Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 25 tháng 11, 2019

Nghe nhạc Anh Bằng, nhớ nhạc sĩ tài hoa trong ngày giỗ thứ tư - Văn Lan/Người Việt

“Sài Gòn Thứ Bảy” do Mai Ngọc Khánh trình bày trong đêm nhạc tưởng niệm cố nhạc sĩ Anh Bằng. (Hình: Văn Lan/Người Việt)
GARDEN GROVE, California (NV) – Đêm nhạc tưởng niệm cố nhạc sĩ Anh Bằng, cũng là ngày giỗ lần thứ tư của ông, không chỉ trong vòng thân hữu, mà còn thật đông người đến dự, những người yêu âm nhạc, mến mộ dòng nhạc Anh Bằng, từ trong nước qua đến hải ngoại. Trong buổi lễ tưởng niệm diễn ra vào tối Thứ Sáu, 15 Tháng Mười Một, tại đài Việt TV 24, Garden Grove, lần lượt những nhạc phẩm, những đứa con tinh thần của ông từng bước ra đời theo dòng thời gian được trình diễn. Người đến tưởng niệm nhạc sĩ Anh Bằng chìm đắm trong không khí rất riêng với dòng nhạc đầy tình tự quê hương, được trình bày qua giọng ca của các ca sĩ và anh chị em trong Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ, mà ít nhiều đều được sự dìu dắt của ông, nay cất lên tiếng hát như một lời tưởng nhớ đến người thầy nhạc sĩ tài hoa này.  
<!>Trên sân khấu, một bức họa chân dung nhạc sĩ Anh Bằng do họa sĩ Châu Thụy thực hiện bằng kỹ thuật bút họa, kết hợp giữa tranh và chữ viết để tạo nên hồn của tác phẩm, đây là một sự liên kết giữa họa sĩ và người nhạc sĩ đã cống hiến cả cuộc đời cho âm nhạc.

Nha-nhạc sĩ Cao Minh Hưng thả hồn theo nhạc phẩm “Nỗi Lòng Người Đi” trong đêm nhạc tưởng niệm cố nhạc sĩ Anh Bằng. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Với lối viết thư pháp thật tinh vi, họa sĩ Châu Thụy đã hoàn thành tác phẩm chân dung nhạc sĩ Anh Bằng với hơn 200 tựa bài hát của ông. Phía bên phải của tác phẩm là một phần bản đồ Việt Nam hình chữ S, mở đầu là con đường Việt Nam từ Ải Nam Quan, xuôi về miền Nam đến thủ đô Sài Gòn, tất cả là tựa đề của những nhạc phẩm do Anh Bằng sáng tác. Đặc biệt là ở đuôi mắt của nhạc sĩ là bản “Nước Mắt Cho Quê Hương,” còn trên đôi môi là nhạc phẩm “Anh Còn Nợ Em,” vì nhạc sĩ Anh Bằng còn nợ quê hương, nợ “em” Sài Gòn, nợ người nghe bằng nhạc phẩm “Nỗi Lòng Người Về!”
Mở đầu chương trình là nhạc phẩm “Đêm Nguyện Cầu” do Trần Ngọc trình diễn, một bản nhạc mà mỗi khi cất lên là mỗi lần thổ lộ tâm tình của người trai chiến đấu cho tự do, luôn cầu nguyện cho ngày thanh bình sớm trở về trên quê hương tươi thắm. Một nhạc cảnh đưa về thời thanh bình cũ trên quê hương đang chiến tranh, nhưng Sài Gòn vẫn là nơi người trai phong sương luôn nhớ về với một thời yêu đương khi đi vào chiến trường, dâng hiến tuổi thanh xuân cho đất nước. Nhạc phẩm “Sài Gòn Thứ Bảy” rộn ràng với những người chiến sĩ về phép thăm lại người yêu qua những áo màu lính chiến, qua tiếng hát Mai Ngọc Khánh đã nói lên tâm tình ấy, nhận được tràng pháo tay nồng nhiệt.
Hình ảnh và nụ cười của nhạc sĩ Anh Bằng vẫn luôn trong tâm hồn của mọi người. Ông có những bài hát rất lãng mạn, với tâm hồn mẫn cảm nhưng luôn lạc quan yêu đời, như “Anh Còn Yêu Em,” “Tình Là Sợi Tơ,” nhưng cũng có những bài sôi nổi hẳn so với tính cách hiền hòa điềm đạm của ông, và ca sĩ Holly Thy Hoa rất thành công khi trình bày nhạc phẩm “Đêm Vũ Trường.”

Phi Loan và Diệu Mai hát “Nếu Vắng Anh” trong tiếng sáo Ngọc Nôi phụ họa. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Nhạc phẩm “Nỗi Lòng Người Đi” nhạc sĩ Anh Bằng sáng tác lúc ông vừa 18 tuổi, sau đó phải bỏ lại miền đất Hà Thành, nơi có biết bao nhiêu kỷ niệm để di cư vào Nam năm 1954, qua sự trình bày của ca sĩ Cao Minh Hưng. Đây là nhạc phẩm gắn liền với Anh Bằng mà hơn sáu thập niên qua, mỗi khi nhắc đến, mọi người đều nhớ đến người nhạc sĩ tài hoa, cây cổ thụ trong làng âm nhạc Việt Nam, với một kho tàng hơn 600 nhạc phẩm để đời.
Bà Loan Anh đi cùng bạn đến dự buổi tưởng niệm cho hay: “Tôi mê bài ‘Nỗi Lòng Người Đi’ từ khi ra đời hơn nửa thế kỷ trước. Có lẽ bọn tôi là lớp người di cư vào Nam sớm nhất. Thời trước mỗi lần nghe bài này trên đài phát thanh Sài Gòn mà nhớ Hà Nội đến nao lòng, từng lời từng ý thấm thía làm sao! Cũng có quá nhiều bài hát thời ấy, người nghe rất thích hát theo, nhưng ít ai biết đó là nhạc của Anh Bằng, như hôm nay tôi nghe bài “Sài Gòn Thứ Bảy,’ và nhiều bài nữa mới biết là của Anh Bằng!”. 
Ngoài những nhạc phẩm đấu tranh, nhạc sĩ Anh Bằng có những bài thật dễ thương, nói lên được tâm lòng yêu thương nồng nàn, đầy tính nghệ thuật bay bổng với sự suy tưởng, như bài “Anh Còn Yêu Em” với những câu rất tình tứ: “Anh còn yêu em ngời trong giọt máu/ Anh còn yêu em bờ vai mười sáu/ Cánh môi thơm mềm nồng nàn hương ấm/ Anh còn yêu em.” Ca sĩ Hạnh Cư xuất sắc biểu tỏ hết tính chân thật của nhạc phẩm này, nhận được tràng pháo tay nồng nhiệt.

Toàn ban hợp ca Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ đồng ca nhạc phẩm “Việt Nam Ơi, Việt Nam Ơi” của Anh Bằng. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Toàn ban nhạc Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ cùng cất tiếng hát, thật hùng hồn bài “Việt Nam Ơi, Việt Nam Ơi,” một nhạc phẩm hợp soạn giữa nhạc sĩ Anh Bằng và Cao Minh Hưng, dồn hết tâm tư của người nhạc sĩ tài hoa chỉ vài tháng trước khi ông qua đời, đã khép lại chương trình đêm tưởng niệm.
Nhạc sĩ Anh Bằng với những sáng tác từ trái tim rung động khát khao, truyền rung cảm vào lòng người, vì thế qua bao thời gian, dù bao thăng trầm vẫn sống mãi và đi vào lòng người thật tự nhiên. Ông không chỉ là cây đại thụ trong nền âm nhạc Việt Nam với hơn 650 nhạc phẩm, mà còn luôn quan tâm, hướng dẫn và gần gủi sinh hoạt với Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ mà ông và nha-nhạc sĩ Cao Minh Hưng cùng sáng lập và vun bồi, cho đến ngày ông vĩnh viễn ra đi.
Buổi tuởng niệm cũng để mọi người yêu mến dòng nhạc Anh Bằng được nghe lại những bản nhạc bất hủ đã đi vào lòng người qua bao năm tháng. Ông là người nhạc sĩ của dân tộc Việt Nam, một chiến sĩ văn hóa đáng kính với tấm lòng luôn mong ước cho quê hương được tự do, dân chủ, nhân quyền. (Văn Lan)

Không có nhận xét nào: