Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 31 tháng 10, 2019

"Bà Đầm Thép Việt Nam," - Mạnh Kim

See the source image
Đề tài gia đình Tổng thống VNCH Ngô Đình Diệm là câu chuyện không bao giờ có hồi kết. Ngay sau khi ông Diệm bị lật đổ, báo chí Sài Gòn đã khai thác vô số câu chuyện “cung đình” mà nguồn tin chủ yếu là đồn đãi và thêm thắt, một phần từ những người vốn oán ghét và bất mãn chế độ ông Diệm. Nhưng lịch sử là sự thật. Làm lịch sử là đi tìm sự thật. Quyển “Finding the Dragon Lady: The Mystery of Vietnam's Madame Nhu” của Monique Brinson Demery là một trong những tài liệu như vậy. Là một trong những người hiếm hoi được phỏng vấn trực tiếp bà Nhu trong những năm bà sống ẩn dật, Monique đã dày công đi tìm sử liệu để cho thấy một chân dung nhìn gần và nhìn rõ hơn của bà đầm thép Việt Nam, người đàn bà VN thời hiện đại đầu tiên và duy nhất cho đến thời điểm này biết làm chính trị, người đàn bà VN đầu tiên và duy nhất cho đến thời điểm này có thể góp phần tạo nên một vương triều và cũng là một phần nguyên nhân khiến vương triều ấy sụp đổ.<!>
 Bản lĩnh chính trị trong một bà Nhu dữ dội một cách đặc biệt và hiếm thấy là điều không thể phủ nhận. Bà lật đổ không chút khoan nhượng những quan niệm truyền thống về vai trò nữ giới trong xã hội lẫn chính trường, ở thời điểm mà chính trường thế giới gần như hoàn toàn vắng bóng nữ giới. Không ai có thể phủ nhận tinh thần ái quốc dữ dội của bà, cũng như chế độ ông Diệm nói chung. Từng bị bôi bẩn và khinh ghét nhưng không chế độ nào có thể để lại nhiều di sản văn hóa khổng lồ bằng thời ông Diệm. Cũng không có chế độ nào trong sạch bằng chế độ ông Diệm. Từng bị dè bỉu và khinh khi nhưng bà Nhu vẫn là người đàn bà Việt Nam thời hiện đại duy nhất cho đến thời điểm này luôn đủ sức hấp dẫn dữ dội để đọc và viết về bà.

Sự mạnh mẽ kinh khủng của bà mà không bất kỳ nhân vật nam giới nào đủ sức ngăn chặn, kể cả những tay lão luyện nghề chính trị từ Mỹ sang, đã trở thành một phần nguyên nhân mang lại bi kịch cho chế độ. Tuy nhiên, bà đầm thép Ngô Đình Nhu có lỗi chứ không có tội. Như phần cuối quyển sách đã viết: “Rốt cuộc, bà Nhu đúng về nhiều chuyện mà bà không bao giờ nhận được lời khen. Bà đúng khi nói rằng hàng triệu đôla đổ vào Nam VN gây tổn hại cũng nhiều như giúp ích trong cuộc chiến chống cộng sản. Sự “Mỹ hóa” Việt Nam Cộng hòa đã khiến nhiều người quốc gia hướng đến cộng sản… Về việc cộng sản “đầu độc” các tín đồ Phật giáo – chà, bà cũng lại đúng về chuyện đó… Bằng cách loại bỏ ông Diệm, người Mỹ hình như đã mắc mưu cộng sản… Bà Nhu cũng buộc tội báo chí đã bị cộng sản “đầu độc”, và một lần nữa bà đúng… Những lời từ biệt của bà Nhu tại buổi họp báo ở Beverly Wilshire (vào những ngày cuối cùng của chế độ ông Diệm) – “Tôi có thể nói trước với các bạn rằng câu chuyện ở Việt Nam chỉ mới bắt đầu” – cũng trở thành sự thật (trang 306-307, “Madam Nhu, Trần Lệ Xuân, Quyền lực Bà Rồng”, bản dịch của Mai Sơn, NXB Hội Nhà Văn).

Tác giả Monique đã viết một quyển sách tuyệt vời. Bà làm đúng chức trách của người viết sử: trình bày sự kiện lịch sử mà không “đánh giá”. Việc ấy là của độc giả. Khen ngợi hoặc chê bai cũng là quyền của độc giả. Tuy nhiên, chỉ trích một nhân vật lịch sử mà nhìn bằng cặp mắt định kiến mù lòa hoặc lăng mạ theo quán tính trong khi thậm chí quyển sách còn chưa đọc qua thì đó không phải là thái độ của kẻ có hiểu biết. Ít nhất muốn “sỉ nhục” một người như bà Nhu thì kiến thức lẫn trình độ phải cao hơn bà ấy, người từng “càn quét” hết giảng đường đại học này đến các diễn đàn chính trị khác khắp nước Mỹ bằng những bài diễn văn dữ dội mà chẳng cần ai soạn giùm.

Image may contain: 1 person, smiling

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét