Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 1 tháng 11, 2019

Không Lấy Cũng Uổng - Truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Hoa

image.png
Trại tỵ nạn Trại Pendleton chỉ có một con đường chính chạy từ ngoài vào trong và gồm làm tám trại đánh số từ 1 đến 8.  Qua khỏi cổng là Trại 8, kế tiếp là Trại 5 nằm bên trái và Trại 6 và 4 bên phải.  Sau đó đến trung tâm Trại Pendleton là tòa nhà trệt có sân cờ đằng trước, bình thường dùng làm bộ chỉ huy trung tâm huấn luyện Thủy quân Lục chiến, và giờ là Trung tâm Thủ tục (Processing Center) là nơi làm giấy tờ cho người tỵ nạn.  Quanh đây xúm xít mười bảy, mười tám trailer (nhà rờ-moóc) dùng làm văn phòng của các cơ quan thiện nguyện và văn phòng di trú của vài quốc gia như Gia Nã Đại, Colombia, và Pháp.

Sân vận động nằm nửa đường từ bên ngoài, có bãi cỏ xanh và mấy hàng ghế tầng bằng gỗ, ban ngày là sân đá bóng và nơi sinh hoạt cho trẻ em, và buổi tối là nơi chiếu phim và thuyết trình về cuộc sống tại Hoa kỳ.  Trên khoảnh đất còn lại, ba chiếc lều nhà binh lớn được dựng lên để làm lớp học tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha.
Tiến vào sâu hơn sẽ gặp Trại 1, 2, và 3.  Trại 1 ở bên trái gồm các dãy ba-rắc, tức là chòi Quonset tiền chế có mái cong hình bán nguyệt chạm tới mặt đất.  Trại 2 bên kia đường có một khu dành riêng cho những người sẽ trở về Việt nam; hàng đêm họ tụ tập biểu tình đòi sớm được hồi hương.  Trại 3 của tôi ở trong cùng; căn lều chỉ định cho gia đình tôi nằm xa nhất trên đồi, sau đó là bụi rậm và núi đồi.
Đến Trại Pendleton đêm trước, ngủ bù chưa no mắt thì sáng hôm sau, ba người trên 21 tuổi trong gia đình là tôi, Quỳnh Châu, và thằng Sang đã phải đi làm thủ tục giấy tờ.  Xe buýt dừng lại, chúng tôi được lệnh ngồi tại chỗ, và một viên chức bước lên trịnh trọng giơ tay và đọc lên một số điều cam kết như không được ủng hộ Cộng sản để lật đổ chính phủ, phải cầm súng để bảo vệ Hoa kỳ khi luật pháp đòi hỏi, phải khai đúng sự thật, v.v.  Chúng tôi giơ tay tuyên thệ sẽ tuân theo rồi xuống xe đi vào trong căn phòng rộng và trống trải ngồi trên ghế dài đợi đến phiên mình.
image.pngCác viên chức phụ trách làm việc chậm rãi và từ tốn như thể dư thừa mọi thứ thì giờ trên thế gian, mặc cho kẻ tỵ nạn đợi lả người suốt ruột chửi thầm thằng Mỹ lè phè.  Dù đang phỏng vấn nửa chừng mà đến giờ nghỉ giải lao (hay “break,” một điều mới đối với tôi), họ thản nhiên đứng dậy, bỏ mặc chúng tôi ngồi chơ vơ, và tà tà đi lấy cà-phê vừa uống vừa đi lui đi tới chuyện trò với bạn đồng sự; mười lăm phút sau mới trở lại tiếp tục việc đang làm dở.  Thủ tục gồm ba chặng:  khai quan thuế, làm giấy tờ di trú, và nhận thẻ an sinh xã hội (social security, “SS”).
Khai quan thuế đối với gia đình tôi rất giản dị vì chúng tôi không có lấy một đồng xu (Mỹ) dính túi.  Nhờ trạm khai báo thanh thiên bạch nhật này, người ta biết rõ và truyền miệng với nhau số tiền và số vàng mấy ông tai to mặt lớn mang theo khi di tản.  Thí dụ, ông Phó Kiền – ông ở Trại 8, người nhiệt tình tham dự biểu tình chống tham nhũng trong những ngày cuối cùng của Việt nam Cộng hòa (“VNCH”), có bốn triệu đô-la tiền mặt.  Ngay sau khi hoàn tất thủ tục, ông được John Wayside, tài tử đóng vai người hùng trong phim cao bồi miền Tây nổi tiếng nhất của Hoa kỳ, bảo trợ ra sống ở nam California.
Đòi hỏi nhiều thì giờ nhất là vụ lăn tay, điền đơn xin nhập cư, và phỏng vấn với viên chức sở Di trú và Nhập tịch (hay INS).  Đây là chặng những cặp tình nhân dẫn nhau đi không có hôn thú trở thành vợ chồng, và một số bà hay cô độc thân sồn sồn tự hồi xuân cho phép mình trẻ lại năm, mười, hay mười lăm tuổi để nuôi hy vọng mai sau bắt được chồng nhí.  Luật pháp Hoa kỳ phạt nặng tội man khai trong lúc thề khai thật nên viên chức INS chỉ xem xét các câu hỏi để biết chắc đương sự trả lời đầy đủ và thích hợp, chứ không chất vấn có đúng sự thật hay không.  Những kẻ khai láo không biết điều này nên thường huênh hoang bọn Mỹ ngu lắm, mình khai gì nó cũng tin cái rụp.
Sau khi xét đơn, viên chức INS xé bỏ ngay trước mặt chúng tôi mẫu I-94 cấp ở đảo Guam.  Đó là Thẻ Ghi Đến - Đi dùng để theo dõi những chuyến đến và đi khỏi Hoa kỳ của người không phải là công dân hay ngoại kiều thường trú.  Đoạn ông ta đánh máy mẫu I-94 mới ghi tên họ, chi tiết cá nhân, và tư cách pháp nhân là ngoại kiều tạm dung.  Không khác gì mẫu cũ, chỉ đổi ngày nhập nội là ngày hôm nay.
Cuối cùng, chúng tôi qua bàn ông công chức già của Tổng nha An sinh Xã hội.  Ông lấy ra một xấp thẻ SS gồm cả trăm cái đã đánh số nhưng chưa có tên, rút thẻ cầu âu không theo thứ tự, và đánh máy tên người trong gia đình vào từng thẻ.  Tôi không biết thẻ SS dùng làm gì cho đến khi về lều, Quỳnh Châu giải thích số SS gồm chín con số được chỉ định cho mỗi công dân, ngoại kiều thường trú, và các ngoại kiều được phép làm việc khác.  Không có số SS thì không được làm việc; muốn kiếm tiền thì đi làm lậu, chịu bị ép trả tiền công rẻ, và lấy tiền mặt.  Số SS còn dùng như thẻ căn cước trong việc thuế má và nhiều mục đích khác.
Xong vụ giấy tờ là hết buổi sáng và quá giờ ăn trưa.  Tôi dớn dác kiếm xe buýt về trại mình thì nghe tiếng gọi, “Ba Hoa!  Ba Hoa!”  Tôi mừng rỡ quay lại thấy chú Hoàng em họ của mẹ, chú đi khập khiểng và được hai phụ nữ trẻ dìu hai bên.  Chú khoát tay,
            “Chừ tau phải lên xe buýt qua bên bệnh viện Hải quân khám bác sĩ chữa cái chân què bị Việt Cộng bắn.  Để bữa mô tau tới tìm cụ mi.”
Chú Hoàng lớn hơn tôi bảy tuổi, người cao lớn, và giọng nói dõng dạc.  Ngày tôi học đệ thất (lớp 6) trường Hàm Nghi Huế, chú học trung học đệ nhị cấp trường Bán Công, và truyền thuyết kể rằng chú là trùm băng du đảng làm mưa làm gió trong thành phố.  Sau khi rời Huế, tôi nghe nói ôông mụ (mẹ gọi bằng chú thím) đi cưới thím Hồng Đào cho chú.  Thím là con gái người bạn thân của ôông và làm cán sự điều dưỡng ở Bệnh viện Trung ương Huế.  Chú thi đậu Tú tài I, đi học thẩm sát viên ở Học viện Cảnh sát Quốc gia, và ra trường đổi về ty Cảnh sát Quảng Nam ở Đà Nẵng.  Thím và hai con là cô bé Hồng Tâm và cậu bé Hoàng Nghĩa từ Huế dọn vào với chú.  Tôi gặp chú lần cuối ở Tuy Hòa bảy năm trước, khi tôi về thăm nhà và vì một lý do nào đó chú ghé thăm mẹ.
* * *
Khoảng một tháng sau, chú Hoàng và cô bạn – chắc hẳn nay chính thức là vợ chú – đến lều tìm tôi.  Chú đã đi đứng khá bình thường.  Tôi nhận ra bà thím mới là Khánh Phương ở cùng xóm Mang Cá với tôi ngoài Huế.  Nàng lớn hơn tôi hai tuổi, tóc dài xõa ngang vai, và dáng người thon đẹp.  Ngày đó, nàng học Đồng Khánh và học ngang lớp với tôi, và thỉnh thoảng chúng tôi cho nhau mượn sách học.  Niềm vui tha hương ngộ cố tri (xứ lạ gặp người quen) khiến cô bạn cũ không giữ kẽ như thời mới lớn,
            “`Mười mấy năm rồi mà Ba Hoa không thay đổi chút  hết, ngó vẫn đẹp trai và láu cá như mọi lần.”
            “Cho cụ mi biết, tụi tau ở với nhau hoàn toàn hợp pháp.  Lâu nay tau độc thân vui tính, không còn ràng buộc về gia đình,” chú Hoàng thanh minh thanh nga.
            “Vậy sao?  Thím Hồng Đào chú để cho chó ăn à?” tôi không tin và nói lớn tiếng.
            “Đó là lý do tau vô Tuy Hòa gặp chị, tức là bà già cụ mi.  Chuyện tau dài dòng lắm,” chú thẩn thờ trả lời rồi chậm rãi thuật lại quãng đời đã qua.
Hồng Đào dọn nhà vào Đà Nẵng, và nhờ giỏi tiếng Pháp thím xin làm thông dịch viên kiêm phụ tá bác sĩ trên tàu bệnh viện Tây Đức Helgoland.  Tàu màu trắng mang dấu chữ thập đỏ thả neo trên sông Hàn có tám bác sĩ và 30 y tá người Đức và 130 giường là viện trợ nhân đạo của hội Hồng thập tự và chính phủ Tây Đức cho VNCH.  Thím làm việc cho Hans, một bác sĩ trẻ hơn thím hai tuổi quê ở Dresden thuộc tiểu bang Saxony nằm sát biên giới Ba Lan.  Hans mới tốt nghiệp trường y khoa và tình nguyện phục vụ để đóng góp vào việc hàn gắn vết thương chiến tranh.
Chú Hoàng làm sĩ quan cảnh sát có nhiệm vụ len lỏi và xâm nhập vào thế giới bán ba (bar), mại dâm, và ma túy, tức là kỹ nghệ phục vụ nhu cầu xác thịt nhắm vào lính Mỹ.  Chẳng bao lâu, chú chìm đắm vào cuộc sống trụy lạc trác táng của thời làm trùm du đãng và có khi cả tháng mới chường mặt về nhà.  Khi về chú thường kiếm cớ mắng chửi Hồng Đào và không ngó ngàng gì đến hai đứa con.  Thím hàng ngày làm việc với Hans dịu dàng và nhân ái, và những ngày nghỉ, Hans xin phép đến nhà thăm và dẫn bé Tâm và bé Nghĩa đi chơi.  Hans thân thiết và thương yêu hai bé như cha đối với con.
Một đêm chú Hoàng về nhà, Hồng Đào còn thức đợi chú về; thím đợi chú từ nhiều đêm rồi.  Bằng một giọng bình thản, thím báo là sẽ để (ly dị) chú để kết hôn với Hans và theo Hans về nước.  Thím không thể sống xa con nên yêu cầu chú chấp thuận cho Hans nhận bé Tâm và bé Nghĩa làm con nuôi đưa về Tây Đức sinh sống.  Nghe thím nói, chú nổi cơn thịnh nộ toan ăn tươi nuốt sống thím rồi đi tìm tình địch thanh toán, nhưng khi thấy hai đứa con thơ ôm chặt bảo bọc mẹ và nhất quyết chịu cùng số phận, chú nuốt hận bước ra khỏi nhà.
Chú buồn bã kể tiếp,
            “Trong lúc tâm can nung nấu bởi thất vọng, đau đớn, hận thù, và hối tiếc, tau chợt nhớ tới chị.  Trong họ chị là người chín chắn khôn ngoan nhất; mỗi lời chị nói ra, ai cũng nghe.  Tau cần lời khuyên dạy của chị trước khi ra tay gây án mạng.  Đó là lần gặp cụ mi ở Tuy Hòa.”
            “Mẹ nói sao với chú?”
            “Nghe tau khóc kể một buổi, chị trầm ngâm một hồi rồi nói, ‘Chuyện con Hồng Đào với chú, tình nghĩa hết rồi.  Không ở với nhau được thì thôi nhau, vấn vương làm chi, buông ra cho khỏi khổ cả đôi đàng.  Chừ nghĩ tới hai đứa nhỏ, chú có thương con không?’  Tau trả lời chị ơi đẻ con ra ai mà không thương, và chị nói tiếp, ‘Nếu thực sự thương con, chú cần trả lời thành thực với lòng mình:  Hai đứa nhỏ sẽ được nuôi dạy chu đáo và lớn lên thành người đàng hoàng hữu ích cho xã hội hơn nếu tụi hắn ở với chú, hay ở với con nớ?’”

Nãy giờ im lặng nghe chuyện, Quỳnh Châu không nén được lòng tò mò,
            “Rồi chú làm sao?”
            “Việc đầu tiên khi mình về Đà Nẵng là ký giấy tờ ly dị và chứng thư thỏa thuận cho Hans nhận bé Tâm và bé Nghĩa làm con nuôi rồi tự mình mang lên tàu Helgoland giao cho Hồng Đào và Hans.  Không ngờ mọi việc lại dễ dàng hết sức, ai nấy đều vui vẻ thoải mái – kể cả mình.  Chưa bao giờ mình thấy hai đứa nhỏ sung sướng như rứa.”
            “Thím Hồng Đào và hai em có thường liên lạc với chú không?”
            “Một tuần sau, Hans mãn nhiệm kỳ và ở lại một tháng lo giấy tờ cho Hồng Đào và hai đứa nhỏ xuất ngoại.  Về Tây Đức, hàng tuần tụi hắn được mẹ nhắc nhở viết thư và gửi hình ảnh cho mình.  Té ra ở bên nớ tụi hắn lại gần gũi và thương mình hơn ngày còn ở Đà Nẵng.  Ở trong trại đây, mình cũng đã nhận được thư của tụi hắn.  Nay mai hai đứa mình sẽ đi Tây Đức thăm con.”
Khánh Phương với sang nắm tay chú Hoàng và cười hãnh diện,
            “Ba Hoa thấy không, tìm được một tấm lòng độ lượng như rứakhông lấy cũng uổng!”
            “Cô hôm trước đi với chú thím là ai mà bữa nay không thấy?” Quỳnh Châu hỏi.
            “À, con Khánh Hương em gái mình.  Hắn tuổi Tý như Ba Hoa, hồi nớ thích Ba Hoa và muốn dính lắm mà anh chàng mê làm toán không chịu tán,” Khánh Phương chu mỏ ghẹo tôi.
            “Thím thấy không, tìm được một tâm hồn cù lần như dzầy, không lấy cũng uổng!” Quỳnh Châu bắt chước Khánh Phương nói đùa.
Tôi hiểu vì sao ngày trước nhóm du đãng Huế tôn chú Hoàng làm sếp sòng.  Vì giờ đây tôi đang phục chú:  Đàn ông Việt nam dễ có mấy ai vì tương lai của con mà dẹp bỏ tự ái cá nhân và trở nên khoan dung như chú?  Trong bảy năm qua, tôi đã bất công với chú.  Cho cháu xin lỗi.
Nguyễn Ngọc Hoa
                                                                       Ngày 21 tháng Tám, 2019

Không có nhận xét nào: