Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 24 tháng 1, 2020

YÊN PHẬN GỐI RƠM Truyện của Phương Lan

Sáng nay cũng như mọi buổi sáng khác tới sở làm, Xuyến đáp chuyến xe bus sớm nhất, cô xuống xe ở trạm cuối, thong thả đi bộ tới sở, ở cách đó một quãng không xa lắm.  Gần tới nơi, cô đi chậm lại, vừa qua khỏi hai cánh cổng bằng gỗ nặng nề, tự dưng cô bỗng có cảm giác nhột nhạt như đang bị ai rình rập, theo dõi, làm cô lýnh quýnh, mất cả tự nhiên.  Xuyến rảo bước nhanh hơn, nghĩ thầm chắc lại là Sơn, chàng trai si tình nhưng nhút nhát đang núp lén ở đâu đó, để ngắm trộm cô như mọi lần.  Linh tính của Xuyến ít khi sai, quả vậy, lúc đi qua cái sân rộng dùng làm bãi đậu xe cho nhân viên, cô thấy thấp thoáng bóng dáng cao gầy của Sơn, đứng lấp ló sau hàng cây như đang chờ đợi ai.  Nhưng khi cô tới gần, thì anh chàng quay lưng đi thật nhanh như chạy.  Xuyến buồn cười quá, một ý nghĩ tinh nghịch chợt nảy sinh, cô kêu lên giật giọng:
<!>
          - Anh Sơn khoan đi!  Đứng lại cho tôi hỏi chút đã... Tại sao cứ thấy mặt tôi là anh bỏ chạy như bị ma đuổi vậy?  Bộ tôi trông giống ma lắm hay sao?
          - Dạ kh..ông.. Nhưng...
Mặt Sơn đỏ lên, hắn gãi đầu gãi tai một hồi, rồi đứng ngây ra, trông thật tội nghiệp.  Xuyến mỉm cười:
          - Không thì tốt rồi... À mới sáng ra, mà anh đi đâu vội thế?
Bấy giờ Sơn mới mở miệng được, lắp bắp:
          - Tôi có cái này đưa cô...
          - Thế à, cái gì vậy?
          - Cô chờ một chút, tôi trở lại ngay.
Nói xong không đợi Xuyến trả lời, hắn chạy vụt đi, chỉ một thoáng sau đã trở lại với bó hoa trên tay.
          - Trời, chuyện gì thế này?  Xuyến kêu lên ngạc nhiên, hôm nay anh Sơn bày đặt tặng hoa cho tôi đấy à?
Mặt Sơn lại đỏ rần lên lần nữa, hắn lắc đầu ngượng nghịu:
          - Tôi... tôi.. rất muốn tặng hoa cho cô, nhưng không dám, tôi sợ cô chưa cho phép.  Còn bó hoa này không phải của tôi, mà là của ông giám đốc dặn tôi mua và đưa cho cô, nhờ cô chưng bình bông thật đẹp, và xếp dọn căn phòng cho gọn ghẽ, hôm nay ổng có khách.
          - Chắc là khách phụ nữ?
          - Tôi cũng đoán thế.

Cả hai cùng cười.  Họ đi bên nhau tới cuối sân, nơi có cây ngọc lan đang toả hương thơm ngát, đột nhiên Sơn dừng lại:
          - Hôm nay tôi gặp cô để tạm biệt, tôi mới xin nghỉ phép một tháng, không lương...
          - Lâu dữ a... để làm gì vậy?
          - Để ôn bài, chuẩn bị cho kỳ thi sắp tới...
          - Ờ nhỉ, tôi quên.  Không ngờ thời gian đi nhanh quá, lật bật mà lại tới mùa thi...  Chúc anh may mắn nhé.
Sơn ngập ngừng, rồi thu hết can đảm, nói lí nhí trong miệng:
          - Xuyến à, nếu tôi đậu rồi thì... thì...
Hắn ấp úng mãi, không sao nói tiếp được nữa.  Xuyến mỉm cười, đỡ lời:
          - Thì... đó là điều rất đáng mừng, Xuyến sẽ xin chia vui cùng anh.
          - Chỉ chia vui thôi ư?  Thế... Xuyến... Xuyến có muốn chia sẻ cuộc đời với tôi không?  
Thốt xong câu nói vẫn ấp ủ tận đáy lòng, Sơn hết cả hồn vía, chàng lén rình xem phản ứng của bạn, không thấy cô cau mày hay tỏ thái độ khó chịu, Sơn thở ra nhẹ nhõm, chàng nuốt nước miếng hai, ba lần rồi mới tiếp tục:
          - Chắc Xuyến hiểu tình cảm của tôi đối với cô từ bấy lâu nay?  Sở dĩ tôi chưa dám ngỏ lời, là vì tôi nghĩ nói ra bây giờ hơi sớm.  Tôi nghèo quá, chưa có công danh sự nghiệp, chưa có gì cả...  Nhưng tôi đang cố gắng để xây dựng tương lai.  Nếu năm nay tôi may mắn thi đậu và được vô đại học, tôi sẽ chọn ngành Sư Phạm ba năm.  Tôi yêu nghề dạy học, và nhất định sẽ thực hiện ước mơ trở thành thầy giáo.
Hắn ngưng lại, nhìn sâu vào mắt bạn:
          -  Ba năm đâu có lâu gì, Xuyến chờ tôi nhé?
Xuyến nghe tim đập mạnh, bối rối không biết phải sử xự như thế nào, hai má cô nóng ran vì mắc cở, cô cúi mặt trốn tia nhìn đắm đuối của hắn:
          - Bất ngờ quá, Xuyến không biết phải trả lời anh ra sao.
Nói xong cô vụt chạy thật nhanh qua sân, vào phòng làm việc, đóng chặt cửa lại.  Sơn nhìn theo mỉm cười, mặt hắn rạng rỡ niềm vui, tình yêu long lanh trong ánh mắt.
Vào đến bên trong, Xuyến thở ra nhẹ nhõm, không khí mát mẻ của căn phòng có máy lạnh, làm thần kinh cô bớt căng thẳng.  Nghĩ đến việc vừa xảy ra, cô thấy lòng xôn xao những cảm giá khó tả, có người con gái nào lại không xao xuyến lần đầu tiên khi nghe tỏ tình, mặc dù đó chỉ là lời tỏ tình của một cậu trai mà cô vẫn xem như em. 
Sơn nhỏ hơn cô hai tuổi, và là bạn của Thành, em cô.  Trước kia, hai người học chung trường, Sơn học trên Thành một lớp, nhưng cả hai cùng ở trong đội banh của trường, nên thân nhau lắm.  Hắn đến nhà chơi vớiThành, và âm thầm để ý yêu Xuyến lúc nào không ai hay, vì tính Sơn vốn kín đáo, ít nói, lại rất nhút nhát. 
Cuộc đời của Sơn đang phẳng lặng, bình yên, nhưng khi hắn mới học lớp 11, sắp sửa thi tú tài, thì một tai họa bất thần ập xuống gia đình.  Cha hắn, một đại úy nhảy dù, trong một cuộc hành quân chạm địch, đã bị mất tích.  Trước biến cố đau thương đó, bà Chín mẹ hắn, một người đàn bà yếu đuối, từ xưa chỉ biết nội trợ, nay phải bương chải ra đời kiếm sống.  Bà thuê một sạp nhỏ trong chợ, ngày ngày nấu cơm tấm, đem ra bán.  Nhưng gánh cơm tấm không đủ nuôi Sơn ăn học.  Thấy mẹ vất vả đầu tắt mặt tối, Sơn đành phải bỏ học, đi tìm việc làm để phụ thêm, hai mẹ con rau cháo nuôi nhau. 
Thời buổi khó khăn, tìm việc làm đâu phải dễ?  May mắn thay, hãng dệt kiêm xuất nhập cảng vải vóc, tơ lụa của ông Phong đang khuyết một chân làm tạp dịch, và Sơn được nhận vào, thay cho bác tùy phái già vừa nghỉ hưu.  Không dám chê địa vị thấp hèn, Sơn nhận lời đi làm ngay, để có tiền sinh sống.
Ổn định xong công việc làm ăn, Sơn mới tính đến việc đến truờng trở lại.  Ban ngày đi làm, buổi tối theo học lớp luyện thi, tuy vất vả, nhưng chàng không sờn lòng, quyết tâm gắng sức vươn lên.  Vì không có nhiều thì giờ học hành, nên hai năm sau Sơn mới đậu bằng tú tài 1.  Hứng khởi, chàng ghi tên học lớp luyện thi tú tài 2.  Sơn bền chí theo đuổi đến cùng mộng ước trở thành thầy giáo.  Sơn cũng mơ một tương lai tươi sáng, một gia đình hạnh phúc bên người vợ xinh đẹp, dịu hiền là Xuyến.  Sơn thầm yêu cô từ dạo hai người cùng học chung trường, nhưng chưa dám ngỏ lời, vì thấy còn sớm quá.
Trời xui đất khiến làm sao, hai người lại làm chung hãng, ra vào chạm mặt nên tình yêu càng bùng phát mạnh hơn.  Nhưng là tình một chiều thôi, vì Xuyến không để ý gì đến hắn, trong lòng cô gái mới lớn này, còn nhiều mộng mơ, Sơn không lọt vào tầm nhìn của cô.

Xuyến mới làm thơ ký riêng cho ông giám đốc Phong đuợc ba tháng, công việc của cô chỉ là tạm thời, để thay thế cho ông Cang, cha cô phải nghỉ, nằm nhà một thời gian, vì lý do sức khoẻ.  Cách đây mấy tháng, ông Cang trong lúc đi bộ băng qua đường, đã rủi ro bị một chiếc xe tông phải.  Tai nạn xảy ra, người ta chở nạn nhân đi bệnh viện.  Thương tích không nặng lắm, ông chỉ bị gãy một chân và xây xát xoàng, nhưng phải bó bột, và ngồi xe lăn cho tới khi khỏi hẳn.
Nghe tin chẳng lành, ông Phong lúc đó vắng mặt, nhưng cũng cử người đến thăm nhân viên của mình tại bệnh viện, và mặc dù tai nạn xảy ra không liên quan đến công việc của sở, nhưng ông giám đốc nhân từ, tốt bụng cũng tặng cho ông Cang một số tiền, đủ để trang trải bệnh phí. 
Sau khi giải phẫu và nằm viện ba tuần lễ, ông Cang được về nhà với cái chân bó bột, và phải ngồi xe lăn.  Bây giờ là lúc phải đương đầu với nhiều vấn đề khó khăn, với chân cẳng như vậy, làm sao ông có thể đi làm được nữa?  Cả nhà bẩy miệng ăn, chỉ trông vào mình ông, nay ông phải nghỉ dài hạn không lương, lấy tiền đâu ra để sinh sống?
Gia đình chỉ có hai người con lớn là Xuyến và Thành.  Xuyến vừa tốt nghiệp đại học, ngành kế toán ngân hàng, đang chờ việc làm.  Thành đang học năm thứ nhất nha khoa, phải khó khăn lắm mới thi đậu vào trường, Xuyến không muốn em phải bỏ học, nên tình nguyện đứng ra gánh vác việc nhà.  Để cha khỏi bị mất việc, Xuyến xin cha đề nghị với ông giám đốc cho nàng tạm thế công việc của cha, cho tới khi ông khoẻ hẳn và đi làm lại được.  Ông Phong nhân từ, tốt bụng bằng lòng giải pháp ấy, vì ông rất quí mến ông Cang, một nhân viên kỳ cựu đã làm việc ở đây hơn hai mươi năm, từ ngày ông chưa được thừa kế sự nghiệp của thân phụ ông. Thế là chỉ vài ngay sau đó, Xuyến nghiễm nhiên được nhận vô làm việc, tạm thế chỗ cho cha cô. 
Nghề thư ký riêng quả thật là không đơn giản tí nào, ngoài công việc giấy tờ, sổ sách, Xuyến còn phải tháp tùng giám đốc đi dự những cuộc hội thảo, những cuộc gặp gỡ giữa chủ hãng và khách hàng, phải đi nhà băng để rút tiền, hay bỏ thêm tiền vào chương mục.  Ngoài ra còn nhiều việc linh tinh khác, nhiều không kể xiết...
Là một người thông minh, nhanh nhẹn, nên chỉ sau vài tuần tập sự, Xuyến đã thành thạo công việc, và trở thành một phụ tá đắc lực cho giám đốc.   Xuyến siêng năng, chăm chỉ, lại kín miệng, không hay bép xép những chuyện riêng tư của chủ.  Ông Phong rất hài lòng và quí mến cô thư ký này, mà ông coi như người trong gia đình.  Ông thường hỏi ý kiến của cô trong mọi vấn đề, kể cả những vấn đề có tính cách cá nhân, riêng tư.. như chọn cà vạt, màu áo nào thích hợp mỗi khi phải đi họp, hay dự những buổi tiệc tùng quan trọng.  Dạo này ông hay để ý đến cách ăn mặc, ông chải chuốt và diện toàn quần áo mới, trông sang trọng và lịch sự lắm.  Xuyến đoán là ông đang có bạn gái, cũng là lẽ tự nhiên thôi, bởi vì vợ ông mất đã lâu, sau một cơn bạo bệnh, để lại cho ông một đứa con thơ mới lên năm tuổi. 
Người đàn ông goá vợ nhưng chưa già này, sau bốn năm làm gà trống nuôi con, đã chán cái cảnh cô đơn.. Ông đang đi tìm người bạn đời cho mình, đồng thời cũng là người mẹ cho đứa bé gái con ông, bây giờ đã lên chín tuổi.  Giàu có và giao thiệp rộng như ông, thiếu gì cơ hội gặp gỡ những người khác phái?  Trong số những người phụ nữ vẫn tới lui nơi đây, có khi vì công việc, có khi chỉ là những cuộc gặp gỡ xã giao, Xuyến thấy có nhiều bà, nhiều cô khá đẹp.  Ông đưa họ đi ăn, đi chơi, đi nhảy đầm... cặp kè hết người nọ đến người kia, nhưng rốt cuộc cũng chẳng đi tới đâu... Những cuộc tình tạm bợ đó chẳng làm cho ông vui, nên ông không muốn đi sâu hơn, để tránh rắc rối.
Dạo này hãng dệt làm ăn phát đạt, nên công việc khá bận rộn, Xuyến phải tới sở sớm hơn, và đôi khi ở lại trễ để làm cho xong công việc.  Mấy ông chủ keo kiệt thì thấy đó là chuyện bình thường, vì họ nghĩ thơ ký riêng đã được trả lương cao hơn người khác.  Nhưng ông Phong là người rộng rãi, hào phóng, nên thưởng công cho thơ ký riêng của mình, bằng cách thỉnh thoảng tặng Xuyến những món quà nho nhỏ như vài xấp vải may áo, ví tay hàng hiệu, nuớc hoa, son phấn... Toàn là những thứ xa xỉ phẩm mà những cô gái nhà nghèo như Xuyến ít dám mua sắm. 
Những món quà đắt tiền của ông Phong làm cô chạnh lòng khi nghĩ tới gia cảnh thanh bạch của mình, một điều mà từ trước đến giờ cô chưa hề có mặc cảm.  Cô thôi không nhận quà của ông nữa.  Ông Phong không nài ép, nhưng thay vào đó, ông trả lương phụ trội cho cô, những khi cô phải làm thêm, điều này thì cô không thể từ chối. 
Nhưng sự việc không dừng ở đó, mà mỗi ngày một tiến xa hơn.  Một lần đi công việc cho chủ, thình lình cô bị mắc mưa và bị cảm nặng, phải nghỉ việc cả tuần, không đi làm được.  Ông Phong đã đích thân tới nhà thăm, đem cho cô lu bù kẹo bánh, chocolat, trái cây và một bó hoa thật đẹp.  Bạn bè cùng sở xì xào bàn tán, nhìn cô với cặp mắt xoi mói.  Một người diễu cợt:
          - Ông giám đốc chấm cô rồi đa.  Ráng lên cho tụi này uống rượu mừng nghe!
Xuyến cười, hai má nóng ran:
          - Không có chuyện đó đâu, mấy bà ơi!  Nghèo mà xấu như tui, ai thèm để ý?
Xuyến nói rất thật lòng, nhưng họ không tin, cứ nhất định liệt cô vào đội ngũ các cô gái đang tranh dành trái tim - hay tài sản - của người đàn ông giàu có, làm cô xấu hổ quá.  Ngay cả mấy đứa em cô cũng vui mừng kháo nhau rằng ông giám đốc si tình chị Hai, rằng nhà sắp có đám cưới, rằng chị Hai xinh đẹp của chúng sắp lấy chồng giàu, sắp được đổi đời... Xuyến nạt các em, biểu đừng nói chuyện tào lao, nhưng chúng vẫn nhấm nháy nhau, cười rúc rích.  Bà mẹ bán tín bán nghi, nên giữ thái độ im lặng.   Chỉ có người cha nhìn cô bằng cặp mắt ái ngại, ông nói với con:
          - Ông ta là một người tử tế, điều đó không ai có thể phủ nhận.  Nhưng con đừng lầm lẫn lòng tử tế với tình yêu, nó khác nhau xa lắm đó.  Con đã vướng vòng tình cảm với ông ta chưa??
Xuyến lắc đầu:
          - Chẳng có gì đâu ba à.
Nhìn vẻ mặt thản nhiên của con, ông hiểu là nó chưa yêu, chưa có gì cả.  Ông thở phào nhẹ nhõm:
          - Người ta giàu có nên hay đa nghi, tưởng cô gái nào  đến với mình cũng chỉ vì tiền.  Ông ta theo đuổi, tán tỉnh nhiều người, nhưng rốt cuộc cũng chẳng đi tới đâu...
Xuyến gật đầu, điều này nàng đã hiểu.  Cũng như cha, làm việc cận kề với giám đốc, cô biết rõ tánh tình ông, biết rành thời khoá biểu của ông, những bạn bè ông đang giao tiếp, cả những buổi hẹn hò... Cô biết, là nhờ những cú điện thoại người ta yêu cầu cô nhắn lại, hay do chính miệng ông nói ra.  Đôi khi trong lúc cao hứng, ông kể cho cô nghe về những người con gái ông đang theo đuổi, với những ưu khuyết điểm của riêng từng người.  Xuyến mỉm cười nghĩ thầm các cô này chắc sẽ rớt đài, vì khuyết nhiều hơn ưu..  Nhìn vẻ hào hứng của ông, cô nghĩ ông có vẻ thích thú trò chơi này lắm, một trò chơi không có hồi kết thúc, bởi vì tính ông chỉ thích đi chinh phục, con bướm chỉ thích vờn hoa, chứ không đậu lại.
Đáng thương cho các cô gái ham mê vật chất đang bu quanh ông, bẹo hình bẹo dạng, chờ mong một cái gật đầu của ông, là một bước lên bà.
Xuyến thương hại cho họ, và tội nghiệp cả cho ông nữa.  Bóc đi cái vỏ ngoài giàu có, ông chẳng còn gì cả, không tình yêu chân thật, không hạnh phúc, không cả một mái ấm gia đình.  Căn biệt thự đồ sộ của ông sao lạnh lẽo quá, và đứa bé con ông mới thật đáng thương, nó đã mất mẹ, lại thiếu cả tình thương của cha.  Ông bận rộn với công việc, với những cuộc tình tạm bợ, đâu có thì giờ ngó ngàng, săn sóc nó, mọi việc đều giao cho bà vú.  Một lần trong cơn say, ông nói với Xuyến:
          - Không hiểu sao chiều nay buồn quá.  Tôi có chút tâm sự riêng, cô có muốn nghe không?
Dĩ nhiên Xuyến không muốn nghe, cả ngày làm việc mệt nhọc, gần đến giờ tan sở, cô chỉ muốn được về nhà  để nghỉ ngơi, nhưng nhìn ánh mắt van lơn của ông, cô lại không nỡ, nên đành gật đầu.  Ông kể cho cô nghe về cái chết của vợ, về đứa con gái tội nghiệp, càng ngày càng trở nên lầm lỳ, ít nói, xa cách ông hơn.   Ông than thở đời ông sao nhiều bất hạnh quá, và những cạnh tranh trong thương trường tạo nhiều áp lực, làm thần kinh ông căng thẳng... Từ nãy giờ, Xuyến cứ để mặc cho ông nói, vì nói ra làm ông nhẹ lòng.  Tới đây cô mới xen vào một câu:
          - Ông cần một người phụ nữ yêu ông thật lòng, để chia sẻ cuộc đời với ông, và hiền lành đức độ, để làm mẹ đứa con của ông...
          - Một viên ngọc quí như vậy quả thật rất khó tìm, nhưng tôi vẫn đang cố gắng.  Ông ngưng lại, nhìn Xuyến với ánh mắt kỳ lạ rồi mới tiếp tục, có lúc tôi tưởng là đã tìm ra, nhưng lại không chắc lắm.  Bởi lẽ đó, tôi cần thời gian để suy nghĩ kỹ rồi mới tính...   
Xuyến cười dịu dàng:
          -  Ông còn phải thăm dò ý tứ của cô ta, xem ra sao nữa chứ?  Chắc đâu người ta bằng lòng? và "viên ngọc quí" đó sẽ thuộc về ông?  Vả lại ông còn phân vân, nghĩa là ông chưa yêu, mà chưa yêu thì tính tới làm chi?  Nhưng thôi, đó là việc riêng của ông, tôi không dám lạm bàn.
Nói xong, Xuyến đứng lên, cương quyết ra về.  Sau lần đó, hai người ít khi trò chuyện, vì gần Tết là mùa các cửa hàng tơ lụa bán chạy nhất trong năm, nên ai nấy đều bận rộn.  Dạo này ông Phong  ít uống rượu, và có vẻ vui, thỉnh thoảng ông vẫn hỏi han Xuyến về gia đình, về tình trạng sức khoẻ của cha cô, về việc học hành của mấy đứa em... và dặn cô có cần ông giúp gì thì cứ nói.  Nhưng Xuyến luôn luôn từ chối.
Sự việc ông Phong vẫn quan tâm săn sóc, và hay chia sẻ tâm sự cùng Xuyến, làm cô hoang mang.  Rõ ràng là ông có cảm tình đặc biệt với cô, nhưng là thứ tình cảm nào đây?  Ông coi Xuyến như một cô em gái?  Một người bạn tri kỷ?  Hay ông coi cô như.. người yêu?  Xuyến lắc đầu, người đàn ông này rắc rối khó hiểu quá, có ai yêu mà cứ ngần ngại, đắn đo suy tính mãi? có ai yêu mà vẫn đeo đuổi những cuộc tình khác? mặc dù chỉ là những cuộc tình tạm bợ, để quên đi những căng thẳng trong cuộc sống, như đã có lần ông giải thích..
Còn cô, người thiếu nữ ngây thơ, trong trắng, con tim còn mở ngỏ, chưa có hình bóng ai, nó rất dễ xao xuyến trước những tia nhìn say đắm, và những cử chỉ săn đón của người đàn ông đẹp trai, khéo ăn khéo nói... Nhưng yêu sao nổi một người, mà cứ phải chứng kiến ông ta tán tỉnh hết người này đến người khác? 
Xuyến vốn an phận, không mơ uớc xa xôi, không chèo kéo, hy vọng gì.  Chưa bao giờ cô đi chơi riêng với ông ta dù chỉ một lần.. Vậy mà thiên hạ cứ đồn thổi, thêu dệt toàn những chuyện không đâu, bực mình quá.  Xuyến chợt có ý định thôi việc, cô nhìn cái chân mới tháo bột của cha, lo lắng hỏi:
          - Dạo này ba ra sao?
          - Ba khá nhiều rồi, nhưng đi đứng còn hơi yếu.  Tuy vậy, nếu cần đi làm lại, chắc cũng được.  Hay để ba ráng thử xem sao...
Xuyến vội vã xua tay:
          -  Không vội đâu ba à.  Ba cứ yên tâm nghỉ ngơi cho khoẻ hẳn đã.
Cô nhìn mái tóc đã bạc hơn phân nửa của cha, thở dài, thương quá nguời cha già yếu mà gánh nặng gia đình vẫn đè nặng lên hai vai.  Cô nói cho cha yên lòng:
          - Ba đừng lo lắng, con không làm điều gì dại dột đâu.

Những ngày tháng buồn tẻ cứ theo nhau trôi đi, thấm thoát Xuyến đã làm việc ở đây được hơn nửa năm.  Sơn mới thôi việc tháng trước, để theo đuổi việc học.   Hắn thi đậu tú tài toàn phần, đậu luôn vào đại học sư phạm.  Trước khi đi Sài Gòn tìm chỗ trọ học, Sơn đến Thành chơi, nhưng mục đích là để gặp Xuyến, nhắc lại lời hứa ba năm...
Xuyến cảm động, chàng trai trung hậu thật thà, yêu ai là tính ngay đến chuyện lâu dài.  Nhưng mình có yêu Sơn không? Xuyến tự hỏi lòng, rồi nhủ thầm, thôi cứ để thời gian trả lời.
Lúc Sơn ra về, bà Cang mới nói:
          - Cái thằng coi vậy mà có tương lai.  Tuần trước bà Chín có tới gặp má, ngỏ lời xin hỏi con cho Sơn, khi hắn ra trường.  Má thấy hai đứa coi xứng đôi lắm.  Gia cảnh nhà nó cũng nghèo như nhà mình, bà Chín hiền lành, chất phát, con về làm dâu nhà ấy, má yên tâm.  Sơn học giỏi, thông minh, tính tình đôn hậu thật thà, chắc chắn sẽ là một người chồng tốt...  Lại nữa, nó cũng cao ráo, sáng sủa và khá bảnh trai... Sau này, hai đứa bây sẽ sanh cho má một bầy cháu ngoại đẹp đẽ, kháu khỉnh...
Xuyến mắc cở đỏ mặt:
          - Má kỳ quá hà... Con không lấy chồng đâu.
          - Ở nhà làm mắm à?  Bà mắng yêu, cô đã hăm bốn, hăm lăm tuổi rồi, chứ còn trẻ trung gì nữa?  Nhà một bầy con gái, con chị có gả đi trước, thì mới tới lượt mấy đứa em...
Rồi bà dỗ:
          - Thôi con, đừng thả mồi bắt bóng.  Mình là gối rơm thì hãy yên phận gối rơm, nghĩ đến chuyện trèo cao mà làm gì, trèo cao sẽ bị té đau đó.
Bà còn nói nhiều nữa, nhưng Xuyến không nghe hết, cô đang nghĩ đến những cái gối làm bằng rơm của ông bà mình ngày xưa... Xuyến mỉm cười, có được cái gối rơm mà dựa cũng vững vàng, êm ái lắm.

Hai tháng sau, một buổi sáng, ông Phong gọi cô vào phòng thông báo:
          -  Tuần tới, chúng ta sẽ đón tiếp một phái đoàn người Thụy Sỹ tới tham quan xưởng dệt.  Họ là những khách hàng xộp, họ dự định sẽ mua lụa dệt bằng tơ tằm của hãng ta.  Cô viết cho tôi một thông cáo, chỉ thị cho tất cả mọi người, trong mọi phân xưởng đều phải làm tổng vệ sinh, dọn dẹp cho gọn gàng sạch sẽ, và chuẩn bị một số hàng mẫu thật đẹp, bỏ vào hộp, trình bày một cách mỹ thuật để chào hàng.
Ông ngưng lại, nhìn Xuyến chăm chú rồi nói, giọng hứng khởi:
          -  Vóc dáng cân đối, mảnh mai của cô mà mặc áo hàng lụa toàn tơ, trông sẽ thanh lịch vô cùng.  Tôi chợt có ý nghĩ trong buổi họp hôm đó, cô nên diện một cái áo tơ tằm thật đẹp, để quảng cáo cho sản phẩm cũa hãng mình.  Cô ráng giúp tôi nhé? 
Nói xong, không đợi Xuyến kịp trả lời, ông cúi xuống hí hoáy viết vài chữ vào cuốn sổ, rồi xé ra đưa cho Xuyến:
          - Cô cầm mảnh giấy này xuống nhà kho, đưa cho người coi kho, và cô hãy lựa một xấp tơ hảo hạng, màu nào tuỳ ý cô, để may áo, mà nhớ may gấp cho kịp nhé!
Xuyến lắc đầu, lễ phép đẩy trả tờ giấy xuất kho lại cho ông, mỉm cười dịu dàng:
          - Tôi không nhận đâu, ông đưa người khác đi!
          - Sao thế?  Ông Phong ngồi thẳng người lên, nhìn cô với vẻ băn khoăn, sao cô lại từ chối?  hay tôi đã nói gì làm cô buồn lòng?
          - Dạ không! nhưng tôi chỉ làm việc ở đây nốt tuần này, vì cha tôi đã khoẻ hẳn rồi, đầu tháng tới, ông sẽ đi làm lại.
          - Tưởng gì... Ông thở ra nhẹ nhõm, tôi sẽ tìm cho cô một việc khác ít bận hơn.  Hoặc nếu cô vẫn thích công việc này, tôi sẽ cất nhắc ba cô lên một chức vụ khác cao hơn, như quản trị nhân viên chẳng hạn...
Xuyến lắc đầu:
          - Không dám phiền ông phải nhọc công như vậy...
Ngưng một lúc để lựa lời, rồi Xuyến mới tiếp tục:
          - Ông đã biết ngay từ đầu, là tôi chỉ tạm thời thay thế cha tôi làm việc ở đây để giữ chỗ cho cha tôi, tới khi ổng hết bệnh.  Đó là một đặc ân rất lớn ông giám đốc đã giúp gia đình tôi, và chúng tôi rất biết ơn.  Nay thời hạn ấy đã hết rồi, và tôi xin rút lui.  Tôi muốn trở lại nghề của tôi, cái nghề mà tôi đã chọn cho tương lai.  Tôi đọc báo thấy trung ương ngân hàng đang tuyển nhân viên, và tôi đã nộp đơn, cùng với giấy giới thiệu của nhà trường...
          - Xuyến à!  Tôi...
Nhưng Xuyến đã quay đi, cương quyết và dứt khoát.  Cô biết đã đến lúc phải rời khỏi nơi đây, cuộc đời của cô phải rẽ qua lối khác.  Cô sẽ đi con đường riêng của cô, con đường phẳng lặng, êm đềm không chông gai, sóng gió.  Một con đường đầy hoa thơm cỏ lạ, rất đẹp, rất nên thơ, nhưng biết đâu cũng có những bất trắc không lường?  Con đường đó chỉ mới bắt đầu, và còn dài lắm, cô cần có bạn đồng hành để đi chung, và cùng nhau chia sẻ những vui buồn trên suốt chặng đường.  Xuyến nghĩ đến Sơn, kỳ nghỉ Tết năm nay, Sơn hẹn sẽ về thăm cô.  Nhớ đến ánh mắt nồng nàn tình yêu của chàng, tim cô đập mạnh, lòng cô rộn rã niềm vui.  Xuyến nghĩ đến lời khuyên của mẹ, và cô mỉm cười, mẹ nói đúng, sau này Sơn và cô sẽ là một cặp gối rơm rất đẹp và bền.

PHƯƠNG - LAN
( trích trong tac phẩm QUA LỐI CŨ )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét