỹ bà được những điều mà nếu ở Việt Nam bà sẽ không có. Đó là quyền làm người, quyền phụ nữ, quyền được theo đuổi những gì mình muốn.
Muốn được như vậy bà đã phải cố gắng học tiếng Anh, cố gắng hết sức để hòa nhập với xã hội Mỹ. Nhưng hòa nhập tốt cũng có cái giá của nó.
”Có lúc tôi bị khủng hoảng bản sắc (identity crisis), không biết mình là người Việt hay người Mỹ. Sống ở Mỹ lâu, tôi nói như người Mỹ, suy nghĩ như người Mỹ. Nhiều khi tôi nhìn những phản ứng trái ngược những sự mâu thuẫn của người mình trong cộng đồng mà lúng túng, không biết lý giải ra sao.”
”Tôi được xem là một họa sĩ Mỹ, tranh tôi được nhiều người Mỹ đón nhận, nhưng nói gì đi nữa tôi cũng vẫn là một người Việt Nam. Tôi đi triển lãm khắp nơi, ở Đại Hàn, Nhật Bản, Thái Lan, Pháp, Đức, người ta nhìn thấy tôi da vàng, tóc đen, họ hỏi tôi từ đâu tới. Tôi nói tôi từ Mỹ tới, nhưng người ta vẫn hỏi, bà từ đâu tới trước khi tới Mỹ, cho nên cái gốc Việt Nam là điều mình không thể chối bỏ, là điều lúc nào mình cũng mang trên người.”
Tình trạng khủng hoảng bản sắc của bà kéo dài đến năm 1993.
 8
Ann Phong, Người ta hỏi tôi từ đâu đến, 2019
 ‘Tôi là một thuyền nhân’
Bà Ann Phong cho biết đã tìm được bản sắc của mình năm 1993, khi thi vào cao học mỹ thuật, bà quyết định nghiên cứu để hiểu thêm về mình và tìm ra chủ đề muốn vẽ.
”Tôi vào trường đại học Cal State Fullerton để nghiên cứu thì bị sốc vì nói chung những người ký giả ngoại quốc lúc đó họ chụp hình những người vượt biên, còn gọi là thuyền nhân. Và hình ảnh họ chụp toàn là những hình ảnh tang tóc, nhem nhuốc, những hình ảnh chết đói, và họ đăng những tấm hình đó lên báo chí Mỹ. Vì thế những người Mỹ chưa bao giờ biết người Việt Nam khi thấy những hình ảnh đó thì trong đầu họ không có nhiều ấn tượng tốt đẹp lắm về người Việt ngoài những hình ảnh xác xơ.”
”Tôi cũng tìm hiểu về người Việt Nam, về văn hóa của người Việt Nam trong sách của người Việt Nam lúc đó, thì tôi toàn thấy sách của miền Bắc Việt Nam. hình ảnh người đàn bà trong sách của miền Bắc lúc nào trông cũng bự con lắm, để cầm súng mà, thì cách vẽ của họ là như vậy. Tôi nói đàn bà Việt Nam đâu có phải chỉ đi vác súng như vậy, thành ra tôi muốn vẽ những gì chưa có. Và lúc đó tôi vẽ tranh về thuyền nhân rất nhiều.”
Trả lời câu hỏi tại sao lại chọn đề tài thuyền nhân, bà Ann Phong giải thích đã chọn đề tài này sau khi trăn trở với câu hỏi tại sao mình vẽ.
”Không phải những gì mình vẽ quan trọng, mà tại sao mình vẽ mới là điều quan trọng, vì điều đó nó thúc đẩy mình phải vạch ra một con đường, và đi trên con đường mình đã vạch ra để không bị nửa chừng rồi ngã giữa đường.”
”Tôi chọn đề tài thuyền nhân vì tôi muốn nói tôi là boat people. Tôi muốn cống hiến nghệ thuật của tôi vào Mỹ dù cho tôi là người từ nước khác tới, và ý nghĩ là di dân không phải là điều xấu. Người di dân cũng đóng góp cho nước Mỹ. Tôi đóng thuế cho nước Mỹ, và hãnh diện về điều đó.”
Được hỏi có bán tranh được không, họa sĩ Ann Phong cho biết tranh của bà bán khá, nhưng không bán được cho người Việt Nam mấy, mà đa số cho người Mỹ.
”Tôi thấy thương cho những bức tranh của tôi quá. Tôi vẽ về chiến tranh Việt Nam, vẽ người phụ nữ Việt Nam chuyển từ chiếc áo bà ba ra chiếc áo đầm, nhưng những bức tranh đó không còn vì người Mỹ họ mua mất rồi.”
”Tôi thương cho những bức tranh đó vì sau này con cháu mình lớn lên không có một cái viện bảo tàng về nghệ thuật Việt Nam thì làm sao các em có thể tìm hiểu về lịch sử Việt Nam về văn hóa Việt Nam qua nghệ thuật tạo hình của người Việt.”
 9
Ann Phong, Chạy, 1993
 6
Ann Phong, Hôm qua và hôm nay, 1995
 Kết nối với giới trẻ
Giao tiếp với giới trẻ với họa sĩ Ann Phong dường như là một cái duyên.
Ngoài việc vẽ tranh, bà hiện đang là giáo sư dạy môn mỹ thuật tại Đại học Cal Poly Pomona. Về dự tính tương lai, bà cho biết muốn kết nối với các em học ngành mỹ thuật để giúp đỡ và đưa các em về với cộng đồng.
”Năm nay 2020, 45 năm sau 30.4.1975 rồi, tôi ráng làm một cuộc triển lãm. Tôi muốn mời các họa sĩ trẻ, mấy em học mỹ thuật ở Mỹ ra, mấy em nói tiếng Việt không rành. Đã tính triễn lãm ngày 16/4 rồi, nhưng virus corona khiến mình phải hoãn lại.”
 10
Ann Phong, Thuyền đánh cá về từ đường lưỡi bò, 2019
 Bà giải thích:
”Cộng đồng mình có chuyện này vui lắm, mỗi khi có con ai đậu bác sĩ, luật sư thì mình thấy người ta đăng báo chúc mừng đủ thứ, nhưng em nào học ra làm họa sĩ thì không ai nhắc đến một chữ nào hết.”
”Người mình không biết khi cộng đồng khác họ nhìn vào mình, họ nhìn vào hội họa của mình, họ nhìn vào văn học nghệ thuật nói chung của mình. Văn học bằng tiếng Việt thì họ không hiểu, nhưng hình ảnh thì người nước ngoài có thể thưởng thức được. Từ sự thưởng thức đó, họ mới đánh giá trị của cộng đồng mình đứng chỗ nào trong nước Mỹ.
Mấy em học ở đây ra phải vật lộn để có một chỗ đứng trong thế giới nghệ thuật của Mỹ. Nó không dễ, nó khó, nhưng mấy em hay hơn mấy người thế hệ trước là mấy em giỏi tiếng Anh. Tôi muốn giúp mấy em trong hai mặt, vừa vào được thế giới Mỹ thuật của Mỹ vừa đưa các em trở về với cộng đồng.”
Làm cầu nối cho nhóm trẻ trở về nguồn với họa sĩ Ann Phong là điều quan trọng.
”Mấy em dù giỏi tiếng Mỹ, nhưng cũng giống tôi, các em vẫn mãi là người Việt Nam và sẽ không bao giờ bỏ được cái chất Việt Nam trong người. Tôi muốn kết nối với các em, đưa các em về nguồn để dù các em có nói được tiếng Việt hay không, mấy em cũng vẫn vẽ, vẫn làm ra những tác phẩm với đề tài về Việt Nam và liên quan đến Việt Nam.”

Tina Hà Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét