Một du học sinh từ Mỹ về theo diện học bổng (Không phải du học tự
túc nha) về nước làm việc. Hôm đi phỏng vấn giám đốc công ty nhà nước
hất hàm:
- Hồ sơ của anh tốt lắm, nhưng anh thiếu chứng chỉ Tiếng Anh.
Anh chàng ngạc nhiên:
- Tôi du học Mỹ về, tất nhiên phải biết Tiếng Anh, phải có chứng chỉ IELTS mới được học chứ. Trong hồ sơ có đính kèm mà?
Giám đốc:
- Nguyên tắc là nguyên tắc, không cần biết "y teo, y tiếc" gì. Anh nhất
định phải có chứng chỉ Anh Văn bằng C ở các trường trong nước cấp..
Bực rồi, a du học sinh đứng dậy:
- Ông có thể test Tiếng Anh tôi ngay tại đây xem có hơn bằng C trong nước không ?
<!>
Giám đốc cau mày:
- Anh nói giỏi đến bao nhiêu cũng kệ, phải có bằng C.
Không nhịn nổi nữa, anh du học sinh đỏ mặt:
- CCC cái CCC. Bác Hồ làm Đ gì có cái bằng nào đâu mà các ông còn khoe biết 29 thứ tiếng cơ mà.
Giám đốc:....
Bác Hù
26/11/2019
26/11/2019
Nguồn: https://www.facebook.com/photo.php?fbid=1003591796644355&set=a.106838739653003&type=3&theater
--------------------------------------------------------------------------------
TRẦN TA-BIT – CHUYỆN TIẾU LÂM THỜI VIỆT NAM DÂN CHỦ CỤ HỒ
--------------------------------------------------------------------------------
TRẦN TA-BIT – CHUYỆN TIẾU LÂM THỜI VIỆT NAM DÂN CHỦ CỤ HỒ
Tác giả: Trần Ta-bít
Lời “ráo” đầu
Ông anh tôi là đồng chí Trần Khốt, trước có công tác ở Ban Tuyên ráo
Trung ương, thời Hòa thượng Tố Không là Phương trượng, nên cũng đã thu
thập được nhiều chuyên dân gian và đã kể hầu các bạn trong bài “Tiếu lâm
chính trị (Việt Nam, năm 1980)”. Những chuyện này, theo như anh ấy nói,
thì là nghe qua bác sĩ Lương Nhân. Phần lớn những chuyện này có xuất xứ
từ Hà Nội, khi vào đến Sài Gòn có phần nào đã thay đổi ít nhiều. Hôm
qua tôi lục tay nải, tìm thấy một cuốn sổ tay của anh ấy, gián nhấm cũng
nhiều chỗ rồi, chữ mất chữ không.
Bây giờ tôi lại “theo bước đàn
anh ta đi lên”, ráng chép lại hầu chư vị. Truyện nào trùng thì tôi bỏ,
truyện nào có biến thể thì tôi lưu.
___________
Cũng thế
Sinh viên thời ấy, ngoài chuyện học hành, lên lớp, thỉnh thoảng còn bị
lôi cổ đi biểu tình. Biểu tình chống cái gì? Thì đại khái là biểu tình
chống Mỹ, hoặc biểu tình kỷ niệm ngày Lao động Quốc tế mồng 1 tháng Năm,
ngày Quốc khánh mồng 2 tháng 9 v. v…
Thường thường thì mỗi khoa
có một, hai thầy cô đi kèm, sinh viên thì xếp hàng hai đi theo lớp, lớp
trưởng (thường là bí thư chi bộ) thì đi ngoài hàng để hô khẩu hiệu cho
anh em hô theo.
Hôm đó, sau khi đi một vòng từ trường ra đến bến
xe điện Cầu Giấy (khoảng hai, ba cây số) rồi quay về, vừa đi vừa hô khẩu
hiệu. Gần về đến trường, anh trưởng lớp hô: “Đảng Lao động Việt Nam
muôn năm!”.
Anh em vừa giơ nắm tay, vừa hô theo ba lần: “Muôn năm! Muôn năm! Muôn năm!”
Anh trưởng lớp hô tiếp: “Hồ Chủ tịch cũng thế!”
Cả lũ mặt nghệt ra, tình huống này chưa bao giờ có, không ai biết là
phải hô theo như thế nào. Anh này không biết là vô tình hay cố ý, nhưng
chắc chắn là lại có điều gì “bất mãn” đây, chí ít thì cũng đã uống cả vỉ
“thuốc liều”.
Vừa về đến trường, anh em chuẩn bị giải tán thì đã có xe com-măng-ca đít vuông của bên công an tới đón trưởng lớp đi.
Chuyện anh Ba
Bạn học của anh Ba
Một hôm có một ông già tới trước cửa số 6 Hoàng Diệu, gặp cảnh vệ gác
cửa xin vào gặp anh Ba. Cảnh vệ hỏi ông là ai, đến có việc gì? Ông già
bảo: “Chú cứ việc vào báo anh Ba, có tôi là bạn học cũ tới thăm anh ấy”.
Cậu cảnh vệ lúng túng nhưng rồi cũng bảo: “Thế bác chờ một tí nhé, để
cháu gọi thư ký anh Ba ra mời bác vào.” (Thế là đã đẩy khéo được quả
bóng sang sân thằng khác).
Thư ký ra, thấy ông già phúc hậu,
phương phi, đi giầy Tây, mặc bộ đại cán Tôn Trung Sơn, lại nói giọng
Quảng Trị thì vội vàng mời ông vào phòng khách. Mời khách an toạ, chạy
đi pha ấm trà Hồng Đào, bóc gói thuốc Thủ đô, rồi anh thư ký nhẹ nhàng
hỏi:
– Dạ, thưa bác, xin phép bác cho cháu được biết quý danh để cháu vào báo cáo với anh Ba.
– Chú cứ nói với ảnh có tôi là bạn học cũ hồi xưa là ảnh biết liền.
Thư ký nghĩ bụng, ông già này chơi khó mình, anh Ba thì bận nhiều việc,
lịch dày đặc, đâu có phải lúc nào cũng bỏ việc ra tiếp khách được đâu,
mà không báo thì sau này anh Ba biết, anh ấy lại tát cho “ù tai”. Giờ
anh Ba đã ngoài bẩy mươi, bạn học có còn thì được mấy người, hẳn là anh
Ba quý lắm. Nhưng nếu không phải thì sao? Cũng “bỏ mẹ”!
Thế rồi
“cái khó ló cái khôn”, anh thư ký gọi điện thoại sang Cục Bảo vệ, xin
gặp Cục trưởng. Cho gặp hay không cho gặp thì tội đâu ông này chịu. (Lại
đẩy được quả bóng sang sân khác). Bên Cục Bảo vệ họ nắm vững lý lịch
của từng cán bộ, vậy gọi sang bên ấy thì “chắc ăn như bắp”.
Cục trưởng cầm máy, thư ký anh Ba báo cáo lại tình hình và xin chỉ thị.
Vừa mới nói đến ông già này là bạn học anh Ba ngày xưa, Cục trưởng quát vào điện thoại:
– Trói cổ thằng ấy lại! Thằng ấy nó nói láo đấy! Anh Ba làm đ… gì có bạn học, anh ấy có đi học bao giờ đâu!
Óc anh Ba
Hôm đó anh Ba dẫn Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Cuba đi viếng lăng Bác.
Gần tới nơi thì anh Ba tinh mắt phát hiện ra một đống thằng nào mới bậy
ra gần cửa Lăng. Hàng ngày anh Ba vẫn chịu khó tập thể dục thể thao,
chạy nhảy bơi bắn anh Ba tập tuốt, nhưng có một môn giỏi hơn cả, ấy là
môm ném đĩa. Rất bực mình vì một lũ cảnh vệ ăn hại, nhưng vốn nhanh trí,
anh Ba lấy cái mũ kê-pi trên đầu, lia một phát, chụp ngay lấy cái chỗ
cần che. Vậy là êm.
Cuộc viếng Lăng diễn ra bình thường, nhưng về
đến nhà, anh Ba vẫn còn giận. Anh cho gọi thư ký lẫn cảnh vệ lên dặn:
“Này, bất cứ ai hỏi thì cũng nói là tôi không có nhà nhé, kể cả điện
thoại cũng vậy!”
Ngày hôm ấy không ai gặp được hay điện thoại
được với anh Ba. Họ kêu ca với Bộ trưởng Nội vụ (tức là Bộ Công an). Sau
khi suy nghĩ tính toán, Bộ trưởng Nội vụ đưa ra kết luận: “Chắc chắn
anh Ba bị bọn bành trướng hay bọn đế quốc bắt cóc. Ngày hôm nay, trong
lịch trình của anh không thấy ghi cuộc họp nào, hay tiếp khách nào.”
Lệnh truyền xuống cho các Sở, Ty Công an trên toàn quốc phải xếp hết mọi
việc lại để đi tìm anh Ba ngay lập tức. Đồng chí nào tìm ra anh Ba sẽ
có thưởng to.
May sao vừa lúc đó, một chiến sĩ trẻ trong đội Cảnh
vệ gác lăng phát hiện ra chiếc mũ của anh Ba và gọi thủ trưởng đến:
“Anh Ba đã bị giết hại rồi! Đây là mũ của anh Ba, bọn chúng đã đánh anh
Ba phọt óc ra rồi đây này!”
Cứu anh Ba
Đồ Sơn ngày ấy chia
làm ba khu. Đi từ ngoài vào trong thì khu 1 dành cho nhân dân với cán
bộ, công nhân viên, khu 2 dành cho cán bộ trung cấp, khu 3 dành cho
chuyên gia các nước bạn và Trung ương. Thật ra thì khu hai đẹp nhất, ít
đá, ít hà. Từ Hà Nội xuống chỉ có hơn 110 cây số, xe con chạy chỉ độ hơn
một tiếng là đến nơi, nên cuối tuần các vị “tai to mặt rỗ” thường về
đây nghỉ.
Hôm ấy, sau cả tuần họp hành liên miên, Tổng Bí thư
quyết định đi Đồ Sơn nghỉ để thư giãn. Tới nơi, giời thì nóng nực, biển
thì bọt tung trắng xóa và gió về bay tỏa nơi nơi, anh Ba cởi quần áo
(tất nhiên là vẫn còn cái quần xà lỏn) nhảy ùm xuống biển, bơi một chập.
Thật là đã quá đã!
Nào ngờ, vì không khởi động trước, anh Ba bị
chuột rút. Sóng cứ kéo anh Ba ra ngoài xa. May mà gần đấy lại có chiếc
thuyền của dân chài địa phương, một thanh niên vội nhảy xuống bơi ra,
túm được tóc người bị nạn rồi lôi vào bờ. Sau chừng mươi phút làm hô hấp
nhân tạo, anh Ba hồi tỉnh. Nhìn người cứu mình với ánh mắt biết ơn, anh
hỏi nhẹ nhàng:
– Cháu là ai?
– Dạ thưa bác, cháu là dân chài ở đây.
– Thế bây giờ cháu muốn gì, cứ nói cho bác biết. Bác có thể giúp cháu!
– Dạ thưa bác, cháu thấy bác bị nạn thì cháu cứu thôi, chứ có gì đâu ạ.
– Cháu cứ nói đi, cháu muốn gì?
– Thưa bác, cháu không đòi hỏi gì ạ!
– Thế cháu có biết bác là ai không?
– Dạ thưa bác, cháu không biết ạ.
– Bác nói cho cháu biết nhé, bác là bác Lê Duẩn, Tổng Bí thư Đảng.
– Dạ dạ, thưa bác. Nếu thế thì cháu chỉ xin bác một điều duy nhất ạ.
– Cháu cứ nói, bác sẽ giúp cháu, vì cháu đã cứu bác.
– Thưa bác, cháu xin bác đừng kể với ai là cháu đã cứu bác!
– Sao vậy?
– Nếu người ta biết thì người ta đập chết, mà cháu có sống thì cũng không làm gì được mà ăn!
*
Phụ lục
Bạn nào chưa đi Đồ Sơn thì cũng nên đi cho biết. Gần đây Đồ Sơn được
xếp hạng là “kỳ quan thứ tám… tám” của thế giới theo sự bình chọn của
Hãng Thông tấn “ù ù cạc cạc”. Để cổ động khách du lịch tới thăm bãi biển
này, trên đường từ Hải Phòng ra Đồ Sơn, Sở Văn hóa Hải Phòng đã cho kẻ
pa-nô lớn, chữ rất to:
Không đi không biết Đồ Sơn,
Có đi mới biết không hơn… đồ nhà,
Đồ nhà tuy có hơi già,
Nhưng là đồ thật, không là… Đồ Sơn!
Tiến thêm bước nữa
Cụ Tôn Đức Thắng mất. Xuống đến âm phủ, cụ lại gặp Bác Hồ. Bác hỏi:
– Cụ này, tình hình trên đó thế nào? Có còn “thiên tai, địch hoạ” nữa không?
– Vưỡn, khó khăn còn nhiều, nhưng xấp nhỏ vẫn ráng lo thực hiện di chúc của Cụ.
– Thế tụi nó thực hiện tới đâu rồi?
– Mới được có một phần ba.
– Phần ba là sao?
– Thì Cụ để lại chín chữ “Không có gì quý hơn Độc lập Tự do”, họ thực hiện được một phần ba, tức là “không có gì”!
Ít năm sau, đồng chí Phạm Hùng, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ
lại ra đi (nghe đồn là bị thượng mã phong). Xuống tới nơi lại gặp Bác.
Bác hỏi:
– Thế tình hình thực hiện di chúc của Bác các chú đã làm tới đâu rồi?
– Dạ, dạ, việc thực hiện Di chúc Bác thì chúng cháu vẫn tiến hành đều đều, đến nay đã tiến thêm được một bước nữa.
– Thêm một bước nữa nghĩa là thế nào?
– Dạ, thêm một bước nữa nghĩa là “không có gì… quý”, nghĩa là toàn đồ tầm tầm, xài không được ạ!?
Trung thành với Đảng
Bà con Sài Gòn kháo nhau câu chuyện dưới đây, thực hư thế nào không biết, tôi chỉ sao y bản chính thôi:
Ông Nguyễn Khắc Viện ốm nặng, lần này thì khó qua khỏi. Tổng Bí thư Lê
Khả Phiêu nghe tin nên đến thăm, thái độ rất trọng thị, vì dù sao thì
ông Viện cũng là bậc đàn anh lão thành cách mệnh, đặc đẳng công thần,
thành tích đóng góp trong phong trào Việt kiều yêu nước bên Pháp là rất
lớn. Sau khi Lê Khả Phiêu ra về, ông Viện gọi vợ (bà Nhất) đến bên
giường, ân cần nắm tay vợ khẽ nói:
– Bây giờ Tổng Bí thư đã đến thăm, mình mà không chết thì cũng… kỳ!
Nói xong thì cụ… thăng.
Anh hùng Tô Vĩnh Diện
Nhân ngày 22 tháng 12, ngày Truyền thống, kỷ niệm thành lập Quân đội
Nhân dân Việt Nam, cô giáo dẫn học sinh đi tham quan Bảo tàng Quân đội.
Trong Bảo tàng có rất nhiều chân dung các vị tướng lĩnh tài ba đã dẫn
dắt quân đội ta đánh thắng hai đế quốc to. Ngoài ra còn có chân dung các
anh hùng, liệt sĩ: nào Bế Văn Đàn lấy thân mình làm giá súng, Phan Đình
Giót lấp lỗ châu mai, La Văn Cầu nhờ đồng đội chặt giúp cánh tay bị
thương để tiếp tục xông lên, rồi Nguyễn Thị Chiên, Mạc Thị Bưởi, Nguyễn
Quốc Trị v.v… cho đến các anh hùng thời chống Mỹ sau này như Nguyễn Viết
Xuân, Trừ Văn Thố,…
Dưới ảnh các anh hùng, ngoài một ít dòng
tiểu sử còn có các câu nói nổi tiếng mà sau này trở thành khẩu hiệu cho
toàn quân học tập. Chẳng hạn, anh hùng Nguyễn Viết Xuân, chính trị viên
đại đội pháo cao xạ, mặc dù máy bay Mỹ bắn bị thương, sắp hy sinh vẫn
kiên cường chỉ huy đồng đội tiếp tục chiến đấu. Trước khi chết anh vẫn
hô: “Các đồng chí, hãy nhằm thẳng mặt quân thù, bắn!” Câu nói đó đã nổi
tiếng một thời.
Khi tới trước ảnh anh hùng Tô Vĩnh Diện thì thấy
ngoài tiểu sử không có ghi câu nói nào cả. (Anh hùng Tô Vĩnh Diện là
người đã lấy thân mình chèn lưng cứu pháo). Cô giáo thắc mắc mới hỏi
người thuyết minh:
– Sao ở đây lại bỏ trống mà không thấy có khẩu hiệu gì hở chị?
– À, à,….
– Thế trước khi hy sinh anh ấy có hô gì không?
– Anh ấy không hô nhưng mà có nói to.
– Anh ấy nói cái gì?
– Anh ấy bảo: Đ. m. thằng nào dẩy tao đấy! Nói xong thì hy sinh.
Anh hùng Phạm Tuân
a.
Thiếu tá Phạm Tuân là phi công Việt Nam đầu tiên được lựa chọn để cùng
bay với phi hành gia Nga Gorbatko lên vũ trụ. Tất nhiên Gorbatko là chỉ
huy trưởng, Tuân chỉ được ngồi quan sát chứ không được lái.
Sau khi ngồi lái cả ngày, đến đêm Gorbatko bảo Tuân:
– Mày cầm lái tí nhé, tao đi đái một cái rồi vào ngay. Nhưng mà cứ giữ nguyên thế chứ đừng có vặn vẹo gì mà chết đấy!
Năm phút sau, Gorbatko trở về chui vào khoang lái, thở phào nhẹ nhõm, mặt
mày tươi tỉnh. Tuân hỏi:
– Ông đi đái vào chỗ nào vậy?
– Ôi dào, đang mót đái cứng cả bụng, tao cứ thấy chỗ nào tôi tối là tao phang bừa xuống.
– Thôi chết rồi! Thế thì ông đái vào Thủ đô Hà Nội của chúng tôi rồi!
(Bấy giờ là năm 1980. Chiến tranh đã hết nhưng Hà Nội ban đêm bị cắt điện liên tục.)
b.
Hoàn thành chuyến bay vào vũ trụ cùng Gorbatko, từ Mạc Tư Khoa anh Tuân
được đưa về Hà Nội để báo cáo thành tích với Trung ương. Bên nhà, Trung
ương cũng cho com-măng-ca về đón mẹ của Tuân từ Thái Bình lên sân bay
Gia Lâm.
Vừa trông thấy con từ trên tầu bay bước xuống, bà cụ
mừng quá, thấy con vẫn sống sót, mạnh khoẻ về được đến nhà, nước mắt cứ
trào ra dàn dụa. Sau khi bắt tay và chào hỏi các đồng chí lãnh đạo, Tuân
trông thấy mẹ, vội chay lại ôm chầm lấy cụ. Bà cụ giọt vắn giọt dài,
ghé tai con nói nhỏ:
– Sao không xin gạo, xin mỳ,
Xin lên vũ trụ làm gì hở Tuân?
c.
Sau khi xong việc báo cáo thành tích ở Hà Nội, trên cấp cho Tuân một
cái xe con để về quê thăm nhà. Chạy từ Hà Nội, qua Hà Nam, Nam Định, rồi
rẽ về Thái Bình thì chả sao, xe cứ chạy phăm phăm. Gần về đến làng, còn
cách chừng hai cây số thì đường huyện lại bị một con mương nhỏ đào cắt
ngang. Chả là hợp tác xã đang cần nước tưới nên cứ đào đại đi, xong việc
rồi lấp sau. Xe ô tô không qua được.
Vừa lúc ấy có một anh thanh
niên đi xe đạp tới đó. Anh này xuống xe, xắn quần cao lên đến bẹn, luồn
vai vào chiếc gióng ngang của xe, vác lên vai rồi lội qua con mương
hẹp. Tuân vội vàng chạy theo năn nỉ:
– Này anh gì ơi, anh làm ơn cho tôi đi nhờ về xã Quyết Tiến được không?
Sang đến bên kia mương, anh thanh niên mới quay lại giả nhời:
– Thôi anh thông cảm, săm lốp bây giờ phân phối, khó mua lắm, giá chợ đen
thì lại rất cao. Tôi không giúp anh được đâu.
Tuân tức quá lầm bầm:
– Mẹ kiếp, ông đi nhờ lên vũ trụ còn được, huống chi từ đây về Quyết Tiến còn có hai cây mà mày không cho ông đi nhờ!
Ai lại kêu?
Trên một chuyến tầu điện, một cha cỡ tuổi tác đã ngoài “băm” rồi nhưng
phong độ vẫn còn “hừng hực” lắm, lại ngồi sát một em sồn sồn vì tầu quá
đông. Cha này vì tầu chật quá nên cứ ngọ nguậy hoài. Sau cùng cha cũng
tìm ra được một chỗ hợp lý nhất và… thọc tay vào đó.
– Ông làm… gì đấy?
– Tôi… làm ở ban Bình dân học vụ.
– Ông có thôi đi không?
– Tôi có xin thôi nhưng người ta không cho thôi!
– Tôi kêu lên bây giờ!
– Kêu làm gì! Bây giờ Việt Nam Dân Chủ Cộng hòa ai lại kêu?
Đệ tứ quyền
Ngày ấy học sinh lớp 8 đã được học môn chính trị. Môn này dạy cho các
em biết thế nào là Hiến pháp và cơ cấu của Nhà nước ta. Ở trường Nguyễn
Ái Quốc, tức là trường Đảng cao cấp, thì chắc là thầy trò còn dạy nhau
nhiều môn “ác liệt” hơn nhiều.
Tại trường Đảng, trong giờ học, một học sinh giơ tay xin hỏi:
– Thưa thầy, thế nào là Đệ tứ quyền ạ?
– À, à, cái này là bọn tư bản ở các nước phương Tây bịa ra, ý muốn nói
tới cái quyền của báo chí. Nó cũng to như ba cái quyền kia. Ra cái điều
là mình có dân chủ đây.
– Thưa thầy, thế ba cái quyền kia là những quyền gì?
– Là Lập pháp, Hành pháp và Tư pháp.
– Thưa thầy, em lại nghe nói là “Tam quyền phân lập” thì nghĩa là thế nào?
– À, à,… đại loại nó là như thế này, tôi dùng hình ảnh cho dễ hiểu nhé:
là anh nào chỉ được thò tay vào trong quần anh ấy, chứ không được thò
tay vào túi quần anh khác mà bóp lung tung.
– Bây giờ thì em hiểu rồi. Cám ơn thầy. Thế ở ta không có Đệ tứ quyền hở thầy?
– Có chứ!… Ơ! Thế anh không đọc giáo trình à? Chế độ ta còn triệu lần
dân chủ hơn, nên ta có văn bản pháp quy đàng hoàng, chứ không phải chỉ
có nói mồm như bọn tư bản xấu xa.
– Nó là gì, thưa thầy?
– Nó là cái… Viện Kiểm sát Nhân dân đấy!
Adam và Eva
– Adam và Eva là người nước nào ấy nhỉ?
– Cậu không biết thật à? Người nước Việt Nam chứ còn nước nào!
– Thiệt sao?
– Này nhé: Nhà thì chẳng có, phải ở dưới gốc cây, quần áo cũng không,
ăn thì hai người mới có một quả táo mà cứ nghĩ là mình đang ở trên thiên
đường.
Chuyện nghệ sĩ
Thuở ấy, chưa có lắm các đoàn biểu
diễn mang tên “Nhà hát” như sau này. Đoàn Văn công Nhân dân Trung ương
(còn gọi là Đoàn Ca múa Nhân dân Trung ương) là một thứ “hẩu lốn”, đủ
hết các bộ môn nghệ thuật biểu diễn: nào các ca sĩ như Trần Hiếu, Quốc
Hương, Ngọc Dậu, Khánh Vân…, các “vũ” sĩ như Xuân Quỳnh, Thuý Quỳnh…,
các nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ, La Thăng, Trọng Bằng…, các xếp là những
nhạc sĩ cỡ “nhớn” như Nguyễn Văn Thương, Nguyễn Xuân Khoát… rồi các nhạc
công như nghệ sĩ violon Khắc Huề… và tất nhiên còn một đội ngũ đông đảo
những người phục vụ sau sân khấu (gọi là hậu đài) rồi nhà kho, nhà bếp,
cấp dưỡng v.v… Tuy chung một mái nhà nhưng mỗi nhóm nghệ sĩ lại có
những đặc điểm riêng do thói quen sinh hoạt của họ khác nhau, thành ra
trong Khu Văn công Cầu Giấy (mãi sau này mới có Khu Văn công Mai Dịch)
có một câu vè được lưu truyền là:
Ăn như vũ,
Ngủ như ca,
La cà như nhạc,
Bạc nhạc như hành chính,
Lính quýnh như hậu đài,
Nói dai như lãnh đạo.
*
Đoàn nhạc Giao hưởng Hợp xướng có lần đi biểu diễn ở tỉnh nọ.
Anh hoạ sĩ vẽ quảng cáo của tỉnh chả biết có định chơi xỏ hay không
nhưng anh ấy viết thế này lên hai bên cánh cửa ra vào của nhà hát: Tối
nay Đoàn Giao hưởng Hợp xướng về đây biểu diễn. Khổ nỗi chữ Giao thì bên
cánh cửa trái, chữ hưởng thì bên cánh phải, chữ Hợp thì cánh trái rồi
chữ xướng lại cánh phải.
Bà con đi qua lại đọc thành: Tối nay Đoàn Giao hợp hưởng sướng về đây biểu diễn.
*
Nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát, nguyên Tổng Thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam,
bậc tiền bối trong làng nhạc mới (nhạc phương Tây), nổi tiếng với bài
“Tiếng chuông Nhà thờ” (1949), một trong số rất hiếm hoi những nhạc sĩ
đi theo kháng chiến mà gia đình theo Thiên chúa giáo, cũng có thể gọi cụ
là đàn anh của các nhạc sĩ Phạm Duy, Văn Cao. Về già cụ có tâm sự với
một vài người bạn thân (lúc này vụ Nhân văn – Giai phẩm đã qua lâu rồi):
– Cứ bảo cộng sản nó “vắt chanh bỏ vỏ”, không phải đâu! Nói thế là quá đáng. Thật ra nó gọt vỏ còn chưa sạch nữa kia!
*
Nhà văn Nguyễn Tuân thường được Thủ tướng Phạm Văn Đồng mời ăn cơm. Một hôm ông Đồng hỏi cụ Nguyễn:
– Này, anh Tuân này, bây giờ anh cũng đã cao tuổi, có chuyện gì anh lo
ngại thì anh cứ cho tôi biết, may ra tôi có thể giúp anh được gì chăng.
– Bây giờ thì tôi cũng chả sợ gì. Tôi chỉ sợ nhất là bà nhà tôi mà mất trước tôi thì…
– Sao vậy?
– Bà ấy mà mất trước tôi thì tôi không biết cái nào là phiếu nước mắm,
cái nào là phiếu đậu phụ, cái nào là phiếu mùn cưa,… Ôi chao, nhiều thứ
tem phiếu quá!
Nhà tập thể không… hố xí
Thời ấy Hà Nội
đang cho xây hàng loạt nhà tập thể để giải quyết chỗ ở cho cán bộ, công
nhân viên. Bên A là cơ quan chủ quản, bên B là bên công ty xây dựng
(cũng thuộc về Nhà nước cả)
Tới ngày nghiệm thu một khu nhà 5
tầng mới hoàn thành, bên A cử cán bộ tới xem xét, có kỹ sư của bên B đi
kèm. Nếu bên A có gì thắc mắc hay yêu cầu sửa đổi thì bên B có thể giải
thích hoặc đáp ứng ngay (thì mới lấy được tiền chứ!)
Sau khi đi hết một vòng cả 5 tầng, bên A thắc mắc:
– Các đồng chí hoàn thành đúng thời hạn, công trình đẹp đẽ, khang trang, thế nhưng tại sao không một tầng nào có hố xí?
Kỹ sư bên B giải thích:
– Bây giờ chúng ta đang ở trong giai đoạn chống Mỹ cứu nước nên phải
hết sức tiết kiệm. Những gì lãng phí xa hoa, không cần thiết là phải cắt
hết. Tiết kiệm cho Nhà nước, tiết kiệm cho công quỹ. Chúng tôi sau khi
nghiên cứu kỹ dự án công trình này, xin ý kiến Đảng uỷ Bộ Xây dựng rồi
mới bắt tay thi công. Theo dự án, tầng 1 dành cho nhà trẻ, mẫu giáo…
Bên A:
– Thế sao lại không xây hố xí?
Bên B:
– Các cháu nó đi ỉa vào bô rồi các cô mang đi đổ, vậy thì cần hố xí làm gì?
– Thế tầng hai?
– Tầng hai dự kiến dành cho học sinh, sinh viên, nhưng chúng nó có gì ăn đâu mà ỉa?
– Tầng ba?
– Tầng ba dành cho cán bộ công nhân viên, nhưng mà tranh thủ tám giờ vàng ngọc, họ ỉa hết ở xí nghiệp với ở cơ quan rồi.
– Còn tầng bốn?
– Tầng bốn dự định dành cho văn nghệ sĩ…
– Thế họ không ỉa sao?
– Chao ôi, văn nghệ sĩ thì chúng nó ỉa vào mồm nhau!
– Tầng năm thì thế nào?
– Tầng năm dành cho cán bộ cao cấp của các Cục, Vụ, Viện…
– Thế các ông ấy ỉa vào đâu?
– Giời ôi, các ông ấy ỉa đâu mà chẳng được. Các ông ấy ỉa vào đầu thằng khác hay là ỉa đâu cũng có thằng hót rồi.
Chuyện bộ đội
Ba lô
Thuở ấy, tân binh được gấp rút huấn luyện để đi B trong 6 tháng, đôi
khi vì chiến trường cần tiếp viện gấp, thời gian rút xuống chỉ còn ba
hay bốn tháng. (Chiến trường A là miền Bắc, B là miền Nam, C là Lào, D
là Miên và E là Thái Lan). Trước khi đi B bộ đội được cấp phát quân tư
trang mới, toàn là đồ của anh Hai (Trung Quốc) viện trợ cả, từ đầu đến
chân: mũ cối, hai bộ quần áo gac-ba-đin (đã đẹp lại bền nữa), ba lô,
súng AK, xanh-tuya rông (thắt lưng lính), dao găm, bi đông, dép cao su
(vừa nhẹ, vừa mỏng mà lại bền hơn dép lốp của ta nhiều). Thế rồi được đi
nghỉ phép, thường là từ 5 ngày đến một tuần (cũng có trường hợp có đơn
vị phải lên đường ngay mà không được về phép). Lính về nhà thế là trút
lại bộ gac-ba-đin cho bố, cho thằng em trai cái mũ cối mới, để lại cho
vợ cái ba lô… rồi lên đường với đồ lề cũ đã được phát lúc mới nhập ngũ.
Thành ra trong dân thì sẵn đồ lính lắm.
Đơn vị nọ đang tập luyện,
đến giờ giải lao lại ra ngồi dưới mấy gốc cây ven đường trốn nắng. Có
chị kia đi ngang, lưng thì đeo ba lô nặng, bụng thì chửa vượt mặt, tay
lại dắt đứa con chừng năm, sáu tuổi. Một anh lính ngứa mồm trêu:
– Ba lô đằng sau là ba lô của Nhà nước, ba lô đằng trước là ba lô của nhà em!
Đái gốc tre
Để phòng máy bay Mỹ ném bom, tân binh không ở trong doanh trại mà rải
ra tản mát ở nhà dân. Ngày thì cả hai buổi ngoài thao trường tập luyện,
tối thì sinh hoạt họp hành, xong việc thì người đã “bã” hết cả ra (muốn
nhớ nhà, nhớ em cũng chả còn hơi sức đâu). Tuy vậy công tác dân vận cũng
cứ phải đặt lên hàng đầu: quét quáy trong nhà, ngoài sân, ngày mùa thì
đi gặt giúp Hợp tác xã, dọi lại cái mái dột cho nhà chủ v.v… Thỉnh
thoảng lại sinh hoạt chung với du kích xã (chỉ còn nữ du kích thôi,
thanh niên thì đã “được” đi bộ đội hết), lại dạy các em thiếu nhi hát hò
nữa. Mệt là thế mà có những anh “lực điền” vẫn còn thừa “năng lượng”.
Nhà kia có hai cô con gái lớn, “cũng vào du kích”. Một hôm bà mẹ gọi hai con vào dặn nhỏ:
– Mận à, Đào à, chúng mày đi tập hát thì bu cũng chả cấm, dưng mà nhớ về sơm sớm, chứ ư… bộ đội… nó đái gốc tre cũng chửa!
Bắt được tay…
Đơn vị hành quân qua làng anh trung đội trưởng kia, đại đội thông cảm,
cho anh về thăm vợ đêm nay, mai phải có mặt sớm còn tiếp tục hành quân.
Hai vợ chồng trẻ mới có một đứa con năm tuổi, kháu khỉnh lắm. Thằng cu
thì từ bé đến giờ vẫn ngủ với mẹ, lại hay sờ tí. Đêm ấy, đang ngủ, cu
con lại thấy sao có tay ai trên ngực mẹ, vội kêu lên:
– A, bắt được tay…
Sực nhớ ra là có bố về, cu cậu chuyển ngay làn điệu:
– … thằng… đế quốc Mỹ rồi!
Đấy, trẻ con bé tẹo cũng đã biết đế quốc Mỹ, hơn thế nữa, lại còn biết đế quốc Mỹ… là xấu.
Xóc lọ
Trên đường đi B, hành quân qua Quảng Bình. Đường bị ném bom, chưa
thông. Đơn vị lại rải ra các nhà dân. Tổ tam tam kia đuợc phân về nhà
một ông cụ, một cậu “tinh nghịch nhất hội” đon đả chào :
– Chào bọ, bọ đã xóc lọ chưa? (bọ tiếng địa phương là bố; xóc lọ là tiếng lóng, chỉ thủ dâm)
– Xóc lọ là cái chi, các chú?
– Dạ xóc lọ là ăn cơm ạ.
– À, thế thì bọ xóc lọ rồi.
Hôm sau đường vẫn chưa thông. Các cậu đi ăn cơm về thì lại gặp bọ trước cửa, bọ hỏi trước :
– Các chú đi xóc lọ về đấy à?
Ba thằng nhìn nhau ngao ngán:
– Dạ, chúng con xóc lọ rồi!
Đúng là gậy ông lại đập lưng ông.
Mày thì mày chết
Sau khi bàn giao quân bổ sung cho các đơn vị tại chiến trường B (từ B1
cho đến B5), cán bộ từ cấp trung đội trở lên lại quay ra Bắc, tiếp tục
nhận tân binh, huấn luyện xong lại đưa vào Nam. Cái vòng cứ thế mà quay.
Số cán bộ này gọi là cán bộ khung. Thường thì khi ở trong Nam ra, họ
cũng được đi phép khoảng một tuần.
Có anh Đại đội trưởng khung
kia về phép, bà con hàng xóm sang chơi thăm hỏi đông lắm, nhưng mọi
người cũng có ý về sơm sớm cho vợ chồng chủ nhà còn hàn huyên tâm sự.
Mọi người đã về hết, mấy đứa con thì cũng đã lăn ra ngủ, nhìn quanh
không thấy vợ đâu, anh mới rảo bước ra sân. Thấy cạnh giếng, chỗ nhà tắm
(gọi là nhà tắm chứ thực ra thì chỉ có mấy tấm liếp quây lại thôi) có
ánh đèn dầu, anh đi về phía ấy. Gần tới nơi thấy có tiếng người, nghe kỹ
thì là tiếng vợ. Bụng nghĩ thầm, quái, cái cô này lại chuyện trò với ai
trong nhà tắm? Hay là…
Nghĩ thế anh mới rón rén lại gần, vẫn
nghe tiếng vợ, anh khe khẽ vạch kẽ liếp ra. Hoá ra là vợ đang tắm. Một
tay thì cầm cái gáo dừa múc nước trong xô, dội xối xả, một tay thì cứ
chỉ cái “số ta” mà bảo:
– Mày thì mày chết! Tối nay… nó về… mày thì mày chết!
Chuyện nông trường
Thời ấy, trừ nông thôn không được phát sổ gạo, còn ở thành phố và các
công nông trường mọi người được “hưởng” lương thực theo tiêu chuẩn,
chẳng hạn nhân dân (tức là những người không ở trong biên chế nhà nước
hay hợp tác xã) thì được 10 kg gạo một tháng, học sinh 13,5 kg, cán bộ,
sinh viên 15 kg, công nhân 18 kg, nếu là công nhân làm việc nặng như đúc
hoặc rèn thì được 21 kg v.v… Mỗi hộ gia đình được phát một sổ gạo có
ghi đầy đủ tên họ tất cả mọi người trong gia đình cùng tiêu chuẩn được
cấp. Cán bộ, bộ đội đi công tác thì mang theo tem gạo, nếu vào cửa hàng
Mậu dịch ăn cơm thì mỗi suất cơm phải trả ba hào và một tem gạo hai lạng
rưỡi.
Ở nông trường kia, hôm ấy giám đốc gọi một anh công nhân
lên để khiển trách về việc làm không đủ ngày công, lại kém năng xuất mà
vẫn hưởng tiêu chuẩn gạo đầy đủ như những người khác. Anh này tức quá
mới bảo thẳng vào mặt Giám đốc:
– Thôi, tôi giả ông sổ gạo, tôi
không làm nữa. Các ông cho người ta ăn ba hào cơm mà bắt ỉa một đồng bạc
cứt thì bố thằng nào mà làm nổi. Tôi về đây!
Chuyện xem phim bãi
Ở miền Bắc, ngoài mấy thành phố như Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định là có
rạp chiếu phim. Ở nông thôn thì có những Đội chiếu phim lưu động của
tỉnh hoặc của huyện thỉnh thoảng về phục vụ bà con. Nhanh thì ba tháng,
chậm thì sáu tháng một lần, còn những vùng sâu, vùng xa hay miền núi thì
có khi cả năm. Mỗi khi có Đội về, hoặc có Đoàn Chèo, Đoàn rối của Tỉnh
vế phục vụ thì cứ gọi là “vui như Tết”. Đi làm đồng thì làm qua quýt rồi
về ăn cơm sơm sớm để còn ra bãi giữ chỗ. Chả là chiếu ở xã này thì bốn,
năm xã xung quanh cũng sang xem, thành ra đông lắm. Đây cũng là một dịp
“giao lưu” để các anh lực điền lại có dịp ghẹo gái làng. Mà kiếm được
tấm chồng thì cũng chả dễ, thanh niên trai tráng thì phải đi lính hết
cả, còn chơi chữ thì người ta bảo là “đi làm nghĩa vụ quân sự”, “đi bảo
vệ Tổ quốc”, “đi chống Mỹ cứu nước”.
Tôi hôm ấy đội về chiếu phim
chiến đấu của Liên Xô, oánh nhau ác lắm. Mấy cô thanh nữ ngồi đằng
trước lại cứ chuyện trò râm ran, không cho ai nghe thuyết minh cả. Một
anh thanh niên ngồi sau ngứa tay mới béo cho cô đằng trước một cái. Cô
gái giật nẩy mình, ngoái lại kêu:
– Ối, hay nhỉ?
– Hay! “Phin” Liên Xô mà lại chả hay!
Yên yên được hai phút, lại chuyện trò ríu rít. Anh chàng tức quá, ngứa
tay lại béo cho cái nữa rõ đau. Cô kia quay lại nhăn nhó:
– Làm gì thế?
– À, làm Cao Xà Lá. (Khu công nghiệp ở ngoại thành Hà Nội gồm Nhà máy Cao xu, Nhà máy Xà phòng và Nhà máy Thuốc lá)
Các cô không nói chuyện nữa, nhưng được năm phút anh chàng này quen tay đi mất rồi, lại béo cái nữa. Cô gái quay lại, tức lắm:
– Có thôi đi không?
– Ối giời ôi, đang làm công nhân, ăn gạo sổ lại bảo thôi là thôi thế nào?
*
Ở một góc khác, một anh chàng ra giữ chỗ từ chiều, giờ mót đái quá mà
không dám đi, sợ mất chỗ. Nhịn quá rồi nhưng giờ không nhịn được nữa,
may là ở nông thôn thì đàn ông cũng chỉ đánh cái quần cộc, anh chàng mới
từ từ “xả” ra thật êm tại chỗ. Thôi, thế là yên chí, có thể ngồi từ giờ
cho đến hết “phin”.
Độ hai phút sau, bà cụ ngồi đằng trước chống tay phải vũng nước, kêu ầm lên:
– Ối, nước gì thế này?
– Cái bà này, nước Liên Xô mà cũng không biết!
Chuyện Liên Xô
Brezhnev cùng cháu nội đi thăm lăng Lenin. Đứa cháu hỏi:
– Ông ơi, sau khi ông chết thì ông cũng sẽ ở đây phải không?
– Tất nhiên rồi.
Bỗng Lenin ngồi bật dậy và bảo:
– Ơ, cái thằng này! Mày tưởng đây là nhà tập thể hả? Cút mẹ mày đi!
*
Vladimir Ilyich và Feliks Edmundovich tuy đã say xỉn nhưng rồi cũng mò mẫm về được đến nhà. Ilyich gõ cửa:
– Nadezhda Konstantinovna, mở cửa đi!
– Em không mở đâu, Vladimir Ilyich, anh say rồi.
– Feliks, phá đi mày!
Feliks phá cửa. Vào đến nhà, Lenin gõ cửa nhà bếp:
– Nadezhda Konstantinovna, cho bọn này ngốn chút gì đi!
– Không cho, Vladimir Ilyich, anh nhậu xỉn rồi.
– Feliks, phá đi mày!
Feliks lại phá. Hai người lục lọi và chén căng bụng. Lenin lại gọi:
– Nadezhda Konstantinovna, nào!
– Không cho đâu, Vladimir Ilyich, em hãy còn là trinh nữ.
– Feliks, phá đi mày!
*
Lenin trèo lên xe bọc thép.
– Các đồng chí! Cuộc cách mạng mà chúng ta dự định vào sáng mai phải hoãn lại.
– Tại sao vậy??
– Feliks Edmundovich đã đi câu mất rồi.
– Thế thì làm sao? Không có đồng chí ấy thì không được à?
– Không có cậu ấy thì… cũng được, nhưng không có “Rạng Đông” thì không xong.
*
Thời Cách mạng tháng 10. Lenin trên xe bọc thép. Đám đông hô to:
– Lennon! Lennon!
Lenin:
– Các đồng chí, tôi chính là Lenin đây!
Đám đông vẫn hô:
– Lennon! Lennon!
Lenin:
– Quỷ tha ma bắt các anh đi! Thôi được, YESTERDAY…
*
“Học, học nữa, và học thêm một lần nữa!” – đó là lời Lenin ghi vội lên bìa
cuốn Kama Sutra do Inessa Armand tặng.
*
Hai người bạn gặp nhau.
– Này, cậu sắp sửa đi nghỉ hè ở những đâu?
– Đến những nơi Lenin đã từng qua…
– À, gác xép, lều cỏ, Gorki, Shushenskoye…
– Không, không,- Genève, Zürich, Paris, Luân Đôn…
*
Trong Bảo tàng Cách mạng, một người khách đứng trước bức chân dung mẹ của Stalin, cứ lắc đầu quầy quậy và thở dài não nuột:
– Ối giời ơi, ối giời ơi! Có lẽ nào một người phụ nữ lại hiền hậu dịu
dàng như vậy! Sao lúc ấy bà ta lại không đi nạo thai cho rồi?
*
Khrushchev tới thăm một nông trường nuôi lợn. Ban biên tập báo Sự thật
đang thảo luận nên viết thế nào dưới bức ảnh chụp Khrushchev sẽ phải
đăng ở trang nhất. Hai đề nghị bị loại bỏ là: “Đồng chí Khrushchev giữa
đàn lợn” và “Đàn lợn vây quanh đồng chí Khrushchev”. Phương án cuối cùng
được chấp nhận là “Thứ ba từ bên trái – Đồng chí Khrushchev”.
*
Khrushchev tới thăm một nông trường nuôi lợn.
Lợn kêu:
– Khru… Khru… Khru…
– Các đồng chí cần cho lợn ăn tốt hơn, để chúng nó có thể nói được cả câu.
Cái gì cũng không có
Thời Gorbachev đang tiến hành cải tổ.
Một thanh niên đang ngồi trong quán rượu, giọng khê nồng, chắc là cũng đã “ba say chưa chai”, cất giọng lè nhè, bất mãn:
– Thời buổi gì mà bánh mì chẳng đủ, bắp cải cũng không có, chả nói đến dưa chuột muối làm gì! Bao giờ cho hết khổ?
Chẳng may cho anh, trong quán cũng có hai “mú chìm” (nhân viên mật vụ
KGB) đang ngồi nghe ngóng. Họ cũng chẳng nói gì, cứ mặc cho anh chàng
tha hồ rủa xả. Chờ cho đến khi anh chàng đứng dậy ra về, họ mới xáp lại,
giơ thẻ công an ra và bảo: “Anh đi theo chúng tôi!”
Chàng thanh
niên bị giải về Lubyanka (nhà tù trung ương của KGB ở Mạc Tư Khoa). Sau
khi anh ta bị thẩm vấn cả tiếng đồng hồ, một anh công an chìm mới hỏi:
– Anh có biết là vừa rồi anh ăn nói như vậy ở quán rượu là phạm tội gì không?
Anh thanh niên lúc này đã tỉnh hẳn rượu, vội trả lời:
– Da, em biết. Nói như vậy là phạm tội phản tuyên truyền. Nhưng mà… nhưng mà em trót say quá, em trót nói nhảm.
– Anh có biết khung hình phạt cho tội phản tuyên truyền là thế nào không?
– Dạ, em có. Từ 10 năm cho đến xử bắn. Em nhỡ vi phạm lần đầu, mong các anh thông cảm mà tha cho em lần này.
– Anh nói đúng đấy, – tay công an nhấn mạnh – từ 10 năm cho đến xử bắn.
Chúng tôi đã xem xét kỹ lý lịch của anh: bản thân là công nhân, thành
phần gia đình bần nông. Thái độ của anh là thành khẩn nhận khuyết điểm.
Lần này là lần đầu, chúng tôi áp dụng chính sách khoan hồng của Đảng nên
tạm tha cho anh. Lần sau anh mà tái phạm, chính tôi sẽ bắn anh, anh
nghe rõ chưa?
– Dạ, dạ, em nghe rõ. Em xin cám ơn các anh.
– Thôi được rồi, anh về đi. Nhớ đấy nhé!
Anh thanh niên cám ơn rối rít, vừa nói cám ơn vừa đi giật lùi ra cửa.
Ra khỏi cửa, vừa đi được mười bước, anh ta ngoảnh lại lẩm bẩm chửi (tất nhiên là nói khẽ thôi):
– Đ. m. chúng mày lắm chứ! Đến đạn cũng đéo có lại còn doạ bố!
© 2010 Trần Ta-bít
© 2010 talawas
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét