Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 25 tháng 1, 2020

Nguồn gốc Tết Nguyên Đán và những phong tục truyền thống đêm giao thừa - Kiên Định

image.png
Người Á Đông coi Tết âm lịch là dịp lễ lớn nhất trong năm. Vào dịp này, mỗi dân tộc đều có những phong tục đặc biệt để đón chào một năm mới bình an.“Trừ tịch” hay “giao thừa” là đêm cuối cùng của một năm, đêm của tháng 12 theo Hoàng lịch, cũng là điểm chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Thời điểm bắt đầu giờ Tý (0 giờ) ngày mùng 1 tháng Giêng. Đêm giao thừa hay còn gọi là đêm trừ tịch là thời điểm quan trọng đánh dấu cho một năm cũ kết thúc và một năm mới đã đến. 
<!>
Theo văn hóa truyền thống, đón năm mới không chỉ là đêm giao thừa, mà là một loạt phong tục từ lúc giao thừa cho tới ngày hôm sau để cầu mong sự hồi sinh, loại bỏ những điều xấu, cầu mong nhiều may mắn trong năm mới. Những phong tục văn hóa truyền thống trong đêm giao thừa là gì và có ý nghĩa như thế nào?

Nguồn gốc và truyền thuyết Tết Nguyên Đán 

Nguồn gốc của Tết Nguyên Đán có nhiều cách diễn giải, tuy nhiên, giả thiết được nhiều người chấp nhận là một câu chuyện từ thời vua Nghiêu vua Thuấn. Vào ngày lên ngôi, vua Nghiêu đã dẫn theo thuộc hạ lên núi khấn bái trời đất. Kể từ đó, người ta gọi ngày này là “tuế thủ” và coi là khởi đầu của một năm. Đây là một trong những giả thuyết được lưu truyền rộng rãi nhất.
Nguồn gốc Tết Nguyên Đán còn có từ đời Tam Hoàng Ngũ Đế và thay đổi theo từng thời kỳ các triều đại. Thời Tam Hoàng, nhà Hạ chuộng màu đen nên chọn tháng Giêng, tức tháng Dần làm tháng đầu năm mới. Nhà Thương thích màu trắng nên lấy tháng Sửu, tức tháng Chạp là tháng đầu năm. Còn nhà Chu ưa sắc đỏ nên chọn tháng Tý, tức tháng mười một làm tháng Tết. Mãi cho đến đời nhà Hán, sau khi thống nhất giang sơn Hán Vũ Đế đã đặt lại ngày đầu năm mới vào tháng Dần, tức tháng Giêng. Từ đó về sau, trải qua bao nhiêu thời đại, không còn vị vua nào thay đổi về tháng Tết nữa.
Cũng có nghiên cứu cho rằng Tết Nguyên Đán có nguồn gốc từ phong tục tế lễ tháng Chạp thời thượng cổ, đến nay đã có lịch sử hơn 4000 năm. Ngay từ thời kỳ vua Nghiêu – Thuấn, ở vùng đất Trung Nguyên đã xuất hiện hoạt động “Lạp tế”. Lạp tế là hoạt động tế lễ bách thần diễn ra vào tháng cuối cùng trong năm, nhằm cảm tạ thần linh đã phù hộ cho dân chúng no đủ, mùa màng bội thu. Nghi thức tế lễ này vô cùng trang trọng, mọi nhà đều phải chuẩn bị những loại thực phẩm ngon nhất để tế tự bách thần. Bởi thế, người ta đã đi săn nhằm kiếm thịt thú rừng tươi, có mùi vị thơm ngon để làm tế phẩm. Thời cổ, chữ “liệp” đồng nghĩa với chữ “lạp”, bởi vậy “Lạp tế” còn có ý nghĩa là hoạt động săn bắt, tế tự.
Theo một truyền thuyết khác, khởi đầu của Tết Nguyên Đán là cuộc chiến chống lại con niên quanh năm sống dưới đáy biển. Con niên hay đến vào dịp đầu năm mới để phá hoại gia súc, mùa màng, giết hại dân làng, đặc biệt là trẻ con. Để bảo vệ mình, dân làng đặt thức ăn trước cửa nhà vào dịp đầu năm, và sau đó, già trẻ trai gái cùng dắt nhau lên núi trốn chạy con niên. Mọi người tin rằng làm vậy thì con thú sẽ không tấn công dân làng nữa. 
Một lần, có ông lão đến thôn làng khất thực, vừa hay dân làng đã trốn hết lên núi, chỉ còn một bà lão ở lại mang cho ông thức ăn và khuyên ông nhanh chân chạy trốn. Không ngờ ông lão nói: “Hãy cho tôi ở lại nhà hôm nay, tôi sẽ đuổi được con niên đi”. 
Đêm hôm ấy, con niên đến thôn như thường lệ, nhưng phát hiện ra có điều bất thường: Bên ngoài cửa nhà của bà lão và đầu thôn đều dán giấy đỏ, bên trong nhà lại có ánh lửa sáng rực. Con niên vô cùng sợ hãi, kêu to một tiếng rồi định bụng tháo chạy. Nhưng ngay lúc đó, bên trong vườn đột nhiên phát ra tiếng pháo nổ lớn khiến con niên khiếp đảm, một mạch chạy thẳng ra cửa mà không dám quay đầu trở lại nữa. Sau này, dân làng mới hiểu ra rằng con niên sợ màu đỏ, ánh lửa và tiếng pháo nổ. 
Từ đó về sau, vào những ngày đầu năm, dân làng thường treo đèn lồng đỏ, dán giấy đỏ trên cửa sổ và cửa ra vào. Mọi người cũng dùng pháo hoa để làm cho con niên khiếp sợ. Từ đó, con niên không bao giờ tới làng nữa. Cuối cùng, con niên bị Hồng Quân Lão Tổ bắt và trở thành vật cưỡi của Hồng Quân Lão Tổ.

Các phong tục truyền thống  

image.png
Cúng tế trước đêm giao thừa
Vào thời cổ đại, ngày mồng tám tháng Chạp là ngày cúng bái Thiên Địa, vị Thần linh vĩ đại nhất của một năm. Về sau, ngày tịch nhật hay ngày mồng tám tháng Chạp được kết hợp là ngày cúng bái Thần Phật. Vào ngày này người dân đeo trống eo lưng đóng giả làm Kim Cang lực sĩ để xua đuổi tà ác và dịch bệnh, đón chào một năm mới an lành, cát tường may mắn. Ngày 16 tháng Chạp được người Trung Hoa cổ gọi là “Vĩ Nha”, nghĩa là tiệc cuối năm. Vào ngày này, trong dân gian mọi người long trọng tổ chức lễ cúng thổ địa, thổ công, sau đó mới là các phong tục trước lễ giao thừa. 
Tục đầu tiên là lễ tế ông Táo, tổ chức vào ngày 23 tháng Chạp. Phong tục tiễn ông Công ông Táo về trời bắt đầu từ thời Khổng Tử (551 – 479 TCN). Ông Táo được xem là vị Thần cai quản việc bếp núc trong mỗi nhà. Các thư tịch cổ có nhiều ghi chép về phong tục tế Táo Quân. Sách Nghi Thức có một bản ghi chép về bếp cúng tế, là một trong năm nghi lễ thờ cúng tổ tiên vào cuối triều đại nhà Chu. Vào thời điểm đó, mỗi gia đình thờ cúng tổ tiên và các vị Thần đất, bao gồm cửa, giữa phòng, bếp, và linh đường. Theo truyền thuyết, hàng năm vào ngày 23 tháng Chạp, Táo Quân lên Thiên đình báo cáo với Ngọc Hoàng về gia chủ trong năm qua. 
Vào ngày tiễn ông Công ông Táo, dân gian thường dọn dẹp nhà cửa để xua đuổi xui xẻo. Họ quét dọn và bỏ đi những thứ không cần thiết, đó là cách để nói lời tạm biệt với năm cũ. Người xưa tin rằng việc quét dọn trong những ngày đầu tiên của năm mới có thể ngăn cản vận may. Cũng trong ngày 23 tháng Chạp, người ta sẽ bày bàn thờ gần bếp, cúng Táo Quân bằng thịt, cá, rượu nếp, bánh kẹo, đặc biệt là kẹo mạch nha để Táo quân nói những lời “ngọt ngào” với Ngọc Hoàng, báo cáo những điều tốt đẹp và mang lại vận may cho gia chủ trong năm mới. 
Trang trí nhà cửa và treo câu đối
Đỏ và vàng là hai màu sắc mang ý nghĩa biểu tượng trong văn hóa truyền thống. Màu đỏ biểu tượng cho sự may mắn và tràn đầy năng lượng, màu vàng liên quan đến sự giàu sang và hạnh phúc. Dùng màu sắc này để trang trí nhà hay trên quần áo là cách để chào đón năm mới may mắn. Số “8” cũng được xem là biểu tượng cho sự may mắn và giàu có, vì số 8 đọc là “Bát”, phát âm gần với chữ “phát”, có nghĩa là thịnh vượng và giàu có.
Về tục dán giấy lên ô cửa sổ: Các loại giấy được dán thường là những bức tranh miêu tả về cuộc sống nông thôn hay câu chuyện thần thoại, và người dân thường có truyền thống đặt cửa sổ quay về hướng Nam và Bắc.
Về bày tranh và tác phẩm nghệ thuật về chủ đề năm mới: Theo truyền thống, các tác phẩm này đều có hình ảnh thể hiện sự an khang thịnh vượng, bao gồm động vật và hoa quả. Theo phong tục, bạn có thể dán bức tranh của một “vị Thần canh cửa” lên cửa nhà để giúp chống lại ma quỷ và mang phước lành cho gia đình.
Treo câu đối, treo hình Môn Thần, hay dán chữ Phúc trước cửa nhà cũng là một phong tục điển hình. Đặc biệt việc treo chữ Phúc trở nên gần gũi với hầu hết người dân khi không phải ai cũng có đủ tiền để sắm cho mình một câu đối hay các bức vẽ Môn Thần. Người ta thường treo ngược chữ Phúc trong dịp đầu năm với mong muốn “Phúc đáo”. Trong tiếng Hán, chữ “ đáo” (倒) nghĩa là ‘ngược’, và “đáo” (到) nghĩa là ‘đến, tới’ là đồng âm với nhau. Do vậy, treo ngược chữ “Phúc” giống như một câu chào mừng trong ngày xuân: “Phúc đến nhà rồi!”.
Làm bánh đêm giao thừa 
Bữa cơm giao thừa thường rất thịnh soạn, và theo truyền thống, sẽ có hai món ăn chủ yếu là gà và cá. Ở một số nơi, cá sẽ không được ăn hết, phần còn lại sẽ được để qua đêm, như vậy sẽ thành “Niên niên hữu ngư” (năm năm có cá). Người xưa làm như vậy với mong muốn cả năm sắp tới sẽ có cuộc sống đầy đủ, dư giả, bởi lẽ “Niên niên hữu ngư” cũng đồng âm với cụm từ “Niên niên hữu dư” ý chỉ cả năm dư thừa, sung túc, đầy đủ. 
Bánh sủi cảo cũng là món ăn được ưa chuộng, thường làm bằng cách gói các loại nhân với ý nghĩa tượng trưng khác nhau vào vỏ bánh, nghĩa là gói ghém may mắn rồi ăn vào người để hưởng may mắn cho cả năm. Trong mâm cơm, ngoài cá hấp (ngụ ý dư thừa của cải) còn có mỳ trường thọ, bánh sủi cảo cùng nhiều món ăn truyền thống khác.
Ăn bánh sủi cảo trong những ngày Tết đến là một phong tục đầu xuân. Trước đây thì mọi người trong gia đình luôn quây quần lại để cùng nhau làm bánh. Có một điều thú vị trong chiếc bánh sủi cảo, đó là đôi khi người ta sẽ cho vào trong nhân một đồng tiền xu rồi mới đem hấp, nếu ai ăn trúng chiếc bánh ấy thì được coi là may mắn cả năm.
Đốt pháo đầu năm mới
Đốt pháo đầu năm là một phong tục để tạo nên bầu không khí rộn ràng những ngày đầu năm. Đầu tiên người ta sẽ đốt một dây pháo nhỏ, rồi tiếp theo là đốt 3 tiếng pháo lớn hơn tượng trưng cho việc năm cũ đã qua và chào đón năm mới đang tới. Tuy nhiên, hiện nay việc đốt pháo đã bị cấm ở những thành phố lớn, chỉ còn xuất hiện tại một số vùng nông thôn hẻo lánh.
Kiên Định

Không có nhận xét nào: