Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 22 tháng 2, 2020

Góc Việt Thi : Thơ TRẦN QÚY CÁP - Đỗ Chiêu Đức

 Inline image
          Trần Quý Cáp 陳季恰 (1870-1908) tự Dã Hàng 野航, Thích Phu 適夫, hiệu Thai Xuyên 台川, chí sĩ nhiệt tình trong phong trào Duy Tân, nhà thơ Việt Nam, quê làng Bất Nhị, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Đỗ tiến sĩ năm 1901, ông là một trong Ngũ hổ, năm người học trò giỏi xứ Quảng bấy giờ. Sớm có tinh thần yêu nước, mê “tân thư”, ông định trốn sang Nhật Bản theo Phan Bội Châu nhưng không thành, sau cùng Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng cổ động cho phong trào Duy Tân, bài xích cách học từ chương, đề xướng lối học mới ích nước lợi dân. Khi làm giáo thụ phủ Thăng Bình (Quảng Nam), ông mời thầy đến dạy quốc ngữ và tiếng Pháp ở trường phủ, theo chủ trương của Phan Chu Trinh. Vì công kích bọn quan lại địa phương nên ông bị đổi đi Diên Khánh, tỉnh Khánh Hoà. Nhân vụ chống sưu thuế ở Trung Kỳ năm 1908, ông bị thực dân Pháp bắt và kết án tử hình chém ngang lưng, mặc dù kẻ thù không có chứng cớ.<!>
      Hiện chỉ tìm thấy 2 bài thơ bằng chữ Hán của ông trên THI VIÊN là "Đà Nẵng Cảm Hoài" và " Vãn Quá Hải Vân Quan", mời tất cả cùng nghiên cứu.

1. Bài thơ ĐÀ NẴNG CẢM HOÀI :

   沱曩感懷                   ĐÀ NẴNG CẢM HOÀI

此地何由起戰鋒,    Thử địa hà do khởi chiến phong ?
祇今到處豕蛇蹤。    Chỉ kim đáo xứ thỉ xà tung.
船臨內埠三才颭,    Thuyền lâm nội phụ tam tài triển,
車駛重關一路通。    Xa sử trùng quan nhất lộ thông.
故國山河鄰笛裏,    Cố quốc sơn hà lân địch lý,
誰家樓閣夕陽中。    Thùy gia lâu các tịch dương trung.
安能再起陳興道,    An năng tái khởi Trần Hưng Đạo,
共挽藤江偉大功。    Cộng vãn Đằng Giang vĩ đại công ?!

             陳季恰                                   Trần Quý Cáp 

 Inline image
       Tàu Liên quân Pháp - Tây Ban Nha tấn công Đà Nẵng năm 1858

*CHÚ THÍCH :
   - Đà Nẵng 沱曩 : là Thương cảng lớn nhất miền Trung trên cửa sông Hàn ở Quảng Nam, tàu bè ngoại quốc lui tới nhiều, buôn bán phát đạt, là nhượng địa của ta cho  Pháp lúc bấy giờ.
   - Hà Do 何由  : là Vì lý do gì ?
   - Thỉ Xà 豕蛇 : là Heo Rắn, do thành ngữ "Phong Thỉ Trường Xà 封豕長蛇" mà ra. Có nghĩa là "Lợn to rắn dài", thường dùng để chỉ những kẻ tham lam hung bạo; trong bài thơ chỉ những người Châu Âu như Pháp Tây ban Nha, Bồ Đào Nha ...
   - Nội Phụ 內埠 : là Bến cảng cho ghe thuyền lui tới buôn bán trong nước.
   - Tam Tài 三才 : Theo sách Tam Tự Kinh thì TAM TÀI là Thiên Địa Nhân, còn ở đây dùng để chỉ lá cờ Tam Sắc ba màu Xanh Trắng Đỏ của Pháp.
   - Trùng Quan 重關 : là Cửa quan ải trùng lắp, ở đây chỉ cửa quan của ta và cửa quan của Pháp.
   - An Năng 安能 : là Nghi vấn tự, có nghĩa : Làm sao có thể ... được ?
   - Tái khởi 再起 : là Lại khơi dậy. AN NĂNG TÁI KHỞI là Làm thế nào để có thể khơi dậy...được.
   - Cộng Vãn 共挽 : là Cùng nhau vãn hồi, cùng nhau làm lại...

* NGHĨA BÀI THƠ :
                                  CẢM HOÀI về Cửa Khẩu ĐÀ NẴNG
             Nơi đây vì cớ chi mà lại nổi lên một trận chiến tranh giao phong với nhau, để đến nỗi bây giờ khắp nơi những lợn lòi rắn độc, những người xấu xa hung ác ngang dọc tới lui. Tàu cặp vào bến cảng thương buôn đều phấp phới lá cờ tam tài, còn xe thì chạy một lèo xuyên qua cả hai cửa quan ải. Sông núi nước non cũ chìm trong tiếng sáo của làng bên, và lầu các nhà ai đang nhuộm buồn dưới ánh nắng chiều. Làm thế nào để có thể khơi dậy tinh thần của Trần Hưng Đạo để cùng nhau làm lại cái chiến công hiển hách vĩ đại của trận Bạch Đằng Giang đây ?!

            Chữ ĐỊCH 笛 là Cây sáo, là Tiếng sáo, nên LÂN ĐỊCH 鄰笛 là Tiếng sáo của vùng lận cận, là tiếng sáo của làng bên cạnh. Nhưng ĐỊCH 笛 cũng là tiếng Còi Hụ, như Cảnh Địch 警笛 là Tiếng còi hụ báo động của cảnh sát. Trong bài thơ trên, LÂN ĐỊCH có thể là chỉ tiếng còi hụ của các chiếc tàu buôn Pháp đang đậu gần  ở bến Đà Nẵng. Còn LÂU CÁC 樓閣 ở đây cũng có thể là những dãy nhà lầu do người Pháp xây dựng nên, nên cụ Trần Qúy Cáp mới mĩa mai bằng hai chữ THÙY GIA 誰家 là Nhà ai ? Những dãy nhà lầu nầy là nhà của ai mà lại nằm trong ánh nắng chiều của xứ ta vậy ?! Cho nên, mới đưa đến hai câu kết là : " Muốn làm sao cho được như Hưng Đạo Đại Vương làm sống lại trận Bạch Đằng Giang oai hùng để đánh đuổi quân xâm lược ra khỏi bờ cỏi non sông !"

* DIỄN NÔM :
                           ĐÀ NẴNG CẢM HOÀI

                 Inline image
                    Hà cớ nơi nầy nổi chiến tranh,
                    Nên nay heo rắn mặc tung hoành.
                    Thuyền buôn ba sắc cờ phe phẩy,
                    Cửa ải một lèo xe lướt nhanh.
                    Non nước sơn hà còi hụ vẳng,
                    Nhà ai lầu các nắng chiều hanh.
                    Làm sao sống lại Trần Hưng Đạo,
                    Vang vội Bạch Đằng tỏ rạng danh !
    Lục bát :
                    Cớ sao gây sự chiến tranh,
                    Bây giờ lợn rắn tranh giành ra oai.
                    Thuyền buôn ba sắc cờ bay,
                    Cửa quan xe chạy thẳng ngay một lèo.
                    Nước non còi hụ buồn thiu,
                    Lâu đài ai đó nắng chiều giăng giăng.
                    Làm sao dựng lại Bạch Đằng,
                    Đại Vương Hưng Đạo vang lừng sử xanh !

                                                             Đỗ Chiêu Đức

2. Bài thơ VÃN QÚA HẢI VÂN QUAN :

  晚過海雲關           VÃN QÚA HẢI VÂN QUAN

崔嵬萬仞古雄關,   Thôi ngôi vạn nhận cổ hùng quan,
幾度登臨俯仰間。   Kỷ độ đăng lâm phủ ngưỡng gian.
愁眼望窮滄海外,   Sầu nhỡn vọng cùng thương hải ngoại,
怒拳揮破白雲端。   Nộ quyền huy phá bạch vân đoan.
孤舟分掉荒村暮,   Cô chu phân trạo hoang thôn mộ,
倦鳥投林古木寒。   Quyện điểu đầu lâm cổ mộc hàn.
七里縈迴穿過後,   Thất lý oanh hồi xuyên qúa hậu,
鬱蔥佳氣五行山。   Uất thông giai khí Ngũ Hành San.

              陳季恰                                    Trần Quý Cáp 

                 Inline image

* CHÚ THÍCH :
   -  Hải vân Quan 海雲關 :  là Ải Hải Vân, là Đèo Hải vân, là cửa ải ở trên núi Hải Vân, giáp giới tỉnh Thừa Thiên Huế và tỉnh Quảng Nam (miền Trung).
   -  Thôi Ngôi 崔嵬 : Cao lớn, nguy nga, đồ sộ.
  -  Vạn Nhận 萬仞 : NHẬN 仞 : Đơn vị đo lường xưa, bằng 8/10 trượng. Nhưng từ Vạn Nhận thường được xem như là Vạn Trượng 萬丈, thường dùng để chỉ chiều dài thật dài hoặc chiều cao tht cao. 
  -  Phủ Ngưỡng 俯仰 : PHỦ 俯 là cúi xuống, NGƯỠNG 仰 là Ngước lên. Chỉ đường núi khúc khủy trắc trở, khi phải cúi mặt xuống khi phải ngước mặt lên.
  -  Vọng Cùng 望窮 : là Nhìn đến mút con mắt.
  -  Huy Phá 揮破 : là Giơ nắm đấm lên đấm cho vỡ ra.
  -  Oanh Hồi 縈迴 : là Lòng vòng lèo vèo.
  -  Uất Thông 鬱蔥 : là Rậm rạp xanh tươi.

* NGHĨA BÀI THƠ :  
                                     CHIỀU QUA ẢI HẢI VÂN   
           Cửa ải xưa hùng vĩ nguy nga cao trên muôn trượng, đã mấy lần ta lên đến nơi nầy trên đường đi lồi lõm lúc cúi xuống lúc ngữa lên. Đứng trên nầy ta đưa mắt buồn bã nhìn mút ngoài biển xanh, và đưa nắm đấm giận dữ lên đấm tan làn mây trắng. chiếc thuyền nan cô lẻ gác mái nơi thôn vắng lúc chiều tà, lũ chim mõi mệt bay về rừng trên những tàn cây to lạnh lẽo. Quanh quẩn vòng vèo xuyên qua suốt bảy dặm đường, cuối cùng cũng thấy được cái khí thế đẹp đẽ quanh cỏ cây xanh tươi sầm uất của Ngũ hành Sơn.

* DIỄN NÔM :
                             CHIỀU QUA ĐÈO HẢI VÂN  
 
                        Inline image

                        Nguy nga muôn trượng ải xưa hùng,
                        Mấy lượt ngẩn lên cúi xuống trông.
                        Mắt buồn nhìn suốt xanh lơ biển,
                        Tay nắm vung tan mây trắng bông. 
                        Thuyền côi gác mái chiều thôn vắng,
                        Chim mõi về rừng cây lạnh trông.
                        Bảy dặm loanh quanh xuyên dốc núi,
                        Ngũ Hành tươi tốt khí lành trong. 
        Lục Bát :
                        Vút cao muôn trượng đèo Vân,
                        Ngửa lên cúi xuống mấy lần leo qua.
                        Mắt buồn nhìn biển ngút xa,
                        Tay vung mây trắng tan ra lưng trời.
                        Thuyền côi gát mái thôn ngoài,
                        Chim rừng mõi cánh chiều bay về cành.
                        Quanh co bảy dặm núi xanh,
                        Trong lành khí sắc Ngũ Hành Sơn kia.

                                                                                            Đỗ Chiêu Đức
                                                                                                Biên dịch

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét