Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 22 tháng 2, 2020

SỰ NHẬP CUỘC CỦA NHÀ TỶ PHÚ MICHAEL BLOOMBERG - Mai Loan

Tỷ phú có gần 55 tỷ USD tuyên bố sẽ dốc toàn bộ tiền để đánh bại ông Trump
 Ông Armstrong Williams là chủ nhân và giám đốc điều hành của hệ thống truyền thông Howard Stirk Holdings I & II Broadcast Television Stations, từng được vinh danh và bầu chọn là Chủ Nhân Đài Truyền Thông Đa Văn Hoá Hay Nhất trong năm 2016. Vì thế nên những nhận định về thời sự của ông được xem là khá chính xác và có nhiều điều rất lý thú đáng để chúng ta học hỏi hầu hiểu rõ hơn về chính trường bầu cử tại Hoa Kỳ Trong một bài nhận định mới đây trên diễn đàn The Hill (chuyên phân tích thời sự về những sinh hoạt bao quanh Quốc Hội và những chủ đề chính trị và kinh tế tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn), ông Williams cho rằng nếu chỉ nhìn vào những bài tường thuật và kết quả bầu cử tại hai tiểu bang đầu tiên là Iowa và New Hampshire theo truyền thống lâu đời, nhiều người dễ có nhận định rằng phe Dân Chủ đang hội tụ quanh hai ứng viên sáng giá nhất hiện nay để mong trở thành ứng viên được đề cử để dự tranh chức vụ tổng thống:
<!>
Đó là hai người đã về đầu với số phiếu rất ngang ngửa khít khao là nghị sĩ liên bang Bernie Sanders của Vermont và ông Pete Buttigieg, thị trưởng thành phố South Bend ở Indiana. Tuy nhiên, một con ngựa ô (dark horse) đáng ngại ít ai ngờ đến đã ló đầu trong cuộc đua đường trường này: đó là nhà tỷ phú Michael Bloomberg và cũng là cựu thị trưởng thành phố lớn nhất nước Mỹ là New York City trong 3 nhiệm kỳ liên tiếp từ năm 2002 đến 2013.
Một chính trị gia kỳ cựu khác và rất am hiểu chính trường địa phương là Judd Gregg cũng đưa ra một nhận định và tiên đoán đầy tốt đẹp tương tự khi nói rằng sau cuộc bầu cử sơ bộ tại New Hampshire, người chiến thắng chính là ông Michael Bloomberg. Nếu như nhiều người chưa biết rõ ông Gregg là ai, thì đó chính là cựu thống đốc của New Hampshire thuộc phe Cộng Hoà từ năm 1989 đến 1993 và sau đó trở thành nghị sĩ liên bang đại diện cho tiểu bang này trong 3 nhiệm kỳ liên tiếp từ năm 1993 đến 2011.
Theo ông Judd Gregg, tuy ông Bernie Sanders giành được số phiếu cao nhất (25.7%) tại New Hampshire, trên chân ông Pete Buttigieg chút ít (24.7%) tuy rằng cả hai người đều cùng đạt được 9 đại biểu cho kỳ Đại Hội Tuyển Chọn Toàn Quốc vào mùa hè năm nay, nhưng chiến thắng này chính là động lực để thúc đẩy chiến dịch vận động tranh cử cho cựu thị trưởng New York City dù rằng ông Bloomberg đã không thèm bỏ công sức và tiền bạc để vận động tại New Hampshire cũng như Iowa trong mấy tháng qua.
Thậm chí, cho dù tên của ông Bloomberg không nằm trong danh sách các ứng viên chính thức được nêu tên trên lá phiếu, nhưng cũng có đến 4,777 cử tri của phe Dân Chủ đã tự động viết tên của ông (write-in votes) trên phiếu bầu của họ. Và bên đảng Cộng Hoà, cũng có đến 801 cử tri ghi tên ông Bloomberg là người được họ bầu chọn. Tính ra, tuy không cần đến vận động tại đây, ông Bloomberg còn thu được nhiều phiếu hơn cả hai ứng viên có tiếng khác trong phe Dân Chủ: đó là nghị sĩ liên bang Michael Bennett (của Colorado) và cựu thống đốc Patrick Deval của Massachusetts.  
Và tuy là người chỉ mới nhập cuộc tranh cử tổng thống vào tháng 11 vừa qua, trễ hơn đa số các ứng viên khác đến 6 tháng, nhưng ông Bloomberg cũng gặt hái được nhiều thành quả đáng kể để mong trở thành một ứng viên gạo cội cho đảng Dân Chủ, với bằng chứng mới nhất là lời lên tiếng chính thức ủng hộ từ Thị trưởng Sylvester Turner của Houston. Trước đó, ông Bloomberg cũng đã nhận được sự ủng hộ chính thức từ các thị trưởng của San Francisco và Washington DC cũng như các cựu thị trưởng của Philadelphia và Los Angeles.
Michael Bloomberg cũng là người nhận được lời chính thức ủng hộ từ hai nhà báo kỳ cựu và uy tín, từ trước đến nay chưa bao giờ lên tiếng ủng hộ ai trước ngày bầu cử, qua hai bài viết của ông Sam Donaldson (cựu xướng ngôn viên của đài ABC News) khi giải thích lý do vì đảng Dân Chủ cần có một người đủ thế lực để có thể ngăn cản “một kẻ bệnh hoạn, thiếu hiểu biết” (a sick, ignorant man) như đương kim TT Trump và Thomas Friedman của New York Times lập luận rằng ông Bloomberg là ứng viên có nhiều khả năng để thuyết phục và thu hút “những cử tri độc lập, ôn hoà trong phe Cộng Hoà và nữ giới ở các vùng ngoại ô” nhiều hơn so với các ứng viên cấp tiến như Bernie Sanders hoặc Elizabeth Warren. (Những cử tri kể trên được xem như là những thành phần đã rời bỏ phe Cộng Hoà trong kỳ bầu cử cuối năm 2018 và ồ ạt bỏ phiếu cho các ứng viên phe Dân Chủ để giúp họ nắm lại được quyền điều hành Hạ Viện.)
Ông Sanders có thể tự hào là đã thu hút được một khối cử tri rất trung thành với ông, khởi đi từ năm 2016 khi ông mới xuất hiện và tuy không phải là người thuộc đảng Dân Chủ, khi ông đã giành được một tỉ lệ đáng kể số phiếu của cử tri phe Dân Chủ trong vòng sơ bộ để kéo dài cuộc chạy đua với bà Hillary Clinton đến kỳ Đại Hội Đảng. (Và nhiều chuyên gia cũng phân tích rằng sự kiện này có thể đã góp phần gián tiếp vào sự thất bại của bà Clinton khi những cử tri say mê với ông Sanders đã thất vọng khi ông bị thua nên không còn hăng say đi bầu vào tháng 11, khiến cho bà Clinton bị mất một số phiếu đáng kể tại 3 tiểu bang Pennsylvania, Michigan và Wisconsin để thua đau trước ông Trump.)
Vì thế nên lần này khối cử tri trung thành với ông Sanders tiếp tục biểu dương sức mạnh của họ trong kỳ bầu cử sơ bộ để giúp ông trở thành ứng viên sáng giá hàng đầu. Phần đông họ là những người trẻ, nên đương nhiên dễ ủng hộ những chính trị gia nào biết đưa ra những lời hứa hẹn đầy lý tưởng, chẳng hạn như chính sách tài trợ miễn phí cho tất cả sinh viên bậc đại học 2 năm hoặc 4 năm, hoặc là sẽ xoá sạch tất cả những khoản nợ học phí mà đa số sinh viên đều phải gánh vác sau khi tốt nghiệp. (Hiện nay, tại Hoa Kỳ có khoảng 45 triệu người còn đang mang nợ học phí đại học, tổng cộng lên đến khoảng 1,500 tỷ Mỹ-kim. Để có tiền trang trải chi phí này, ông Sanders đề nghị sẽ đánh thuế trên giới tài phiệt bỏ tiền đầu tư tại thị trường Wall Street.) Hoặc chính sách Medicare for All nhằm giúp cho tất cả người dân Mỹ đều có bảo hiểm y tế do nhà nước điều hành, tương tự như hầu hết các nước khác trên thế giới (nhưng ông Sanders lại không nói rõ chi tiết là đào đâu ra số tiền to lớn để có thể trang trải, nhiều phần là sẽ phải tăng thuế lên tất cả những người đi làm việc cũng như giới chủ nhân.)
Do đó, chắc chắn ông Sanders sẽ bị phe Cộng Hoà tấn công về chiêu bài Xã Hội Chủ Nghĩa có tính mị dân theo khuynh hướng thiên tả, tức là tạo ra một guồng máy chính quyền to lớn để áp đặt các chính sách thuế khoá nhằm tái phân phối lợi tức của người dân cho đồng đều, bớt có sự chia cách giầu nghèo quá lớn. Đây là một điều có thể đúng trên lý thuyết nhưng dường như chưa bao giờ được thực hiện một cách thành công tốt đẹp trên một quy mô rộng lớn, ngoại trừ một số nước ở Bắc Âu có dân số rất khiêm tốn và tâm lý người dân ở đó cũng sẵn sàng chịu đóng những mức thuế cao để trang trải.
Những người chống ông Sanders sẽ đem ra những thí dụ thất bại của Liên Sô hoặc Trung Cộng để chỉ trích rằng mô hình xã-hội-chủ-nghĩa chỉ đem lại hậu quả nghèo khó và chết chóc cho hàng triệu người dân trong khi giới cầm quyền cứ rêu rao rằng họ đang xây dựng một thiên đường mới. Trong nhiều trường hợp, các lãnh tụ còn biến nó thành một chủ nghĩa độc tài toàn trị để giúp cho một thiểu số cầm quyền được thừa hưởng đủ mọi ân huệ trong khi đại đa số người dân đều bị rơi vào tình trạng nghèo khổ và mất đi quyền tự do.
Những lãnh tụ phe hữu như trường hợp của bà cựu thủ tướng Margaret Thatcher của Anh-quốc thường hay chỉ trích các chính quyền thiên tả theo xã-hội-chủ-nghĩa là chỉ biết phung phí tiêu xài cho hết sạch ngân sách được thu từ tiền thuế của người dân phải đóng góp. Riêng tại Hoa Kỳ, kể từ vài thập niên gần đây, chủ trương cắt giảm thuế do phe Cộng Hoà luôn hô hào đã dần dần nhiễm sâu vào tâm lý của đại đa số quần chúng nên bất cứ những đề nghị tăng thuế (dù là trong nhiều trường hợp rất cần thiết và hợp lý) đều khó lòng được đại đa số chấp nhận hay ủng hộ.
Theo lập luận của ông Judd Gregg, điều đáng nói là những thành quả thắng lợi của ông Sanders tại hai tiểu bang Iowa và New Hampshire lại có thể dẫn đến những hệ quả bất lợi cho ông sau đó. Bởi vì sự kiện ông Sanders hiện nay đang trở thành ứng viên dẫn đầu trong cuộc đua sơ bộ này bỗng dưng trở thành một dấu hiệu cảnh báo đáng ngại cho nhiều cử tri theo phe Dân Chủ. Đại đa số họ không phải là những người dễ bị dụ dỗ theo chiêu bài thiên tả này. Phần đông họ là những người Mỹ bình thường có những gánh nặng gia đình phải cưu mang hoặc những cơ sở kinh doanh cần phải phát triển để đem lại thu nhập cho mình. Họ chỉ mong có được một cuộc sống an bình, sung túc nhờ vào truyền thống chuyên cần làm việc như bao thế hệ đã qua. Họ không dễ dãi ủng hộ một chủ thuyết như  ông Sanders đề ra, cho phép nhiều người dễ trở thành ỷ lại khi từ chối những khó khăn nặng nhọc theo tinh thần trách nhiệm của mỗi cá nhân cần phải cần cù làm việc, và chỉ mong được hưởng lợi một cách dễ dàng từ những chính sách áp đặt sưu cao thuế nặng trên tài sản của những người khác.
Cũng theo nhận định của ông Judd Gregg, điều mà đa số những cử tri phe Dân Chủ hiện nay mong muốn là tìm lại được một chính quyền cấp tiến nhưng có tinh thần trách nhiệm và suy nghĩ đứng đắn, được điều hành bởi một vị tổng thống biết tôn trọng những giá trị truyền thống và tinh thần thượng tôn pháp luật. Do đó bước đầu tiên họ muốn đạt được là phải đánh bại TT Trump. Dưới mắt họ, ông Trump hiện nay là biểu tượng của sự chia rẽ trầm trọng theo bè phái, một chính quyền hư hại và xuống dốc khi không còn tuân thủ theo những giá trị truyền thống của tam quyền phân lập. Những cử tri phe Dân Chủ đó đều có trực giác rằng nếu như đảng của mình đề ra một ứng viên với chủ trương xã-hội-chủ-nghĩa như ông Sanders để tranh cử với ông Trump trong cuộc bầu cử vào cuối năm nay, điều này coi như là một hành động tự huỷ diệt mình. Vì thế nên đa số cử tri này đều cảm thấy bất an khi đứng trước viễn ảnh ông Sanders càng ngày càng tiến xa hơn trong vòng đua sơ bộ.
Những người thuộc đảng Dân Chủ đang đi tìm một giải pháp khác. Sự kiện nữ nghị sĩ liên bang Amy Klobuchar của Minnesota và ông Pete Buttigieg, thị trưởng của South Bend, Indiana cũng đạt được số phiếu đáng kể tại New Hampshire đã phản ảnh sự quan tâm này của khối cử tri. Rõ ràng là trong số lớn những người trong đảng Dân Chủ theo kiểu truyền thống đang mong muốn có một con bài nào khác hơn là “phong trào” Sanders.
Thế nhưng ai là người có thể trở thành con bài đó? Trước đây nhiều người nghĩ rằng đó là cựu PTT Joe Biden, xuyên qua hầu hết các cuộc thăm dò dân ý từ trước tới nay đều cho thấy ông luôn là người dẫn đầu. Thế nhưng hình ảnh một ứng viên già nua, thiếu sáng tạo và gây hứng khởi dường như đã không đem lại kết quả như mong muốn, xuyên qua kết quả khá thất vọng của ông Biden ở hai tiểu bang đầu tiên. Còn đối với hai ứng viên sáng giá và trẻ trung, năng động hơn nhiều là Klobuchar và Buttigieg, nhiều cử tri phe Dân Chủ vẫn có cảm giác rằng họ chưa đủ “nặng ký” và có nhiều kinh nghiệm để so tài và đánh bại TT Trump lần này.
Vì thế nên câu trả lời giờ đây bỗng trở nên quá hiển nhiên, và càng ngày càng có sức thuyết phục hơn. Người đó không ai khác hơn là ông Bloomberg. Và có thể là ông Bloomberg đã tiên đoán trước một viễn ảnh như vậy với những nỗ lực của nhiều ứng viên tranh giành nhau rồi cũng sẽ dẫn đến tình trạng như hiện nay. Và nếu đó đúng là điều ông đã dự đoán, thì nó càng chứng tỏ là ông ta quả tình rất thông minh hơn nhiều người tưởng. Dẫu sao đi nữa, ông Bloomberg có thể sẽ sớm trở thành người cứu tinh cho đảng Dân Chủ. Và ông cũng có thể trở thành khắc tinh đối với Donald Trump.
(Sự kiện ông Bloomberg mới được đảng Dân Chủ cho phép tham dự trong cuộc tranh luận mới nhất tại Las Vegas, và đã không thành công đối đáp và ứng biến trước nhiều đòn tấn công tới tấp của các ứng viên khác trong phe Dân Chủ có thể đem lại một hình ảnh không mấy tốt đẹp, nhưng điều may mắn là nó xuất hiện ở ngay lúc đầu, và nhiều phần là sẽ được điều chỉnh kịp thời để có thể trở thành khả quan hơn trong những ngày tháng sắp tới.)
Michael Bloomberg trong cuộc vận động tranh cử tại New York City vào năm 2001
Còn theo nhà báo Armstrong Williams nhận định, vòng bầu cử sơ bộ bên đảng Dân Chủ hiện nay là một cuộc đua đường trường mà những chiến thắng nhỏ nhoi đầu tiên có thể khiến nhiều người chưa nhìn thấy rõ một kế hoạch tấn công đường dài có phần tinh tế và khó nhìn thấy rõ lúc ban đầu. Và trong lúc những ứng viên trong cuộc đua có thể bất chợt vấp ngã hoặc bỏ cuộc, những tính toán trên chiến trường có thể thay đổi rất nhanh chóng và khác thường. Hiện giờ, hầu hết các chuyên gia dường như đều tiên đoán là cựu PTT Joe Biden có lẽ sẽ không có triển vọng thành công, dù rằng chỉ mới vài tuần trước ông vẫn được xem là hy vọng sáng giá nhất của phe Dân Chủ để có thể đánh bại được vị đương kim tổng thống.
 Dù ông Biden không phải là người bị đưa ra xét xử trong phiên toà luận tội để bãi nhiệm tại diễn đàn Thượng Viện vào tuần trước, nhiều người có cảm tưởng như ông Biden là người bị thiệt hại còn nặng nề hơn cả TT Trump trong vụ tai tiếng luận tội này, và do đó đã trở thành một ứng viên hết còn sáng giá. Với kết quả về hạng tư ở Iowa và thua xa điểm về hạng ba của nữ nghị sĩ Elizabeth Warren, rồi đến kết quả về hạng năm ở New Hampshire vào một tuần sau đó, có vẻ như chiến dịch vận động của ông Biden đang rơi vào cơn bế tắc và tuyệt vọng. Và nó còn cho thấy là đảng Dân Chủ dường như sẽ phải trải qua một cuộc chạy đua vòng sơ bộ kéo dài với nhiều màn đấu đá dữ dội trong nội bộ, ít nhiều cũng sẽ gây thương tích cho hầu hết các ứng viên.
Những điểm yếu của ông Biden trong tư thế một ứng viên tranh cử, cùng với sự chia rẽ khá mạnh trong nội bộ đảng Dân Chủ tự nó không có nghĩa là nó sẽ đem lại những lợi thế cho hai ứng viên đang dẫn đầu là Sanders và Buttigieg. Ngược lại, nó có thể trở thành một cơ hội mở cửa rất tốt và thuận lợi cho ông Bloomberg, một ứng cử viên tổng thống với một quỹ vận động tài chính có lẽ dồi dào nhất trong lịch sử bầu cử tại Hoa Kỳ. Chỉ mới trong vài tháng đầu của mùa bầu cử sơ bộ, ông Bloomberg đã chi ra khoảng 400 triệu Mỹ-kim cho các màn quảng cáo trên các phương tiện truyền thông, và chắc chắn là số chi tiêu này sẽ còn tăng cao hơn nữa trong những ngày tháng sắp tới. Ông lại còn lợi thế lớn là không cần phải vận động gây quỹ nên không phải mất thì giờ cho công tác này, cũng như không cần phải “lựa lời mà nói” để làm vui lòng những kẻ ủng hộ tiền bạc (nhưng đồng thời có thể tạo dịp cho những người khác chỉ trích).  
Nhưng ông Bloomberg không chỉ thuần tuý là một nhà tỷ phú có dư tiền và bỗng nổi hứng nhảy ra tranh cử như trường hợp của hai ông tỷ phú khác là Donald Trump và Tom Steyer. Ông Bloomberg là nhân vật đã có tên tuổi và được nhiều người biết đến từ lâu, và những chính sách điều hành chính quyền theo đường lối trung dung và ôn hoà, cũng giống như đường lối của ông Biden, có lẽ là những ưu điểm để biến ông trở thành một ứng viên an toàn và chắc ăn nhất dưới mắt của nhiều cử tri so với một người như ông Sanders.
Một điều cũng cần phân tích thêm nữa là viễn tượng ông Biden có thể sớm rời bỏ cuộc đua này sẽ dẫn đến câu hỏi về lá phiếu của khối cử tri Mỹ đen. Cho đến nay, ông Biden được xem như là ứng viên được sự hậu thuẫn mạnh mẽ và trung thành nhất từ khối cử tri này, vốn luôn chiếm một tỉ lệ khá quan trọng tại các tiểu bang ở miền Nam và cũng là một thành phần quan trọng cho triển vọng thành công của phe Dân Chủ trong kỳ bầu cử vào cuối năm.
Cả hai ứng viên đứng đầu hiện nay của phe Dân Chủ đều không phải là những người có tỉ lệ ủng hộ cao trong khối cử tri Mỹ đen tại những tiểu bang miền Nam, nhất là ông Buttigieg; trong một cuộc thăm dò dân ý tại tiểu bang South Carolina, ông Buttigieg chưa đạt được 3% cử tri Mỹ đen ủng hộ. Với ông Sanders, chiêu bài xã-hội-chủ-nghĩa cũng không đem lại hứng thú và hy vọng thiết thực gì đối với khối cử tri này, vốn mong muốn những điều khác hơn. Vì thế nên trong những cuộc thăm dò dân ý gần đây, tỉ lệ ủng hộ của khối cử tri Mỹ đen giành cho ông Biden cao hơn gấp đôi con số giành cho ông Sanders. Và nếu như ông Biden bỏ cuộc, đây là một khoảng trống lớn cho phép ông Bloomberg giành lấy sự ủng hộ từ khối cử tri này, vì ông là một ứng viên có khối tài sản kếch xù và sẵn sàng chi đẹp một cách rộng rãi và tên tuổi cũng đã được rất nhiều người biết đến từ lâu.
Những cuộc thăm dò dân ý gần đây cho thấy tỉ lệ ủng hộ ông Bloomberg đã tăng cao trong 2 tháng qua. Trên toàn quốc, ông đứng hạng 3 với 15% ủng hộ, chỉ thua ông Joe Biden (17%) và Bernie Sanders (25%).  Riêng trong cộng đồng cử tri Mỹ đen, tỉ lệ ủng hộ ông Bloomberg đã tăng vọt; cách nay 2 tháng nó chỉ ở mức 4% nhưng giờ đây đã tăng lên thành 22%.
TT Trump không phải là người quá non nớt để không nhìn thấy viễn tượng này nên đã mau mắn tấn công ông Bloomberg qua nhiều mẩu tuýt, dù rằng cho đến nay ông Bloomberg vẫn chưa có được một đại biểu nào cho kỳ Đại Hội Đảng xuyên qua hai cuộc bầu cử đầu tiên tại Iowa và New Hampshire cũng như hai cuộc bầu cử sắp tới tại Nevada và South Carolina. Khác với những đối tượng khác của TT Trump, ông Bloomberg dường như đã không bị hề hấn gì trước những đòn tấn công của TT Trump nhằm chế riễu hay chê bai ông.
Có lẽ cũng giống như TT Trump, ông Bloomberg cũng là một cư dân kỳ cựu tại New York, vốn quen sống trong cương vị một người có đầy quyền lực và ảnh hưởng lớn. Thật ra ông Bloomberg có thể còn nổi tiếng khá hơn nhiều so với ông Trump về mặt uy tín và thành quả của một chính trị gia. Bởi vì nếu không “cứng cựa” và lão luyện, làm sao ông Bloomberg có thể thành công để thuyết phục hội đồng thành phố New York chịu thay đổi điều luật giới hạn 2 nhiệm kỳ của một thị trưởng và giành cho ông một ngoại lệ chưa từng có để ra ứng cử lần thứ ba và cũng đắc cử vẻ vang. Rõ ràng là ông Bloomberg không phải là một chính trị gia non nớt và yếu thế trước TT Trump, nếu không muốn nói là ông còn đang hớn hở để mong có cơ hội so tài đối đầu trong cuộc bầu cử vào cuối năm nay.
Cũng còn có thêm một chi tiết khác đáng chú ý: Nếu như ông Bloomberg có thể gặp nhược điểm trên một hồ sơ nào đó, TT Trump có lẽ còn gặp nhược điểm to lớn hơn nữa về mặt này. Mới đây, TT Trump đã toan tấn công và chụp mũ ông Bloomberg là một chính trị gia kỳ thị sắc tộc sau khi có một bài báo cũ được khơi lại về chuyện ông Bloomberg, trong thời kỳ làm thị trưởng New York City, đã bị chỉ trích là nhắm nhiều vào giới trẻ Mỹ đen và gốc Mễ để kiểm tra gắt gao hơn xuyên qua chính sách gọi là stop-and-frisk được áp dụng bởi Sở Cảnh Sát New York City.
[Chính sách này cho phép cảnh sát được chặn bắt, xét hỏi và rờ soát trên người để tìm xem có giấu vũ khí hoặc thuốc cấm hay không. Vì thế nên nó đã ra gây nhiều tai tiếng và tranh cãi vì được xem như là công cụ để nhân viên công lực đánh giá con người qua mầu da, tức là có phần đối xử kỳ thị với những người da mầu. Ở những năm cao điểm như 2011, cảnh sát tại New York City đã chặn bắt hơn 685,000 người. Và có đến 90% những người bị chặn bắt là giới trẻ, từ 14 đến 24 tuổi, và là những người Mỹ hoặc gốc Mễ. Hơn thế nữa, có đến 70% những người bị bắt giữ này sau đó được thả ra vì chẳng có tội tình gì. Vào năm 2015, ông Bloomberg đã có những lời biện hộ cho chính sách này khi cho rằng tại những khu phố có đông người nghèo gốc thiểu số, con số các tội phạm cũng có tỉ lệ rất cao; và giờ đây nó được khui trở lại để khiến ông bị chỉ trích.]
Thế nhưng cho dù ông Bloomberg có bị chỉ trích trên hồ sơ này thì TT Trump cũng chẳng có gì tốt hơn để khoe khoang, bởi vì chính ông Trump cũng đã từng nhiều lần lên tiếng ủng hộ chính sách stop-and-frisk nàyvà cũng được xem như là một vị tổng thống bị chỉ trích nhiều nhất về những chính sách kỳ thị sắc tộc.
Và dĩ nhiên ông Bloomberg có lợi điểm nhiều hơn hai đối thủ Sanders và Buttigieg để không bị chụp mũ là người chủ trương xã-hội-chủ-nghĩa do bởi ông là một nhà đại tài phiệt thành công trên thương trường (khá hơn nhiều so với thành tích của Donald Trump thật ra đã khai phá sản đến 5 lần để xù nợ của người khác). Ông Bloomberg cũng là thị trưởng với thành tích giúp hồi sinh nền kinh tế của thành phố New York. Nhiều người có thể chỉ trích ông là một chính trị gia theo khuynh hướng cấp tiến và chủ trương cần phải có một chính quyền to lớn nhưng không ai có thể chụp mũ cho Michael Bloomberg là một người theo xã-hội-chủ-nghĩa.
Ngoài ra, Michael Bloomberg còn có nhiều lợi thế và ưu điểm khác khiến nhiều người phải nể phục. Về cơ nghiệp, ông là chủ nhân của một hệ thống truyền thông lớn trên toàn cầu (Bloomberg News) còn lớn hơn cả công ty Fox News vốn là cơ quan truyền thông chính mà TT Trump đang dựa vào. Ông cũng là một tỷ phú thành công với rất nhiều mối quan hệ tốt đẹp với nhiều người trong các giới doanh thương và ngân hàng. Với hệ thống truyền thông to lớn, ông Bloomberg có đủ phương tiện để tìm hiểu về kho dữ liệu khổng lồ về dân số cũng như khả năng tài chính để có thể làm những cuộc thăm dò dân ý hầu đo lường tỉ lệ ủng hộ của cử tri. Với khối tài sản được ước tính vào khoảng trên 62 tỷ Mỹ-kim (lớn hơn gấp 20 lần gia tài của ông Trump), rõ ràng nhà tỷ phú Bloomberg có thể trở thành một đối thủ đáng ngại cho TT Trump.
Khác với nhiều nhà tỷ phú khác chỉ mong càng ngày càng làm giầu để gia tăng gia tài kếch xù của mình, ông Bloomberg nằm số rất ít những nhà tỷ phú thích làm từ thiện to lớn và đáng nể trọng. Giống như hai nhà tỷ phú nổi tiếng từ thiện khác là Bill Gates và Warren Buffet, ông Bloomberg cũng ký tên trên bản tuyên ngôn gọi là Giving Pledge, với lời hứa là sẽ hiến tặng ít nhất phân nửa gia tài của mình cho những mục đích từ thiện.
Ngay từ lúc còn trẻ, ông Bloomberg đã hiến tặng cho Đại học Johns Hopkins $5 ngay sau khi còn là một sinh viên vừa mới tốt nghiệp, và từ đó ông tiếp tục hiến tặng nhiều món quà to lớn cho trường đại học nổi tiếng này với tổng cộng số tiền lên đến hơn 3.3 tỷ Mỹ-kim.
Xuyên qua sáng hội từ thiện do ông thành lập có tên là Bloomberg Philanthropies, nhà tỷ phú này đã hiến tặng khoảng 8 tỷ Mỹ-kim cho nhiều mục đích đa dạng gồm các chương trình và mục tiêu như kiểm soát súng ống, nguy cơ hâm nóng địa cầu, bảo vệ môi sinh v.v. 
Sau cùng, Michael Bloomberg dễ trở thành một ứng viên mà đại đa số cử tri theo phe Dân Chủ sẵn sàng ủng hộ nhấtLý do đơn giản là ông đã xác quyết rằng mục tiêu duy nhất của ông là giúp cho đảng Dân Chủ đánh bại cho bằng được TT Trump, cho dù bất cứ ứng viên được đề cử sau cùng là người nàoĐiều này có nghĩa là ông đã đặt quyền lợi của đảng Dân Chủ lên trên quyền lợi của cá nhântrái ngược với trường hợp của ứng viên Donald Trump vào năm 2016 đã từng hăm he rằng nếu như không được lựa chọn là ứng viên được đề cử, chưa chắc ông ta sẽ ủng hộ người này. Và những món tiền ủng hộ của ông Bloomberg trong những năm qua cũng đã giúp ích thiết thực cho nhiều chính trị gia phe Dân Chủ giành được nhiều chức vụ dân biểu và nghị sĩ, cũng như giúp đánh bại được tổ chức NRA (Hiệp Hội Súng Trường Hoa Kỳ) về hồ sơ kiểm soát súng ống như đã xảy ra tại tiểu bang Virginia.
Nhưng theo nhận định của nhà báo Williams, lợi thế lớn nhất mà phe Dân Chủ và ứng cử viên Michael Bloomberg có được trong cuộc tranh cử lần này chính là việc TT Trump dễ trở thành một người tự hại mình. Dường như sau mỗi lần thoát nạn qua nhiều lỗi lầm khác nhau, từ vụ điều tra của Công Tố Viên Độc Lập Robert Mueller rồi sau đó là đến vụ luận tội để bãi nhiệm, và mới đây nhất là vụ tai tiếng về việc áp lực Bộ Tư Pháp phải giảm án cho một phụ tá thân cận là Roger Stone, TT Trump lại càng trở nên háo thắng và sẵn sàng làm càn mạnh bạo hơn nữa.
Thế nhưng “đi đêm cũng có ngày gặp ma”, không ai tin rằng TT Trump sẽ tiếp tục gặp mãi những điều may mắn hoặc vận hên sẽ kéo dài bất tận. Nhiều phần là những hành động xem thường luật pháp kiểu tự tung tự tác của TT Trump thế nào cũng đến lúc sẽ khiến ông lâm vào cảnh khó cứu chữa. Những phụ tá thân cận và những người còn tiếp tục biện hộ cho ông đến một lúc nào đó cũng bắt đầu cảm thấy mệt mỏi khi phải đối diện với những biến động và tai tiếng nổ ra thường xuyên. Sự kiện một vị đương kim tổng thống cứ luôn dễ bị kích động để xen lấn vào những chuyện đấu đá vặt vãnh trong khi lại không để ý đến những vấn đề trọng đại hơn có lẽ chính là mối nguy lớn nhất khiến cho TT Trump có thể mất cơ hội được tái đắc cử cho một nhiệm kỳ thứ hai.
Khách quan mà nói, ông Bloomberg chưa phải là một ứng viên tổng thống đầy tốt đẹp và lý tưởng. Theo nhận định của ông Robert Reich, cựu tổng trưởng Bộ Lao Động dưới thời TT Clinton, sự nhập cuộc để tham chính và nắm quyền của ông Bloomberg là tiêu biểu của thể chế “Oligarchy”, tạm gọi là thể chế của những người có quyền thế. Nó không phải là thể chế Dân Chủ (Democracy) như chúng ta mong ước và đề cao. Nhưng nếu không có giải pháp nào tốt hơn, “Oligarchy” vẫn còn khá hơn nhiều so với “Monarchy” (Quân Chủ), nhất là với một vị vua bất tài, nhỏ nhen và tự ái hão như King Trump hiện nay. 
MAI LOAN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét