Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 2 tháng 1, 2020

Nổ - Trần Trung Đạo

Việt Nam không đốt pháo vào dịp Tết Dương Lịch nhưng pháo miệng vẫn nổ tưng bừng. “Nổ” lớn nhất là từ miệng Nguyễn Phú Trọng.“Nổ” không hẳn là một căn bịnh nhưng chắc là một thói xấu trong những người thích khoe khoang, thích được tôn vinh trọng vọng nhưng lại không có khả năng, tư cách và đạo đức để xứng đáng được tôn vinh, kính trọng. Người đó chỉ “nổ” để thỏa lòng thèm khát.Nhưng đó chỉ là thói xấu trong con người và không gây nhiều tác hại, “nổ” của các lãnh đạo đảng và nhà nước CSVN mới là “nổ” gây tác hại.Nhiều người cho rằng phát biểu của Nguyễn Phú Trọng tại “Hội nghị trực tuyến Chính phủ” cuối tháng 12, 2019 "Không biết có phải vì thế mà Ngân Hàng Thế Giới đưa ra một nhận định, mây đen phủ lên toàn cầu, nhưng mặt trời vẫn đang toả sáng ở Việt Nam" chỉ là “nổ”.
<!>
Người viết cố tìm nhưng không thấy các báo trong nước dẫn nguồn Ngân Hàng Thế Giới (World Bank) cho câu nói của Nguyễn Phú Trọng. Trong tổng kết mới nhất , bản tiếng Việt, năm 2019 của Ngân Hàng Thế Giới về kinh tế Việt Nam không có câu “mặt trời tỏa sáng ở Việt Nam” hay ý nào tương tự.
Nếu không do Ngân Hàng Thế Giới nhận xét, ngoài việc “nổ” Nguyễn Phú Trọng còn can tội đạo văn của Nguyễn Xuân Phúc.
Hai năm trước tại Hội Nghị Doanh Nghiệp 17 tháng 5, 2017 Nguyễn Xuân Phúc đã “nổ” ý này khi phát biểu: “Tôi nghĩ rằng bình minh đang tới đất nước chúng ta.”
Cách đây mười năm, tại hội nghị thứ 12 trung ương đảng CS khóa X 2010, Nông Đức Mạnh “nổ” rất to: “Năm 2020 Việt Nam trở thành một nước công nghiệp hiện đại.”
Trước đó Lê Duẩn “nổ” to hơn:"Chúng ta sẽ đuổi kịp Nhật trong 15, 20 năm và nhân dân ta sẽ đi trên thảm vàng.”
Hồ Chí Minh nổ to nhất trong “di chúc”: “Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay.”
Nói chung, không chỉ Hồ Chí Minh, Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Xuân Phúc, Nông Đức Mạnh, Lê Duẩn mà hầu hết các lãnh đạo CS các cấp từ đời này sang đời khác suốt 44 năm qua liên tục thi nhau “nổ”. Chắc phải cần một cuốn sách dày như cuốn tự điển Nguyễn Văn Khôn để ghi lại các câu “nổ” của giới lãnh đạo CSVN.
Vậy “nổ” là một thói xấu của các lãnh tụ CSVN hay là đặc tính gắn liền với cơ chế CS?
Đó là đặc tính của cơ chế CS. “Nổ” ở Liên Sô, “Nổ” ở Trung Cộng và đang “nổ" ở CSVN.
Giống như tham nhũng, “nổ” có tính đảng, nghĩa là “nổ” sinh ra, tồn tại và mất đi theo đảng CS.
Như lịch sử phong trào CS quốc tế cho thấy, “nổ” là một trong những phương pháp tuyên truyền căn bản nhất cấu thành chủ nghĩa Marx-Lenin.
Nhắc lại cho các bạn trẻ nhớ, không có chủ nghĩa Lenin, chủ nghĩa Marx chỉ là một hệ tư tưởng triết học như nhiều hệ tư tưởng khác.
Về lý thuyết, chủ nghĩa Marx chỉ tồn tại trong các thư viện Đức, Anh, Pháp và trong thực tế chủ nghĩa Marx đã dừng lại ở CS Quốc Tế Thứ Hai, 1916.
Từ 1917, chủ nghĩa Marx có thêm một vế Lenin phía sau và được gọi là chủ nghĩa Marx-Lenin. Chủ nghĩa Marx-Lenin là hệ thống chính trị chuyên chế và tàn bạo nhất trong lịch sử loài người bắt đầu với CS Quốc Tế Thứ Ba ra đời 1919. Thảm họa dân tộc Việt Nam đang chịu đựng cho tới ngày nay cũng phát xuất từ chủ nghĩa này.
Hồ Chí Minh kể lại chuyện bắt gặp chủ nghĩa Marx-Lenin qua “Luận Cương Về Dân Tộc Và Thuộc Địa” trên báo Nhân Dân ngày 22 tháng 4, 1960: “Luận cương của Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao? Tôi vui mừng đến phát khóc lên.”
Giọt nước mắt của Hồ Chí Minh, sau này đã loang thành biển máu, bắt đầu từ mấy trang giấy nháp của Lenin.
Trở lại chuyện “nổ”.
Hai trong số nhiều phương pháp tuyên truyền được áp dụng tại Liên Sô và vẫn còn đang được giới cầm quyền CSVN áp dụng thường xuyên từ 1954 tới nay: (1) dựng tượng đài và (2) “nổ”.
Tại sao dựng tượng đài lại quan trọng đến mức dù lạc hậu và nghèo đói CSVN vẫn tiếp tục dựng tượng đài?
Bởi vì ông tổ Lenin của họ dạy rằng với điều kiện dân trí còn thấp tượng đài, bích chương, biểu ngữ bằng hình ảnh dễ xâm nhập và điều khiển nhận thức người dân hơn là các sách lý thuyết CS dày và khó hiểu.
Lenin không chỉ cho dựng một vài tượng đài đây đó mà còn xây nguyên một nhà máy lớn chỉ để đúc tượng đài.
Ngoài tượng đài, Lenin cho rằng “nổ” là một hình thức tuyên truyền CS hữu hiệu khác để vận dụng tình trạng dân trí còn thấp ở Nga. “Không nói thành có”, “ít xít ra nhiều” rất tác dụng và rất phổ biến dưới chế độ CS Nga sau 1917.
Những năm 1950, Khrushchev nhiều lần “nổ” rằng Liên Sô sẽ sớm qua mặt các quốc gia Tây Âu vì chế độ tư bản là chế độ giãy chết trong khi chủ nghĩa xã hội là chế độ của tương lai.
Luận điệu này được bộ máy tuyên truyền CS ở miền Bắc lập lại và được rất nhiều người tin. Không ít người nay vẫn còn tin.
Theo hồ sơ Quốc Hội Mỹ còn lưu trữ trong văn khố (Congressional Record: Proceedings and Debates of the Congress), Khrushchev còn đi xa hơn khi đưa ra các con số thống kê để chứng minh trong vòng một hai năm thôi nền kinh tế Liên Sô sẽ mạnh hơn nền kinh tế Mỹ.
Lời tuyên bố, trong lúc không ít nhà lập pháp Mỹ lo lắng, Đại sứ Mỹ tại Liên Sô lúc đó cho Bộ Ngoại Giao Mỹ biết Khrushchev chỉ “nổ”. Những con số Khrushchev đưa ra là con số giả do bộ máy tuyên truyền Liên Sô ngụy tạo để làm “nức lòng dân” và làm “kẻ thù lo lắng.”
Trung Cộng “nổ” thì khỏi nói. Quá nhiều sách viết về những trò mị dân, lừa bịp từ “Bước Tiến Nhảy Vọt” với các “nhà máy luyện kim sau hè” để nấu chảy nồi niêu xoong chảo cho đến những năng suất lúa ngoài tưởng tượng.
Mao “nổ” to đến mức cho rằng chỉ cần 15 năm sản lượng sắt thép do Trung Cộng sản xuất sẽ qua mặt Anh Quốc.
CSVN cũng "nổ" giống hệt như vậy.
Trước khi nắm quyền cai trị đất nước, các lãnh đạo đảng CSVN phần lớn là những cán bộ tuyên truyền nên “nổ” riết quen miệng và trở thành phản xạ không cần điều kiện trong ý thức họ. Nông Đức Mạnh, Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Xuân Phúc v.v... “nổ” rất hồn nhiên và không hề ngượng miệng.
Nhưng trong lúc nhận thức của giới lãnh đạo đảng CS gần như đứng yên tại chỗ, nhận thức của con người đổi mới mỗi ngày. Không bạo lực nào có thể ngăn chặn được sức chảy của dòng thác văn minh.
Phần đông người dân ngày nay đã biết khinh thường, nhạo báng và sáng tác những mẫu chuyện cười dựa vào những câu “nổ” của giới cầm quyền như chúng ta đang thấy tràn ngập trên các mạng xã hội trong thời gian qua.
Cách đây khá lâu người viết có đọc trên FB một suy nghĩ ngắn “Dù chúng ta có cười, có mỉa mai, nhạo báng đám lãnh đạo bao nhiêu thì cuối ngày chúng vẫn là những kẻ cai trị và chúng ta vẫn là những người bị trị.”
Câu than thở đó đúng một phần nhưng từ kinh nghiệm Liên Sô cho thấy việc mỉa mai, chọc quê, nhạo báng đám lãnh đạo cũng là một hình thức phản đối, một thái độ tích cực, một hành động can đảm, một cách xoi mòn bức tường chuyên chính, một cách làm giảm hiệu năng của bộ máy cầm quyền.
Nhà văn Ben Lewis, người chuyên sưu tập các chuyện cười chính trị ở Nga viết “Chủ nghĩa CS là một bộ máy sản xuất chuyện cười” và như lịch sử cho thấy những chuyện cười chính trị đó đã góp một phần làm sụp đổ chế độ CS.

Trần Trung Đạo

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét