Nhà bào Robert Farley, trên tờ National Interest, trong một bài viết mang tính dự báo để ngăn chặn các rủi ro cho năm mới, đã liệt kê 5 địa điểm có thể là nơi khởi phát chiến tranh thế giới thứ ba. Theo đó, Trung Đông, Thổ Nhĩ Kỳ, là những “ứng viên” hàng đầu, nhưng các địa điểm còn lại, trong đó có Biển Đông, cũng tiềm ẩn nguy cơ lớn, đầy bất trắc.
<!>
1. Iran-Israel
Iran và Israel trong năm 2019 đã liên tục có những cuộc đụng độ ở quy mô nhỏ trên khắp Trung Đông. Iran tấn công đối thủ thông qua việc ủng hộ các nhóm vũ trang chống Israel ở khắp dải Gaza, Lebanon, Syria và các nơi khác. Trong khi đó, Israel không ngần ngại phản công các lực lượng quân đội của Teheran trên toàn khu vực, bên cạnh đó, Israel cũng âm thầm xây dựng một liên minh rộng lớn chống Iran ở cấp độ ngoại giao.
Nếu Iran quay lại với các chương trình hạt nhân hoặc quyết định “gây gổ” nhiều hơn với Ả Rập Xê Út, thì Israel cũng rất khó khoanh tay đứng nhìn và các cuộc tấn công trực tiếp vào lãnh thổ của Iran có thể diễn ra. Điều này sẽ khiến Mỹ và Nga phải can thiệp, và đây có thể là giọt nước làm tràn ly, chiến tranh thế giới thứ ba bùng nổ.
2. Thổ Nhĩ Kỳ
Căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hoa Kỳ bắt nguồn như nhiều vấn đề, trong đó có việc Ankara mua vũ khí Nga và ủng hộ chế độ Bashar al-Assad ở Syria. Mối quan hệ giữa hai nước trở nên trầm trọng hơn trong năm qua khi Washington đe dọa trừng phạt Ankara vì những hoạt động của quân đội Thổ tại Syria. Đáng lưu ý là Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan nói rằng ông có “khát vọng to lớn” cho tổ quốc, nhiều người cho rằng ông Erdogan đang ám chỉ “khát vọng” đó là muốn đất nước ông sở hữu vũ khí hạt nhân.
Mối quan hệ căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ khiến nhiều người lo ngại cho tương lai của NATO khi hai nước này sở hữu lực lượng quân đội mạnh nhất liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương. Một điều khiến giới quan sát lo sợ là Tổng thống Erdogan không phải là người được biết tới với khả năng xử lý tốt các mối quan hệ, với những khúc mắc khác rất có thể đẩy Washington và Ankara đến bờ vực của xung đột. Và tất nhiên, Nga luôn là một nhân tố cần phải đề cập tới trong việc ly gián mối quan hệ giữa hai đồng minh NATO.
3. Kashmir
Ấn Độ và Pakistan là hai quốc gia láng giềng đều sở hữu vũ khí hạt nhân, trong năm qua, vùng đất Kashmir tranh chấp dai dẳng giữa hai nước tiếp tục là điểm nóng khiến quan hệ giữa hai bên thêm căng thẳng. Đã có thời điểm tường như hai láng giềng Nam Á lao vào một cuộc chiến khi các cuộc đụng độ giữa lực lượng vũ trang hai nước ở Kashmir liên tục xảy ra.
Nhà báo Farley cho rằng, chính phủ Ấn Độ như đổ thêm dầu vào lửa khi thực hiện các bước đi để giảm quyền tự trị của Kashmir, tức thể hiện mong muốn kiểm soát vùng đất này nhiều hơn, bên cạnh việc thay đổi chính sách đối với công dân, trong đó có quy định khiến Islamabad hiểu rằng Delhi muốn nhắm vào việc hạn chế người theo đạo Hồi, tôn giáo mà hầu hết người Pakistan theo.
Một số bất ổn ở Ấn Độ có thể khiến Pakistan tin rằng đó là cơ hội để họ thực hiện can thiệp vào nước láng giềng. Nhiều khả năng sẽ là một số cuộc tấn công khủng bố, và như thế chính phủ của Thủ tướng Modi buộc phải phản ứng theo một cách nào đó làm cho xung đột giữa hai nước leo thang. Ở đây cần thấy rằng Trung Quốc có thể là tác nhân đẩy mối quan hệ căng thẳng giữa hai nước này lên cao trào, vì Bắc Kinh có thể sẽ là “ngư ông đắc lợi” khi 2 nước đánh nhau.
4. Bán đảo Triều Tiên
Mối quan hệ Mỹ-Triều đang ở trạng thái căng thẳng nhất kể từ năm 2017, các cuộc tiếp xúc chính thức giữa hai bên đã bị đình trệ nhiều tháng nay. Triều Tiên đã thực hiện hàng loạt vụ thử tên lửa tầm ngắn và tuyên bố sẽ chế tạo “loại vũ khí chiến lược mới”. Hình ảnh vệ tinh cho thấy, Bình Nhưỡng đang tiếp tục sản xuất các loại tên lửa xuyên lục địa (ICBM) trang bị đầu đạn hạt nhân có thể vươn tới Hoa Kỳ.
Nếu Triều Tiên thực hiện một vụ thử ICBM hoặc thậm chí đi xa hơn, thì có thể khiến Tổng thống Trump cảm thấy bị ông Kim Jong Un phản bội, và một tình huống không chắc chắn có thể từ đó nảy sinh một cuộc chiến.
5. Biển Đông
Năm qua Bắc Kinh phải đối mặt với hàng loạt sức ép từ bên trong, vấn đề Tân Cương, Hồng Kông, hay những hệ lụy do họ đàn áp dân chủ hay tôn giáo, những điều này khiến lực lượng cầm quyền ở Trung Quốc muốn leo thang các hoạt động quân sự ở bên ngoài để phân tán áp lực của người dân. “Khuấy đảo” Biển Đông có thể là một lựa chọn của Bắc Kinh.
Theo nhà báo Farley, ông Trump đã đặt cược vị trí tổng thống nhiệm kỳ tới vào việc đẩy lùi Trung Quốc, nên Hoa Kỳ cũng không ngần ngại leo thang khiến việc Mỹ-Trung đối đầu trực tiếp trên Biển Đông là hoàn toàn có thể xảy ra trong năm 2020.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét