Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 22 tháng 10, 2019

10 Di sản tuyệt vời của Ấn Độ. - Tâm An


Với lịch sử hơn 5000 năm của nền văn minh rực rỡ bên dòng sông Hằng Huyền Bí, đất nước Ấn Độ là cội nguồn hình thành và phát triển của nhiều tôn giáo lớn trên thế giới như: Phật Giáo, Hindu Giáo, Hồi Giáo,... Với niềm tin và tín ngưỡng tâm linh thành kính của mình đến với Đấng Tối Cao, người Ấn từ nghìn xưa đã chế tác nên vô số công trình kiến trúc tuyệt đẹp có giá trị văn hóa và lịch sử cho văn minh nhân loại. Với chủ đề khám phá kiến trúc của vùng đất tâm linh thần bí này, hãy cùng khám phá 10 công trình kiến trúc cổ đẹp nhất Ấn Độ các bạn nhé.
<!>
1 - Bảo tháp Đại Giác, Bồ Đề Đạo Tràng (Ấn Độ) 


Được đề xuất là di tích lịch sử Phật giáo đầu tiên nhất và đáng chiêm ngưỡng nhất trong danh sách các thắng tích, bảo tháp Đại Giác tọa lạc ở nơi Đức Phật lịch sử chứng đạt sự giác ngộ hoàn toàn với cây bồ-đề ngàn năm tuổi. Thánh địa này đặc trưng bởi tháp trung tâm được xây tạo bằng gạch cao gần 55 mét, bao bọc chung quanh là bốn tòa tháp nhỏ hơn. 

Rải rác quanh ngôi đại tháp là các tháp nhỏ và các tôn tượng Đức Phật bên ngoài tháp trung tâm cùng với những bức tường khắc họa cuộc đời của Ngài. Ngôi tháp được tin là do A Dục vương xây dựng 200 năm sau khi Phật thành đạo. Bảo tháp Đại Giác được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới vào năm 2002. 

2/ Đền Taj Mahal
Với mỹ danh tuyệt đẹp "Bài thơ tình được khắc trên đá", đền Taj Mahal không chỉ là biểu tượng du lịch nổi tiếng nhất của Ấn Độ mà còn là tuyệt tác kiến trúc của nhân loại. Bắt nguồn từ câu chuyện tình yêu đượm buồn của vua Sa Gia Han dành cho người vợ qua đời ở tuổi thanh xuân, Ngài đã dồn hết tâm huyết để thiết kế và chế tác nên một lăng mộ tuyệt đẹp theo hình thức kiến trúc đặc trưng nhất của Hồi Giáo. Tổng thể hình học của ngôi mộ được xây dựng theo hình bát giác từ cẩm thạch trắng và sa thạch đỏ. 

Trung tâm của đền là mái vòm tròn đồ sộ có chiều cao 75 m và bốn ngọn tháp nhọn có chiều cao khoảng 40 m. Đặc biệt, các nghệ nhân tài hoa còn dùng những vật liệu lấp lánh sắc màu từ các đá quý để trang trí nên đường nét tinh xảo và cầu kì cho không gian ngôi đền. Chính bởi vì được chế tác hoàn toàn từ một chất liệu nhạy cảm với ánh sáng - cẩm thạch trắng cho nên đền Taj Mahal còn được ví như một "tòa lâu đài của ảo thuật", phản ánh sự kỳ diệu của sắc màu từ đất trời xung quanh theo từng khoảnh khắc trong ngày. Với hơn ngàn năm trôi qua, ngôi đền tình yêu thủy chung này vẫn luôn luôn là điểm đến không thể bỏ qua cho những du khách yêu mến đất nước Ấn Độ huyền bí này.

Đền Taj Mahai tuyệt đẹp trong từng khoảnh khắc của đất trời.

Một "tòa lâu đài của ảo thuật" kỳ diệu từ cẩm thạch trắng.
3/ Harmandir Sahib (Đền Vàng)
Tọa lạc ở ở Amritsar, Punjab, giữa biên giới Pakistan và Ấn Độ, ngôi Đền Vàng Harmandir Sahib chính là biểu tượng tâm linh thiêng liêng nhất của các tín độ tôn giáo Sikh trên khắp thế giới. Được xây dựng vào năm 1574, các tín đồ đã dùng 100 kg vàng ròng để dát lên mặt ngoài và mái vòm của thánh đường nhằm biểu hiện lòng tôn kính sâu sắc của họ đến với Chúa Trời. Đặc biệt, khi so sánh với phong cách kiến trúc phổ biến của đạo Sikh là họ thường xây dựng thánh đường ở chỗ đất cao thì ngược lại Đền Harmandir Sahib lại được đặt ở một vị trí thấp, được bao quanh bởi hồ nước Amrit Sarovar (Hồ Rượu thần) - hay còn gọi là Hồ Nước Tâm Linh, một địa điểm để kết nối linh hồn với thế giới bên kia. 

Ngoài ra, khác với sự bí ẩn của một số tôn giáo khác, ngôi đền linh thiêng này có đến 4 cánh cửa ra vào nhằm thể hiện tư tưởng thân thiện và chào đón mọi người đến để tìm hiểu về thế giới tâm linh của đạo Sikh. Với sự tôn kính đối với ngôi đền, hầu như không có bất kỳ công trình kiến trúc nào có độ cao vượt quá thánh đường được xây dựng xung quanh đây. Với vẻ đẹp lộng lẫy của vàng cùng phong cách trang trí tinh xảo, chắc chắn mỗi du khách sẽ phải "mãn nhãn" khi ngắm nhìn tuyệt tác kiến trúc và tôn giáo này. Ngoài ra, dưới bầu trời xanh biếc và ánh nắng ấm áp, không gian yên bình hòa quyện trong âm thanh cầu nguyện ngân vang khắp khu vực hồ thiêng sẽ mang đến một trải nghiệm tâm linh kỳ thú, làm thanh tĩnh tâm hồn mọi người ra khỏi phiền não của thế thái nhân sinh.

Đền Harmandir Sahib bên Hồ Tâm Linh.
Biểu tượng thiêng liêng của đạo Sikh.
4/ Đền Mahabalipuram.
Quần thể đền Mahabalipuram là một thánh tích vô cùng hoành tráng và độc đáo, tượng trưng cho thời kỳ vàng son của Ấn Độ Giáo, được xây dựng vào những năm 630 đến 715. Quần thể kiến trúc này chính là sự kỳ công tuyệt vời được chế tác hoàn toàn từ những khối đá thiên nhiên khổng lồ, đặc biệt là đá núi lửa nguyên khối. Tổng thể hình dáng của các ngôi đền tại đây đều tháp tam quan đồ sộ có móc hình vành khăn, được phủ lên bốn mặt bằng vô số các tượng đá điêu khắc từ nguồn cảm hứng bất tận của sử thi Mahabharata. 

Tuy mang nhiều hình thái phong phú, các khối đá ở đây phổ biến dạng thân vuông có độ cao khoảng 12,2 m và dài 8,85 m, có xu hướng thu nhỏ dần về phía đỉnh tháp. Với phong cách điêu khắc sáng tạo và bút pháp mạnh mẽ, sống động, đền Mahabalipuram chính là một tuyệt tác diệu kỳ của miền Nam Ấn Độ cũng như là di sản văn hóa tuyệt vời của nhân loại. Khi đến tham quan quần thể thánh tích này, ngoài được chiêm ngưỡng sự hoành tráng và công phu đỉnh cao của nghệ thuật, du khách còn có dịp tìm hiểu về thế giới vũ trụ luận của người Ấn Độ xưa khi nghe các thuyết minh về nguồn gốc và câu chuyện riêng của mỗi ngôi đền. 

Đền Mahabalipuram - thánh tích Ấn Độ Giáo.
Tuyệt tác kiến trúc kỳ diệu ở miền Nam Ấn Độ.
5/ Lăng mộ Humayun
Tọa lạc tại trung tâm New Delhi, lăng mộ Humayun chính là biểu tượng nổi tiếng nhất của phong cách kiến trúc Mughal tại Ấn Độ. Được xây dựng vào năm 1562 sau 9 năm nhà vua Humayun băng hà, công trình có chiều cao 47 m, được chế tác theo cảm hứng từ kiến trúc của Đế Quốc Ba Tư lúc bấy giờ từ hai nguồn vật liệu là cẩm thạch trắng và sa thạch đỏ. Khi bước vào cửa chính của lăng mộ, mỗi du khách sẽ có dịp ngất ngây trước vẻ đẹp uy nga và tráng lệ của một tuyệt tác nghệ thuật tinh xảo và kỳ công bậc nhất trong lịch sử xây dựng của Ấn Độ. Ngoài ra, vẻ đẹp hiền hòa của các khu vườn phong cách Ba Tư rộng 30 mẫu kết hợp với các hào nước mang ý nghĩa tâm linh bao quanh ngôi mộ đã tạo nên một không gian bình yên, làm thư thái tâm hồn mỗi ai đến tham quan khu di tích này. Có lẽ chính bởi vì thế khu lăng mộ Humayun luôn nằm trong top đầu danh hiệu các ngôi mộ đẹp nhất hành tinh đến ngày nay.
Lăng mộ Humayun ở New Delhi
Luôn nằm trong top đầu danh hiệu mười ngôi mộ đẹp nhất hành tinh hiện nay.
5/ Cung điện Mysore.

Một trong những niềm tự hào của người dân Ấn Độ là cung điện Mysore - cung điện lộng lẫy bậc nhất tọa lạc tại bang Karnataka, thuộc miền Nam Ấn Độ hiện nay. Được xây dựng từ thế kỉ 14, cung điện từng là tòa nhà của một gia đình Hoàng Gia Wodeyars cai trị thành phố trong khoảng thời gian 1399 đến 1950. Tổng thể kiến trúc của cung điện là một sự kết hợp hoàn hảo và độc đáo từ nhiều phong cách khác nhau như: Ấn Độ Giáo, Hồi Giáo, Gothic và Rajput. Lý do để giải thích có sự xuất hiện của phong cách phương tây tại cung điện là vì tòa nhà Hoàng Gia này được trùng tu và thiết kế lại một phần do sự cố hỏa hoạn xảy ra vào năm 1897. Các thành viên của hoàng tộc đã mời một kiến trúc sư người Anh đến để hoàn thành công trình này, chính vì thế mà cung điện sở hữu phong cách đặc trưng của kiến trúc Gothic thời Trung Cổ hòa quyện vào giá trị nghệ thuật truyền thống của Ấn Độ.

Được chế tác từ đá granite xám và cẩm thạch hồng, cung điện tráng lệ này còn là một bảo tàng văn hóa giá trị như: điêu khắc, hội họa, vũ khí,... được lưu giữ từ thế kỉ 14 đến tận ngày nay. Đặc biệt, khi màn đêm buông xuống, cung điện thu hút ánh nhìn bởi vẻ đẹp rực rỡ và lộng lẫy như một tác phẩm cổ tích khi được thắp sáng linh lung từ 100.000 bóng đèn điện trang trí khắp bốn mặt của tòa nhà. Chính vì thế, không có gì ngạc nhiên khi nơi đây chào đón 6.000.000 du khách đến chiêm ngưỡng mỗi năm, chỉ sau tuyệt tác Taj Mahai.
Cung điện Mysore ở miền Nam Ấn Độ.
Mysore thu hút 6.000.000 lượt du khách mỗi năm.
7/ Đền Ranakpur.
Nằm ở vùng thung lũng hẻo lánh Arvallis, miền Tây Ấn Độ, đền Ranakpur chính là tòa thánh linh thiêng bậc nhất và đẹp nhất của giáo phái Jain, nơi chốn dành riêng cho vị thần tối cao của họ - thần Adinatha. Với diện tích siêu rộng khoảng 4.500 m2, đền bao gồm 29 không gian dành riêng để cung phụng và diễn ra các nghi thức tôn giáo của đạo Jain cùng với 1.444 trụ chống được chế tác công phu và tinh xảo từ cẩm thạch trắng. Với số tuổi hơn 2000 năm, các tượng và phù điêu trong đền thờ chẳng những mang vẻ đẹp tinh xảo và kỳ công mà còn ẩn chứa những giá trị tâm linh sâu sắc trong tâm thức của các tín độ đạo Jain trên toàn thế giới. Ngày nay, ngôi đền Ranakpur này đã trở thành một địa danh du lịch tuyệt vời cho những ai yêu thích khám phá các tôn giáo bí ẩn của hành tinh.

Đền Ranakpur ở miền Tây Ấn Độ.
Đền Ranakpur là biểu tượng nổi tiếng nhất của đạo Jain trên thế giới.
8/ Khu hang động Ajanta
Đây là cội nguồn khai sinh ra Phật Giáo, cuộc đời vĩ đại và triết lý sâu sắc của Đức Phật chính là nguồn cảm hứng bất tận cho các nghệ nhân tạo hình và kiến trúc ở Ấn Độ. Một trong những công trình Phật Giáo hoành tráng và kỳ diệu nhất phải kể đến, đó là khu hang động Ajanta ở miền trung Ấn Độ. Quần thể thánh tích này bao gồm 30 ngôi chùa hàng được đục khoét sâu vào trong lòng các vách núi đá sừng sững có độ cao 76 m, bên trong có các chánh điện để cung phụng tôn tượng của Đức Phật và vô số các bức tranh đá được điêu khắc từ các câu chuyện xa xưa của Phật Giáo và đời sống thường ngày. Có thể nói rằng thánh tích Ajanta chính là một tuyệt tác kỳ diệu cất giữ các bức tranh đá được xem là bảo vật của mỹ thuật Phật Giáo tại đây. Nếu bạn là một Phật Tử thì nhất định phải đến nơi đây đầu tiên trong chuyến hành hương đến Ấn Độ.

Khu chùa hang Ajanta ở miền Trung Ấn Độ.
Hang động Ajanta sở hữu những bức tranh đá đẹp nhất trong mỹ thuật Phật Giáo.
9/ Đền Sri Ranganathaswamy

Tọa lạc ở thành phố Srirangam, Ấn Độ, ngôi đền Sri Ranganathaswamy chính là một tuyệt tác kiến trúc phức hợp tuyệt đẹp, một biểu tượng nổi tiếng nhất của đạo Hindu trên toàn thế giới. Chắc chắn khi ngắm nhìn phong cách độc đáo và tinh xảo đến từng chi tiết của ngôi đền tráng lệ này, bất kỳ ai cũng sẽ cảm thán trước kỳ công vi diệu của các nghệ nhân tài hoa bậc nhất đã chế tác ra nó. 

Đây là một địa điểm linh thiêng để cung phụng thần Vishnu của Hindu giáo, toàn bộ bề mặt của ngôi đền đều được phủ đầy các bức phù điêu miêu tả vô cùng chi tiết các hiện thân của các vị thần và truyền tích bí ẩn của thần thoại Ấn Độ cổ xưa. Ngoài ra, đền Sri Ranganathaswamy còn được biết đến với danh xưng "ngôi đền 1000 cột" vì số lượng trụ cột khổng lồ được dựng lên xung quanh hành lang của nó. Chính bởi sự thu hút mãnh liệt từ một bảo vật nghệ thuật và tôn giáo tuyệt diệu cùng những bí ẩn tâm linh huyền bí lưu truyền đời đời ở nơi này, ngôi đền Hindu giáo này chào đón hàng triệu lượt du khách đến tham quan và nghiên cứu mỗi năm.
Đền Sri Ranganathaswamy
Đền Sri Ranganathaswamy huyền ảo và lấp lánh khi đêm xuống.
10/ Đền Hoa Sen.
Với vẻ đẹp hương sắc vẹn toàn và ý nghĩa tâm linh cao quý, hoa sen luôn là niềm cảm hứng bất tận cho các chế tác nghệ thuật kiến trúc và thi ca của văn hóa phương đông huyền bí. Một trong những công trình đẹp nhất, tiêu biểu cho đạo Bahai ở Ấn Độ - ngôi đền Hoa Sen lộng lẫy tọa lạc tại New Delhi. Có tổng diện tích hơn 105.000 m2 và cao 35 m, kỳ quan tuyệt vời có hình dáng của một hoa sen đang nở rộ đến từ sự sáng tạo và tâm huyệt của một kiến trúc sư tài ba Fa-ri-bo Sah-ba người Canada với hơn 10 năm ròng rã thiết kế và xây dựng nên nó. 

Với sự đóng góp của hơn 800 kỹ sư và công nhân xây dựng, ngôi đền độc đáo có kiến trúc được đánh giá là phức tạp vào bậc nhất thế giới với 3 dãy, mỗi dãy là sự kết hợp của 9 cánh sen - một con số mang ý nghĩa hoàn hảo của đạo Bahai. Ngoài ra, mọi đồ vật trang trí từ hoa văn đến mái vòm hành lang hay nội thất bên trong đều được sáng tạo và biến hóa theo hình dáng muôn màu của hoa sen cách điệu. Chính bởi vẻ đẹp độc nhất vô nhị, ngôi đền Hoa Sen tuyệt mỹ này đã nhận được rất nhiều giải thưởng dành cho kiến trúc trên thế giới và thu hút 150.000 lượt khách tham quan mỗi ngày.
Ngôi đền Hoa Sen tuyệt đẹp của đạo Bahai

Ngôi đền Hoa Sen thu hút 150.000 lượt khách tham quan mỗi ngày.
Sau khi ngắm nhìn và tìm hiểu câu chuyện của 9 di sản tuyệt vời trên của Ấn Độ, ta không khỏi khâm phục sự sáng tạo kỳ diệu và kỹ thuật xây dựng tinh vi bậc nhất của các nghệ nhân xa xưa. Chắc chắn vẫn còn vô số các di sản văn hóa tuyệt đẹp còn chờ chúng ta khám phá ở vùng đất tâm linh kỳ bí này.

Tâm An st

Không có nhận xét nào: