Nếu đọc lại những gì các trí thức người Việt ưu tư với hiện tình đất nước viết vào đầu thế kỉ XX, chúng ta sẽ thấy điểm chung giữa họ là sự hoài nghi và mải miết tìm kiếm tinh thần độc lập của người Việt.Có lẽ sau khi chứng kiến sự thất bại trong biển máu của các phong trào chống Pháp của những người thừa lòng dũng cảm và tiếp cận với văn minh phương Tây, những trí thức này dần ngộ ra Việt Nam thua Pháp không phải chỉ vì Pháp có tàu đồng, đại bác, có các sĩ quan chỉ huy và binh lính được huấn luyện bài bản. Sâu xa hơn Việt Nam đã thua ở trình độ văn minh mà trước hết là ở sức mạnh tinh thần của mỗi người dân trong tư cách là một cá thể độc lập.<!>
Đấy cũng là điểm dễ nhận thấy trong tư tưởng của các nhà khai sáng Nhật Bản cuối thế kỉ XIX, sớm hơn Việt Nam chừng 50 năm.
Trong các tác phẩm nổi tiếng của mình như “Khuyến học”, “Văn minh khái lược luận” (Bàn về văn minh), “Sự độc lập của học thuật”, Fukuzawa Yukichi – một học giả được mệnh danh là Voltaire của Nhật, cũng không tiếc lời chỉ trích thói ỷ lại, yếu hèn của người Nhật và đề cao tinh thần độc lập. Ông cho rằng vì người Nhật thiếu tinh thần độc lập nên quốc gia hèn yếu, người dân coi việc quốc gia như việc của nhà khác, coi nước nhà như quán trọ vì thế ở Nhật chỉ có thần dân mà không có quốc dân.
Các trí thức Việt Nam về sau, khi chứng kiến sự lớn mạnh, trưởng thành của Nhật Bản cũng đều lấy người Nhật ra làm gương để thức tỉnh người Việt.
Dường như khi đó các cụ đã nhận ra rằng sự độc lập bao gồm hai hàm nghĩa. Hàm nghĩa thứ nhất chỉ sự độc lập của quốc gia với quốc gia khi một đất nước nào đó không bị ngoại bang cai trị và sự độc lập thứ hai là sự độc lập trong tinh thần, lối sống, tư tưởng của từng người dân.
Đối với độc lập ở nghĩa thứ nhất có thể dùng vũ lực mà bảo vệ hoặc giành lại được nhưng độc lập ở nghĩa thứ hai thì muốn có nó phải nhờ đến khai sáng, giáo dục, cải hóa phong tục…
Ngày nay nếu nhìn lại lịch sử ta cũng sẽ thấy có những trường hợp giữ được độc lập quốc gia nhưng người dân không có tinh thần độc lập. Tình trạng này kéo dài tất yếu dẫn đến hệ quả mất luôn độc lập của quốc gia. Ngược lại cũng có những trường hợp ở phương diện quốc gia độc lập đã mất rồi nhưng người dân bằng sự giác ngộ và tự khai sáng mà có được tinh thần độc lập. Kết quả của sự giác ngộ và khai sáng này sẽ dẫn đến sự độc lập của quốc gia và trong nhiều trường hợp không cần phải đổ máu.
Người Nhật trước thế kỉ XIX, cho dù có khá hơn người Việt Nam, Trung Cộng nhờ vào cơ cấu xã hội võ sĩ và chế độ phong kiến tán quyền, nhìn chung vẫn rất yếu về tinh thần độc lập.
Còn người Việt thì sao?
Ta hãy lắng nghe cụ Phan Kế Bính, một học giả có uy tín, nói về điều này trong Việt Nam phong tục. Xin trích nguyên văn:
“Con độ mười bốn, mười lăm tuổi giở lên, cha mẹ đã đem lòng lo bề gia thất, con giai thì mong dựng vợ, con gái thì mong gả chồng. Xong việc vợ chồng thì lo đến cách lập thân cho con, ngần nào lo phường lo trưởng, lo nhiêu lo xã, cho con bằng mày bằng mặt với làng nước; ngần nào lo sinh cơ lập nghiệp cho con mai sau có chỗ nương nhờ. Nước ta lắm người đẻ nhiều con, thì phải lo hết con này đến con khác, có người lo cả đời chưa hết.
Xét cái tục ta, sinh ra con ai cũng biết thương, biết mến, biết chăm chỉ nuôi nấng, dạy dỗ cho nên người, nưng như nưng trứng, hứng như hứng hoa, thực là hết lòng hết dạ. Loài người cũng nhờ có tính ấy mà bảo tồn được chủng loại cho mỗi ngày một sinh sôi nảy nở thêm ra, thì lòng nhân từ ấy rất là hay lắm. Nhưng chỉ hiềm ta khi xưa chưa hiểu cách vệ sinh, trong khi sinh sản, nào nằm than, uống nước tiểu, rất là một cách làm cho sinh bệnh, không trách đàn bà ta nhiều người hay sinh ra hậu sản mà ốm mòn. Đến lúc nuôi con thì lại hay tin những điều nhảm nhí, không có bực triết học nào mà triết hết những sự hão huyền ấy. Cho đi học, không có quy củ cách thức nào, còn phần nhiều thì học năm mười năm mà dốt vẫn hoàn dốt, cho nên trong nước, một trăm người mới được một hai người biết chữ, cũng chỉ vì cách dạy dỗ không tiên liệu được đấy thôi.
Đến lúc con lớn thì lại lo thay cho con quá. Mà nào lo thì có ra lo, lo những ngôi thứ trong làng, lo những danh phận vô ích. Chớ nào có lo cho nên một bậc người gì, hay là thành được một nghề gì đâu. Cái lo lắng ấy, hẳn sinh ra lười biếng, hay ăn chơi. Cho nên lắm người, đời cha mẹ hàn gắn chắt chiu, làm nên giàu có, mà đến đời con thì chỉ ăn chơi, chỉ phá, chẳng bao lâu mà lại hết nhẵn như không”.
Thời điểm cụ Phan Kế Bính viết những dòng trên là năm 1915, nghĩa là cách ngày nay hơn 100 năm.
Những dòng trên tuy là viết về xã hội khi đó nhưng cũng có thể hiểu đó là di sản của hàng ngàn năm tích lại.
Bây giờ, sau 100 năm thì sao? Ai dám nói những điều trên đã thành cổ tích.
– Bé thì không cho con tự lập về sinh hoạt.
– Lớn lên thì chạy lớp chạy trường.
– Con thi thì chạy điểm.
– Con đi làm thì chạy việc.
– Con có việc thì chỉ mong con làm “việc nhàn lương cao” hay “làm người nhà nước”.
– Con muốn tiến thân thì cha mẹ chỉ lo chạy quyền chạy chức hay cài cắm, cất nhắc con mình.
Chạy… chạy… chạy… không ngừng!
Nghĩa là cha mẹ chẳng lo con lập chí, cải tạo xã hội, cống hiến xã hội thế nào, chỉ chăm chăm lo con có làm chức vụ gì đem lại bổng lộc hay vinh hoa phú quý cho dòng họ, gia đình và để lại gia tài to lớn cho những đời sau hưởng hay không mà thôi.
Thử hỏi trong xã hội giờ, những cha mẹ như trên nhiều hay ít? Nếu cha mẹ mãi nghĩ và làm như thế thì bao giờ người Việt có tinh thần độc lập?
Nếu không có tinh thần độc lập thì có lẽ thêm 100 năm nữa, con cháu đọc sách của cụ Phan Kế Bính nếu còn có chút cảm khái làm người hẳn sẽ vẫn thấy ngậm ngùi.
Nguyễn Quốc Vương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét