Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 28 tháng 1, 2020

Con gái phi công lái máy bay chở 81 lính Nhảy Dù bị rơi năm 1965 đến thăm mộ các tử sĩ - Đằng-Giao NV

Bà Wieneke lặng người bên mộ 81 "THiên Thần Mũ Đỏ." (Hình: Dân Huỳnh/Người ViệtWESTMINSTERCalifornia (NV) – Bà Jan Wieneke, con gái thiếu tá phi công Robert M. Horsky là người lái chiếc máy bay C-123 chở 81 chiến sĩ Nhảy Dù bị rơi năm 1965 ở gần Tuy Hòa, đến thăm ông Trí Tạ, thị trưởng Westminster, hôm Thứ Sáu, 17 Tháng Giêng, và xin được đem hoa đến viếng ngôi mộ của 81 tử sĩ QLVNCH. Bà lái xe từ Phoenix, Arizona đến đây chỉ để gặp ông Trí Tạ và ra thăm mộ 81 tử sĩ. Bà Wieneke nói: “Ngay sau khi biết tin 81 người lính này đã có nơi chôn cất hẳn hoi, tôi liên lạc với Đại Tá Gene ‘Gino’ Castagnetti và yêu cầu ông đưa tôi đến Wesminster để tôi được đích thân cám ơn Thị Trưởng Trí Tạ vì tôi được biết ông đã có công rất lớn trong việc thúc đẩy thành phố Westminster mở cửa đón nhận những người anh hùng Việt Nam không nơi chôn cất trong suốt mấy chục năm trời.”

“Đồng thời cũng để cám ơn toàn thể cộng đồng người Việt ở đây đã chấp nhận những vị anh hùng này,” bà tiếp. “Xin cám ơn Westminster đã giúp 81 tử sĩ Nhảy Dù này có nơi an nghỉ.”

Chớp mắt, bà cố ngăn cơn xúc động một lúc rồi nói: “Họ chết trong cùng một phi vụ với cha tôi nên đã từ lâu, tôi coi họ như một phần ký ức của mình về cha tôi. Cha tôi và ba quân nhân Mỹ khác đã được an nghỉ tại Nghĩa Trang Quốc Gia Arlington từ lâu rồi trong lúc cả 81 chiến hữu này vẫn chưa có chỗ an táng.”

“Bởi vậy, khi biết họ đã có được ngôi mộ xứng đáng, được chôn cất chung với nhau giữa cộng đồng người Việt hải ngoại và được công nhận là những vị anh hùng chiến đấu cho chính nghĩa tự do, tôi mừng lắm,” bà chia sẻ. “Họ như là người thân của tôi.”
Là người Mỹ, sinh ra và lớn lên ở Mỹ, nhưng bà Wieneke lại có số phận hẩm hiu như những đứa trẻ Việt Nam thời chinh chiến. Khi bà mới được ba tháng, cha bà lên đường tham chiến tại miền Nam Việt Nam. “Cha tôi tử trận lúc tôi mới 11 tháng,” bà kể. “Mẹ tôi phải một thân, một mình nuôi tôi khôn lớn.”

Cả tuổi thơ của bà Wieneke là một sự mất mát và thiếu thốn dài đằng đẵng nên bà cảm thông với những người bất hạnh. “Bởi vậy tôi rất thương những tử sĩ này. Họ bỏ mình vì đất nước nhưng hài cốt của họ lại bị những người làm chủ đất nước họ từ chối tới hai lần,” bà khẽ lắc đầu lộ ý chán ngán.


Vòng hoa trắng đem tặng 81 vị anh hùng. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)


Đứng trước mộ phần 81 “Thiên Thần Mũ Đỏ” tại nghĩa trang Westminster Memorial Park, Westminster, bà nhìn ông Trí Tạ và lập lại lời cám ơn: “Tôi xin thành thật cám ơn ông và cộng đồng người Việt tại Westminster đã mở rộng vòng tay nhân ái và giúp 81 vị anh hùng này có nơi an nghỉ cuối cùng.”

Nhìn ông Gino Castagnetti, bà tiếp: “Như đã nói trước khi đến đây, tôi xin cám ơn ông và Thượng Nghị Sĩ Jim Webb đã không bỏ rơi bạn đồng đội của mình.”
Bà trịnh trọng đặt vòng hoa trắng có hình Thiếu Tá Phi Công Robert Horsky sát cạnh ngôi mộ tập thể rồi lặng lẽ đến bên mộ bia. Khẽ chạm tay vào bia, bà lẳng lặng ngồi sụp xuống rồi nghẹn ngào nhỏ lệ.

Toàn thân bà khẽ rung một lúc.

Trong vài giây sau đó, bà thì thầm gì đó với 81 tử sĩ Việt Nam rồi vội vã chùi nước mắt.

Cả ông Trí Tạ và ông Castagnetti nhẹ nhàng lùi ra xa để tỏ lòng tôn trọng giây phút thiêng liêng này. Họ cùng nhìn nhau thắc mắc không biết bà nói gì với những người chiến sĩ QLVNCH mà bà chưa hề gặp.

Giữa vòng hoa là di ảnh Thiếu Tá Phi Công Robert M. Horsky, người lái chiếc phi cơ định mệnh. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)

Quay ra đứng bên những người đang chờ đợi, nhìn hình cha mình giữa vòng hoa trắng, bà gắng nở nụ cười rồi nói: “Tôi nghĩ đã đến lúc họ gặp lại nhau. Tôi tin rằng họ vui lắm.”

Đầu đã hai thứ tóc nhưng sau cặp kính cận, đôi mắt bà lung linh một niềm vui thật ngây thơ. Mắt bà như đôi mắt đứa bé mồ côi cha quá sớm đang vui mừng khi thấy cha về thăm mình.


…Tưởng nhớ 81 chiến sĩ VNCH…
… và tưởng nhớ cha Robert M. Horsky… (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

Vài dòng nhắc lại câu chuyện thương tâm của 81 “Thiên Thần Mũ Đỏ” này…

Vào ngày 11 Tháng Mười Hai, 1965, một chiếc máy bay C-123 bị rơi trên một vùng hẻo lánh ở Việt Nam, làm phi hành đoàn gồm bốn phi công Mỹ và 81 chiến sĩ Nhảy Dù VNCH thiệt mạng.

Lúc đó, Tiểu Đoàn 3 và Tiểu Đoàn 7 Nhảy Dù vừa xong nhiệm vụ, chuẩn bị chuyển về Sài Gòn, thì được lệnh của Quân Đoàn 2 ở lại để đánh giải vây cho Sư Đoàn Mãnh Hổ của Nam Hàn đang bị kẹt ở Tuy Hòa. Chẳng may, Đại Đội 72 thuộc Tiểu Đoàn 7 lại đi trên chiếc máy bay C-123 định mệnh đó.
Vùng máy bay rơi là khu rừng hiểm trở, cách Tuy Hòa 32 cây số về phía Tây, gần như không thể vào được. Mãi đến năm 1974, khi người dân đi sâu vào rừng kiếm củi, họ mới phát hiện xác máy bay và các hài cốt.

Chiếc C-123 hôm đó bay từ phi trường Pleiku đến phi trường Tuy Hòa thì bị nạn. Tuy nhiên, tất cả hài cốt bị trộn lẫn vào nhau, nên người ta đưa vào một quan tài, và chuyển về Bangkok, Thái Lan.

Qua thử nghiệm DNA, Bộ Quốc Phòng Mỹ xác nhận được danh tính của bốn phi công Mỹ, đem về chôn cất ở Nghĩa Trang Quốc Gia Arlington.
Trong khi đó, không có thông tin gì để xác nhận 81 người Việt Nam còn lại.

Năm 1986, 81 di cốt này được chuyển về Cơ Quan Tìm Kiếm Tù Binh/Người Mất Tích (DPAA) ở Hawaii, nơi phụ trách xác định danh tính những người tử trận hoặc mất tích trong chiến tranh.

Cách đây khoảng ba năm, ông Jim Webb, từng là bộ trưởng Bộ Hải Quân dưới thời Tổng Thống Ronald Reagan, được Bộ Quốc Phòng Mỹ giao trách nhiệm giải quyết số phận của 81 di cốt này.

Ông Jim Webb đã hai lần đề nghị chính quyền CSVN tiếp nhận số hài cốt này để các tử sĩ trở về quê nhà nhưng đều bị từ chối.
Hôm Thứ Sáu, 13 Tháng Chín, một chiếc máy bay của Không Lực Hoa Kỳ chở 81 di cốt này đến California, để trong một căn cứ quân sự.

Ngày 26 Tháng Mười, 2019, hài cốt của họ chính thức được trở về nhà, trong lòng Little Saigon, ‘thủ đô của người Việt tị nạn.’
Trở lại không gian trầm lắng tại nghĩa trang Westminster Memorial Park…

Nhìn mộ bia 81 tử sĩ QLVNCH, ông Castagnetti nói: “Chúng tôi cố tình đặt chín ngôi sao hàng dọc và chín ngôi sao hàng ngang để tượng trưng cho 81 người anh hùng này.”


Phút giây trầm mặc trước mộ phần. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

Ông Trí Tạ gật đầu chia sẻ: “Chúng tôi cũng chọn ngày 26 Tháng Mười làm ngày an táng họ vì ngày này năm 1956 là ngày Quốc Khánh của thể chế VNCH, của nền đệ nhất cộng hòa.”

Ngay sau khi chia tay ông Trí Tạ và ông Castagnetti, bà Wieneke lái xe quay về Phoenix, Arizona. (Đằng-Giao)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét