Iran là một quốc gia Hồi Giáo thuộc phái Shiite. Quốc gia nầy rộng lối 1,6 triệu km2, tức 4,8 lần lớn hơn nước Việt Nam. Iran có biên giới chung với Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq, Azerbeijan, Turkmenistan, Afghanistan, Pakistan. Xứ nầy có nhiều núi và cao nguyên, một phần biển Caspian, một biển chết phía bắc và Vịnh Ba Tư (Persian Gulf) ở phía tây nam. Iran có nhiều hồ nước mặn và sa mạc. Sa mạc Dash-e-Lut hay sa mạc Lut rộng 52.000 km2. Iran có nhiều khoáng sản như quặng sắt, đồng, chì, bauxite, uranium, than đá, v.v.. Iran đứng hàng thứ tư về trữ lượng dầu hỏa trên thế giới. Trữ lượng nầy chiếm 10% tổng số trữ lượng dầu hỏa trên thế giới. Dầu hỏa đóng vai trò quan trọng trong kinh tế Iran.<!>
Trước năm 1975 Iran là một quốc gia quân chủ thân Tây Phương. Năm 1979 vua Mohammad Reza Pahlavi bị cách mạng Hồi Giáo lật đổ phải chạy sang Hoa Kỳ. Iran trở thành Cộng Hòa Hồi Giáo thù nghịch với Hoa Kỳ và các nước Tây Phương khác. Iran bắt giữ 53 nhân viên sứ quán Hoa Kỳ ở Tehran. Iran có chế độ chánh trị hao hao giống các chế độ độc tài Cộng Sản trên thế giới. Theo đó người có quyền lực bao la trong nước là Lãnh Tụ Tối Cao như Tổng Bí Thơ đảng Cộng Sản vậy. Vị nầy chỉ huy Hành Pháp, Lập Pháp, Tư Pháp, quân đội, công an, cảnh sát, các cơ quan tình báo, Công Hòa Vệ Binh, v.v…. Tổng thống do dân bầu nhưng đặt dưới sự chỉ đạo của Lãnh Tụ Tối Cao.
Theo con đường lịch sử xưa, Iran muốn bành trướng ảnh hưởng ra bờ Địa Trung Hải, hướng về lục địa Âu Châu. Cộng Hòa Hồi Giáo Iran có ảnh hưởng:
-Ở miền Nam Iraq, nơi có nhiều tín đồ Hồi Giáo Shiite mặc dù người lãnh đạo lúc bấy giờ là Saddam Hussein thuộc phái Sunni và chống đối Iran gay gắt. Trong chiến tranh Iraq-Iran vào thập niên 1980 nhiều nhà lãnh đạo Iraq thuộc phái Shiite chạy sang Iran né tránh sự đàn áp của Saddam Hussein.
-Ở Syria dưới sự lãnh đạo của tướng Hafez al-Assad từ năm 1971 đến 2000. Syria có 75% tín đồ Hồi Giáo Sunni. Tổng thống Hafez al-Assad thuộc một nhánh nhỏ của Hồi Giáo Shiite.
-Ở phía nam Lebanon bằng sự thành lập Hezbollah do Iran tài trợ và giúp đỡ. Hezbollah từng gây nhức đầu cho Hoa Kỳ dưới thời tổng thống Reagan (Cộng Hòa). Hezbollah là nhóm Hồi Giáo Lebanon thuộc phái Shiite quá khích. Nhóm nầy ủng hộ Hamas của Palestine trong dải Gaza. Họ gây khó khăn không ít cho Do Thái ở Trung Đông.
-Ở Trung Đông có ba quốc gia Hồi Giáo rộng lớn cạnh tranh ảnh hưởng trong vùng: Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và Saudi Arabia. Trước năm 1979 cả ba nước Hồi Giáo nầy đều thân Hoa Kỳ.
-Thổ Nhĩ Kỳ là cựu đế quốc Ottoman. Trong quá khứ các nước ven Đông Nam Âu Châu, Hồi Giáo Trung Đông và Bắc Phi đều nằm trong đế quốc Ottoman. Sau đệ nhị thế chiến Thổ Nhĩ Kỳ rất thân Hoa Kỳ. Thổ Nhĩ Kỳ có truyền thống thù nghịch với Nga trong quá khứ lịch sử. Đó là quốc gia Hồi Giáo Sunni duy nhất không chống Do Thái. Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia Tây Á và Hồi Giáo duy nhất là thành viên của NATO. Trong những năm gần đây, dưới thời tổng thống Erdogan, Thổ Nhĩ Kỳ không còn thân thiện với Hoa Kỳ và Do Thái như trước. Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia thành viên NATO duy nhất mua võ khí của Nga.
-Saudi Arabia là nơi phát tích đạo Hồi. Đây là quốc gia giàu có nhờ có nhiều giếng dầu. Hàng năm các tín đồ Hồi Giáo trên thế giới đều đến Saudi Arabia để hành hương. Saudi Arabia được xem là thủ lãnh của các nước Á Rập Hồi Giáo phái Sunni, trong đó có Ai Cập. Đó là đồng minh thân thương nhất của Hoa Kỳ như Do Thái. Sau cuộc chiến Do Thái-Á Rập năm 1948 khi Do Thái tuyên bố lập quốc, Saudi Arabia không còn chống Do Thái quyết liệt nữa. Trái lại đôi khi nước nầy còn có một số điểm chung với Do Thái về vấn đề Iran.
Cộng Hòa Hồi Giáo Iran có ảnh hưởng lớn ở Iraq sau khi nhà độc tài Saddam Hussein bị Hoa Kỳ lật đổ. Sự rút quân của Hoa Kỳ khỏi Iraq năm 2011 càng giúp cho Iran gia tăng ảnh hưởng ở Iraq, nơi chánh quyền hiện tại do Hoa Kỳ hậu thuẫn thuộc Hồi Giáo Shiite. Iran và Hezbollah cực lực giúp cho tổng thống Bashar al-Assad trong cuộc nội chiến ở Syria. Trong những năm đầu nội chiến người ta thấy số phận của Bashar al-Assad sẽ giống Qaddafi của Libya hay Hosni Mubarak của Ai Cập. Syria trở thành chiến trường giành giựt ảnh hưởng giữa Iran (Shiite) và Saudi Arabia (Sunni). Năm 2015 Nga trực tiếp can thiệp vào nội chiến Syria để cứu nguy cho tổng thống Bashar al-Assad. Cả Nga lẫn Iran đều cùng một mẫu số chánh trị ở Syria.
Đối với Nga, nếu tổng thống Assad sụp đổ thì căn cứ hải quân Nga ở Tartus bị đe dọa.
Đối với Iran, nếu Assad bị lật đổ, người thay thế ông ấy sẽ thuộc phái Sunni thì Iran mất đường ra Địa Trung Hải. Ảnh hường của Saudi Arabia sẽ lớn mạnh ở đó.
Iran trở thành đồng minh chiến lược của Nga và TC.
Ở Yemen Phong Trào Houthis (do tên người lãnh đạo Phong Trào bị giết chết năm 2004) do Iran hỗ trợ càng lúc càng mạnh hơn. Năm 2015 thủ đô Sana bị quân nổi dậy Houthis chiếm. Chánh phủ thân Saudi Arabia bị lật đổ. Phong trào được Iran, Bắc Hàn và Hezbollah ủng hộ mạnh mẽ. Ủy Ban Cách Mạng đặt dưới sự lãnh đạo của Mohammad Ali-al-Houthi, một thành viên của gia đình Houthi, tiếp nhận quyền hành từ chánh quyền cũ thân Saudi Arabia. Cuộc chiến tranh Yemen vẫn còn tiếp diễn giữa Houthis và Saudi Arabia. Saudi Arabia, được sự hỗ trợ của Hoa Kỳ, vẫn chưa có dấu hiệu đè bẹp phe Houthis nổi dậy.
Do Thái lo ngại Iran dùng Syria để gây rối cho Do Thái trên đồi Golan mà Do Thái chiếm của Syria năm 1967. Năm 2015 Do Thái và Saudi Arabia đều phản đối thỏa ước nguyên tử do năm cường quốc P5 + 1 tức Hoa Kỳ, Nga, TC, Anh, Pháp (P5) + Đức ký. Theo đó Iran giới hạn việc tinh luyện uranium, đóng cửa các nhà máy ly tâm, cho các thanh tra kiểm tra bất cứ nơi nào nghi ngờ có thể sản xuất bom nguyên tử. Iran chịu nhượng bộ để các nước Tây Phương nới lỏng sự trừng phạt kinh tế làm Iran thiệt hại 160 tỷ Mỹ kim từ năm 2012 đến 2016.
Khi ông Donald Trump nhậm chức, ông rút khỏi thoả ước 2015 vào tháng 5 năm 2018. Hoa Kỳ bắt đầu siết chặt sự trừng phạt kinh tế Iran với hy vọng nước nầy không đủ khả năng sản xuất bom nguyên tử. Tổng thống Trump, cố vấn an ninh Bolton, bộ trưởng Ngoại Giao đều tỏ ra diều hâu đối với Iran, thậm chí như muốn có sự thay đổi chế độ ở đó. Hàng không mẫu hạm, oanh tạc cơ, hỏa tiễn Hoa Kỳ được đưa sang Trung Đông như sẵn sàng tấn công Iran khi vài tàu dầu bị nổ trong Vịnh Ba Tư. Vệ Binh Cộng Hòa Iran tỏ ra không nao núng trước sức mạnh quân sự của Hoa Kỳ. Vài tàu dầu bị họ chận bắt khi đi ngang qua eo biển Hormuz trên đường chở dầu từ Iraq, Kuwait, Saudi Arabia ra Biển Á Rập (một phần của Ấn Độ Dương).
Để thách thức Hoa Kỳ, Iran tuyên bố tinh luyện uranium tiến đến việc sản xuất bom nguyên tử, thí nghiệm hỏa tiễn có thể bắn chìm hàng không mẫu hạm của Hoa Kỳ. Một phi cơ không người lái của Hoa Kỳ bị bắn rớt trong vịnh Ba Tư. Iran cho rằng nó xâm phạm không phận của họ. Ngày 14-09-2019 nhà máy lọc dầu của Saudi Arabia bị tấn công bằng hỏa tiễn? hay bằng bom thả từ máy bay không người lái? Hoa Kỳ, Saudi Arabia cho rằng Iran chủ mưu việc tấn công nầy. Anh, Pháp, Đức cũng nghi ngờ tương tự. Cố nhiên Iran chối bỏ. Houthis lại nhận trách nhiệm nhưng Hoa Kỳ và Saudi Arabia không nghĩ rằng Houthis gây ra vụ tấn công khủng khiếp nầy mà là Iran. Bằng bom thả từ máy bay không người lái? Bằng hỏa tiễn bắn từ các căn cứ của Iran ở Nam Iraq?
Iran có vẻ không sợ sự vĩ đại của Hoa Kỳ thời tổng thống Donald Trump. Trong ba năm cầm quyền của tổng thống Donald Trump, Hoa Kỳ có trên 50 viên chức cao cấp từ chức, bị bãi chức hay bị bắt buộc từ chức, hàng chục vụ rối rắm nội bộ với những vụ kiện thưa còn kéo dài lê thê. Tổng thống Hoa Kỳ gây chiến tranh thương mại với TC nhưng luôn luôn xem Xi Jinping (Tập Cận Bình) là bạn chí thân, gọi Kim Jong Un là “rocketman” nhưng lại vui mừng khi nhận được những “bức thơ đẹp” của vị lãnh tụ trẻ và “ái quốc” theo từ ngữ mà tổng thống Trump dùng. Bắc Hàn ghét ông Bolton và Pompei thì Bolton mất chức. Ông Pompei còn tại chức vì khéo uyển chuyển theo ý muốn của cấp trên. Đường rút lui của ông là ra tranh ghế nghị sĩ ở một tiểu bang miền trung tây. Tháng 11 năm 2018 một nữ phụ tá của ông Bolton bị mất chức vì đụng chạm với đệ nhất phu nhân khi du hành sang Phi Châu. Trước khi đốn cây người ta thường tỉa nhánh của nó. Không biết Kim Jong Un phi nguyên tử hóa như thế nào, chỉ biết ông vẫn cho thí nghiệm hỏa tiễn đều đều. Ít ra Bắc Hàn cũng đạt chút thắng lợi nho nhỏ khi Hoa Kỳ ngưng tập trận với Nam Hàn. Ở Venezuela chỉ vài chục cố vấn Nga mà Maduro giữ vững chánh quyền. Đó là một quốc gia từng chịu ảnh hưởng sâu đậm của Hoa Kỳ. Xứ đó nằm trên lục địa Mỹ Châu mà từ năm 1823 tổng thống Moroe đã minh định Châu Mỹ của người Mỹ Châu.
Iran là quốc gia lân bang của Afghanistan nên họ đánh hơi được sự uể oải của Hoa Kỳ sau gần 20 năm chiến đấu trên một chiến trường xa xôi, khô khan, nóng bức, nhiều núi non hiểm trở nơi quân sĩ Hoa Kỳ có ít bạn nhiều thù. Kẻ thù là những người bài ngoại và chống những người phi Hồi Giáo bằng tinh thần quyết tử.
Taliban không thể so sánh với Vệ Binh Cộng Hòa của Iran. Taliban nghèo nàn, không được huấn luyện và trang bị võ khí đầy đủ như Vệ Binh Cộng Hòa Iran, lực lượng nòng cốt và thiện chiến của Lãnh Tụ Tối Cao. Taliban không sản xuất võ khí, hỏa tiễn, phi cơ như Iran. Cả Iran và Taliban đều được “võ trang” bằng tinh thần quyết tử Hồi Giáo. Iran bây giờ có Nga và Trung Quốc đứng sau. Họ có ảnh hưởng đối với người Iraq Hồi Giáo Shiite ở phía Nam Iraq, chánh quyền Assad ở Syria, Hezbollah ở Nam Lebanon, Houthis ở Yemen và có thể ở Qatar nữa. Về phương diện địa lý họ kiểm soát phần phía đông Vịnh Ba Tư và eo biển Hormuz, cửa ra vào vịnh Ba Tư. 25% dầu sản xuất trên thế giới được chở bằng tàu phải dùng Vịnh Ba Tư và đi ngang qua eo biển Hormuz.
Nga lúc nào cũng tỏ ra bình tỉnh trước thế sự. Khi Hoa Kỳ điều hàng không mẫu hạm, phi cơ, hỏa tiễn sang Trung Đông như chuẩn bị tấn công Iran thì ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif gặp ngoại trưởng Nga Lavrov. Nga cho biết Iran là “đồng minh” của Nga. Tấn công Iran là tấn công Nga. Thế là diều hâu Hoa Kỳ trở thành bồ câu khi một phi cơ không người lái của Hoa Kỳ bị Iran bắn rớt xuống Vịnh Ba Tư. Tổng thống Donald Trump bắt đầu đi tìm giải Nobel Hòa Bình ở nơi nào có sự lên tiếng của Putin.
Về vụ tấn công kho dầu dự trữ của Saudi Arabia, Hoa Kỳ sớm lên tiếng lên án Iran. Putin khuyên không nên vội vã cho rằng Iran là kẻ tấn công. Ông mời Saudi Arabia mua thiết bị phòng không tối tân của Nga để ngăn ngừa một sự tấn công tương tự bằng bom hay hỏa tiễn nhắm vào các kho dầu. Putin bây giờ thường hay phô trương võ khí tối tân của Nga. Putin cũng từng gạ bán võ khí siêu âm thanh cho Hoa Kỳ.
Nhờ sự lên tiếng của Putin mà Iran chưa bị bom đạn từ B-52 thả xuống và hỏa tiễn từ hàng không mẫu hạm ngoài biển bắn vào. Để an ủi đồng minh Saudi Arabia, Hoa Kỳ gởi quân sang phụ nước nầy bảo vệ các kho chứa dầu. Đó là một cố gắng rất lớn của Hoa Kỳ đối với nước đồng minh lâu đời vì một phần ngân sách quốc phòng được chuyển sang việc xây tường biên giới. Nhìn theo hướng đi của tổng thống Donald Trump, ngoại trưởng Pompei tuyên bố 49 % diều hâu + 51% bồ câu. Thế là có Hoà Bình Trên Trái Đất (Pacem in Terris).
***
Vào thập niên 1960 Mao Zedong (Mao Trạch Đông) khích tướng Khrushchev đụng độ với Hoa Kỳ về vấn đề Cuba. Kruschchev không rơi vào lời khích tướng của Mao về “con cọp giấy Hoa Kỳ”. Suốt thời kỳ Chiến Tranh Lạnh (1949 - 1991) Hoa Kỳ và Liên Sô trải qua những giai đoạn lịch sử không muốn nhớ tới:
Hoa Kỳ: sa lầy trong Chiến Tranh Việt Nam II nhưng đã rời Nam Việt Nam trong danh dự bằng hiệp định Paris 1973.
Liên Sô:
a- đại bại trên chiến trường Afghanistan sau 9 năm chiếm đóng (1979 - 1988).
b- sự sụp đổ khối Cộng Sản Đông Âu.
c- sự sụp đổ của Liên Sô. Chiến Tranh Lạnh kết thúc với sự sụp đổ của chế độ Cộng Sản ở Liên Sô (1991).
Trong tình thế hiện nay tức trên 1/4 thế kỷ sau ngày chế độ Cộng Sản ở Liên Sô sụp đổ, Putin nắm vai trò chủ động trên bàn cờ chánh trị quốc tế. Các quốc gia dân chủ hiện nay rất yếu vì thiếu đoàn kết chặt chẻ. Ngôn từ của vài vị lãnh đạo quốc gia rất trực tiếp, bình dân, dễ hiểu và đầy phàm tục tính.
Chưa bao giờ diễn biến chánh trị quốc tế có lợi cho Nga như tình thế hiện nay dưới thời tổng thống Donald Trump. Chưa bao giờ Nga có cơ hội quan sát và đánh giá sự vĩ đại của Hoa Kỳ như dưới thời tổng thống Trump.
Chiến tranh thương mại giữa Hoa Kỳ và TC không có hại gì cho Nga nếu không nói là có lợi cho họ. Ai thắng ai thua cũng mặc. Kẻ thắng, người thua đều bị trầy trụa, đau nhức như nhau. Nga hưởng lợi về sự trầy trụa nhức nhối giữa hai đối thủ đấu nhau. Trước kia Mao Zedong muốn Hoa Kỳ và Liên Sô đụng nhau để TC hưởng lợi. Chuyện ấy không xảy ra vào thập niên 1960 về vấn đề Cuba. Bây giờ nó xảy ra với Trung Quốc và Hoa Kỳ nên Nga hưởng lợi.
Putin không can dự vào việc Hoa Kỳ tấn công Afghanistan năm 2011 sau vụ 911 (11-09-2001) ở New York và không dùng quyền phủ quyết trong việc Hoa Kỳ và Anh xâm lăng Iraq. Pháp dùng quyền phủ quyết nhưng Hoa Kỳ vẫn dùng võ lực tấn công Iraq (2003). Lúc ấy Putin mới đắc cử tổng thống lần đầu tiên (2000). Hoa Kỳ có chánh nghĩa sáng ngời khi tấn công Taliban dung chứa Osama Bin Laden và cho lập nhiều trại huấn luyện khủng bố trên lãnh thổ Afghanistan. Nhưng họ bị thế giới lên án kịch liệt khi xâm lăng Iraq sau khi khám xét khắp nơi, kể cả dinh tổng thống Saddam Hussein, và không tìm thấy võ khí hóa học giết người hàng loạt. Putin có vẻ hối hận vì không can dự vào Libya để cứu vãn nhà độc tài Qaddafi (2011). Ông ấy chỉ can dự vào chuyện Syria nhằm ngăn chận sự tấn công của Hoa Kỳ sau khi Syria sử dụng võ khí hóa học giết hại trên 400 trẻ em. Putin hứa buộc Syria phá hủy võ khí hóa học. Bù lại tổng thống Obama từ bỏ việc tấn công Syria (2013).
Năm 2014 vị tổng thống Ukraine thân Nga là Viktor Yanukovych bị lật đổ. Putin cho quân xâm chiếm và sát nhập bán đảo Crimea vào Liên Bang Nga đồng thời yểm trợ cho người Ukraine gốc Nga nổi dậy ở Đông Bộ Ukraine. Hiện cuộc nội chiến vẫn còn tiếp diễn. Hoa Kỳ và Liên Âu trừng phạt kinh tế Nga và loại Nga ra khỏi G8. Putin cảm thấy bị cô lập trong hội nghị G20 ở Úc (2015). Vào năm nay Putin can thiệp quân sự vào Syria nhằm cứu vãn chế độ độc tài do Bashar al-Assad đại diện. Nga là nơi dung chứa Snowden, một nhân viên Cơ Quan Tình Báo Hoa Kỳ, trốn sang Hồng Kông rồi Nga với nhiều tin tức tối mật của Cơ Quan An Ninh Quốc Gia (NSA – National Security Agency). Dư luận Hoa Kỳ tin rằng Nga có nhúng tay trong cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ năm 2016 có lợi cho ứng cử viên Cộng Hòa Donald Trump. Sự thật như thế nào chưa rõ. Chỉ biết rằng ứng cử viên Donald Trump có kêu gọi Nga phục hồi các e-mail của bà Hillary Clinton. Con và rễ của ứng cử viên Donald Trump có tiếp một nữ luật sư Nga ở New York. Tổng thống đắc cử Trump không tiếc lời ca ngợi ông Putin và cách chức giám đốc FBI James Comey một ngày trước khi ông tiếp ngoại trưởng Nga và đại sứ Nga ở Hoa Kỳ (10-05-2017).
Thanh thế của Putin càng lúc càng lên cao. Tình hình chánh trị thế giới xoay chiều thuận lợi cho ông.
Xi Jinping (Tập Cận Bình) cần ông.
Iran, Bắc Hàn cần ông làm hậu thuẫn.
Thổ Nhĩ Kỳ muốn kết thân với ông.
Saudi Arabia muốn kết thân với Nga bằng cách ngỏ ý muốn mua một số võ khí.
Putin rất vui khi thấy:
Anh tách ra khỏi Liên Âu.
Hoa Kỳ không mặn nồng với NATO, không thân thiện với các cựu đồng minh Anh, Đức, Pháp, Nhật như các tổng thống trước.
Sự xào xáo trong nội bộ Hoa Kỳ.
Tổng thống Donald Trump tự ý vận động để đưa Nga vào G8 như trước.
Sự vĩ đại của Hoa Kỳ rơi vào một tình huống kỳ lạ trong vấn đề Bắc Hàn, Iran và Afghanistan. Chủ chiến hay chủ hòa đều không có lợi về phía Hoa Kỳ.
Chủ chiến thì sa lầy. Bỏ Afghanistan để chuyển sang Iran? So với Iran thì Afghanistan nhỏ hơn và lạc hậu hơn. Nếu ở Afghanistan chưa đạt được thành quả vẻ vang thì liệu sẽ gặt được gì nếu gây chiến tranh ở Iran? Ông Bolton, người có lập trường diều hâu cực đoan, đã nghỉ việc. Phe chủ chiến chỉ còn tổng thống Donald Trump và ngoại trưởng Pompei. Cả hai đều là diều hâu uyển chuyển, linh động. Tổng thống Trump nhìn Putin để khẳng định lập trường chủ chiến hay chủ hòa của mình đối với Iran. Ngoại trưởng Pompei nhìn tổng thống Trump để có lập trường thích nghi. Đó là điều ông Trump gặp khi đương đầu với những cuộc thí nghiệm hỏa tiễn và bom nguyên tử của Bắc Hàn và tình hình Venezuela dưới sự lãnh đạo của Maduro.
Hoa Kỳ chủ hòa hay chủ chiến đều có lợi cho Nga. Chủ chiến thì có chiến thắng quân sự ở những phút đầu nhưng không có tương lai tươi sáng nếu phe đối nghịch kéo dài cuộc chiến. Càng kéo dài chiến tranh càng tốn kém nhân lực, tài lực và vật lực, nhất là sự suy sụp tinh thần của binh sĩ tham chiến.
Chủ hòa thì không che giấu được sự yếu kém và lo âu của cường quốc vĩ đại đối với các quốc gia đàn em.
Trong hai thế chiến Hoa Kỳ giúp cho các nước đồng minh thắng lợi nhờ sự hợp tác của các nước đồng minh và nhờ có chánh nghĩa được dư luận trong và ngoài nước tán đồng.
Trong chiến tranh Triều Tiên năm 1950, chiến tranh Vùng Vịnh năm 1991, Hoa Kỳ có sự hợp tác của nhiều quốc gia đồng minh. Trong chiến tranh Vùng Vịnh nhằm đánh đuổi Iraq ra khỏi Kuwait năm 1991 có nhiều quốc gia Hồi Giáo tham dự kể cả Syria.
Trong chiến tranh Việt Nam vừa qua Hoa Kỳ có vẻ đơn độc (1965 - 1973). Anh và Pháp vắng mặt.
Trong chiến tranh Iraq năm 2003 chỉ có Anh hợp tác với Hoa Kỳ.
Giả sử lần nầy Hoa Kỳ gây chiến tranh với Iran thì Hoa Kỳ sẽ nêu cao chánh nghĩa gì? Giúp Saudi Arabia? Giúp Do Thái?
Họ sẽ gặp khó khăn gì? - Sự lãnh đạm của các nước bạn từng thuyết phục Hoa Kỳ đừng rút khỏi thỏa ước 2015 và sự hiện diện của Nga và TC sau lưng Iran.
Có nhiều triển vọng không có cuộc chiến như thế xảy ra.
PHẠM ĐÌNH LÂN, F.A.B.I.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét