Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 1 tháng 4, 2020

C Ô GÁI CÙNG CHUYẾN XE – Lê Phi Ô


Thưa Bác…ghế nầy có ai ngồi chưa ạ !
- Thưa…Cô, ghế còn trống.
Tôi vội lấy cái túi đeo lưng (Backpack) về phía mình trả ghế trống cho người vừa hỏi. Cô gái…thiếu phụ thì đúng hơn, tuổi khoảng chừng ngoài 30. Nàng ngồi xuống cạnh tôi, hương thơm của mùi nước hoa thoảng nhẹ trong không khí ban mai thật dễ chịu. Đã lâu, hình như lâu lắm mùi nước hoa quen thuộc nầy…nhất thời tôi chưa nhớ ra là tôi được thưởng thức hương thơm nầy từ…đâu.   Tôi kín đáo nhìn ngang để xem người vừa ngồi có quen biết gì không. Ngoại hình và mái tóc có nét gì đó quen thuộc nhưng gương mặt thì không thể nào nhìn được vì nàng mang một cặp kính mát lớn che cả nửa phần trên của gương mặt nhưng…hình như cũng có một nét gì đó quen quen.
<!>
   Xe đến Gilroy thì rẻ vào xa lộ 252 west, nắng chói thẳng vào mặt, tôi lấy kính mát đeo vào và cũng có dụng ý là khi tôi quan sát cô gái ngồi kế bên sẽ không bị nàng phát giác. Cùng lúc đó nàng lấy kính xuống để lau bụi, tôi giật nẩy người khi liếc nhìn khuôn mặt nàng. Giống quá, nàng giống quá. Khuôn mặt, mái tóc và nhất là cặp mắt của một người tôi quen của cái thời tôi còn là một anh lính trẻ. Quá khứ hiện về rỏ nét và đang ngồi sát cạnh bên tôi chứ không lung linh mờ ảo như những lần tôi hồi tưởng. Nhớ ra rồi, mùi nước hoa Channel #5 của phụ nữ mà Hồng Gấm thường dùng. Cũng mái tóc, gương mặt, sóng mũi và nhất là cặp mắt tròn xoe đen láy như hai hạt nhãn khi nhìn vào nó trong những ngày mới quen em…làm tôi quên cả lối về. Khẽ gọi thầm tên em…cô gái quay ngang nhìn tôi như muốn hỏi gì đó nhưng rồi…thôi.
   - Cô xuống…Westminster thăm người quen, phải không ?
   - Dạ không, con ở dưới đó. Con lên San Jose thăm bạn hôm nay về      
     lại. Còn Bác ?
   - Tôi ở San Jose, xuống thăm bạn bè ít bửa…rồi về.
   Cô gái ngầm quan sát tôi, nàng nghĩ ông già nầy nói chuyện hình như không được tự nhiên…ông có điều gì muốn nói ra nhưng không tiện thì phải. Cô nở nụ cười rồi quay lại ngồi thẳng, cũng là lúc thuận tiện cho tôi quan sát nàng. Hồng Gấm ngày xưa của tôi năm nay cũng ngoài 60, không biết bây giờ em ở đâu, gia đình có hạnh phúc không ! hoặc…cũng có thể một bất hạnh nào đó xảy ra cho em kể từ thảm họa 30 tháng 04, ngày bi thảm của lịch sử. Không lúc nào là tôi thôi nghĩ đến em và cầu mong cho em luôn gặp được nhiều may mắn.
   Cô gái lấy trong giỏ xách ra một gói nho, quay lại phía tôi:
   - Thưa Bác, mời Bác ăn nho. loại nầy ngọt lắm…con nhỏ bạn biết con thích ăn vặt nên hôm qua đi chợ nó mua cho con nhiều lắm.
   - Cám ơn cô ! …Tôi đưa tay cầm lấy chùm nho tươi mọng nước, nhìn bàn tay cô gái tôi không khỏi xúc động, cũng những ngón tay thon đó năm xưa Hồng Gấm đã từng mời tôi ăn nho và cũng nhiều lần tôi tìm cớ xem bói để được cầm tay nàng lâu hơn. Tôi buông tiếng thở dài dù rất nhẹ nhưng cũng đủ làm cho cô gái nghe thấy, nàng định nói gì đó nhưng lại thôi.

Một lát, cô gái nói khẽ:
   - Bác gái sao không đi với Bác ?
   - Tôi sống một mình cô ạ, đã từ lâu…
   - Thế, Bác gái còn ở Việt Nam hở Bác.
   - Tôi cũng không rỏ, chúng tôi chia tay nhau từ…lâu lắm. Kể từ ngày tôi bước chân vào nhà tù “cải tạo” cọng sản.       
Cô gái hình như hiểu một điều gì đó, cô ngồi im mắt ngó ngoài cửa xe.
Bỗng nhiên cô quay lại tôi nói nhỏ, giọng có vẽ chua chát.
    - Bà nào rồi cũng vậy, con ghét những người như vậy !
Tôi giả vờ:
   - Cô nói ai…ạ ?
   - Ở xóm con bên Việt Nam có rất nhiều bà bỏ chồng, ngày nào ông chồng còn lên xe xuống ngựa…đến khi té ngựa thì mấy bả cho…té luôn.
   - Không phải ai cũng vậy cô ạ, đúng ra cũng vì hoàn cảnh.
   - Thưa Bác, không phải con quơ đủa cả nắm đâu. Đa số, con nói đa số…đều đổ thừa cho hoàn cảnh.
   Cô gái nầy lòng dạ thẳng ngay, nếu tiếp tục sẽ đưa đến chổ làm cô ấy mất vui.
Tôi lãng sang chuyện khác:
   - Ông xã cô đâu…sao đi chỉ một mình vậy ?
   - Con còn độc thân, đáng lý ra đôi khi con cũng muốn có một mái ấm riêng cho mình. Nhưng vì thương mẹ, con không muốn để mẹ sống một mình.
   - Không phải tò mò, nhưng cho Bác hỏi…Ba, Má con vẫn sống hạch phúc phải không con.
   - Dạ, Ba Má con vẫn bình thường, nhiều lần khuyên con lập gia đình, con vâng dạ cho ba má con vui nhưng…Cô gái bỏ lững câu nói, rồi đột nhiên lên tiếng: “trong tình trường có người may mắn chỉ gặp nhau một lần mà hạnh phúc cả đời. Có người lại lận đận…”
   - Bác hỏi thật, có khi nào con gặp phải “lận đận”…không ?
   - Dạ không, con chưa bao giờ cả, chỉ có điều…
Cô gái ngập ngừng…đầu hơi cúi xuống. Cô định nói gì đó nhưng rồi thôi.  
   - Bác xin lỗi con, Bác cũng thuộc loại không nói nhiều nhưng vì thấy con tánh tình cởi mở vui tánh nên Bác…
   - Không, thưa Bác không đâu ạ, trái lại khi vừa gặp Bác con đã có cảm tình ngay cứ như là bà con với nhau, Bác cứ tiếp tục, con thích nghe Bác nói lắm !
   Không hiểu sao tôi cũng có cảm tình với cô gái nầy khi mới trao đổi nhau những câu nói đầu tiên. Giọng trầm buồn cô gái nói tiếp:
   - Thưa Bác, gia đình con 4 người, ngoài cha mẹ…con còn có một người anh trai đã có vợ và 2 con. Hiện anh ấy là Bác Sĩ trong quân đội Mỹ. Con thì sống với Ba Mẹ ở Santa Ana. Ba con là một người đàn Ông lý tưởng, biết thương yêu và chăm sóc vợ con, mỗi khi mẹ con buồn Ông thường hay tìm chuyện nầy chuyện nọ chọc cho mẹ con vui.
   - Một gia đình hạnh phúc như vậy thì…mẹ con có việc gì phải buồn hở con ?!
   - Thưa Bác…
Cô gái ngập ngừng giây lát, hai môi hơi mím lại…rồi như quả quyết:
   - Trước khi lấy Ba con, má con đã yêu một người !
Tôi hơi bất ngờ:
   - Ba con có biết không ?
   - Dạ thưa, biết !
Chuyện bỗng nhiên trở nên “ly kỳ”, tôi hỏi tiếp:
   - Thái độ của Ba con ra sao ? Bác muốn hỏi lúc Ba con mới biết kể cả sau nầy nghĩa là bây giờ.
   - Ba biết rỏ câu chuyện tình của má con trước khi hai người lấy nhau cho đến bây giờ mà vẫn một mực yêu thương má con.
   - Cho Bác xin lỗi hỏi con câu nầy nha. Có bao giờ…
   - Con biết Bác muốn hỏi: Má con có làm điều gì có lỗi với Ba con, phải không Bác ! không Bác ạ, hoàn toàn không. Má con một mực kính trọng Ba của con và bà giữ đúng cương vị của một người vợ có tư cách.

   Như vậy có điều gì khiến cô bé nói với tôi: - “Những buổi hoàng hôn nắng tắt, mẹ con thường đứng một mình bên song cửa nhìn về hướng trời xa. Những đêm trăng mờ ảo má con cũng chỉ một mình. Hình như bà rất sợ ánh sáng và cả bóng tối.  
 Đầu năm 1975, tin tức chiến sự ác liệt trên khắp chiến trường miền Nam cho đến ngày ông DVM tuyên bố đầu hàng, sau ngày đó những cuộc vượt biên tìm tự do có không ít chiếc thuyền bạc phước đã chìm giữa đại dương trong đêm tối mịt mờ. Ba con cũng đã tìm phương tiện cho cả nhà vượt thoát bằng đường biển, may mà thành công. Khi đã định cư ở Mỹ, tin tức trên báo chí, truyền hình đề cập đến những trại “cải tạo” do cộng sản dựng lên mà thực chất là những trại tù lao động khổ sai, đã có nhiều người chết vì bệnh tật, đói khát và kiệt sức. Mới đây một ông cựu Bác Sĩ Quân Y bạn của Ba con ghé thăm, mẹ con hỏi cuộc sống trong quân ngủ khi xưa có vất vả lắm không – Bác đó nói dù sao cũng là Bác Sĩ nên chuyện vất vả, hiểm nguy đâu có bằng những người ngoài mặt trận. Bác nói…cầm con dao giải phẫu trên tay đôi lúc phải kềm chặc lại để khỏi run khi nhìn thấy những vết thương xé cả lồng ngực người chiến binh, hoặc vết đứt rách cả vùng bụng không thể cứu sống được mà vẫn thều thào gọi tên người yêu ! - Những lúc đó mẹ của con ngồi bất động, mắt nhìn ra cửa sổ và mấp máy đôi môi, bà lảm nhảm gì đó không ai hiểu bà nói gì. Chỉ có bà hiểu, bà âm thầm cầu nguyện cho một người lính đang băng mình ngoài kia nơi chập chùng lửa đạn…”.
   Tôi hỏi cô gái:
   - Ai đã nói cho con biết vậy ?
   - Thưa Bác, sinh nhật năm con 20 tuổi, nghĩa là cách đây hơn 10 năm. Sau tiệc sinh nhật mẹ gọi con vào phòng, trên tay mẹ cầm một gói giấy nhỏ bọc nylon kỷ lưởng, giọng thật buồn mẹ nói:
   - Đây là quà sinh nhật mẹ tặng con, một gói quà vô giá bằng cả cuộc  đời mẹ. Mẹ giao cho con, đọc xong nhớ giữ kỷ cho mẹ nha con.
   Cô gái tiếp:
   - Đó là quyển nhật ký của mẹ con, nét chử nắn nót thật đẹp nhưng cũng có những chổ chử viết xiêu vẹo, lem luốc. Đoạn văn thật xúc động, con đoán là những giọt nước mắt của mẹ làm trang giấy nhòe đi !
   Giọng nói bỗng ngưng lại và cô ấy…khóc ! – Tôi tôn trọng những giây phút nầy nên cũng giữ yên lặng.
   Hồi lâu, tiếng cô gái cất lên nhẹ như hơi thở:
   - Con xin lỗi Bác…những lời mẹ viết ra khiến con xúc động nên…
   - Nếu cần con cứ tự nhiên khóc, những giọt nước mắt sẽ giúp con vơi       
     bớt xúc cảm trong lòng.
   Cô gái nhìn tôi, ái ngại:
   - Con xin lỗi Bác, tự dưng con đem chuyện buồn của gia đình con nói ra làm Bác cũng không được vui !
   Tôi thoáng cười buồn, cả hai chúng tôi mỗi người lại yên lặng theo đuổi ý nghĩ của riêng mình. Chuyện gia đình nàng mà tôi tưởng chừng như chuyện của tôi, chỉ có tên họ và nơi chốn thì khác nhau.                                               
   Tương tự,  câu chuyện của tôi và Hồng Gấm cũng thế: - Hồng Gấm lấy chồng, một Dược Sĩ con nhà giàu anh ruột của cô bạn thân cùng lớp. Nàng đã nhận lời lấy người mình không yêu chỉ vì mẹ nàng bị bệnh nan y, muốn chửa khỏi phải tốn cả triệu dollars. Gia đình nàng có 3 chị em, người chị đầu có chồng làm thư ký cho một hãng xuất nhập cảng, bà chị làm cô giáo mà phải nuôi cả hai đứa em còn đi học. Chị kế nàng là Hồng Nhung cũng bỏ học nửa chừng đi làm y tá để nuôi cô em út Hồng Gấm học cho đến nơi đến chốn. Hồng Nhung là bạn gái của anh Chuẩn Úy nghèo xác nghèo xơ là tôi, mối tình đẹp như mơ thì Hồng Nhung bị việt cộng sát hại.
   Có lẽ do Trời sắp đặt, Cô em út là Hồng Gấm trở thành ngời yêu của tôi sau một buổi chiều đi thăm mộ Hồng Nhung về…có lẽ tình yêu thương tha thiết của cả hai chúng tôi đối với Hồng Nhung nên đã đưa hai đứa đến với nhau, nhưng Hồng Gấm còn bé quá, nàng chưa học xong bậc trung học. Tôi hứa với em là mình sẽ sống với nhau sau khi em tốt nghiệp Đ.H Sư Phạm rồi đi dạy học, như vậy em mới có đủ tiền nuôi anh lính nghèo nầy nữa chứ. Hồng Gấm cười ngượng ngùng rồi đưa ngón út lên móc ngoéo tay tôi.
   Nhưng, ngày tốt nghiệp của Hồng Gấm cũng là ngày chị Hai nàng thay mặt gia đình nhận lời cầu hôn của gia đình anh Dược Sĩ trẻ, lúc đó tôi đang được Trực Thăng tải thương về Tổng Y Viện Cộng Hoà nằm ở phòng lựa thương chờ phân loại do đạn súng cối 82 ly của vc khi đồn bị  tấn công.
   Đang nằm trên băng ca để Bác Sĩ xem xét vết thương thì Hồng Gấm đến, theo sau nàng độ mươi bước là anh Dược Sĩ “Người chồng tương lai” của nàng. Hồng Gấm hớt hãi đang dáo dác tìm rồi…em chạy nhanh đến gục xuống và òa khóc trên ngực tôi. Nước mắt của em như những vết dao đâm xuống lồng ngực đang thoi thóp vì vết thương, tôi lặng người giây lát định nói gì đó với em nhưng vết thương do súng đạn và vết thương “đến từ em” làm tôi tê liệt hoàn toàn. Tôi được chích thuốc mê, trong cơn nửa mơ nửa tỉnh, tôi thấy anh Dược Sĩ cúi chào tôi rồi đở Hồng Gấm dậy và hình như tôi cũng có… chào lại !

Nhìn nét mặt buồn thiu của cô gái, tôi nói:
   - Chuyện con kể nghe sao buồn quá ! 
   - Trước khi lấy vợ, Bác có trãi qua cuộc tình buồn nào như vậy không  
      hở Bác.
   - Có, chuyện cũng buồn không kém chuyện của con !
   - Giờ đây…Bác, có lẽ cũng phôi phai phần nào ?
   - Không…con ạ !
Cô gái nhìn tôi, ái ngại:
   - Con xin lỗi vì đã vô tình gợi lên vết thương trong lòng Bác !
   - Bác phải cảm ơn con mới đúng, con đã làm cho Bác sống lại kỷ niệm         
     dù đau thương nhưng cũng vẫn đẹp vô cùng !
   - C ó phút giây nào Bác quên nghĩ đến, không Bác ?
   - Không ! nó đã trở thành một phần máu thịt trong bác, nó là hơi thở…con người không thể sống mà thiếu hơi thở.
    - Sao Bác không đi tìm người của Bác bằng cách nhắn tin trên sách  báo, trên online hoặc bạn bạn bè khắp nơi…thử xem.    
    - Bác chỉ mơ ước một điều duy nhất là biết người đó còn sống và  hạnh phúc cùng với gia đình con cháu, như thế là quá đủ…!      
       
                                              -----o0o-----
   Ba giờ chiều xe đến Westminster, tôi chào từ giả cô gái rồi xuống sắp hàng lấy hành lý. Vừa lấy xong đi được mấy bước thì ai đó kéo tôi lại,    hóa ra là cô gái đi cùng xe. Nàng hấp tấp nói:
   - Cái túi xách đang mang trên lưng là của Bác phải không ?
   - Vâng, của Bác.
   - Tên trên túi xách là tên của Bác ?
   - Đúng, là tên Bác, có việc gì… không con ?
Cô gái kêu lên: “Bác ơi !” rồi gương mặt biến sắc và tái đi làm tôi hoảng hốt: “Con, Con làm sao vậy !”. Sau làn kính mát hai hàng nước mắt cô gái chảy dài xuống đôi gò má, cô lắp bắp: “Cám ơn Bác, con cám ơn Bác !” rồi vụt bỏ chạy lẫn vào đám đông ở bến xe.
   Tôi há hốc miệng nhìn theo cô gái chưa biết chuyện gì, trong trí tôi mường tượng đến câu chuyện tôi và cô gái kể nhau nghe trên xe đò, quên cả việc gọi bạn ra đón về nhà - Khoảng mươi phút trong khi chờ  bạn đến thì một chiếc xe ngừng ngay sát cạnh tôi. Trên xe có vài người, cô gái đi chung xe đò thò mặt ra, gương mặt rạng rỡ, miệng cười tươi như hoa nhưng cặp mắt vẫn còn đỏ hoe. Cô đưa tôi mảnh giấy và xe vụt chạy đi. Tôi ngẫn ngơ, chuyện xãy ra quá nhanh làm tôi quên nhìn bản số xe.  
   Trên mảnh giấy một dòng chử ngắn làm tôi hoa cả mắt: “Thưa Bác,  mẹ con tên Hồng Gấm, ba mẹ con đã nhìn thấy Bác từ xa. Gởi lời hỏi thăm và chúc Bác vạn điều may mắn ! – Con, Hồng Phấn”.

Lê Phi Ô 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét