Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 25 tháng 4, 2020

30-04-1975 - NGÀY NƯỚC VIỆT NAM CỘNG HOÀ (NAM) BỊ CƯỚP BỞI NƯỚC VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ (CS BẮC VIỆT)! - Đoàn Thị Thùy Dương


Tháng tư đen nó kể!
Nó sinh năm 1985, khoảng thời gian mà mọi thứ thuộc về quá khứ đã không còn tồn tại. Lịch sử đã được chỉnh sửa bởi thể chế mới lên cầm quyền không do dân bầu lên mà là do cướp đoạt với dã tâm xâm lược. Bao lớp người rời bỏ quê hương, rời bỏ nơi thân thương nhất để tìm tương lai cho bản thân, cho thế hệ sau. Những lớp người này nó chưa bao giờ được biết vì sao họ phải rời bỏ VN để tìm cho mình một chân trời mới. Vậy là sự thật ko được phơi bày. Lớp người còn ở lại, ngậm đắng nuốt cay, chịu lặng im, bởi với họ giờ đây là “kẻ bại trận”. Lại một lần nữa nó không được nghe “câu chuyện sự thật”, mặc dù nó là “SỰ THẬT”. Nó lớn dần lên với sự ngây thơ, với sự khờ khạo. Nó tin rằng nó đã rất may mắn khi sống trong cảnh thanh bình, không tiếng súng nổ, không chiến tranh, không loạn lạc. Nó cảm thấy hạnh phúc khi VN có một vị lãnh tụ giỏi mà thế giới phải ngưỡng mộ và nể phục đó là “Hồ Chí Minh”. Nó tự hào là đội viên, thích lắm màu của chiếc khăn quàng đỏ.
<!>Chân mang dép nhựa, móng chân đầy đất và bùn nhơ dính vào các kẽ chân. Quần thì nhăn nhúm, đầy sình bùn, nhưng trong lòng nó vui lắm, nó hãnh diện lắm, bởi nó là học sinh khá giỏi và có hạnh kiểm tốt, đạo đức tốt. Thế nên chiếc khăn quàng đỏ mang trên cổ, ý muốn nói cho bàn dân thiên hạ thấy rằng “TÔI LÀ CON NGOAN, TRÒ GIỎI”. Thời gian cứ thế trôi đi. Tôi trở thành đoàn viên. Và cũng nghênh ngang, ngạo mạn, và tự hào lắm, kiêu hãnh lắm. (Nghĩ lại mắc cỡ muốn độn thổ).

Một hôm nọ, người hàng xóm ghé qua nhà chơi, nó nghe loáng thoáng: “Gia đình ông H, có con ở Úc, gởi về cho ổng mấy ngàn đô. Gia đình họ sướng quá, con cứ gởi tiền về hoài. Gia đình ông H mặc sức mà xài, không cần lao động vất vả.” Trước giờ nó đâu biết chuyện này. Ủa mà tại sao ông H có con ở Úc? Làm cách nào mà họ đi sang Úc được? Vì sao họ đi mà những người khác còn ở lại? Những người ở Úc làm gì mà có nhiều tiền vậy? Rồi nó còn được nghe kể, gia đình ông H có mấy con đi nước ngoài lận, nhưng mà bị chìm tàu chết hết 1 người. Còn một vài người may mắn sống xót. Nó lại thắc mắc: Ủa tại sao họ bị chìm tàu? Họ làm gì ngoài đó? Vì sao có người sống? Vì sao lại có người chết? Nó không hiểu gì hết. Hàng chục câu hỏi nó thắc mắc. Nó không biết hỏi ai, hay nói cách khác hơn là nó không dám hỏi. Nó sợ bị la, nó sợ bị mắng là nhiều chuyện.

Cha của nó thích ngồi nhậu với mấy người bạn chí cốt, bạn nhậu cùng thời đi lính, hoặc những người bạn cùng trang lứa với ông, ông vui lắm khi ngồi với họ. Ông kể đủ thứ chuyện. Mà nó nào có thèm quan tâm. Bởi những thứ mà cha nó kể hoàn toàn trái ngược với những gì nó được học mà. Cha nó càng kể, nó càng ghét. Cha nó càng thích thú bao nhiêu khi kể, thì nó càng cảm thấy khinh ghét cha nó bấy nhiêu. “Mỹ, Nguỵ thì tự hào gì chứ. Cha là người ác. Nhờ có cách mạng nên con mới sống trong thanh bình”. Nó bỏ ngoài tai tất cả những gì cha kể, nó ko muốn nghe, nó cũng không muốn nhớ, nó cũng không muốn biết những ai là bạn bè của cha nó. Một nhóm người ác độc”.

Cuộc sống nghèo khổ, đẩy đưa nó vào chỗ phải lao vào kiếm cái ăn khi tuổi nó vừa tròn 10. Hễ cái gì giúp cái bao tử no, nó đều lăn xả. Lội ruộng bắt cua, lội mương bắt cá. Nó đi mót lúa ngoài đồng. Nó phụ mẹ trồng trọt hoa màu, rồi đội từng rổ rau đi bán dạo khắp xóm...tuổi lên 10 của nó...cái tuổi mà đáng lẽ ra nó phải được hồn nhiên chơi đùa cùng bạn bè, được ba mẹ yêu thương chăm sóc...thì nó đã phải bị ép trở thành “người lớn”.

Càng lớn lên, áp lực cuộc sống càng gia tăng, cái nghèo khổ của gia đình ám ảnh vào tâm trí nó. Phải làm gì đó để giúp gia đình thoát khỏi túng quẫn. Cơm áo gạo tiền đưa đẩy đến chỗ nó không còn quan tâm đến những sự thắc mắc khi nó còn nhỏ nữa. Với nó thứ quan trọng nhất lúc bấy giờ là “KIẾM THẬT NHIỀU TIỀN” để lo cho gia đình. Chị em nó thức đêm thức hôm để làm đồ buôn bán. Khi người ta còn ngủ, chị em nó đã phải thức dậy. Và khi người ta lên giường ngủ, chị em nó vẫn còn thức. Vẫn còn loay hoay với việc mưu sinh.

Cho đến một ngày, nó thấy cái sự bất công, nó thấy người ta đối xử ác với nhau. Nó thấy từng rổ rau, từng mớ cải bị giật phăng đi, bị ném bỏ, bị đập phá. Nó thấy nước mắt người nghèo rơi, nó thấy được sự oan ức của lớp người nghèo khổ. Và nó biết được cái ác đang tồn tại trong lớp áo của những người mà nó cho là “CÔNG CHÍNH”. Mắt nó dần sáng ra, trí nó dần được mở. “CON ƠI CỘNG SẢN NÓ ÁC LẮM”! Câu nói của cha nó, bỗng nhiên vang vọng trong tâm trí nó, nó vọng lại liên hồi. Chuyện gì xảy ra vậy? “CỘNG SẢN ÁC THẬT SAO?”.

Nó lại bắt đầu đi lần mò manh mối, nó đi tìm hỏi những người đã từng làm bạn với cha nó để hy vọng biết thêm nhiều sự thật liên quan đến cha mình. Với hy vọng nó có thể giải mã được những câu nói của cha nó. (Cha nó mất khi nó còn ngây ngô lắm. Cha nó mất, mang theo tất cả sự thật mà nó không còn cơ hội được biết nữa. Cha nó đã mang theo sự thật xuống sâu trong lòng đất.) Rồi thì sự thật cũng được hé mở. Nó rồi cũng gặp được những người mà nó muốn gặp.

HỠI ƠI! CHA NÓ ĐÚNG. NÓ SAI RỒI! Miền Nam VN ngày xưa trù phú lắm, hưng thịnh lắm. Người dân khi xưa sống nhàn hạ lắm. Còn giờ đây, sau mấy mươi năm sự nghèo nàn càng ngày càng rõ rệt nhất. Trời ơi! Sự thật đấy ư? Tôi đã tiếp xúc với những nhân vật đang còn sống tại VN, họ đã từng làm việc với những tướng lớn trong quân đội Mỹ. Đáng lẽ họ đã đi nước ngoài, nhưng khi cộng sản vào, toàn bộ giấy tờ phải đem đốt sạch, nhằm ngăn chặn sự trả thù hèn hạ của chúng. Thế là họ bị vướng lại. Họ phải chứng kiến sự thay đổi tàn khốc. Họ phải câm lặng giữ kín cái sự thật, mà đáng lẽ họ phải nói lên cho mọi người cùng biết. Lòng nó dâng lên một sự oán trách. Nó khó chịu. Nó không cam tâm khi nó biết nó đã bị dối lừa.

Rồi nó thấy người tranh đấu bị bắt giam. Nó thấy người trí thức bị tù đày. Nó thấy cái ác càng hiện ra rõ rệt hơn.

Nó đi biểu tình theo tiếng gọi con tim. Nó bị bắt. Nó bị khảo cung. Nó bị hỏi “ai đã xúi giục cô đi biểu tình?”. Nó trả lời: “không ai xúi giục tôi cả. Tôi làm vì tôi yêu đất nước tôi. Tôi không thích Trung Quốc xâm chiếm Việt Nam”. Chỉ có vậy thôi, nó bị lưu giữ đến hơn 12 giờ đồng hồ. Nơi nó thấy rõ bản chất ác ôn của nhóm người được gọi là “AN NINH CHÌM”. Nó bắt đầu ghét họ từ khi đó. Một lũ dối trá.

Nó bị ép phải ký một bản cam kết hứa rằng ko xuống đường nữa. Nó đã ký. Và nó đã thề với lương tâm rằng. Nó sẽ câm họng cho đến ngày nó thoát ly khỏi Việt Nam.

Ngày nó rời khỏi VN cũng đã đến. Nó mang theo cả một trọng trách nặng nề. Nó biết vai nó sẽ nặng lắm. Nó biết con đường đi sắp tới sẽ là con đường đi, mà có thể nó sẽ quỵ ngã, nếu nó không mạnh mẽ. Nó thấy người tranh đấu trong nước bị thất thế, nó chọn cho mình lối khác. Đó là đứng ngoài vọng vào trong. Và nó cũng đã thực hiện được những gì nó đã hứa với chính bản thân.

Xung quanh nó, câu chuyện về thuyền nhân vượt biển nhiều lắm. Mỗi người một câu chuyện khác nhau. Mỗi người mỗi hoàn cảnh khác nhau. Và mỗi người trải qua những mất mác khác nhau trên hành trình đi tìm hai chữ “TỰ DO”. Nhưng giữa họ, có một điểm chung: “MẤT QUÊ HƯƠNG, XA RỜI HỌ HÀNG, VÀ SỐNG ĐỜI SỐNG LƯU VONG!”

Tháng tư của 45 năm trước. Nó chưa chào đời. Tháng 4 của 45 năm sau, nó biết được sự thật câu chuyện lịch sử.

Hai từ “giải phóng” nó đã chôn vùi sâu thăm thẳm. Bởi nếu “giải phóng” sao dân vẫn khổ trăm đường? Bởi nếu giải phóng, sao họ vẫn còn sợ lá cờ vàng ba sọc đỏ? Bởi nếu đã giải phóng, sao họ lại sợ đến tên gọi “Việt Nam Cộng Hoà”? Bởi nếu giải phóng sao họ lại ngày đêm sợ hãi “thế lực phản động, trong và ngoài nước?”.

VÌ SAO? VÌ SAO? VÌ SAO?

Vì từ giải phóng ko tồn tại. HỌ ĐÃ CƯỚP NƯỚC. VÀ KHI HỌ CƯỚP CÁI GÌ ĐÓ KHÔNG THUỘC VỀ HỌ, HỌ LUÔN NƠM NỚP LO SỢ SẼ BỊ ĐÒI LẠI!”
(Một ngày đầy tâm trạng, một ngày nhớ về VN, nhớ về những chuyến đi, những cuộc gặp gỡ, nhớ về những câu chuyện sự thật...MỘT NGÀY NHỚ!)

Mời nghe Cô Đoàn Thị Thùy Dương, sinh năm 1985 tại Nam Việt Nam nói về VNCH:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét