David Stilwell, trợ lý Ngoại trưởng đặc trách Đông Á và Thái Bình Dương trong buổi gặp ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha (P), tại Seoul ngày 17/07/2019.Ahn Young-joon / POOL / AFP Trên đường đi Bangkok dự các hội nghị trong khuôn khổ Thượng Đỉnh ASEAN lần thứ 35, trợ lý ngoại trưởng Mỹ đặc trách Đông Á- Thái Bình Dương David Stilwell đã ghé Malaysia vào hôm qua, 31/10/2019. Phát biểu tại Viện Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế tại Kuala Lumpur, ông Stilwell một lần nữa đã đả kích các hành vi của Trung Quốc nhằm quân sự hóa Biển Đông và ức hiếp các láng giềng Đông Nam Á. Lấy Việt Nam làm ví dụ, trợ lý ngoại trưởng Mỹ kêu gọi khối ASEAN mạnh dạn cùng với nước này chống lại các hành động của Trung Quốc.<!>
Bài nói chuyện của ông David Stilwell dĩ nhiên không chỉ đề cập đến Biển Đông, mà cả chính sách Ấn Độ - Thái Bình Dương nói chung của Hoa Kỳ. Khi đề cập đến Biển Đông, trợ lý ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh đến các hành vi quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc như bồi đắp 7 đảo nhân tạo trong khu vực, biến nơi này thành tiền đồn có cảng biển, phi đạo dành cho máy bay quân sự, hệ thống tên lửa.
Đối với ông Stilwell, các láng giềng nhỏ hơn của Trung Quốc, trong đó có Việt Nam, Philippines và Malaysia đang thách thức các tuyên bố của Bắc Kinh đòi chủ quyền trên hầu hết Biển Đông, và trong tư cách là một tổ chức khu vực, ASEAN lẽ ra phải kháng cự lại mạnh mẽ hơn các động thái, quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc.
Ông tuyên bố nguyên văn như sau: “Đấy (tức là Biển Đông) là sân sau, là nhà của quý vị. Việt Nam đã làm tốt khi phản đối các hành vi của Trung Quốc. Tôi nghĩ rằng căn cứ vào vai trò trung tâm của mình… (khối ASEAN) nên cùng với Việt Nam chống lại những hành động gây bất ổn và tác hại đến an ninh khu vực.”.
Tuyên bố của trợ lý ngoại trưởng Mỹ được đưa ra trong bối cảnh hồ sơ Biển Đông sẽ chủ đề trọng tâm nhân Hội Nghị Thượng Đỉnh ASEAN sắp khai mạc tại Thái Lan. Tuy nhiên, khả năng khối những nước Đông Nam Á này sẽ lại không thống nhất được một lập trường mạnh mẽ đối với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông là cao, do sự chống đối từ các đồng minh của Trung Quốc trong ASEAN như Cam Bốt chẳng hạn.
COC phải tuân thủ UNCLOS
Về một chủ đề sẽ được đề cập tới ở Bangkok là Bộ Quy Tắc Ứng Xử trên Biển Đông đang được thương thuyết giữa Trung Quốc và ASEAN, ông Stilwell nhắc lại rằng văn kiện này phải tuân thủ Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển để bảo vệ các quyền lợi kinh tế của các nước nhỏ, đồng thời bảo đảm sao cho việc sử dụng các vùng biển diễn ra trong trật tự.
Trợ lý ngoại trưởng Mỹ đã nhấn mạnh trở lại lập trường của Hoa Kỳ về Biển Đông như sau: “Hoa Kỳ có một lập trưởng đơn giản về Biển Đông - quyền của tất cả các quốc gia phải được tôn trọng, bất kể kích thước lớn nhỏ, sức mạnh hay năng lực quân sự. Tôn trọng luật pháp quốc tế, các quyền tự do hàng hải, hàng không và các quyền sử dụng những vùng biển khác phù hợp với luật pháp quốc tế, cũng như quản lý và giải quyết tranh chấp một cách hòa bình theo luật pháp quốc tế, tất cả đều quan trọng đối với an ninh toàn cầu”.
Mêkông cạn nước : Biến đổi khí hậu hay là do xây đập thủy điện ?
Một đoạn sông Mêkông, tại Pak Chom, miền bắc Thái Lan, bị hẹp dần và trơ những bãi cát do thiếu nước.Lillian SUWANRUMPHA / AFP
Sông Mêkông, một trong những con sông lớn nhất, nguồn nuôi dưỡng quan trọng cho 60 triệu người dân châu Á đang bị thu hẹp dần. Tại nhiều nơi, mực nước sông đã xuống tới mức thấp nhất. Tình trạng đáng lo ngại này là hệ quả của nạn hạn hán và ồ ạt xây đập thủy điện.
Sau Amazone, sông Mêkông, nơi trú ngụ của hơn 1.300 loài cá, được cho là một trong những nơi có nguồn đa dạng sinh thái lớn nhất thế giới. Con sông này bình thường ngập tràn nước vào cuối mùa mưa. Nhưng năm nay, lòng sông trơ đáy, nhường chỗ cho những mỏm đá mầu đỏ nhạt và trên nhiều dải cát, vài loại cây cỏ bắt đầu mọc lún phún.
Theo ghi nhận của AFP, tình trạng này, vốn có thể gây ra những hậu quả tàn phá đối với quá trình sản sinh cá, đặc biệt đáng báo động từ miền bắc Thái Lan cho đến các vùng đồng bằng của Cam Bốt, kéo dài trên hàng trăm cây số con sông.
Hồ Tonlé Sap tại Cam Bốt, nối liền với sông Mêkông cũng bị ảnh hưởng. Ông Brian Eyler, giám đốc chương trình Đông Nam Á tại Stimson Center, một trung tâm cố vấn có trụ sở tại Washington ghi nhận sản lượng đánh bắt cá đã giảm đến 70%.
Mực nước sông Mêkông năm nay còn thấp hơn mức trong đợt hạn hán lịch sử năm 1992. Tại nhiều nơi, cuối mùa nước lên, mực nước dâng lên được một mét so với 6 mét cùng thời kỳ những năm trước đó.
Nguyên nhân là lượng mưa quá ít trong những tháng vừa qua, khí hậu khô hạn nghiêm trọng do hiện tượng El Nino gây ra đi kèm với hiện tượng biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, hiện tượng đập thủy điện « mọc lên như nấm » trên thượng nguồn sông Mêkông ở Trung Quốc và Lào cũng như trên những nhánh sông lớn là nguồn cội của tình trạng khô hạn nghiêm trọng hiện nay. Ví dụ mới nhất là đập thủy điện Xayaburi, miền bắc nước Lào. Công trình xây đập khổng lồ này trị giá 4,5 tỷ đô la do một doanh nghiệp Thái Lan thi công làm dấy lên nhiều tranh cãi từ nhiều năm qua. Bất chấp những lời chỉ trích, công trình đã được đưa vào sử dụng ngày thứ Ba 29/10/2019.
Theo AFP, chỉ tính riêng tại Lào có đến 44 con đập, do Trung Quốc và Thái Lan tài trợ đã đi vào hoạt động. 46 con đập khác chờ ngày thi công. Trong khi đó, hơn 100 con đập ở hạ nguồn Mêkông tại Trung Quốc, Lào, Thái Lan và tại Việt Nam. Và hàng chục con đập khác đang trong quá trình xây dựng.
Do vậy, chuyên gia nghi ngờ nguyên nhân gây ra hạn hán là do biến đổi khí hậu. Bởi vì, nếu như hạn hán đang hoành hành ngày càng dữ dội trong khu vực do biến đổi khí hậu, thì lẽ ra lượng điện sản xuất ra cũng phải càng ngày càng ít đi do thiếu nước.
Nga – Thổ bắt đầu tuần tra chung tại miền bắc Syria
Binh sĩ Nga và Thổ Nhĩ Kỳ cùng tuần tra chung ở đông bắc Syria, sát biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ ngày 01/11/2019.REUTERS/Kemal Aslan
Kể từ 9 giờ sáng ngày 01/11/2019, lần đầu tiên binh sĩ Nga và Thổ Nhĩ Kỳ cùng tuần tra tại khu vực đông bắc Syria. Các bên gia hạn cho lực lượng vũ trang của người Kurdistan tại Syria phải rút khỏi khu vực sát biên giới Thổ Nhĩ Kỳ trước 15 giờ trưa ngày 02/11/10/2019.
Đây là bước kế tiếp trong thỏa thuận mà tổng thống Vladimir Putin đã đạt được với đồng nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan vào tuần trước tại Sotchi. Thông tín viên đài RFI từ Ankara, Anne Andlauer cho biết thêm :
"Ngay từ Thứ Ba vừa qua, Nga thông báo lực lượng Kurdistan đã rút khỏi khu vực sâu 30 cây số sát biên giới giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như tại hai khu vực gần thành phố Manbij và Ras al-Aïn.
Ankara đánh giá việc rút lui này chưa đầy đủ và muốn tự kiểm chứng thông tin do phía Matxcơva loan báo. Thổ Nhĩ Kỳ đòi tuần tra chung với phía Nga. Binh sĩ hai nước cùng tuần tra tại khu vực mà Thổ Nhĩ Kỳ đã mở chiến dịch tấn công trên bộ ở phía bắc và đông bắc Syria, và sẽ tiến sâu thêm vào lãnh thổ Syria đến 10 cây số.
Ankara tuyên bố hài lòng về thỏa thuận đã đạt được với phía Matxcơva, nhưng tại Thổ Nhĩ Kỳ, không một ai nói rõ điều gì sẽ xảy ra trong trường hợp xảy ra va chạm giữa một chiến binh Kurdistan với lực lượng hỗn hợp Nga – Thổ.
Từ khi Thổ Nhĩ Kỳ mở chiến dịch tấn công miền bắc Syria, nước Nga đóng vai trò trung gian hòa giải, đối thoại với cả phía Ankara lẫn chính quyền Syria tại Damas. Lực lượng quân đội Syria đã quay trở lại khu vực này kể từ khi rút đi vào năm 2012.
Ankara cho biết, qua trung gian Matxcơva, đêm qua vừa trao lại cho Damas 18 quân nhân mà Thổ Nhĩ Kỳ cho là binh sĩ của quân đội Syria. Những người này bị bắt giữ tại khu vực phía nam Ras al-Aïn, thành phố do Ankara kiểm soát từ khi Thổ Nhĩ Kỳ mở chiến dịch quân sự".
Hồng Kông : Bắc Kinh cảnh báo không dung thứ người biểu tình
Cảnh sát bắt giữ một người biểu tình trong cuộc tuần hành lễ hội Halloween tại Hồng Kông ngày 31/10/2019.REUTERS/Shannon Stapleton
Giám đốc văn phòng liên lạc giữa Bắc Kinh với Hồng Kông và Ma Cao ngày 01/11/2019 cho biết Trung Quốc sẽ "không dung thứ cho bất kỳ một hành vi nào nhằm khiêu khích chính quyền Hồng Kông". Hồng Kông là một trong những chủ đề chính được thảo luận tại Hội Nghị Trung Ương 4, khóa 19 của đảng Cộng Sản Trung Quốc.
Phải chăng đây là dấu hiệu cho thấy Hoa Lục chuẩn bị ra tay dẹp phong trào đòi dân chủ Hồng Kông ? Theo hãng tin Pháp AFP, trả lời báo chí, ông Thẩm Xuân Diệu (Shen Chunyao), giám đốc văn phòng liên lạc giữa Hoa Lục với Hồng Kông và Ma Cao đã nhấn mạnh đến một số điều như sau : Bắc Kinh "không dung thứ cho bất kỳ một hành vi nào nhằm chia rẽ đất nước" hoặc "đe dọa an ninh quốc gia", không "dung thứ cho bất kỳ một lực lượng nước ngoài nào can thiệp vào công việc của Hồng Kông". Đồng thời chính quyền trung ương Trung Quốc sẽ "cải thiện thể thức chỉ định lãnh đạo Hồng Kông".
Giới phân tích nhắc lại phe dân chủ Hồng Kông đòi trưởng đặc khu hành chính này phải được bầu theo thể thức phổ thông đầu phiếu. Điều tuyệt nhiên không được lãnh đạo văn phòng liên lạc giữa Hoa Lục với hai lãnh thổ Hồng Kông và Ma Cao nêu lên. Không ai biết Bắc Kinh sẽ cải thiện thể thức lựa chọn lãnh đạo Hồng Kông theo hướng nào.
Halloween cũng bị trấn áp
Về tình hình tại chỗ, cuộc tuần hành tối qua của người dân Hồng Kông nhân lễ hội hóa trang Halloween đã bị cảnh sát thẳng tay đàn áp. Thông tín viên đài RFI Florence de Changy gởi về bài phóng sự :
"Lan Kwai Fong là một khu phố có nhiều quán bar và hộp đêm. Vào ngày cuối tuần khu vực này rất náo nhiệt, mọi người đến đây giải trí. Hàng quán đông người đến nỗi khách tràn ra cả vỉa hè ở những con đường chung quanh, trải dài đến tận gần khu Trung tâm. Nhưng tối qua, cảnh sát đã cắt ngang các chương trình hội hè ở đây.
Lok 28 tuổi đang chơi nhạc, anh không khỏi phẫn nộ khi bị cảnh sát xua đuổi. Lok nói với chúng tôi : Hôm nay là lễ Halloween đúng không ? Qua internet, rất nhiều người biểu tình đồng ý hẹn nhau tại đây, vào hàng quán uống với nhau một ly. Tiêu tiền giúp cho các quán bar, giúp hàng quán kiếm sống. Thế nhưng mà chị thấy đó, cảnh sát lại ngăn cản chúng tôi sinh hoạt. Ở Hồng Kông thì lúc nào cũng vậy, cảnh sát muốn làm gì thì làm.
Ở Lan Kwai Fong, đêm còn dài. Cảnh sát dùng hơi cay giải tán đám đông và bắt giữ một số người. Dù vậy người biểu tình đã hẹn nhau vào ngày Thứ Bảy này, để tiếp đấu tranh. Trong khi đó bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga, trưởng đặc khu hành chính Hồng Kông lặp đi lặp lại như một chiếc máy hát rè, rằng giải pháp duy nhất là phải chấm dứt bạo động. Để đạt được mục tiêu đó bà trông chờ vào lực lượng cảnh sát".
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét