Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 1 tháng 4, 2020

Hãy Dùng Điện Thoại Thông Minh Một Cách Thông Minh - Nguyễn Ngọc Duy Hân (Đặc San Lâm Viên)



Một người cha đã nổi giận khi đứa con trai mê mệt chơi game bằng cell-phone, bỏ bê học hành, cũng chẳng thiết ăn uống. Lúc ấy ông đang đứng trên ban-công tầng thứ mười mấy của khu chung cư, nóng nảy giật cái phôn trong tay cậu bé ném xuống đất. Đứa con hét lên, lao người xuống ráng chụp lại cái phôn, nên té xuống từ lầu cao và đã mất mạng. Một ông bố khác thấy con đi nhà thờ dự Thánh Lễ mà không nghe linh mục giảng, cứ cắm cúi dùng phôn gởi text cho bạn bè suốt buổi lễ. Về nhà sau khi "moral" la mắng, ông không dằn được nóng giận lấy búa đập bể cái phôn trước mặt con. Đứa con gái giận bố bỏ nhà đi mấy ngày. Cũng có vị linh mục chia sẻ khi đang giải tội, một giáo dân đã lịch sự xin phép: "Cha cho con trả lời cú phôn quan trọng này đã rồi sẽ xưng tội tiếp!".<!>
 Không ít những cặp vợ chồng đang yêu nhau mà ông chồng mắt vẫn không chịu rời cái phôn. Đi trên xe bus, subway thì rất nhiều người cắm cúi bấm phôn, Ipad.... không để ý thấy cụ già hay người phụ nữ mang thai mới lên xe đang cần mình đứng lên nhường chỗ ngồi. Kể cả khi đang đi trên cầu thang cuốn (escalator) nhiều người cũng vẫn dán mắt vào cái phôn, có khi té chúi nhủi hoặc làm rớt cái phôn xuống đất. Một cháu gái kể lại đã thoát bị xe đụng trong tích tắc vì mải mê nghe nhạc từ cái cell-phone, đắm mình vào âm thanh quá lớn và khích động, nên không biết mình đang đi bộ qua đèn đỏ, không nghe tiếng xe bóp còi. Vào nhà hàng hay những buổi họp mặt thân hữu, một số đông vẫn bấm cell phôn, nào là chụp hình bỏ lên Facebook, nào là text, chat với bạn khác, quên là ngay bên cạnh đang có nhiều bạn mà mình có thể nói chuyện trực tiếp... Chúng ta đang ở thời đại gì đây, khoa học kỹ thuật tân tiến giúp chúng ta như thế nào, lợi hại ra sao, chúng ta nên giới hạn như thế nào, có đang ghiền điện thoại không?

"Ghiền" điện thoại không như nghiện ma túy hay ghiền rượu, không trái luật và cũng chưa làm hại sức khỏe ngay lập tức. Nhưng nghiện điện thoại có thể phá hỏng tương lai, làm ảnh hưởng cuộc sống, đặc biệt là các học sinh có thể xao lãng việc học, vấp phải vấn đề trong giao tiếp xã hội do không tỉnh táo trước các việc thực tế đang xảy ra, mà chỉ mơ màng trong thế giới ảo. Điều quan trọng là bạn cần nhận ra đâu là giới hạn để tự dừng lại. Có thể bạn đã "rành sáu câu", nhưng thực hành cho nghiêm chỉnh đúng lúc đúng việc thì như thế nào?

Việc "cai" điện thoại không có nghĩa là bạn phải cách ly hoàn toàn với thiết bị di dộng này, mà chỉ sử dụng khi thật sự cần và phát triển các mặt tích cực, loại bỏ bớt các mặt tiêu cực của nó.

Mỗi người mỗi hoàn cảnh, sinh hoạt và mức độ ít nhiều đều khác nhau, không có cán cân nào là tiêu chuẩn chung. Theo một số nghiên cứu, bạn có thể bị coi là bị "nghiện điện thoại" nếu:


  • Bạn sử dụng nó hơn 6 tiếng mỗi ngày.
  • Bạn cảm thấy bứt rứt nếu không được mở điện thoại thường xuyên (sau 10 -15 phút)
  • Bạn không ý thức được thời gian khi xài phôn di động.
  • Bạn không duy trì hoạt động ăn ngủ được điều độ khi xài phôn.
  • Bạn dễ nóng giận vì cái điện thoại hay những tin tức, sự kiện từ cái điện thoại.
  • Bạn dễ từ bỏ các hoạt động thật ngoài xã hội mà chỉ quan tâm vào thế giới ảo trong điện thoại.
  • Bạn luôn cảm thấy thiếu ngủ hay mệt mỏi.


Người nghiện phone sẽ mang điện thoại di động bên mình khắp mọi nơi, thậm chí là sử dụng ở trong nhà vệ sinh, trên bàn ăn, giường ngủ...

Những cái thông báo "có người mới gởi tin cho bạn" đi kèm với tiếng chuông "ting ... ting ..." thường tạo ra cảm giác thích thú vì bạn được ai đó chú ý, quan tâm. Dần dần điện thoại Thông Minh, Facebook trở thành sân khấu, diễn đàn cho bạn, kéo theo nhu cầu nhận được like, share, comment, thích so sánh với con số "like" của người khác, thích được khen ngợi, chú ý.

Nếu chỉ nói cái hại của Smartphone – mà không nói tới lợi ích của loại điện thoại thông minh này thì quả là không công bằng. Cell phone giúp liên lạc, nói chuyện với nhau hữu hiệu mau chóng, hầu như không bị giới hạn địa điểm, nó tài tình như giúp mình có "thiên lý nhĩ, thiên lý nhãn" vậy. Mình có thể dùng cell phôn ghi lại các điều cần thiết mà không cần giấy bút, thanh toán hóa đơn trả tiền bills dễ dàng. Giải trí, nghe nhạc hay làm việc cũng thật tiện lợi, nhất là tìm đường đi dễ dàng với điện thoại có định vị GPS. Tôi lái xe dở hay lạc đường, có cái trang bị này thật sung sướng và biết ơn người sáng chế ra nó. Mình lại có thể chụp hình, quay phim, xếp đặt chương trình, làm thời khóa biểu với giờ giấc chi tiết, và phôn sẽ nhắc nhở mình khi có hẹn. Tới giờ phôn sẽ reo đánh thức mình dậy không cần đồng hồ báo thức. Điện thoại thông minh cũng dùng để trả lời email, thu âm các cuộc nói chuyện, xem phim ảnh, youtube...

Không cần bấm chữ, mình có thể ra mệnh lệnh cho phôn bằng giọng nói, như muốn đánh một cái email chỉ cần đọc bằng hầu như bất kỳ loại ngôn ngữ nào, phone đều đánh máy được chính xác, không có lỗi chánh tả nếu chúng ta phát âm đúng. Muốn hỏi câu gì, tìm hiểu cái gì chỉ cần nói lên vấn đề, "ông Google" sẽ cho giải đáp. Dĩ nhiên mình cần kiểm chứng nhưng nhìn chung ông Google rất thông minh uyên bác.

Đã có những chiếc điện thoại mắc hằng 40, 50 triệu đô Mỹ vì là "hàng độc" chỉ có một hoặc hai cái trên thế giới, làm bằng vàng và đính nhiều viên kim cương quý. Phôn "xịn" thì đồ nghe đeo tai cũng phải xịn để tương xứng. Đã có cái "ear phone" hằng 300 ngàn đô Mỹ làm bằng bạch kim.

Điện thoại Thông Minh gần đây cũng không cần phải nhớ số mật mã, mà nó có thể nhận ra vân tay hoặc nhận diện khuôn mặt của chủ nhân. Cũng xin mở ngoặc chúng tôi vừa mua cái tủ lạnh mà trên cánh cửa có màn ảnh để chiếu hình ảnh của gia đình, có thể xem youtube, tra cứu "google", có "inventory", chẳng hạn mình bỏ vào tủ lạnh 10 lon bia, lấy ra 4 lon uống, tủ lạnh cho biết mình còn 6 lon không cần lục lọi tìm kiếm. Nếu mình quên đóng cửa tủ lạnh hoặc đóng chưa chặt, nó sẽ nhắc trên cell phôn của mình.

Trở lại chuyện cái phôn di động, nhiều bạn trẻ đã bị lôi léo, bị lừa tiền, bị cướp bóc. Quen nhau qua mạng cũng khiến các bạn không hiểu rõ về con người thật của nhau, dễ bị lừa lọc, dụ dỗ, làm hại khi gặp gỡ ngoài đời thật.

Để giúp các cháu bé bớt ảnh hưởng của việc dùng phôn, ông bà cha mẹ nên dành thời gian chơi cùng các cháu. Cũng cần quy định khoảng thời gian nhất định con được dùng điện thoại. Để tránh trẻ con nghiện điện thoại, cha mẹ có thể lập các khu vực không được dùng điện thoại như phòng ăn, phòng ngủ... để việc ăn uống, nghỉ ngơi của bé không bị xao nhãng. Ngoài ra phụ huynh có thể giúp cho con tham gia vào các hoạt động như bơi lội, đi bộ ngoài trời, sinh hoạt nhóm... để giúp các em rời xa màn hình điện thoại.

Ngay cả ông Steve Jobs là người sáng lập ra công ty "Apple", nhưng các con của ông chỉ được sử dụng iPad, iPhone trong những lúc nhất định.

Tiến Sĩ Cecilie Andraessen tại Đại Học Na Uy đã đưa ra một thước đo đơn giản: “Nếu bạn sao lãng những việc xung quanh vì điện thoại, Facebook thì chắc chắn là đã nghiện. Chẳng hạn ở sở bạn cứ vài phút phải vào Facebook, hay đang ngồi chuyện trò với bạn bè mà cứ cầm phone để xem thì quả là bạn đang có vấn đề lớn. Phải mất bao lâu một thói quen mới thành một thói quen, và phải mất bao nhiêu lâu nữa thói quen đó mới thôi không còn là thói quen nữa”. Cell phôn là những trang bị tuyệt vời, nhưng con người cần biết cách để sử dụng một cách hạn chế, đặc biệt là đối với thanh thiếu niên.

Cũng như bạn cần con dao để nấu ăn, không có dao cắt thịt cắt rau thì bữa cơm không thành, nhưng lúc nào cũng cầm dao để nó làm mình đứt tay hoặc đâm người khác thì lại thành vấn đề lớn. Bạn làm chủ con dao, cái cell phôn hay để chúng làm chủ bạn? Chúc bạn luôn xài điện thoại Thông Minh một cách thông minh


Nguyễn Ngọc Duy Hân

1 nhận xét:

  1. Cần nhắc nhau giữa Ông/Bà, Cha/Mẹ nữa.
    Nhiều vị cũng nghiền nặng!

    Trả lờiXóa