Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 4 tháng 12, 2019

Phép Lạ chăng ?

Tôi đoán, chúng ta - nay tối thiểu cũng ở cỡ tuổi “7, 8 bó” - thuở còn thò lò mũi xanh, mặc quần thủng đít và miệng còn hôi mùi sữa... chắc hẳn lắm người cũng đã mơ được một lần thần cho “ba điều ước.” Trong đầu lúc nào cũng đã sẵn sàng, thần mà hiện ra, chưa kịp hỏi hết câu, ta đã “trả bài” làu làu.
Thời đại khoa học mà nhắc đến “phép lạ” thì sức mấy ai tin. Nói gì xa xôi, chỉ riêng một cái máy “computer” thôi, chuyên gia cũng đã thực hiện được nhiều thứ vượt khỏi khả năng tưởng tượng của... người thường. Tất cả đều như thật, nhiều khi còn hay hơn thật. Câu nói tếu “tuyệt vời trên cả mức tuyệt vời” vậy mà đúng nếu ta sử dụng vào việc bàn ra tán vào chuyện “phép lạ.”<!>
Thì ai cũng biết, “phép lạ” không phải “việc” của người thuộc thế trần nhưng của... “cõi trên,” ít nhất cũng phải từ cấp bậc tiên, bụt, thần, thánh trở lên. Nghe hay đọc truyện cổ tích chẳng hạn, khoái ở điểm những người ăn ngay ở lành, sống lương thiện, từ bi bác ái... thì dẫu có lâm cảnh “trần ai khoai củ” cỡ nào đi nữa, cuối cùng cũng được hưởng “phép lạ” để rồi sống hạnh phúc, giầu sang, đôi khi còn được sớm cất lên chốn cực lạc.

Tôi đoán, chúng ta - nay tối thiểu cũng ở cỡ tuổi “7, 8 bó” - thuở còn thò lò mũi xanh, mặc quần thủng đít và miệng còn hôi mùi sữa... chắc hẳn lắm người cũng đã mơ được một lần thần cho “ba điều ước.” Trong đầu lúc nào cũng đã sẵn sàng, thần mà hiện ra, chưa kịp hỏi hết câu, ta đã “trả bài” làu làu.

Giờ nghĩ lại, thấy “đúng là con nít,” bởi những mơ ước ấy toàn những thứ mà chẳng cần đến phép tiên, phép thần thánh, người trần mắt thịt cũng thừa sức làm được, chẳng hạn được ăn một bữa thỏa thuê kẹo bánh hoặc được đại thắng bố con thằng Tẹo hay lớn lên lấy được con Tí. Thế nhưng hiện tại, tôi dám cá “một ăn một triệu” là gần như đại đa số người lớn tuổi, già khú đế rồi mà đầu-óc-cổ-tích vẫn chưa chịu kết thúc, trái lại vẫn tiếp tục hoạt động mạnh là đàng khác.

Đấy, không thiếu gì người vẫn nói câu: “Giờ tôi chỉ cầu được một lần trúng độc đắc Loto thôi, chứ không dám mơ Mega hay Super Bowl.” Trong các cửa hàng Liquor, nơi có bán “số cạo” thường đông đảo “phe ta,” nghĩa là toàn cỡ tuổi “thường thường bậc trung” trở lên lẫn “giai cấp” lọm khọm. Chỗ này “cạo,” chỗ kia cũng “cạo.” Chăm chú lắm. Nghiêm túc lắm. Tất cả đều trông “phép lạ” xảy ra trên tấm vé số thuộc loại “mì ăn liền” ấy.
Nói... cao hơn một chút nhé, trong lãnh vực tôn giáo. Nghe chùa nào “linh” là con cái đức Phật “thi đua” nhanh chân tìm đến để cúng bái hầu xin được một “phép lạ.” Trong khi “con chiên” thì không thể bỏ qua những nơi nghe... đồn là “Đức Mẹ hay nhận lời cầu nguyện,” bèn sốt sắng lên đường “hành hương” cũng để xin một “phép lạ.”

Dĩ nhiên kẻ “khô như ngói” như tôi bố bảo cũng chẳng dám bài bác hoặc phê phán hay tán gẫu... các việc làm do niềm tin thúc đẩy ấy; ngược lại, bản thân tôi rất tôn trọng là đàng khác, tuy nhiên khi nêu ra, ý tôi chỉ muốn nhấn mạnh ở điểm, con người dù hiện hữu vào thời đại nào hoặc trạng huống nào mà tâm trí vẫn nuôi hoài bão và mong ước cao xa đồng thời nhìn nhận sự giới hạn của bản thân mình... thì mặc nhiên vẫn gián tiếp trông đợi “phép lạ.”

Mà nếu chứng kiến tận mắt hay chỉ được nghe kể người này, kẻ kia được Ơn Trên ban cho... “phép lạ,” dường như không ai bảo ai mà ai cũng sực nhớ đến thực tế và hoàn cảnh của mình bèn ao ước cũng được may mắn như vậy. Trường hợp tôi mạn phép sắp kể dưới đây, thứ nhất cá nhân tôi cũng đã tự hỏi: “Phép lạ chăng?” - tiếp đến, tôi cũng đã thầm ước “chớ gì mình là... người ấy.”
Phẫu thuật não đem lại... phép lạ?
Dĩ nhiên nơi nào, bộ phận nào trên/trong cơ thể con người cũng có thể dùng dao kéo hay tia laser... để mổ. Ngày nay bác sĩ mổ bệnh nhân cứ như bà nội trợ mổ gà, mổ cá. Thế nhưng, theo chỗ tôi biết, sau những ca mổ các cơ quan khác dù “thành công vĩ đại” cũng không gây một “sự cố” nào có tính phép lạ đúng nghĩa, chỉ trừ đôi ba vụ giải phẫu não bộ.

Sử sách thế giới không rõ người Tây Phương biết mổ não từ bao giờ, nhưng cứ theo tiểu thuyết Tam Quốc Diễn Nghĩa của La Quán Trung thì Hoa Đà thời Đông Hán bên Tàu đã chữa bệnh cho Quan Vũ bằng cách mổ vai để nạo chất độc do mũi tên đâm vào trong lúc Quan Vũ vẫn bình thản đánh cờ tướng. Hoa Đà được cho là đã biết áp dụng kỹ thuật gây mê bằng một hỗn hợp rượu và thảo dược - gọi là “ma phí tán” - vào 1600 năm trước khi người phương Tây biết áp dụng kỹ thuật này trong phẫu thuật.

Cũng theo tiểu thuyết kể trên, Tào Tháo vốn bị chứng nhức đầu kinh niên, khi được Hoa Đà khuyên nên mổ sọ để cạo chất độc, đã nghi Hoa Đà âm mưu muốn giết mình nên đã tống Hoa Đà vào ngục rồi giết chết đi.
Như vậy cứ “vô tư” tạm tính từ Hoa Đà tới nay, theo báo cáo của các nhà tâm lý học thần kinh, đã (chỉ) có vỏn vẹn 60 vụ lạ lùng xảy ra sau ca mổ não. Theo đó các bệnh nhân này sau khi tỉnh lại, đã nói trôi chảy một ngoại ngữ mới mà trước khi lên giường giải phẫu đương sự chưa từng biết đến hay chỉ biết sơ sài mà thôi. Trường hợp mới nhất là một người đàn ông gốc Ý thứ thiệt mà một nhật báo Việt ngữ uy tín ở Cali đã đăng tin trên số ra ngày 8 tháng Sáu, 2016 vừa qua.
Mổ não xong, dân Ý mà nói tiếng Pháp như... gió!
Bản báo cáo không “bật mí” đầy đủ tên cúng cơm của nhân vật chính, chỉ viết tắt là JC để mặc sức ai muốn suy đoán sao thì tùy, chẳng hạn người khoái túc cầu Ý-tà-lồ thì cứ vô tư gọi đương sự là... “Juventus Club” cũng chẳng chết thằng Ý nào. Tuy nhiên ở đây, ta cứ JC mà xài cho “tiện và lợi.”
Vâng, JC năm nay vừa tròn 50 xuân xanh, là người thuộc dân tộc Ý nguyên chất - Ý đủ mọi phương diện, nào bố mẹ Ý chính hiệu, chuyên ăn Spaghetti, Pasta từ sau ngày chào đời được ít tháng, nói tiếng mẹ đẻ là Ý ngữ từ thuở bé tẻo teo, đi học trường Ý, lấy bằng văn chương Ý, lấy vợ Ý cũng đặc sệt chất Ý... Vậy mà cách nay bốn năm, chỉ vì bị “ùn tắc giao thông” ở mạch máu não mà JC đã phải nhập viện hầu được khai thông khẩn cấp... để rồi khi hết thuốc mê, tỉnh dậy JC chỉ biết nói duy nhất mỗi... tiếng Pháp mà thôi đồng thời lại nói lưu loát, trôi chảy, nói nhuần nhuyễn và nhanh như gió, đúng giọng, đúng âm sắc của dân xứ Phà-lãng-sà.
Không phải chỉ nói trong vài tuần lễ hay mấy tháng phù du mà tính tới năm nay - 2016 - cả thảy đã bốn năm trường và có thể sẽ tới khi nhắm mắt xuôi tay vì hiện chưa có một dấu hiệu nào khả dĩ cho phép đoán thời điểm kết cuộc. Thế có lạ không cơ chứ? Mà một khi đã... quá lạ thì đương nhiên là “phép lạ” rồi còn gì, chỉ còn thắc mắc “ai” đã làm “phép” ấy? Thần nào? Thánh nào hay tiên nữ nào?

Đã đành thuở còn “làm học trò không sách cầm tay, có tâm sự đi nói cùng cây cỏ,” tức vào tuổi mới lớn ở cuối cấp 2 (hay Trung Học Đệ Nhất Cấp), đầu cấp 3 (Trung Học Đệ Nhị Cấp), JC cũng học tiếng Pháp như thứ sinh ngữ 2, nhưng học chỉ vì qui chế học trình bắt buộc, chứ thật sự không để giỏi giang hoặc bởi mê ngoại ngữ. Bằng chứng là JC chưa bao giờ mang vốn tiếng Pháp ra thực hành, trái lại sau “gymnas” hay “high school,” chàng học được bao nhiêu chữ Pháp bèn... trả lại cho thầy bấy nhiêu. Đó là chưa kể JC chẳng hề gắn bó tí gì với văn hóa và nghệ thuật Pháp lại càng không mê nổi thứ thực phẩm Pháp mặc dù một lần trong quãng đời thanh niên, nhân một dịp nghỉ hè, JC đã lái xe cùng với bạn bè sang tận Paris, thủ đô ánh sáng của Pháp quốc.

Hơn nữa, oái oăm thay, trong khi đó JC lại hoàn toàn không (còn) biết gì, nhớ tí gì về tiếng mẹ đẻ, tức tiếng Ý của mình. Ra ngoài đường, JC không thể giao dịch với đồng hương, về nhà chàng cũng không thể còn nói chuyện bình thường được với vợ nữa, kể cả một câu quá ư đơn giản và hết sức thực dụng là “Ti amo” (Anh yêu em) chàng cũng không thể nói được hoặc nếu nghe, cũng chẳng hiểu ất giáp gì. Vậy lại hỏi, thế có quá lạ không cơ chứ? Nếu trả lời “có,” tức là mặc nhiên thừa nhận là “phép lạ” rồi. Thế nhưng ai đã “úm ba la” cho toàn bộ vốn liếng tiêng Ý cả nửa thế kỷ của chàng Ý JC này biến đi? Khách quan và thành thật nhìn nhận, chắc chắn người thường ở cõi đời ô trọc này không thể làm được.
Mất luôn cả bản chất và nhiều thứ khác cố hữu...
Tuy thế, thảm kịch kể trên chưa chấm dứt nơi chàng JC. Chẳng những về ngôn ngữ mà bản chất con người của JC cũng thay đổi một trăm phần trăm. JC đã trở thành một người Pháp chính cống, một “thằng Tây” đặc sệt, nhưng không phải thứ 'Phà-lãng-sa” bình dân ở “hạ tầng cơ sở” xã hội cũng chẳng ở giai cấp “thường thường bậc trung,” trái lại là một “bourgeois gentilhomme” của “thượng tầng kiến trúc” Pháp.
Như trên đã kể, JC nói tiếng Pháp với chất giọng thuộc loại siêu và với tốc độ tuyệt vời, nay chàng còn đọc các tạp chí văn học nghệ thuật Pháp, đọc sách triết, khoa học Pháp. Chàng có thể diễn giải thao thao bất tiệt về các kịch phẩm của Jean Racine, Molière, Corneille... thơ của Paul Verlaine, Charles Beaudelaire... truyện của Albert Camus, Victor Hugo, Jean Paul Sartre... Khiếp thế đấy!
Chưa hết, JC còn “dư sức qua cầu” mua sắm y phục loại “xịn” Pháp, các đồ dùng hàng “hiệu” của Pháp. Về vụ thưởng thức thức ăn Pháp, JC đã chứng tỏ “rành sáu câu.”
Thế nhưng ngược lại, JC chẳng còn biết gì về xã hội thực tế của Ý, kể cả các cửa tiệm ở gần nhà hoặc những nơi chàng đã từng đưa người yêu đi vi vút hoặc các quán hàng đã dẫn vợ đến hưởng thụ. Tệ hơn nữa, JC mất khả năng kiểm soát số lượng, chẳng còn ý thức giữa các con số đếm. Chẳng hạn rõ ràng JC nói đi mua hai chiếc mắc áo để rồi lúc sau vác về những 70 cái rồi vẫn cãi là “chẳng hai cái là gì.”
Hội chứng ngoại ngữ?
Trường hợp JC sau khi được phổ biến, đã tạo nên sự chú ý lớn lao cho dư luận trong nước Ý và trên thế giới. Tổng quát thì thiên hạ nghe xong, cũng “đánh giá” là “chuyện lạ bốn phương” nhưng rồi cũng quên. Trong khi đó, giới chuyên môn thì tò mò. Chẳng thế mà nhóm khoa học gia do giáo sư chuyên khoa tâm lý học thần kinh Nicoletta Beschin dẫn đầu, đã vội vã từ University of Edinburgh, Vương Quốc Anh, bay sang tận Ý để gặp JC.
Sau một thời gian nghiên cứu trường hợp đặc biệt này, giáo sư Beschin đã viết trong bản báo cáo đây là thứ “hội chứng ngoại ngữ cưỡng bức.”
Tổng quát thì “hội chứng,” tiếng Anh là “syndrome,” xuất phát từ một từ Hy Lạp, có nghĩa tổng quát là các dấu hiệu bệnh và triệu chứng có mối tương quan với nhau và thường với một bệnh cụ thể.
Theo thiển ý, đó phải chăng “dấu hiệu bệnh” nơi JC là chứng “dị dạng mạch máu não” của chàng; còn “triệu chứng” cũng phải chăng là cú sốc trong phần não phụ trách ngôn ngữ? “Cú sốc” nói đây chính là ca phẫu thuật cách nay bốn năm đã gây tổn thương mạch máu của bệnh nhân. Nhưng tại sao “cưỡng bức”? Trong trường hợp JC, tiếng Pháp là thứ ngôn ngữ mà chàng đã chỉ học “qua loa rờ măng” rồi bị lãng quên trong khi trong thâm tâm sâu kín, JC vẫn cảm nhận nhu cầu sử dụng ngoại ngữ này để giao tiếp. Ca giải phẫu đã bất ngờ kích hoạt ngôn ngữ vốn đã bị chôn vùi ấy.
Tuy nhiên kết quả cuộc nghiên cứu của nhóm khoa học gia Anh không giải thích gì về những hiện tượng cũng quan trọng không kém khác nữa nơi JC, chẳng hạn mất luôn vốn liếng tiếng mẹ đẻ, mất bản chất cố hữu để trở thành một “con người mới” khác?
Tôi cũng mong được phép lạ kiểu này!
Theo các nhà khoa học, hiện nay trên thế giới chỉ có khoảng 60 bệnh nhân mắc “hội chứng ngoại ngữ cưỡng bức” do chấn thương đầu.
Không biết quí độc giả nghĩ sao, riêng bản thân người viết cũng cảm thấy trường hợp JC quá ư hấp dẫn đồng thời mong mình cũng “trúng số” như vậy, biết đâu lại chẳng trở thành một chuyên gia ngoại ngữ, nghĩa là mắc “hội chứng ngoại ngữ cưỡng bức,” tuy nhiên với điều kiện tôi phải được chọn thứ ngoại ngữ nào mình thích và thông dụng chứ chẳng may mà “nói như gió” một thổ ngữ của một bộ lạc ở Phi Châu hiện vẫn ngày đêm “trần như nhộng” thì quả thật... chán mớ đời.
Đó là chưa dám nói bản thân mình cũng biến đổi để trở thành y chang họ. Còn vụ “chấn thương đầu,” động lực và nguyên nhân đưa đến “hội chứng ngoại ngữ cưỡng bức” cũng vô cùng quan trọng; nhè nhẹ thì còn tạm chấp nhận nhưng nếu mạnh quá hoặc không đúng “phần não phụ trách ngôn ngữ” mà trúng phần nào khác thì nếu không chết cũng thành... khùng, lại còn bị mất tiêu tiếng mẹ đẻ là Việt ngữ - ấy “phép lạ” chẳng thấy đâu, chỉ “chưa thấy quan tài đã... đổ lệ”! (hm)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét