Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 1 tháng 2, 2020

Brexit : Tương lai tươi sáng chào đón nước Anh ?

image.png


Một công dân Anh Quốc cầm biểu ngữ chia tay Liên Hiệp Châu Âu trước Nghị Viện Anh ngày 31/01/2020. Glyn KIRK / AFP
Thanh Hà
Vương quốc Anh và Trung Quốc, hai điểm nóng thời sự trong ngày. Luân Đôn lên đò rời xa bến châu Âu còn virus corona như một bức Vạn Lý Trường Thành cô lập Trung Quốc như hai bức hý họa trên các báo Libération và Le Monde số ra ngày 31/01/2020. Làng báo Paris đồng loạt ra số đặc biệt đúng ngày nước Anh chia tay với Liên Hiệp Châu Âu sau 47 năm chung sống. Đồng hồ Big Ben ngự tọa trang nhất báo Le Figaro bên cạnh hàng tựa : "Vĩnh biệt châu Âu", ở trang trong tờ báo chơi chữ "Vương Quốc Anh ra khơi".La Croix nói lời tạm biệt "See You !", phía sau là một người đàn ông trong y phục đen, với chiếc mũ và cái ô đen rất tiêu biểu của người Anh.<!>

"It's Time !", Giờ đã điểm, để nước Anh lên đường, tựa chính số báo đặc biệt của Libération. Nhật báo kinh tế Les Echos đăng ảnh một người đàn ông với hai lá cờ châu Âu và Anh trên vai, mặt cúi gằm nhìn chiếc điện thoại cầm tay : "10 vấn đề chính trong giai đoạn chuyển tiếp hậu Brexit. Lần đầu tiên Liên Hiệp Châu Âu mất một thành viên, Liên Âu bắt buộc phải tìm cách bật dậy trở lại".

Vào giờ này, ngày 01/02/2020, khi thức dậy, Liên Hiệp Châu Âu chỉ còn có 27 thành viên thay vì 28 do thiếu nước Anh. Cả Anh Quốc lẫn Liên Hiệp Châu Âu cùng đứng trước một "thời kỳ bất định" là nhận định chung của nhiều tờ báo.

Từ nhiều ngày qua, Le Monde đã có một loạt bài nói về Brexit và hôm nay tờ báo này chú trọng đến khía cạnh địa chính trị. Liên Âu đang lo ngại chính sách ngoại giao của Luân Đôn đi ngược lại với tiếng nói chung từ trước đến nay của toàn khối. Liệu rằng, Anh Quốc có tiếp tay với Mỹ vĩnh viễn chôn vùi thỏa thuận hạt nhân Iran hồi năm 2015? Lập trường của Anh sau này trên các hồ sơ Libya, Syria ra sao ? Thủ tướng Johnson sẽ còn gắn bó với châu Âu trong mục tiêu chống khủng bối Hồi Giáo nữa hay không ?

Hai trang báo của tờ Le Figaro điểm lại một cuộc "hôn nhân 47 năm nhiều sóng gió" và một mối quan hệ đầy mâu thuẫn theo kiểu Je t'aime moi non plus như tựa một bài hát của nhạc sĩ Serge Gainsbourg.

Le Figaro mời một nhà sử học, hai nhà văn và thủ hiến xứ Scotland cùng nhìn về tương lai nước Anh khi đã rời khỏi mái nhà chung châu Âu. Julian Barns hẹn "Ngày tái ngộ" với những người bạn châu Âu và hy vọng rằng cuộc ly hôn này chỉ mang tính tạm thời. Dưới nhãn quan của cây bút Douglas Murray, Brexit đang mở ra một "tương lai tươi sáng cho vương quốc". Lịch sử cho thấy, về mọi mặt, nước Anh đã vượt trội từ trước khi gia nhập mái nhà chung châu Âu vào năm 1973. Giờ đây dù có ra ngoài Liên Hiệp, Anh Quốc chắc chắn sẽ tìm cho mình một hướng đi tốt.

Nhà sử học Robert Tombs đại học Cambridge cho rằng một trong những lý do khiến người Anh nói không với châu Âu, có lẽ bởi vì "tương lai không còn thuộc về châu lục này". Trong khi đó thủ hiến xứ Scotland bà Nicola Sturgeon thực sự muốn đứng về phía 27 thành viên còn lại trong Liên Hiệp Châu Âu.

Điểm kết thúc và khởi đầu

image.png

Với báo La Croix, ngày 31 tháng Giêng năm 2020 vừa là "điểm kết thúc mà cũng là một điểm khởi đầu" : Luân Đôn sang trang 47 năm chung sống với Liên Hiệp Châu Âu nhưng đồng thời mở ra một thời kỳ mới để đôi bên cùng phác thảo ra mối quan hệ cho tương lai.

Báo Le Figaro và Les Echos nêu lên những hồ sơ chính đôi bên sẽ bắt tay vào đàm phán ngay từ đầu tháng 3/2020. Các hồ sơ đó bao gồm từ thương mại đến quyền tự do đi lại của các công dân Anh và châu lục, từ các quy định đánh bắt cá và hải sản đến an ninh, từ tài chính đến sự tham gia của nước Anh trong các dự án công nghiệp chung của Liên Hiệp Châu Âu ...

Les Echos lo ngại rằng, 11 tháng là thời gian quá ngắn ngủi để chính quyền của thủ tướng Boris Johnson và đại diện Liên Hiệp Châu Âu, Michel Barnier, san bằng được những bất đồng. Không chắc Luân Đôn giữ được lời hứa "kết thúc giai đoạn chuyển tiếp hậu Brexit đúng hạn định 31 tháng 12 năm nay".

Vào giờ chia tay, La Croix đặt câu hỏi "trong cuộc chung sống vừa qua, đôi bên đã mang lại được những gì cho nhau" ? Tờ báo đưa ra một danh sách khá dài và rất hấp dẫn : Châu Lục đã bị từ dòng nhạc Pop ở bên kia biển Manche đến môn bóng bầu dục rugby làm mê hoặc, từ tư tưởng tự do của nhà triết học John Locke đến cậu bé phù thủy Harry Potter cuốn hút. Đổi lại thì từ lâu, nào là vang đỏ Bordeaux, nào là bánh Pizza của Ý hay dòng nhạc của những Beethoven, Berlioz, Haendel đến tác phẩm Les Misérables của văn hào Victor Hugo đã trở thành những món ăn vật chất và tinh thần không thể thiếu đối với 66 triệu dân Anh.

Riêng đối với Pháp, một số từ ngữ được người Anh sử dụng ngày nay, như là từ flirt khi nói về một chuyện tình thoảng qua hay môn thể thao quần vợt tennis đều bắt nguồn từ ngôn ngữ của La Martine mà ra !

Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ cho thấy dù có chia tay, vẫn còn rất nhiều nhịp cầu nối liền vương quốc Anh với Châu Lục.

Trung Quốc trong vòng vây của virus corona
image.png

Trung Quốc là chặng dừng thứ nhì tất cả các tờ báo Paris trong ngày. Nguyên trang nhất tờ Libération đăng ảnh một nhân viên đeo khẩu trang, khoác chiếc áo màu cam để người ta có thể trông thấy từ xa đang đứng chắn một lối vào. Bên cạnh là hàng tựa lớn : "Trung Quốc rào cản virus". Bắc Kinh đã ban hành những biện pháp phòng ngừa, Vũ Hán bị "cách ly nhưng virus vẫn lan rộng". "Tình hình tại Trung Quốc chuyển sang báo động đỏ".

La Croix chạy tựa : Trung Quốc bị cách biệt với thế giới. Bắc Triều Tiên đã đóng cửa biên giới với ông anh cả Trung Quốc từ hôm 22 tháng Giêng, giờ đây đến lượt nước Nga thông báo đóng cửa hơn 4200 cây số đường biên giới với nước láng giềng châu Á này. Từ Mông Cổ đến Kazakhstan từ vùng cao nguyên Tây Tạng xuống đến tận Việt Nam, ai cũng ngại đón du khách Trung Quốc.

Đất nước rộng lớn này đành phải "thu mình sau bức Vạn Lý Trường Thành". Bài viết của tờ báo công giáo mở đầu như sau : trong lịch sử Trung Quốc, Vạn Lý Trường Thành chưa bao giờ ngăn được giặc ngoại xâm. Đầu thế kỷ 21, công trình xây dựng đó không ngăn cản siêu vi corona xuất ngoại.

Kỳ quan này của Trung Quốc cũng đã được danh họa Plantu của Le Monde khai thác. Bức hý họa ở ngay trang nhất của tờ báo cho thấy Vạn Lý Trường Thành bọc chung quanh toàn lãnh thổ Trung Quốc. Ở bên trong bức tường thành kiên cố đó có lá cờ đỏ với 5 ngôi sao vàng.

Nhiều ngôi làng chung quanh thủ đô Bắc Kinh dựng "hàng rào chiến lũy" với hy vọng chận được virus gây viêm phổi như tường thuật của phóng viên của báo Les Echos cho thấy. Dân cư tại Điền Gia Anh (Tianjiayang) ở phía đông bắc của thủ đô Bắc Kinh thay phiên nhau ngày đêm canh gác cổng vào. Không một chiếc xe nào được đi qua. Chỉ có dân cư ở đây mới được vào làng nhưng vẫn phải khai báo đầy đủ những địa danh đã đi qua trong những ngày vừa rồi.

Loa phóng thanh liên tục kêu gọi 1.700 cư dân dân rửa tay thường xuyên, giữ vệ sinh tối đa, ở yên trong nhà, và nhất là báo với trưởng làng nếu phát hiện những người lạ mặt hay những ai vừa đi thăm thân nhân ở Vũ Hán về. Làng Điền Gia Anh nằm cách ổ dịch Vũ Hán 1.200 cây số. làng này không là một trường hợp ngoại lệ.

Trưa nay, chiếc máy bay chở khoảng 200 công dân Pháp từ Vũ Hán trở về. Toàn bộ hành khách được đưa vào một khu nghỉ mát ven biển ở thành phố Istre miền nam nước Pháp. Tất cả được giữ lại đây trong vòng 14 ngày để theo dõi sức khỏe.

Le Figaro tường thuật lại chiến dịch "hồi hương" này nhậy cảm đến nỗi từ tòa lãnh sự Pháp ở Vũ Hán đến đại sứ ở Bắc Kinh và cả bộ Ngoại Giao tại Paris đều hết sức kín đáo. Điều tế nhị ở đây là các chiến dịch hồi hương này để lộ rõ cách biệt giữa các công dân nước ngoài và người Trung Quốc. Nhưng Pháp không là một ngoại lệ. Tính chất tế nhị trong việc xử lý hồ sơ này cũng đã thách thức các giới chức từ của Mỹ đến Anh hay Đức như ghi nhận của phóng viên báo Le Monde.

Liên quan đến quyết định của Tổ Chức Y Tế Thế Giới ban hành tình trạng báo động toàn cầu để đối phó với dịch viêm phổi, Le Figaro không hài lòng về WHO khi nói tới một quyết định nhẽ ra đã phải được đưa ra từ hôm 22 tháng Giêng vừa rồi và tờ báo mỉa mai về thái độ của WHO cố gắng khen ngợi Bắc Kinh đã "không có gì đáng chê trách" trong nỗ lực ngăn chận dịch bệnh lây lan.

Kim cương nhân tạo
image.png

Ngoài những bài báo về Brexit và dịch viêm phổi tại Trung Quốc, Le Figaro có hai bài báo thú vị với độc giả nữ. Bài thứ nhất mang tựa đề: "Sáu điều cần biết về kim cương nhân tạo", tức là những viên hạt xoàn được con người chế tạo ra trong các phòng thí nghiệm.

Với kỹ thuật ngày càng tiến bộ, loài người chúng ta có thế sản xuất ra những viên kim cương ngày càng lớn với muôn vàn màu sắc lung linh. Theo giới trong ngành, ngày càng khó phân biệt "xoàn thật" với "xoàn nhân tạo". Kèm theo đó là kim cương thật đang bị mất giá. Hạt xoàn được ra lò từ những phòng thí nghiệm ngày càng được các nhà tạo mẫu thời trang và giới kim hoàn thượng hạng ưa chuộng.

Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để cặp mắt người thường có thể phân biệt được "hàng thật với hàng giả" ? Ta nên gọi xoàn giả là kim cương nhân tạo, là xoàn "cấy" như từng phân biệt hạt trai thật và hạt trai nuôi, hay đó đơn thuần là "hoạt xoàn của phòng thí nghiệm" ? Như vậy thì làm sao định giá của những viên kim cương nhân tạo ? Của những bộ nữ trang sử dụng loại đá quý này ?

Chủ đề thứ hai là xu hướng trồng cây xanh ở văn phòng và trong nhà riêng tại Pháp. Cũng Le Figaro chỉ ra rằng, từ hai năm nay, đây là một hiện tượng ngày càng thịnh hành. Giới trẻ thích trồng cây xanh. Doanh thu của các hiệu bán cây xanh tăng 10 % một năm. Không chỉ có thế, hình ảnh những chiếc lá xanh mượt có sức thu hút lạ thường trong mắt các nhà nhiếp ảnh và ngành thời trang.

Cây xanh được trồng trong nhà hay ở một góc trên bàn làm việc tạo không gian trong lành và thư giãn cho tất cả những người chung quanh, chúng là nguồn cảm hứng cho các dòng sáng tác nghệ thuật.

Tre, trúc hay những giống dừa, cọ của vùng nhiệt đới có sức thu hút lớn nhất. Người điểm báo hầu quý vị hôm nay hoàn toàn đồng ý với những nhận định này !

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét