Nhìn Ra Bốn Phương

Chủ Nhật, 22 tháng 12, 2019

“Ba Cụt” Lê Quang Vinh - Giải mã những giai thoại - Nông Huyền Sơn

http://static.cand.com.vn/Files/Image/2016/03/03/thumb_660_28_huynh1549.jpg
Nhiều bậc kỳ lão sinh sống ven bờ sông Hậu thuộc ba tỉnh An Giang, Đồng Tháp và Cần Thơ đến nay vẫn lưu giữ một phần ký ức ảm đạm về một nhân vật có hỗn danh là Ba Cụt - người tự xưng là Trung tướng, Tổng Tư lệnh quân đội ly khai ở miền Tây Nam Bộ thời điểm sau Cách mạng Tháng Tám 1945. Tàn ác và cuồng vỹ, Ba Cụt gây nhiều oan nghiệt với nhân dân suốt hơn 11 năm. Ác giả ác báo, cuối cùng Ba Cụt chết không toàn thây dưới thời Ngô Đình Diệm.
<!>
Hỗn danh Ba Cụt
Ba Cụt sinh năm 1923, tại Băng Tăng, Ô Môn, Cần Thơ (nay là phường Thới Long, quận Ô Môn, TP Cần Thơ). Tên khai sinh là Lê Quang Vinh.
Huỳnh Thạnh Mậu - Một trong 3 người được Yoyo chọn làm thủ lĩnh “nghĩa quân nội ứng” cho quân đội Nhật.
Những cụ già cao niên hiện đang sinh sống tại phường Thới Long đều khẳng định, gia đình Ba Cụt rất nghèo chứ không phải khá giả như một số tài liệu ghi chép lại. Vì nghèo, cha mẹ không cho con đi học mà gởi đi ở đợ cho điền chủ Vàng (Hội đồng Vàng) ở cù lao Cát (ngày nay là phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ). Khi ấy, Ba Cụt chỉ mới 12 tuổi. Cho đến lúc chết, Ba Cụt vẫn mù chữ.
Mùa khô, địa chủ Vàng cho Ba Cụt theo đám trẻ mục đồng cùng nghiệp ở đợ đi chăn trâu, 
mùa mưa đi chăn vịt.

Cha Ba Cụt là người mê truyện Tàu, thuộc làu bộ Thủy Hử. Khi trò chuyện với bất kỳ ai, ông đều đem điển tích trong Thủy Hử ra ví von. Mê nghĩa khí kiểu truyện Tàu nhưng ông lại thường dạy dỗ con trai bằng gậy gộc. Ba Cụt thuộc tạng người hiếu động, quậy phá nên ăn đòn roi của cha hàng ngày. Có lần, Ba Cụt ăn cắp vịt của Hội đồng Vàng. Ông Hội đồng Vàng cho người qua nhà cha Ba Cụt mắng và đòi kiện ra tòa. Người cha lôi cổ con trai ra đánh. Ba Cụt dùng dao thái chuối chặt đứt 1 ngón tay rồi bỏ nhà đi bụi.
Từ đó mới sinh ra hỗn danh Ba Cụt.
Sau này, khi trở thành đầu lĩnh đội quân ô hợp, Ba Cụt lại thường tự đề cao mình là “người yêu nước, muốn ly khai gia đình để kháng chiến chống Pháp”. Và “bởi vì cha không cho ông tham gia kháng chiến nên đã chặt ngón tay thề: “Nếu ngón tay nầy mọc lại, sẽ an phận về làm ruộng cho vui lòng cha!”

Sau khi từ cha, Ba Cụt đi thẳng đến nhà người cậu ruột là ông Huỳnh Kim Hoành ở Chắc Cà Đao (nay thuộc huyện Châu Thành, tỉnh An Giang). Lúc này Ba Cụt 16 tuổi.
“Ông giáo Hoành”, “võ sư Ba Kim”, Huỳnh Kim Hoành hay Huỳnh Kim Thành đều là bí danh của ông Huỳnh Văn Hoành. Ông cư ngụ ở Bằng Tăng, Ô Môn - quê ngoại của Ba Cụt.
Ông Hoành dạy chữ quốc ngữ tại một ngôi trường của chính phủ Thực dân ở Thốt Nốt. Không ai biết ông học võ từ khi nào. Bỗng dưng, ông bỏ dạy học về quê vợ ở Chắc Cà Đao tự xưng là võ sư Sáu Kim, mở lò chiêu sinh dạy võ.
Nhiều giai thoại kể rằng, võ sư Sáu Kim học võ bằng tâm linh. Chỉ cần 1 đêm bái sư trên núi Cấm là đã được hấp thụ hết mọi tinh hoa võ học.
Thật ra, ông Huỳnh Kim Hoành chưa từng là võ sư.
Năm 1939, ông Huỳnh Kim Hoành được Yoyo - Thủ lĩnh Hắc Long Đảng ở Việt Nam giao nhiệm vụ về Chắc Cà Đao tập họp thanh niên huấn luyện quân sự, chuẩn bị cho quân đội Nhật tiến chiếm Nam Việt Nam. Yoyo có tên Việt là Võ Du - một võ sư thượng đẳng Hiệp Khí Đạo.
Hắc Long Đảng và phong trào Cường Để

Trong hồ sơ tình báo từ năm 1931 đến năm 1932 của Kempeitei mang tiêu đề “Zai-Shi Chôsenjin oyobi zaihonpô Annanjin ni kansuru Nichi Futsu jôhô kôkan kankei ikken” (Được dịch là Hồ sơ trao đổi tin tình báo giữa Nhật và Pháp về người Triều Tiên ở Trung Hoa và người Việt Nam ở Nhật Bản) cho thấy Nhật đã nuôi dưỡng Cường Để như một lá bài chính trị cho cuộc xâm lược quân sự Đông Dương năm 1940.
http://static.cand.com.vn/Files/Image/2016/03/03/thumb_660_28_1bao1549.jpg
Một báo cáo mật về sự hiện diện Hắc Long Đảng tại miền Nam gửi Nguyễn Khánh.

Cơ quan Tình báo Kempeitei của Nhật thông qua đảng Hắc Long mượn nhân vật Kỳ ngoại hầu Cường Để đang tá túc chính trị tại Tokyo để tuyên truyền đề cao chủ nghĩa “Đông Á của người Á Đông”, “Việt Nam độc lập trong khối thịnh vượng Đại Đông Á” để kích động dân Việt từ năm 1930.
Trước khi Nhật đảo chính Pháp, tại miền Nam đã có sẵn rất nhiều lực lượng quân sự, chính trị sẵn sàng tiếp rước quân Nhật. Nhật chọn miền Nam Việt Nam làm nơi “dọn cỗ chính trị” vì vùng đất này trù phú có thể làm nơi trú đóng quân để tiến chiếm toàn cõi Đông Dương, sau đó tiếp tục xâm lược về phía Tây Đông Dương. Đầu năm 1946, trong bản phúc trình có tiêu đề “Notes sur le Phat Giao Hoa Hao” gởi Jean Cédile - Ủy viên Cộng hòa Pháp tại Nam Việt Nam, ông Savani (thời điểm 1946 mang hàm Thiếu tá - Trưởng phòng tình báo quân đội Pháp khu vực miền Tây Nam Bộ) đã viết: “Mục đích của Nhật lúc đó là lợi dụng tín đồ Hòa Hảo để chống lại thế lực Pháp.

Từ thành quả của Hắc Long, một số địa phương ở miền Nam manh nha thành lập đảng Nghĩa Sỹ - mật danh mới của Hắc Long Đảng tại Việt Nam. “Nghĩa sỹ Đảng” tại Cần Thơ do một thông ngôn tiếng Nhật tên là Huỳnh Khai, con trai một địa chủ, hội đồng họ Huỳnh ở quận Châu Thành (Cần Thơ) làm lãnh tụ. Huỳnh Khai là “học sinh Đông Du”. Huỳnh Khai đã được tình báo Nhật đào tạo từ khi còn là du học sinh”.
Năm 1937, một số nhân sỹ như Huỳnh Khai, Huỳnh Thạnh Mậu, Huỳnh Kim Hoành được một nhân vật có tên Yoyo đưa về Sài Gòn bí mật tham gia học một lớp chính trị núp dưới danh nghĩa khuyến nông. Yoyo chính là thủ lĩnh Hắc Long tại Việt Nam. Sau đó, nhóm người này được huấn luyện “rèn luyện thể lực” do Kimura và Mochizuki - Sỹ quan quân báo Nhật kèm cặp. Thật ra là học đội ngũ chiến đấu.
Sau khóa huấn luyện, Huỳnh Khai, Huỳnh Thạnh Mậu và Huỳnh Kim Hoành được Yoyo yêu cầu trở về miền Tây Nam Bộ chuẩn bị cướp chính quyền từ tay Pháp.
Bộ ba họ Huỳnh mở lò dạy võ để quy tựu nhân sự. Đến đầu năm 1940, họ đã tuyển được 500 “nghĩa sĩ Hắc Long Đảng” chuẩn bị làm nội ứng cho quân đội Nhật, trong đó có Ba Cụt. Sau đó 500 người này được đưa về Sài Gòn huấn luyện quân sự tại Trường vẽ Gia Định (Nay là Trường Đại học mỹ Thuật TP Hồ Chí Minh). Chỉ huy 500 học viên này là Cai Tri, từng là cai đội trong hàng ngũ lính Pháp.
Tuy mù chữ nhưng máu đánh đấm trong người Ba Cụt đã được dịp phát huy tác dụng. Ba Cụt trở nên nổi bật trong số tân binh “nghĩa sỹ Hắc Long Đảng”.
Sau khi hoàn tất khóa huấn luyện, Huỳnh Khai đưa một số “nghĩa sĩ” về Châu Thành (Cần Thơ) phân tán vào lực lượng lao động bình dân đồng thời chiêu nạp thêm nhân sự cho “Hắc Long Đảng”.

Vỏ bọc ban đầu
Lấy lý do phòng chống trộm, cướp cho xóm làng, Ba Cụt và những “học trò” của Huỳnh Kim Hoành được đưa về làng Hòa Hảo lập đội “Bảo An”. Đội “Bảo An” thuộc quyền chỉ huy trực tiếp của Nguyễn Giác Ngộ. Huỳnh Thạnh Mậu và Huỳnh Kim Hoành đảm nhiệm vai trò cố vấn chính trị.
http://static.cand.com.vn/Files/Image/2016/03/03/thumb_660_28_ba1549.jpg
Ba Cụt (trong ô tròn) thời kỳ cận vệ của Năm Lửa.
Nguyễn Giác Ngộ có tên khai sinh là Nguyễn Văn Ngượt, sinh năm 1897, ở Long Xuyên (An Giang). Xuất thân là một trung đội trưởng lính Partisan của quân Pháp nên đảm nhiệm vai trò chỉ huy chiến đấu đội “Bảo An”.
Sau khi ổn định lực lượng, Nguyễn Giác Ngộ kéo hết đội “Bảo An” về Thốt Nốt (Cần Thơ) chờ lệnh người Nhật.
Đầu năm 1940, Giáo chủ Phật giáo Hòa Hảo Huỳnh Phú Sổ tổ chức thuyết giảng đạo pháp tại sân vận động Thốt Nốt. Trần Văn Soái chỉ huy tổ “xung phong” có nhiệm vụ giữ gìn trật tự.

Trần Văn Soái có hỗn danh là Năm Lửa, sinh năm 1889 tại Mỹ Thuận, Cần Thơ (nay thuộc Vĩnh Long) xuất thân là dân anh chị ở bến phà Mỹ Thuận. Khi phong trào Hắc Long Đảng tràn về Cần Thơ, Năm Lửa lôi kéo dân anh chị gia nhập. Khi lập đội “Bảo An Hòa Hảo”, Năm Lửa được giao chỉ huy nhóm thuộc hạ gốc anh chị, gọi là tổ “xung phong”. Ba Cụt thuộc tổ này.
Trong một lần thuyết giảng tại Thốt Nốt (Ngày nay thuộc TP Cần Thơ) Giáo chủ Huỳnh Phú Sổ đã bảo Năm Lửa chọn Ba Cụt làm “cận vệ quân”
Từ đó, Năm Lửa rút Ba Cụt lên làm lính cận vệ cho mình. Ba Cụt gọi Năm Lửa bằng tía, xưng con. Vì vậy, có một số người lầm tưởng Ba Cụt là con nuôi của Năm Lửa.
Gọi là cận vệ cho oai chứ thật ra, Ba Cụt cũng chỉ là lính hầu, suốt ngày nấu nước, pha trà và chèo ghe cho Trần Văn Soái.
Thời điểm này, lính “Bảo An Hòa Hảo” chưa được trang bị súng, chỉ sử dụng giáo mác nhưng Ba Cụt đã có đến hai cây súng mousqueton kiểu Anh và một súng ngắn 7 ly. Ba Cụt mặc bộ bà ba đen, cột thắt lưng vải, lưng đeo chéo 2 cây mousqueton như hiệp khách đeo gươm. Khẩu súng ngắn cột dây bện bằng bẹ chuối khô treo lủng lẳng trước ngực.
Ngày 22-09-1940, Sư đoàn 5 thuộc quân đoàn 21 Nhật Hoàng đã tiến vào miền Bắc Việt Nam trước sự bất lực của quân Pháp. Trước uy thế của quân Nhật, lực lượng Bảo An của Nguyễn Giác Ngộ công khai hoạt động.

Một nhân chứng đã 97 tuổi, hiện cư ngụ ở Thốt Nốt, kể: “Hồi đó tôi đồng thời là lính của ông Năm Lửa nên biết rõ lai lịch 3 cây súng của Ba Cụt. Hồi đó, khoảng cuối năm 1942, đói quá, Ba Cụt lân la đến nhà ông Bảy Mía ở làng Nhơn Mỹ (Chợ Mới, An Giang) xin cơm. Khi đến nơi thì thấy 3 lính Tây đang  nằm ngủ ở đó. Ba Cụt xông vô đâm chết 3 lính Tây lấy được ba cây súng mousqueton đem về. Năm Lửa lúc ấy đã có 2 cây ruleu, thưởng cho Ba Cụt 1 cây. Đổi lại, ông Năm thu 1 cây mousqueton giao cho tôi. Trước đó, vũ khí của tôi là cây mác. Khi lực lượng Nghĩa sỹ Hòa Hảo bắt tay với Pháp, tôi bỏ ngũ về quê làm ruộng”.
Từ khi còn là lính cận vệ, Ba Cụt đã thể hiện tính hiếu sát. Gọi là bảo vệ trị an cho dân nhưng suốt ngày Ba Cụt chỉ biết đi từng nhà dân thu gom lúa gạo, gia súc. Ba Cụt giải thích, đó là “thu thuế” để nuôi quân. Gọi là “thu thuế” nhưng đội quân này xông thẳng vào nhà dân dùng vũ khí đe dọa chủ nhà rồi tự tiện hốt hết phân nửa số lúa gạo hoặc gia súc. Người nào chống đối, liền bị chặt đầu thả xác trôi sông. Lo sợ, người dân trong vùng phải chôn giấu lúa gạo dưới nền nhà.
Khi vào nhà nào không có bồ lúa, Ba Cụt trói chủ nhà vào cột rồi dùng cây đinh sắt 1 tấc đút vào lỗ tai. Cứ sau 1 câu: “Chôn giấu lúa ở đâu?”, Ba Cụt lại dùng bá súng gõ nhẹ vào đầu cây đinh một phát. Nếu chủ nhà chỉ nơi chôn giấu lúa thì được tha. Vô phúc cho những gia đình nghèo không có lúa, bị Ba Cụt gõ cây đinh dần sâu vào lỗ tai. Nạn nhân không chết ngay mà đau đớn vật vã, điên loạn đến mấy tháng sau mới chết.

Nông Huyền Sơn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét