(Ảnh minh họa) - Giàn khoan JDC Hakuryu-5 của tập đoàn Rosneft ở ngoài khơi Vũng Tàu, Việt Nam. Ảnh chụp ngày 29/04/2018.REUTERS/Maxim ShemetovTheo dữ liệu trên mạng theo dõi hành trình tàu biển Marine Traffic, vào sáng hôm nay 24/10/2019, tàu khảo sát Trung Quốc Hải Dương Địa Chất 8 đã tăng tốc rời khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trên Biển Đông và hướng về phía Trung Quốc, dưới sự hộ tống của ít nhất hai tàu Trung Quốc khác.Tàu khảo sát Trung Quốc đã xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam từ cuối tháng 06/2019, thoạt đầu hoạt động ở vùng thềm lục địa Việt Nam gần Bãi Tư Chính, rồi sau đó đi ngược lên khảo sát một dải biển dọc theo bờ biển miền Nam Trung Bộ, ngang tầm Phan Thiết ở phía dưới và Bình Định ở phía trên, và càng ngày càng áp sát bờ biển Việt Nam, có lúc chỉ cách bờ biển Việt Nam khoảng 150 km, tức là rất sâu bên trong vùng 200 hải lý của Việt Nam.<!>Chính quyền Hà Nội đã nhiều lần lên tiếng tố cáo Trung Quốc vi phạm chủ quyền của Việt Nam và yêu cầu Bắc Kinh rút tàu Hải Dương Địa Chất 8 ra khỏi vùng biển Việt Nam nhưng vô hiệu.
Hãng tin Anh Reuters đã gởi câu hỏi đến bộ Ngoại Giao Việt Nam để tìm hiểu thêm về vụ tàu khảo sát Trung Quốc rút đi, nhưng đến trưa nay chưa có hồi đáp.
Giới quan sát ghi nhận hai sự kiện gần như là đồng thời: Tàu khảo sát Trung Quốc đã rút khỏi vùng biển Việt Nam, một hôm sau khi một số thông tin trên mạng internet, chưa được kiểm chứng, xác định rằng giàn khoan dầu Hakuryu-5 của Việt Nam đã hoàn tất công việc tại lô 06.1, gần Bãi Tư Chính và đang trên đường đi về phía bờ biển Việt Nam.
Theo Reuters, chuyên gia Hà Hoàng Hợp, thuộc Viện Nghiên Cứu Chiến Lược Quốc Tế IISS đã cho rằng Trung Quốc chỉ rút tàu khảo sát đi ngay sau khi giàn khoan Hakuryu-5 của Việt Nam hoàn thành công việc khoan dò tại lô 06.1 được giao cho công ty Nga Rosneft khai thác.
Song song với việc cho tàu khảo sát vào hoạt động trong vùng biển Việt Nam, từ cuối tháng Sáu cho đến nay, tàu hải cảnh Trung Quốc đã liên tục sách nhiễu và tìm cách cản trở hoạt động của giàn khoan Việt Nam tại Bãi Tư Chính.
Theo chuyên gia Hà Hoàng Hợp, người đồng thời là chuyên gia khách mời của viện nghiên cứu Đông Nam Á ISEAS -Yusof Ishak ở Singapore : “Trung Quốc không muốn bất kỳ công ty ngoài ASEAN nào khoan dầu ở Biển Đông (và) quyết tâm gây sức ép để Việt Nam chấm dứt hoạt động thăm dò và khai thác dầu chung với các đối tác nước ngoài trong khu vực”.
Chủ tịch nước kiêm tổng bí thư Đảng Cộng Sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng vào tuần trước đã kêu gọi các bên tranh chấp ở Biển Đông tự kềm chế, nhưng khẳng định rằng Việt Nam “không bao giờ thỏa hiệp” về chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.
Trái lại, Trung Quốc vẫn lên giọng cứng rắn. Hôm thứ Hai 21/10/2019, bộ trưởng Quốc Phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa đã công khai nhắc lại rằng Biển Đông là một phần lãnh thổ không thể tách rời của Trung Quốc và Bắc Kinh sẽ không để mất dù chỉ là một tấc đất.
Theo Reuters, chuyên gia Hà Hoàng Hợp đã lo ngại rằng “rất có khả năng là Trung Quốc sẽ cho một giàn khoan dầu đến khu vực mà tàu Hải Dương Địa Chất 8 của họ đã điều tra địa chấn, trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét