Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 27 tháng 2, 2020

Câu chuyện có hậu của một người tị nạn Campchia bị trục xuất oan

Người đàn ông gốc Campuchia sinh sống tại Hoa Kỳ từ nhỏ, sắp bị trục xuất. Ảnh chụp ngày 26/9/2019 tại thành phố Lowell, Mass. (AP Photo/Elise Amendola)
Người đàn ông gốc Campuchia sinh sống tại Hoa Kỳ từ nhỏ, sắp bị trục xuất. Ảnh chụp ngày 26/9/2019 tại thành phố Lowell, Mass. (AP Photo/Elise Amendola)
Một người tị nạn Campuchia nói ông đã bị trục xuất oan cách đây gần hai năm vừa được trở về Mỹ đoàn tụ với gia đình ở Massachusetts hôm 26/2. Ông là người tị nạn thứ 4 được phép trở về Hoa Kỳ từ khi chính phủ của Tổng Thống Trump đẩy mạnh các vụ trục xuất những người tị nạn/ nhập cư về các nước Đông Nam Á, hãng tin AP đưa tin. Ông Thy Chea đáp xuống phi trường Logan ở thành phố Boston sau khi khiếu nại thành công để được trả lại thẻ xanh, và kiện chính phủ liên bang để được phép về lại nước Mỹ.
<!>
Người đàn ông 50 tuổi, cư dân thành phố Lowell, được gia đình và những người ủng hộ đón mừng ở phi trường. Nhóm người reo mừng và trao cho ông những bó hoa ngay tại địa điểm lấy hành lý.
Ông Chea lập tức ẵm con gái nhỏ và đứa con trai một tuổi ông chưa từng gặp mặt lần nào vì đứa bé ra đời sau khi ông bị trục xuất.
“Tôi thật vô cùng biết ơn đã được về với gia đình. Đã 18 tháng rồi”, ông nói trong nước mắt. “Đây là con tôi, và đây là lần đầu tiên tôi được ôm và trông thấy mặt nó.”
Ông Chea là người Mỹ gốc Campuchia thứ Tư được trở về Hoa Kỳ, ba người kia là cư dân bang California, cũng đã được trở về sau khi bị trục xuất. Trước ông Chea, ông Sok Loeun đã đáp xuống phi trường San Francisco trong tháng này sau 5 năm sống ở Campuchia.
Cuộc đoàn tụ tại phi trường Boston hôm thứ Tư diễn ra giữa lúc cộng đồng người Campuchia đang gồng mình để đối mặt với đợt càn quét thứ 7 được phát động trong hai tuần lễ tới, trong khi các cộng đồng người Lào dự báo các vụ trục xuất sẽ tăng trong năm nay, theo ông Kevin Lâm, Giám đốc tổ chức Hội thảo Tài nguyên châu Á.
“Nhiều người Mỹ gốc Đông Nam Á đang đối mặt với nguy cơ bị trục xuất vì những tội hình sự đã phạm trong quá khứ. Chúng ta cần nâng cao tinh thần của họ như những con người, thay vì mãi mãi xếp họ vào thành phần tội phạm.”
Đối với những người Campuchia, các vụ trục xuất khởi sự từ khoảng năm 2002, khi Campuchia đồng ý nhận lại người tị nạn bị kết tội hình sự tại Hoa Kỳ.
Nhưng số người bị trục xuất tăng vọt sau khi chính quyền Tổng Thống Trump áp đặt các lệnh cấm nhập cảnh đối với Campuchia và một số qg khác để buộc các nước này phải đẩy nhanh tiến trình này.
Kết quả là số ca trục xuất tăng vọt 280%, từ 29 vụ trục xuất trong năm tài chánh 2017 lên tới 110 vụ trong năm 2018, theo các dữ liệu của Cơ quan Thi hành Luật Di trú và Quan thuế- ICE.
Các cộng đồng Mỹ gốc Á than phiền rằng rất nhiều người gốc Đông Nam Á đang đứng trước nguy cơ bị trục xuất vì những án hình sự đã phạm nhiều năm và cả nhiều thập niên về trước, khi họ còn là những đứa trẻ tị nạn đang vật lộn để thích ứng với một đất nước mới lạ, theo giới bênh vực cho quyền lợi của người tị nạn.
Rất nhiều người, kể cả những người tị nạn đến từ Việt Nam, là thành viên của nhóm tị nạn lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ. Nhiều người đã trốn khỏi nước trong những năm đầy xáo trộn, hay trong cuộc nội chiến và thảm sát đã diễn ra sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc vào năm 1975.
Trong trường hợp ông Chea, lúc lên 10 ông cùng với cha mẹ và 5 anh chị em chạy thoát chế độ tàn bạo của Khmer đỏ, theo các tài liệu tại toà án.
Gia đình Chea sống trong một trại tị nạn ở Thái Lan trước khi sang Hoa Kỳ vào năm 1981.
Ông được lệnh phải rời khỏi Hoa Kỳ vào năm 2000 sau khi nhận tội hành hung và “đe doạ sẽ thực hiện một hành vi tội ác”, khiến ông bị bỏ tù 3 tháng. Lệnh trực xuất treo vào năm 2004, và Chea được phép ở lại Mỹ chừng nào mà ông không phạm thêm tội hình sự và thường xuyên trình diện các giới chức di trú.
Nhưng tình trạng đó thay đổi vào năm 2018, khi ông Chea bị bắt giữ trong một lần trình diện và sau đó bị trục xuất.
Các luật sư bảo vệ Chea nói rằng các tội hình sự mà ông đã phạm không phải là tội hình sự có thể bị trục xuất và lẽ ra ông phải được ở lại nước Mỹ.
Uỷ ban Kháng cáo của Bộ Di trú đồng ý, và mở lại hồ sơ của ông, trả lại cho ông tư cách thường trú nhân hồi năm ngoái.
Đại diện cho ông Thy Chea, Dịch vụ Pháp lý vùng Boston và phụ cận kiện chính phủ liên bang hồi tháng 12 năm ngoái, nói rằng các giới chức Di trú vẫn khước từ, không tạo điều kiện để thân chủ của họ được về lại Mỹ, và làm như vậy là bất hợp pháp.
người phát ngôn của Cơ quan Thi hành Luật Di trú và Quan thuế- ICE từ chối bình luận về trường hợp này.
Bethany Li, luật sư của Thy Chea, nói:
“Thật là một cuộc đấu tranh dài để đưa Thy về nước. Chúng tôi thực sự hy vọng rằng đây chỉ là điểm khởi đầu, và nhiều người hơn nhiều sẽ được trở về với các cộng đồng của chúng ta. ”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét