Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 22 tháng 2, 2020

Bà Cụ Phơi Cơm - Truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Hoa

Cuối tháng Bảy, nam California vào giữa mùa hè nhưng ban trưa nắng còn dịu và trời không nóng gắt. Sau bữa ăn trưa, Quỳnh Châu rủ tôi sang Trại 4 vì nàng cần gặp cô sinh viên văn khoa học với nàng niên khóa vừa qua.. Chúng tôi đến trước một căn lều lúc nhúc người lớn và trẻ con. Một thiếu nữ độ mười chín, hai mươi tuổi tóc xõa ngang vai tay cầm một xấp giấy tờ đang chờ Quỳnh Châu và chỉ cho nàng một bà cụ khoảng sáu, bảy mươi tuổi ngồi chồm hổm ngoài nắng bên cạnh lều. Cụ trải tờ báo lớn dưới đất, dùng mấy hòn đá dằn bốn góc, và tỉ mỉ rải cơm trắng lên trên tờ báo. Quỳnh Châu đến ngồi bên cụ, “Bác ơi, con là bạn của cô Trà Mi. Bác phơi cơm khô làm chi vậy, có cần con phụ một tay không? “Không cần đâu cô. Tôi phơi mớ cơm khô này để để dành, chạy loạn thì có mà ăn chứ,” bà cụ trả lời bằng giọng Bắc của ngư dân làng Phước Tỉnh gần Vũng Tàu.<!>
“Xứ Mỹ làm gì có giặc giã mà bác lo. Người Mỹ giàu có, làm sao thiếu đồ ăn mà bác phải để dành?”
“Tôi có biết tiếng Mỹ đâu mà đi Mỹ. Tôi ở đây chờ thằng con tới đưa tôi về xứ, hay nó dắt tôi đi đâu thì tôi đi đó,” bà cụ nói chắc nịch.

Trong lúc Quỳnh Châu tỉ tê bắt chuyện với bà cụ, cô sinh viên là Trà Mi cho biết cô làm thông dịch viên cho cơ quan thiện nguyện Hội Đồng Công giáo Hoa Kỳ (hay USCC) và phụ trách ca (trường hợp) của cụ. Cụ đi một mình và không nhớ tên tuổi, mặc dù mẫu I-94 do sở Di trú và Nhập tịch cấp ghi cụ là Tien Thi Tran (không bỏ dấu), 72 tuổi. Người ta đưa cụ “Tiên” đến văn phòng USCC ghi danh tìm bảo trợ vì thấy cụ đeo xâu chuỗi có thánh giá trên cổ, nhưng cụ không biết mình đến đó để làm gì. Trà Mi chắp nối vài mảnh ký ức vụn vặt còn sót lại của cụ và đoán cụ cùng gia đình người con trai “chạy loạn” trên chiếc thuyền đánh cá. Khi thuyền ra biển và tới gần chiếc tàu Mỹ thì bỗng đâu một chiếc máy bay trên trời rớt xuống đập vào thuyền. Cụ chỉ nhớ có vậy.

Ca bà cụ già mất hết thân nhân và mất trí nhớ khiến nhân viên USCC xúc động, vài họ đạo Công giáo gửi thư xin đặc biệt bảo trợ nuôi nấng và săn sóc cụ. Nhưng ai nói gì thì nói, cụ khăng khăng chờ con trai tới dắt cụ “về xứ.” Khi tình cờ gặp Trà Mi và nghe thuật lại hoàn cảnh cô cùng nơi đất khách của cụ, Quỳnh Châu động lòng trắc ẩn xin gặp cụ để tìm cách giúp đỡ.

Quỳnh Châu viếng thăm và chuyện vãn với cụ “Tiên” mỗi ngày, và chuyện bà cụ phơi cơm dần dần loan truyền khắp bạn bè và người quen của chúng tôi. Một buổi chiều, tôi và Quỳnh Châu đang ngồi . . . làm thinh trong lều thì Phụng dắt tay thằng Tú bước vào cùng với một đôi thanh niên nam nữ; thằng Tú giới thiệu,

“Thằng Tiếp bạn tao từ thuở hai thằng còn ở truồng tắm mưa ở Pleiku, còn đây là Quế Chi ý trung nhân của nó. Cô nàng là em Pleiku má đỏ môi hồng chính hiệu con nai.”

“Tôi nghe thằng Tú nói nhiều về ‘ông,’ nay mới có dịp gặp,” tôi bắt tay Tiếp.

Tiếp trắng trẻo đẹp trai và ăn nói gãy gọn dịu dàng, và Quế Chi thì duyên dáng già giặn. Ngày trước, Tiếp và thằng Tú ở cạnh nhà nhau và cùng học trường Nam tiểu học Pleiku, nhưng lên trung học thì thằng Tú học trường trung học Pleiku và Tiếp học trường Thánh Phao Lồ. Tiếp hay sang đứng trồng cây si ở trường Nữ trung học Pleime và “chơi trò trốn tìm” với cô bạn Quế Chi cùng xóm xinh xắn: Trường nữ trung học có hai cổng, có khi Tiếp đứng chờ ở cổng này thì nàng theo cổng kia ra về.

Học xong trung học, Tiếp lên Đà Lạt làm chủng sinh ở Giáo hoàng Học viện Thánh Pio X. Sau gần mười năm tu trì, Tiếp mong đợi ngày thụ phong linh mục vào mùa hè năm 1975. Nhưng ước nguyện dâng hiến trọn đời phụng sự Chúa tan rã theo số phận của Cao nguyên. Giữa tháng Ba, sau khi Ban Mê Thuột thất thủ, chính phủ Việt nam Cộng hòa (“VNCH”) quyết định “di tản chiến thuật” bộ tư lệnh Quân đoàn II đang trấn giữ cao nguyên từ Pleiku về Nha Trang và “tái phối trí” các lực lượng chiến đấu trực thuộc về Tuy Hòa để ngăn chận Cộng quân. Gia đình Tiếp bỏ nhà cửa và cùng đồng bào theo Quốc lộ 19 đi về Qui Nhơn để tránh nạn Cộng sản. Khi đoàn người đến đèo An Khê, Cộng quân nấp trên núi pháo kích như mưa xuống quốc lộ. Không một ai thoát khỏi tay tử thần, kể cả gia đình Tiếp.

Đồng thời, các giáo sư và sinh viên Giáo hoàng Học viện (trong đó có Tiếp) tản cư về Sài gòn. Người chủng sinh gần thành linh mục đơn độc được giáo dân dắt lên thuyền đánh cá chạy ra ngoài khơi Vũng Tàu rồi sang đảo Guam và cuối cùng tới Trại Pendleton. Nơi đây, Tiếp gặp lại Quế Chi; nàng vẫn còn độc thân và đi với cha mẹ và bốn đứa em. Mối tình xưa của đôi bạn cũ bừng sống dậy, Tiếp quyết định trở về đời thế tục, nhưng lòng vẫn mong noi gương Chúa hy sinh để giảm bớt sự đau khổ của thế nhân. Người ngoài chỉ biết Tiếp là giáo sinh ban Triết học và Thần học ở Đà Lạt.

Thằng Tú hăm hở,

“Này này tụi tao bàn với nhau và nghĩ ra ý kiến này: Nếu cụ ‘Tiên’ có đứa con nuôi hết lòng thương yêu cụ, không chừng cụ chịu xuất trại với nó. Thằng Tiếp tứ cố vô thân, nhìn khắp chẳng thấy người thân, và thiếu tình mẫu tử. Nó tình nguyện đưa cụ đi định cư và sống bên cụ cho đến khi cụ nhắm mắt.”

“Ông . . . à anh thật có từ tâm, để tôi bàn lại với Trà Mi. Nhưng trước hết anh và chị Chi phải kết thân và tạo liên hệ tình cảm – tiếng Anh gọi là ‘bonding’ – sao cho cụ tin tưởng anh chị,” Quỳnh Châu mừng khấp khởi.

“Tôi hiểu mà chị,” Tiếp gật gù đồng ý.

“Chị Chi có đồng lòng với anh không?”

“Để giúp ảnh có tình thương của mẹ và hoàn thành nghĩa vụ con chiên của Chúa, tôi sẽ theo ảnh tới cùng,” Quế Chi cam kết.

Kế hoạch của Tiếp thành công quá mức mong đợi của mọi người. Bà cụ không những chấp nhận “vợ chồng” thằng con nuôi mà nhờ đó tỉnh táo hơn một chút. Cụ nhớ ra và nói với Tiếp,

“Mẹ tên Tấm mà sao ai cũng gọi mẹ là cụ Tiên? Bà thông gia, tức là mẹ vợ mày, tên Tiến chứ chả phải là Tiên đâu.”

Trà Mi mang đề nghị của Tiếp trình với văn phòng USCC. Chỉ sang hôm sau, Trà Mi trở lại với tin vui: Nhà thờ Chánh tòa Thánh Joseph là nhà thờ Công giáo lớn nhất ở thành phố San Diego gần Trại Pendleton đồng ý bảo trợ cả gia đình cụ Tấm gồm cụ và “vợ chồng” Tiếp lẫn gia đình cha mẹ Quế Chi. USCC và họ đạo sẽ chu toàn đám cưới của hai người.

Một buổi chiều đẹp trời, đám cưới cử hành trong căn lều lớn ở đầu sân vận động, lều dùng làm lớp học Anh ngữ ban sáng. Thân chinh cha xứ nhà thờ Chánh tòa, tức là Giám mục địa phận San Diego, làm phép cưới, và họ đạo cử hai cặp vợ chồng trung niên nhã nhặn và thân thiện đến dự. Họ chở vào chiếc bánh cưới ba tầng, một thùng bánh xăng-uých lớn, và thức uống để đãi khách dự lễ cưới. Đứng giữa cụ Tấm và cha mẹ Quế Chi, Trà Mi cười tươi như hoa thay mặt bà con hai họ cám ơn quan khách. Gia đình cô đã được bảo trợ đi Sacramento thủ phủ tiểu bang California từ tuần trước, nhưng cô xin hoãn lại, dự đám cưới xong mới cảm thấy mình làm tròn phận sự và yên lòng chia tay với cụ.

* * *
Tôi thường gặp anh chị Bân khi đi ăn cơm chiều; anh chị mang theo cả ba đứa con, cậu lớn nhất khoảng năm tuổi và cô út còn ẵm trên tay, chắc chưa đầy năm. Anh trạc trên ba mươi tuổi, cao lớn hùng dũng, khuôn mặt khôi ngô nhưng buồn hiu hắt, và ít khi trò chuyện với ai. Thỉnh thoảng Quỳnh Châu trao đổi vài câu chào hỏi xã giao với chị Bân và nựng các cháu bé. Chị khoảng tuổi tôi, dong dỏng và khỏe mạnh, và cũng ít lời như chồng.

Một hôm tôi đứng thẩn thơ hút thuốc lá trước văn phòng bộ chỉ huy Trại 3, thấy anh Bân và mấy người bạn đứng nói chuyện gần đó, và tò mò lắng tai nghe. Các anh phục vụ trong các phi đoàn trực thăng thuộc Không đoàn Chiến thuật XX ở căn cứ Biên Hòa. Anh Bân là đại úy lái CH-47 Chinook là loại phi cơ trực thăng vận tải hạng nặng có hai động cơ và hai cánh quạt rất lớn ở trước và sau. “Chinook” là tên của bộ lạc da đỏ sống ở bờ bắc cửa sông Columbia ở tiểu bang Washington. Người cười giòn giã nhất là anh Thụ phi công phụ cho anh Bân. Câu chuyện xoay quanh chuyến bay thoát khỏi Việt nam của hai anh trưa ngày 29 tháng Tư. Trong khi các phi công trực thăng khác lấy phi cơ về nhà đón gia đình, anh Bân phải đưa chị và ba đứa con vào phi trường Biên Hòa và bay đi từ đó vì chiếc Chinook lớn quá khổ không thể đáp gần khu dân cư. Anh Thụ độc thân và đi một mình.

Vừa đến hải phận quốc tế, chiếc Chinook của anh Bân cạn xăng và bay tới chiến hạm USS Kirk xin tiếp cứu. Kirk là một khu trục hạm hộ tống nhỏ thuộc Đệ thất Hạm đội Hoa kỳ và đang tham gia chiến dịch Gió Thường Hay Thổi (Frequent Wind) đưa nhân sự Việt Mỹ và các quốc gia thứ ba ra khỏi Sài gòn; đó là cuộc di tản bằng trực thăng lớn nhất lịch sử. Kirk tuần phòng ven hải phận quốc tế, canh giữ không phận để bảo vệ trực thăng hành quân, và sẵn sàng bắn hạ phi cơ Việt Cộng nếu chúng bay lên cản trở. Phi cơ địch không xuất hiện.

Kirk nhỏ nên chỉ “vớt” người di tản từ các tàu hải quân nhỏ, thuyền đánh cá, và phi cơ trực thăng bị hư hại hay hết nhiên liệu. Nếu tàu hay phi cơ còn đủ khả năng đi xa hơn, Kirk chỉ dẫn họ ra các chiến hạm lớn hơn hay hàng không mẫu hạm đậu ngoài khơi. Nếu một chiếc trực thăng được cho đáp xuống, ngay sau khi hành khách và phi công ra khỏi phi cơ, thủy thủ trên chiến hạm vội vàng xúm lại đẩy xuống biển để lấy chỗ cho trực thăng khác tới.

Từ chiếc Chinook của anh Bân, đổ người xuống là cả một vấn đề: Nếu chiếc trực thăng đáp xuống sân tàu nhỏ bé của Kirk, hai cánh quạt khổng lồ sẽ xé toạc chiếc chiến hạm như chơi. Phi cơ chở phụ nữ và trẻ em nên không thể đáp xuống biển và chờ thuyền đến cứu. Do đó, trong khi Kirk di chuyển ở vận tốc năm hải lý một giờ, chiếc Chinook bay là là ngược đầu trên đuôi chiến hạm và mở cửa sau cho hành khách nhảy xuống. Từ độ cao chừng năm thước, chị Bân nghiến răng ôm từng đứa con thảy xuống cho thủy thủ Mỹ đứng bên dưới hứng đỡ như bắt banh. Sau khi thấy chúng nằm an toàn trong tay các thủy thủ, chị nhắm mắt nhảy vào những cánh tay lực lưỡng đó. Anh Thụ nhảy xuống sau cùng. Chỉ còn lại anh Bân; anh bay ra xa chừng 60 thước, vừa cởi áo quần vừa xoay hướng phi cơ về phía trái, và nhảy phóc xuống biển về phía phải.

Anh Thụ cười ha hả nhớ lại giây phút nguy nan,

“Hai cánh quạt Chinook đập vào mặt nước nổ ầm như hai ba quả bom nổ một lúc. Những mảnh vỡ dài từ ba đến năm thước bay tứ tung lên trời, và anh Bân biến mất trong vùng nước trắng xóa. Tụi tui nín thở chờ đợi. Cuối cùng, anh trồi lên khỏi mặt nước, tui và chị Bân mừng hết lớn vỗ tay reo hò như con nít.”

Tôi nghe tiếng anh Bân nghẹn ngào,

“Trong cái tích tắc sinh tử trước khi phóng người ra khỏi phòng lái, tôi thấy hiện ra trong góc mắt một chiếc thuyền đánh cá dài khoảng sáu, bảy thước chở đầy người. Thuyền nằm ngay trên đường đi của chiếc Chinook. Khi ngoi lên khỏi mặt nước, tôi nhìn về nơi phi cơ lao xuống mà chỉ thấy sóng bạc đầu. Tôi thầm cầu nguyện . . . Trên chiếc thuyền cứu nạn, tôi thấy một bà cụ mình mẫy ướt nhẹp và vấy máu nằm mê man trên sàn. Anh thủy thủ đang săn sóc cụ chép miệng, ‘Chiếc thuyền đánh cá vỡ tan tành. Bà cụ sống sót và không chìm xuống nước mất tăm là cả một phép lạ.’ Tôi cúi đầu đưa tay làm dấu thánh giá . . .”

Tôi hiểu ra và thấy lòng quặn đau. Cớ sao định mệnh lại ác nghiệt khiến anh Bân và chiếc Chinook gây ra cuộc thảm sát cả gia đình cụ Tấm? Cụ may mắn đã mất trí, không biết người thân đã bỏ mạng oan uổng ngay ở ngưỡng cửa bến bờ tự do. Tôi cầu mong cụ cứ quên mãi như thế.

Nguyễn Ngọc Hoa 
Ngày 27 tháng Mười Một, 2019

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét