Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 30 tháng 11, 2019

MỘT NGƯỜI MỸ TỬ TẾ - Marvin J. Wolf


Tôi đứng nhón chân đưa cao tấm bảng quảng cáo cần người lên cho người đàn ông mặt đỏ, vai rộng, to con ngồi sau quầy tiệm thực phẩm Mort’s Deli trong khu chợ Farmer’s Market. Ông ta đội cái mũ cao của người đầu bếp và mang cái tạp dề bên ngoài chiếc sơ mi thể thao và quần lụng thụng. Tôi chưa kịp mở miệng nói thì ông ta đã nhíu mày và lắc đầu. “Hiện có một công việc cho học sinh,” ông nói. “Thế nhưng tôi cần một gã to con và lực lưỡng kia.” Ở tuổi mười sáu, tôi trông hãy còn nhỏ và cao có 5 feet. “Năm rồi cháu đã có làm việc rửa chén bát ở một trại hè gần Chicago. Cháu không ngại nước nóng, chén bát dơ cũng như khuân vác nặng.”“Florine, ra đây một phút xem,” người đàn ông cao lớn cất tiếng gọi. 
<!>
Ở ngưỡng cửa nhà bếp bỗng xuất hiện một người nhỏ thó, da đen mốc và nhăn nheo vì tuổi tác. Những sợi râu trắng lởm chởm trên cằm. ‘Ðây là ông Joakin, bếp trưởng. Ông đã tám mươi tuổi. Ông cần một người đô con để giúp ông khuân những cái nồi nước sôi lớn.’.
“Cháu làm được công việc đó.”
“Quả là chúng ta cần một gã lớn con hơn. Cháu có thể kiếm một việc dễ dàng hơn mà cháu.” Người đàn ông to lớn nói bằng giọng tử tế.
Ðó là vào tháng 9 năm 1957, lúc gia đình tôi vừa mới dọn đến California. Cha tôi, một người thợ hàn, may mắn tìm được việc làm hai hay ba ngày một tuần. Số tiền dành dụm của chúng tôi đã cạn hết, và tôi con cả trong gia đình, trong số sáu anh chị em, tôi là người duy nhất có thể giúp cha mẹ. Tôi đã xin việc ở các tiệm chạp phô, nhưng vì không có lý lịch làm việc, nên các ông chủ ngần ngại và họ bảo tôi quá nhỏ.

Tôi nói với người đàn ông to con: “Thưa ông, xin cứ để tôi làm việc thử trong những ngày còn lại của tuần lễ này, và nếu ông không bằng lòng công việc của tôi thì xin đừng trả tiền.”.
Người đàn ông to con quan sát tôi, đoạn gật đầu: “Tôi là Mort Rubin. Tên cháu là gì?”.
Khu chợ Farmer’s Market tập hợp một số cửa hàng nhỏ và khoảng chừng ba mươi tiệm ăn. Tất cả đều dùng cùng những đồ sành và đồ bạc như nhau. Các bồi bàn, sau khi khách ăn xong, lo dọn dẹp và rửa trong nhà bếp. Ở tiệm Mort’s, dòng chén bát, ly tách và muỗng nĩa đều chảy về cái bồn của tôi. Tôi phải cạo rửa cả những nồi và soong chảo lớn. Buổi làm đầu tiên sau giờ học, gót chân và đùi tôi đau nhức do đứng nguyên một chỗ suốt bốn tiếng đồng hồ không nghỉ.
Cha tôi nói rồi tôi sẽ quen đi thôi, nhưng khi sắp tới giờ tiệm đóng cửa là tôi cảm thấy rã rời muốn hụt hơi. Tôi cần có đôi giày tốt hơn nếu tôi còn tiếp tục làm việc ở đây, nhưng tôi lại không có tiền và không biết ông Mort có trả công cho bốn ngày làm việc của tôi không. Gần tới cuối ngày thì ông gọi tôi lên. “Tờ quảng cáo ở trường nói sẽ trả cháu bao nhiêu một giờ?”, ông hỏi.
”Một đô một giờ,” Tôi thì thầm. “Lương tối thiểu.” Khi nói như vậy, tôi đã sẵn sàng nhận ít hơn.
“Như vậy chưa đủ so với sự cố gắng cần cù của cháu”. Ông Mort nói. “Ta sẽ trả cháu 1.25 đô khởi đầu.”.
Sau một vài tuần làm việc, tôi biết được nhiều điều về ông Mort. Ông ấy già hơn cha tôi vài tuổi. Con gái ông vào khoảng tuổi tôi. Năm 1937, Mort tham gia đội kỵ binh Cận Vệ vì ông yêu ngựa. Hồi Thế Chiến II, ông suýt chết trong trận chiến khốc liệt trên vùng núi Tân Guinée. Vừa hồi phục sau một vết thương đầu cực nặng, ông sung vào đội tùy tùng Tướng MacArthur, làm cảnh sát kỵ binh. Khi công việc ở tiệm bán thức ăn chậm lại, ông thường chia sẻ với mọi người chuyện đời lính. Tuy nhiên, công việc ở nhà bếp thì không thể chậm được, có nhiều thứ phải rửa hoặc quét dọn và cạo sạch.
Chúa Nhật tiệm đóng cửa, do đó mỗi tối Thứ Bảy, ông thường bảo tôi mang chỗ súp chưa bán hết về nhà dùng. Món súp gà tây quả thật là ngon và bổ dưỡng, là một bữa tiệc cho gia đình chúng tôi trong cơn khốn khó. Cha tôi thường lái xe đến chở tôi về vì chỗ súp quá nhiều tôi không chở bằng xe đạp được.
Một hôm vào Thứ Bảy khoảng ba tuần lễ sau khi tôi bắt đầu làm việc ở tiệm, cha tôi được người ta mướn đi sửa ống máng nên tôi lái xe đi làm.
Sau buổi làm, tôi lái xe về và đậu xe ở đường số 6, rồi bưng bình súp băng qua sân cỏ vào nhà. Khi tôi đi ngang cửa sổ phòng khách, tôi nhìn vào bên trong suýt nữa buông rơi cái bình khỏi tay.
Trong chiếc ghế của cha tôi, lúc này một gã hói đầu to lớn đang ngồi. Gã nguyền rủa cha tôi bằng những lời lẽ bẩn thỉu. Các em trai và em gái tôi ngồi trơ như tượng. Mặt cha đanh lại, còn mẹ thì khóc.
Tôi bò vào căn bếp tối tăm, đặt bình súp trên bàn ăn và lắng nghe câu chuyện. Gã hói đầu tỏ ý muốn lấy chiếc Chevy 1952 lại. Cha xin cho trả góp hàng tuần số tiền còn thiếu, nhưng gã hói đòi một lúc toàn bộ số tiền là 325 đô la hoặc lấy xe về.
Tôi đã ở Los Angeles khá lâu để hiểu rằng chiếc xe hơi cần thiết như thế nào. Tôi lách ra khỏi cửa, đẩy chiếc xe xuống phía dưới dốc, rồi nổ máy lái đi, lòng như lửa cháy. Kiếm đâu ra số tiền 325 đô bây giờ? Ai có thể cho một người như tôi vay một số tiền lớn như vậy?
Người duy nhất tôi có thể nghĩ đến là ông Mort. Tôi lái xe trở lại tiệm, gõ nhè nhẹ liên hồi vào cửa sau và chờ cho tới khi tấm màn che cửa sổ vén lên. Ông Mort, tay cầm súng, gầm lên, “Mày cần gì?” Thấy tôi, ông hạ đầu mũi súng xuống nhưng mắt vẫn chong nhìn vào bóng tối phía sau lưng tôi.
Tôi lúng túng kể lại câu chuyện của tôi, kể về gã hói đầu và những lời mắng nhiếc tục tằn của gã khi đòi lại chiếc xe. “Có thể nào ông cho cháu mượn số tiền 325 đô la không?” Nói xong tôi mới nhận thấy sự vô lý của mình.
Ðôi mắt của ông Mort nhìn xoáy vào mặt tôi, má ông đỏ lên và môi run run. Tôi nhận thấy ông vẫn còn lăm lăm khẩu súng, và bước lùi một bước. Nhưng rồi ông bỗng mỉm cười. “Tao không bắn mày đâu,” ông vừa nói vừa đặt khẩu súng xuống bàn. Ðoạn ông quỳ gối xuống, lật một tấm gạch đã cũ mòn ở thềm nhà lên. Ở đó có một cái hộp sắt và ông bắt đầu bấm số.
Ông cẩn thận đếm tiền tới hai lần, cho vào một cái phong bì cũ, bảo tôi: “Ðây, 325 đô la. Ðến kỳ nghỉ hè tới đây, cháu sẽ làm việc toàn thời gian. Lúc ấy, ta sẽ giữ lại nửa số lương của cháu để trừ vào số nợ cho tới khi nào hết.”.
“Cám ơn ông,” tôi run giọng nói. “Ông có muốn ba cháu tới ký giấy tờ gì không?”
Ông chầm chậm lắc đầu: “Không, cháu. Không cần đâu, ta tin ở cháu.”.
Tôi về nhà, đi vào bằng lối cửa sau. Lúc ấy, cha tôi vùng chạy vào bếp, gã đầu hói bám sát gót. “Nhanh lên con. Lái xe chạy đi ngay.” Cha tôi la lên. Tôi bình tĩnh đưa cái phong bì cho gã hói đầu và nói: “Ðếm đi, viết cho cha tôi một giấy nhận tiền, và ra khỏi đây ngay.” Tôi nói những lời đã nhẩm đi nhẩm lại suốt trên đường lái xe về.
Ðêm ấy, tôi là người hùng của gia đình. Nhưng ông Rubin mới là người hùng thật sự. Chẳng những ông đã cứu chúng tôi ra khỏi cơn khốn quẫn mà còn tăng lương cho tôi nữa. Khi vào hè thì lương tôi đã lên tới 2.50 đô một giờ, gấp đôi số lương lúc đầu. Tôi làm việc cho ông Mort cho đến khi tốt nghiệp năm 1959 và gia nhập quân đội. Chúng tôi vẫn còn giữ liên lạc với nhau qua nhiều chục năm, nhưng rồi cách đấy không lâu bỗng không nhận được tin tức nữa. Tôi không biết ông còn sống không.
Nhưng có điều này tôi muốn bạn biết rõ: Mort Rubin đã làm cho vùng Los Angeles này đẹp hơn, đáng sống hơn.
Marvin J. Wolf

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét