Chữ quốc ngữ, bộ chữ Việt với mẫu tự La tinh, theo
đánh giá của các nhà khoa học, “đã đưa người Việt Nam đi trước hơn ba thế kỷ”
so với các nước lân cận có ảnh hưởng văn hoá và dùng mẫu tự tượng hình Trung
Hoa. Quan trọng hơn cả, chữ Quốc ngữ đã giúp Việt Nam thoát dần văn hoá Trung
Hoa.Hơn 300 năm qua, đã có nhiều việc làm ghi ơn người
có công sáng tạo chữ Quốc ngữ cho dân tộc Việt, linh mục Alexandre de Rhodes,
con đường mang tên ngài ở Sài Gòn, bia vinh danh ngài bên Hồ Gươm Hà Nội (đã bị
thất lạc), nhiều sách vỡ ghi nhận công lao của ngài và các thừa sai Tây phương
vẫn còn lưu truyền đến nay.Gần đây, người Việt trong nước đặt vấn đề củng cố
và làm trong sáng tiếng Việt, chữ Quốc ngữ, gợi lên tình cảm biết ơn người đã
ban tặng bộ chữ Quốc ngữ. Nhiều người đã tìm đến viếng mộ linh mục Alexandre de
Rhodes ở Isfahan – Iran để tỏ lòng tri ân. <!>
Bia mới mang từ Non Nước – Việt Nam qua
GS Hưng tháo bao bì đóng gói bia
Tháo bao bì bọc bia mới trên mộ Cha Alexandre de
Rhodes
Mừng bia mới từ Non Nước – Đà Nẵng mang qua
Mừng bia mới
Định vị bia mới
Giáo
sư Nguyễn Đăng Hưng, một nhà khoa học 40 năm giảng dạy đại học Liège –
Bỉ, với ý thức và trách nhiệm một người dân Việt yêu nước, đồng thời là
Viện Trưởng Viện Vinh Danh Chữ Quốc Ngữ và Bảo tồn Tiếng Việt - Đại học
Duy Tân Đà Nẵng, đã làm một việc ghi dấu ấn tri ân. Tháng 5/2018 khi tìm
đến viếng mộ ở Isfahan, giáo sư có ý định đặt bia tri ân. Chức trách sở
tại các cấp quản lý mộ cổ rất nghiêm nhặt, giáo sư bằng uy tín cá nhân
đã được cấp giấy phép đặt bia bên mộ.
Nhân ngày giỗ thứ
358 của cha Alexandre de Rhodes, giáo sư Hưng đã tổ chức một cuộc hành
hương đến nghĩa trang Công giáo Armenia ở thành phố Isfahan – Iran để
làm lễ tưởng niệm và khánh thành bia. Đoàn 20 người Việt Nam bao gồm nhà
khoa học, nhà văn, nhà báo, nhà sử học, doanh nhân và nhiếp ảnh đi từ
Việt Nam. Buổi lễ có sự hiện diện của các nhà chức trách địa phương, ông
Mazahenri đại diện cộng đồng Hồi giáo, ông Gestabian đại diện cộng đồng
Cơ Đốc thành phố Isfahan, bà Gukasian Trưởng phòng quan hệ cộng đồng
nhà thờ Vank thành phố Isfahan và gia đình ông Hojat, người trợ giúp
giáo sư Hưng trong suốt quá trình làm việc.
Mộ Cha Alexandre de Rhodes với văn bia cổ khắc trên tảng đá nắp
mộ, hông trái là bia ghi ơn mới lập.
Tập hát bài Tình ca Tiếng nước tôi (Phạm Duy)
bên mộ Cha
Phủ tấm lụa lên mộ Cha
Buổi lễ tưởng niệm và khánh thành bia tri ân đã diễn
ra long trọng, trang nghiêm. Không khí thành kính và cảm động bao trùm buổi lễ
khi giáo sư Nguyễn Đăng Hưng đọc khai mạc với những lời lẽ mạnh mẽ và dâng trào
cảm xúc. Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu phát biểu nhìn nhận công lao của người sáng lập
chữ Quốc ngữ. Nhà văn Hoàng Minh Tường cũng nói lên tình cảm tri ân nồng ấm.
Các khách mời từng người đáp lời đón chào hoan hỷ, ủng hộ việc làm của đoàn Việt
Nam.
Sau khi tấm lụa in hình trống đồng được các thành
viên nữ trân trọng dở ra khỏi mộ và bia, tiếng hợp ca của cả đoàn vang lên: Tôi
yêu tiếng nước tôi…., giáo sư Hưng dâng hương trầm, hoa, bản in lại sách Phép
Giảng Tám Ngày” và lần lượt từng người đặt một cành hoa hồng lên mộ. Cuối cùng
các thành viên Công giáo trong đoàn cùng đọc kinh viếng mộ.
Sau buổi lễ chính thức hơn một giờ đồng hồ, từng người
đều muốn ghi lại hình ảnh kỷ niệm để lưu lại cảm xúc của mình.
Mọi người hát bài Tình ca Tiếng nước tôi và lần
lượt dâng hoa lên mộ cha
GS Nguyễn Đăng Hưng thành tâm tưởng niệm
Một nhà tổ chức tour kính cẩn khấn trước mộ Cha
Các thành viên Công giáo đọc kinh cầu nguyện
Đoàn nam chụp hình kỷ niệm sau lễ (GS Nguyễn
Đăng Hưng – áo dài trắng)
Đoàn nữ chụp hình kỷ niệm sau lễ
Ký tên lưu niệm sau lễ
Nhân dịp, nghĩ cũng nên có đôi dòng sơ lược về hoàn
cảnh ra đời chữ Quốc ngữ và cha Alexandre de Rhodes:
Từ năm 1615, thời Chúa Sãi, các thừa sai dòng Tên đến
Đàng Trong để truyền đạo Kitô, những người đầu tiên được ghi nhận có linh mục
Buzomi, linh mục Pina, linh mục Borri và tu huynh Diza thuộc dòng Tên Bồ Đào
Nha. Các ngài học tiếng Việt và ký âm bằng mẫu tự La Tinh. Các ngài đã dịch
sách giáo lý sang tiếng Việt bằng chữ Nôm với phiên âm bằng mẫu tự La Tinh. Năm
1624 linh mục Alexandre de Rhodes đến Đàng Trong, học tiếng Việt với các nhà thừa
sai nói trên và thầy giảng Andre Phú Yên.
Linh mục Alexandre de Rhodes từ công trình của các
thừa sai đi trước, đã cho ra đời cuốn tự điển Việt – Bồ - La và sách Phép Giảng
Tám Ngày song ngữ La Tinh và chữ Việt mới – chữ Quốc ngữ. Hai quyển này ngài
hoàn thành và in ở Roma năm 1651, sau khi bị trục xuất khỏi Việt Nam năm 1645
do lệnh cấm đạo của chúa Nguyễn. Hai quyển sách này chắc chắn phải theo chân
các thừa sai đến Việt Nam truyền đạo sau này. Chữ Quốc ngữ từ đó được phổ biến
tại Việt Nam ta.
Dù rất muốn trở lại Việt Nam, nhưng vì án tử cho
ngài còn treo ở Đàng Trong, Vatican không cho ngài trở lại. Năm 1654 ngài được
đưa sang truyền đạo ở Iran (Ba Tư), năm 1660 ngài mất và được an táng ở nghĩa
trang Công giáo Armenia, Isfahan Iran.
Của lễ dâng lên mộ Cha gồm hương trầm Quảng Nam,
sách Phép Giảng tám ngày và hoa hồng 3 màu vàng xanh đỏ.
Bìa quyển sách Phép Giảng tám ngày (hình bản
gốc)
Lời tri ân của GS Hưng ghi trên trang trong sách Phép Giảng Tám
ngày (bản in lại) và chữ ký của mọi người trong đoàn
Mộ Cha Alexandre de Rhodes với các bia khánh
thành sau lễ
Ông Mazahenri
Ông Gestabian
Bà Gukasian
Ông Hojat
Kết thúc lễ, đoàn và khách mời cùng chụp hình kỷ
niệm
Phụ lục:
BÀI PHÁT BIỂU CỦA GS
NGUYỄN ĐĂNG HƯNG
Thưa các bạn,
Vẫn biết lúc ban đầu
các giáo sỹ cơ đốc chỉ muốn tạo dựng một phương tiện hữu hiệu để truyền đạo, nhưng
tính cách nghiêm túc và khoa học của công trình của họ đã cho ra đời một sản phẩm
văn hóa tuyệt vời giúp cho người Việt có cơ hội nhanh chóng hòa nhập với thế giới
văn minh, giúp các trẻ em Việt Nam có thể nhanh chóng biết đọc và biết viết,
thoát ra những rối rắm của cách viết tượng hình vay mượn từ Trung Hoa.
Các chí sỹ yêu nước của
các phong trào canh tân đất nước như Duy Tân, Đông Kinh Nghĩa Thục… đã sớm ý thức
được lợi thế này và đã chọn chữ quốc ngữ làm phương tiện truyền bá những tư tưởng
dân chủ tiến bộ, mưu cầu giải phóng dân tộc khỏi ách nô lệ của thực dân Pháp.
Sự ra đời và phổ biến của
chữ quốc có công sức của nhiều người: Các giáo sỹ Bồ Đào Nha, Pháp, Ý, các cộng
tác viên người Việt, các học giả người Việt: Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của,
Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Phan Kế Bính, Nguyễn Đỗ Mục…, các chí sỹ của phong
trào Duy Tân và Đông Kinh Nghĩa Thục: Phan Châu Trinh, Phan Bội Châu, Trần Quý
Cáp, Trần Cao Vân, Lương văn Can, Nguyễn Quyền, Ngô Đức Kế, Huỳnh Thúc Kháng…
các thành viên chủ chốt của Hội Truyền Bá Chữ Quốc Ngữ: Nguyễn Văn Tố, Hoàng
Xuân Hãn, Bùi Kỷ, Vũ Đình Hòe, Nguyễn Hữu Đang.... Họ đã là những nhân tố tích
cực cho việc mở mang dân trí, phổ biến các tư tưởng tiến bộ cho toàn dân dẫn đến
độc lập dân tộc và thông nhất đất nước Việt Nam.
Nhưng công đầu có lẽ
thuộc về cha Alexandre de Rhodes.
Năm 1651 sau khi bổ
sung và hoàn thiện các công trình tiếng Việt khởi đầu từ các công trình của các
giáo sỹ Bồ Đào Nha (Francisco De Pina , Gaspar De Amaral, Antonio Barbosa) ngài
cho ra đời tại Roma, quyển tự điển Từ điển Việt–Bồ–La (Dictionarium Annamiticum
Lusitanum et Latinum), công bố khoa học đầu tiên về Tiếng Việt và cách viết
dùng ký tự La Tinh.
Đây là cả một nỗ lực,
khổ luyện cá nhân hiếm có. Cha Alexandre de Rhodes đã ghi lại:
"Khi tôi vừa đến
đàng trong VN và nghe người dân bản xứ nói, đặc biệt là phụ nữ, tôi có cảm tưởng
mình đang nghe chim hót líu lo, và tôi đâm ra ngã lòng, vì nghĩ rằng, có lẽ
không bao giờ mình học nói được một ngôn ngữ như thế. Thêm vào đó, tôi thấy hai
cha Emmanuel Fernandez và Buzomi, khi giảng, phải có người thông dịch lại. Chỉ
có cha Francois Pina là hiểu và nói được tiếng Việt, nên các bài giảng của cha
Pina thường đem lại nhiều lợi ích hơn là của hai cha Fernandez và Buzomi. Do đó
tôi tự ép buộc mình phải dồn mọi khả năng để học cho được tiếng Việt. Mỗi ngày
tôi chăm chỉ học tiếng Việt y như ngày xưa tôi học môn thần học ở Roma. Và nhờ ơn
Chúa giúp, chỉ trong vòng 4 tháng, tôi học biết đủ tiếng Việt để có thể giải tội
và sau 6 tháng, tôi có thể giảng được bằng tiếng Việt. .."
Cha Alexandre de Rhodes
đã góp phần to lớn, giúp cho dân tộc Việt Nam hòa nhập với thế giới văn minh trước
hơn 350 năm so với các nước khác tại Á Châu!
Đây cũng là thành quả
giao lưu văn hóa u-Á trong sáng và trường
tồn vào bậc nhất của nhân loại. Có công trình giao lưu văn hóa nào ngay thế kỷ
17 mà đã có hợp tác của đông đảo các quốc tịch: Bồ Đào Nha, Ý, Tây Ban Nha, Nhật,
Trung Hoa, Pháp và Việt Nam... đế sáng tạo, hình thành và đạt kết quả mỹ mãn như
Chữ Quốc Ngữ mà ta có ngày nay?
Hôm nay, chúng tôi, những
người dân từ Việt Nam xa xôi, là hướng dẫn viên du lịch, là chuyên gia nhiếp ảnh,
là nhà báo, nhà thơ, nhà văn, nhà sử học, giáo sư đại học, đến từ Nam, Trung, Bắc,
có người định cư ở nước ngoài hồi hương, chúng tôi vượt không gian trên 6000 km
tụ tập về đây, nhân ngày giỗ thứ 358 của ngài.
Chúng tôi kính cẩn đặt
bia tri ân, với tư cách là người Việt Nam, nói tiếng Việt và sử dụng mỗi ngày
Chữ Quốc Ngữ.
Chúng tôi ghi rõ lòng
biết ơn của chúng tôi lên bia đá:
“Tri ân Cha Alexandre
de Rhodes đã đóng góp to lớn trong việc tạo tác Chữ Quốc Ngữ - chữ Việt viết
theo ký tự Latinh” (We are very grateful to Father Alexandre de Rhodes who
contributed greatly to the creation of Chữ Quốc Ngữ, Vietnamese script using
the Latin alphabet).
Chúng tôi cũng mang
sang đây một tấm bia ngắn, cho khắc in chân dung ngài và hình ảnh cuốn từ điển
trứ danh của ngài.
Chúng tôi tin tưởng rằng
từ nay, tấm bia đá lấy từ Quảng Nam này, nơi ngài lần dầu đặt chân đến học tiếng
Việt, sẽ mãi mãi đứng dưới chân ngài, đem đến cho ngài hơi ấm của lòng biết ơn
sâu sắc của người Việt chúng tôi!
Thật vậy, Chữ Quốc Ngữ
đã quyện cùng tiếng Việt, thấm vào hồn người Việt và trong giai đoạn khó khăn đầy
bất trắc hôm nay của đất nước, chúng tôi tin tưởng không gì có thể lay chuyển được
được là
Vinh danh Chữ Quốc Ngữ
chính là bảo tồn tiếng Việt, chính là bảo vệ đất nước Việt Nam!
Xin cám ơn quý vị…
Sepas gozaram
GS Nguyễn Đăng Hưng
Viện Trưởng Viện Vinh
Danh Chữ Quốc Ngữ và Bảo tồn Tiếng Việt
Đại học Duy Tân Đà Nẵng
BÀI PHÁT BIỂU CỦA NHÀ
VĂN HOÀNG MINH TƯỜNG
Thưa Cha.
Ở Việt Nam có một đường
phố mang tên Ngài, đường Alexandre de Rhodes, ở trung tâm Sài Gòn, tức thành phố
Hồ Chí Minh ngày nay. Trước đó cả thế kỷ, ở trung tâm Hà Nội, thủ đô của nước
Việt, có một tấm bia vinh danh Ngài bên Hồ Gươm, tiếc rằng, do giặc giã, đã bị
thất lạc.
Điều đó nói rằng, hơn
ba trăm năm qua, người Việt Nam không quên Ngài, vẫn luôn nhớ Ngài như thuở
Ngài sống và cùng các giáo sỹ Emmaanuel Fernades, Buzomi, Francois de Pina…cùng
các con chiên người Việt góp phần sáng tạo nên chữ Quốc ngữ.
Và sự hiện diện của
chúng tôi hôm nay, một nhóm người Việt nặng lòng với tiếng Việt, chữ Việt, tại
nơi yên nghỉ của Ngài, đúng ngày giỗ lần thứ 358 của Ngài ( 5/11/1660 –
5/11/2018) nói rằng Ngài vẫn luôn sống trong tâm tưởng mọi thế hệ người Việt.
Có muộn quá không, đã
372 năm kể từ ngày Ngài xa nước Việt, nơi mà Ngài đã gắn bó suốt 20 năm, từ
1625 đến 1645, đã luồn rừng lội suối, cùng ăn cùng ở với người dân, nói thứ
ngôn ngữ thuần Việt với con chiên, với Chúa, để rồi kết tinh nên bộ sách khai
sáng Dictionarium Annamitium Lusitanum ed Latinum ( Từ điển Việt Nam - Bồ Đào
Nha - La Tinh, gọi tắt là từ điển Việt - Bồ - La) , in tại Roma, 1651.
Không quên, cũng có thể
hiểu là không muộn, và có thể được thể tất, được xá lỗi, thưa Ngài.
Là một người gắn với
nghiệp cầm bút, chúng tôi luôn coi Ngài và các cha Francois de Pina, Buzomi,
Emmanuel Fernandes như những người Thầy khai sáng. Tôi nghĩ, rồi đến một lúc,
các thế hệ hậu sinh nước Việt sẽ rước Ngài vào Văn Miếu – Quốc Tử Giám ở Hà Nội,
Thánh đường của đạo học Việt Nam để phối thờ cùng các đại sư biểu Khổng Tử ,
Chu Văn An... Người Việt chúng tôi từng có câu tục ngữ : Uống nước nhớ nguồn,
chắc ngài đã biết từ ngày ở giáo đường Thanh Chiêm, xứ Quảng?
Nói vậy để thấy rằng, kể
từ khi bộ Từ điển Việt - Bồ - La ra đời, và đặc biệt từ tháng 12 năm 1918, khi
triều đình nhà Nguyễn chính thức quy định dạy chữ Quốc ngữ trong các trường học
cả nước, thì không chỉ giáo dục, báo chí, văn hóa, mà tất các các lĩnh vực khoa
học kỹ thuật, đời sống của nước Việt đã đột biến phát triển lên một bước mới.
Trong những thành tựu vượt trội, phải kể đến văn chương Quốc ngữ. Cùng với sự nở
rộ của báo chí, bắt đầu từ Gia Định báo ra đời năm 1865 ở Sài Gòn, cùng với
phong trào Truyền bá Quốc ngữ, phong trào Đông Kinh Nghĩa thục, một dòng văn
xuôi tự sự Quốc ngữ Nam Bộ đã gợi mở và đặt nền móng cho những trào lưu văn học
Tự lực Văn đoàn, Thơ Mới sau này. Và tiếp theo là dòng văn học Hiện thực và văn
học Hiện đại hôm nay… Nói không ngoa, một trăm năm qua là cuộc đại hợp thành của
nền văn học hiện đại Việt Nam, là cuộc vật vã khai mở vào ngôn ngữ tiếng Việt của
những phu chữ ( theo cách nói của nhà thơ Lê Đạt), để khởi sinh và phát triển một
dòng văn học chữ Việt, ào ạt tuôn chảy, nhanh chóng chiếm lĩnh những đỉnh cao
và sự toàn bích, đưa ngôn ngữ Việt, văn hóa Việt trở thành vi diệu , có khả
năng giao hòa, khuếch tán vào nhân loại…
Xưa nay kẻ sĩ thường
không thích nói về mình. Hẳn Ngài cũng như Đại thi hào Nguyễn Du, những người
làm ra sản phẩm tinh thần, thường luôn nghĩ mình mong manh, luôn mặc cảm sợ người
đời không hiểu mình, dễ lãng quên mình. “ Bất tri tam bách dư niên hậu/ Thiên hạ
hà nhân khấp Tố Như?" ( Không biết rằng ba trăm sau, Có ai là người khóc Tố
Như (ta) không?)
Thưa Cha Alexandre des
Rhodes, người Việt Nam chúng tôi không bao giờ quên những người tạo lập công đức
và kiến tạo văn hóa, những Hai Bà Trưng, Ngô Quyền , Trần Hưng Đạo, Nguyễn
Trãi, Nguyễn Du... Và cả Ngài nữa. Ngài đã trở thành một người Việt viết hoa.
Ngài đã tạo dựng Công đức, kiến lập Văn hóa với nước Việt.
Và hôm nay, tại đây,
chúng tôi xin kính cẩn thắp hương tưởng niệm Ngài, xin tri ân với bạn bè nơi
ngài an nghỉ, đã giành cho chúng tôi một chốn hành hương, như về với cội nguồn.
Hoàng Minh Tường
(Nhà văn)
BÀI PHÁT BIỂU CỦA TS
NGUYỄN THỊ HẬU
Chữ quốc ngữ là chữ viết
chung của cả nước. Trải qua gần một ngàn năm bị phương Bắc đô hộ nhưng người Việt
vẫn nói tiếng Việt. Từ khi giành được độc lập vào thế kỷ thứ X, các triều đại
phong kiến nước ta đã mượn chữ Hán (còn gọi là chữ Nho) để sử dụng trong hành
chánh, học thuật nhưng chữ Nho chưa bao giờ có vai trò là chữ quốc ngữ.
Từ thế kỷ XIII người Việt
dựa trên chữ Nho để ra chữ Nôm nên muốn học chữ Nôm thì phải biết chữ Hán. Vì vậy
cả chữ Hán và chữ Nôm đều không thể phổ biến trong dân chúng, do đó ít được sử
dụng.
Từ thế kỷ XVI, các giáo
sĩ phương Tây bắt đầu đến truyền giáo tại nước ta. Khi truyền đạo, các giáo sĩ
không phải chỉ nói, mà còn dùng kinh sách để giảng giải. Vì vậy, để truyền đạo
cho người Việt, các giáo sĩ phải học tiếng Việt và viết kinh sách bằng tiếng Việt.
Từ nhu cầu đó nhiều giáo sĩ đã ký âm thẳng tiếng Việt bằng mẫu tự la-tinh, rồi
dùng thứ chữ mới ký âm nầy để viết sách giáo lý bằng tiếng Việt. Sau đó tổ chức
biên soạn từ điển và in kinh thánh, giáo lý bằng loại chữ mới này.
Từ thế kỷ XVII trở đi,
nhờ dễ sử dụng bằng cách ghép chữ thành vần nên thứ chữ mới bằng mẫu tự Latin
phổ biến hơn. Chữ quốc ngữ phát triển được là nhờ dựa trên nền tảng tiếng Việt
là một ngôn ngữ giàu và đẹp, phong phú, linh hoạt và biểu cảm. Từ góc độ lịch sử
văn hóa, sáng tạo ra chữ quốc ngữ là công trình của nhiều giáo sĩ phương Tây đặc
biệt là vai trò của Ngài Alexandre de Rhodes. Bên cạnh đó không thể không nói đến
sự đóng góp của nhiều nhà văn hóa, trí thức người Việt, đặc biệt giai đoạn từ nửa
sau thế kỷ 19 đến giữa thế kỷ XX.
Từ đầu thế kỷ XX, cùng
với sự xuất hiện nhiều thành tố văn hóa mới: báo chí, các thể loại văn học nghệ
thuật, in ấn và xuất bản... chữ quốc ngữ càng có điều kiện phát triển rộng khắp,
đồng thời tác động trở lại làm cho “văn viết” và “văn nói” của tiếng Việt có sự
phân biệt. Từ sau 1945 có thể nói, bằng phong trào “bình dân học vụ” phần lớn
dân chúng trước đây “mù chữ” đã biết đọc biết viết. Ngôn ngữ, văn hóa nhiều
vùng miền đi vào chữ viết càng làm cho chữ quốc ngữ phong phú và tinh tế, nhiều
sắc thái và giàu đẹp hơn.
Chữ quốc ngữ là một
thành tựu văn hóa lớn, có ý nghĩa thúc đẩy văn hóa phát triển (văn chương, giáo
dục, khoa học kỹ thuật...). Vì vậy, từ buổi lễ trang trọng hôm nay tại đây,
chúng ta hy vọng rằng ngoài việc tôn vinh những ngươi có công lao sáng tạo và
hoàn thiện chữ quốc ngữ - tiêu biểu là Ngài Alexandre de Rhodes - chúng ta sẽ
đánh giá đúng vai trò của những nhà văn hóa Việt Nam, giá trị những địa điểm
ghi lại dấu ấn hình thành và phát triển chữ quốc ngữ tại nước ta vì đó là xứng
đáng trở thành di tích lịch sử - văn hóa của đất nước.
Trân trọng cám ơn giáo
sư Nguyễn Đăng Hưng, người khởi xướng và tổ chức hoạt động văn hóa rất có ý
nghĩa này. Chân thành cám ơn các vị khách quý đã tham dự buổi lễ. Xin cám ơn tất
cả anh chị em trong đoàn!
Chúc tất cả quý vị sức
khỏe và thành công!
Ts kc Nguyễn Thị Hậu
GS hưng
dâng lễ (bản in lại quyển sách Phép giảng tám ngày, tác phẩm của cha xuất bản
năm 1651 tại Roma
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét