Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 4 tháng 9, 2019

Sành điệu là gì ? - KD

 

I. Giải thích:
- Sành là am hiểu sâu sắc, biết đánh giá, hoặc biết làm thành thạo với nhiều kinh nghiệm. Điệu là đặc điểm bên ngoài, là kiểu dáng, cách đi đứng, nói năng, cử chỉ, điệu bộ; cũng là cách thức hành động.của mỗi người. 
- Hiểu theo nghĩa tiêu cực thì sành điệu chính yếu diễn ra trên các lĩnh vực ăn chơi (ăn mặc đúng mốt, đi trước mốt, dùng đồ vật đắt tiền và khác người) của những đại gia, các công tử xem tiền bạc như cỏ rác, xem danh dự như trò đùa, xem mạng sống con người rẻ rúng.
- Hiểu theo nghĩa tích cực thì sành điệu là làm mọi cách để không bị lỗi thời. Người sành điệu luôn thích ứng với những đổi thay của các xu thế, phong cách sống trong xã hội; là người có nhiều sáng kiến, nhiều ý tưởng phục vụ cho cuộc sống của mình trở nên tốt đẹp hơn, phong phú hơn. <!>

II. Những biểu hiện của sự sành điệu:

1. Sành điệu trong ăn mặc:
- Sành điệu trong ăn mặc không có nghĩa là chỉ xài hàng hiệu đắc tiền, mặc những kiểu quần áo “độc”, thời trang kinh dị khác người.
- Người sành điệu ăn mặc đẹp, hợp thời trang, gọn gàng, sạch sẽ. Biết chọn trang phục phù hợp với vóc dáng mình, biết phối hợp các màu sắc, kiểu dáng để tôn thêm vẻ đẹp cho mình. Cũng là người biết sử dụng áo quần như một thứ tô đậm tính cách và địa vị xã hội của mình.
- Người sành điệu trong ăn mặc là người biết mặc hợp với môi trường, hoàn cảnh (đi chơi, đi học đi làm, đi dự dạ hội...), hợp với đối tượng giao tiếp.

2. Sành điệu trong việc ăn nói, giao tiếp:
- Sành điệu trong ăn nói không có nghĩa là phải dùng những từ mang tính chất ước lệ, tượng trưng của văn phong trang trọng, uyên bác ngày xưa. Cũng không phải là luôn cập nhật những từ ngữ theo xu hướng hiện nay của giới trẻ theo kiểu nửa ta nửa Tàu nửa Tây, các từ ngữ, tiếng lóng của thời đại.
- Người sành điệu ăn nói lịch sự, nhã nhặn, có chiều sâu suy nghĩ. Từ ngữ chọn lọc, lời nói trau chuốt, văn hoa, giàu hình ảnh, giàu ngữ điệu, rất mạch lạc. Người sành điệu ăn nói rất linh hoạt tùy theo hoàn cảnh, mục đích và đối tượng khác nhau, cũng phải rành ngoại ngữ để giao tiếp khi cần thiết. 
- Trong giao tiếp người sành điệu tỏ ra thanh lịch, nhưng chân thành đúng mực và tự nhiên, thoải mái, đôi lúc dí dỏm hài hước nhẹ nhàng, bao giờ cũng tạo cảm nghỉ tốt, mang lại cảm tình, niềm vui giao tiếp cho người được tiếp xúc. 

3. Sành điệu trong ăn uống, giải trí:
- Ăn uống sành điệu không có nghĩa là ăn hầu hết các món ngon, vật lạ, cầu kỳ đắc tiền, những món ăn “độc” (tay gấu, óc khỉ,....), rượu ngoại quốc, chọn những quán ăn mới, sang trọng, tiền boire hậu hĩnh... 
- Người sành điệu trong ăn uống là người am hiểu về lĩnh vực ăn uống, biết chọn món ăn phù hợp theo thể trạng và sức khỏe của cá nhân mình, gia đình mình và xã hội mình đang sống; biết kết hợp món ăn thức uống một cách khoa học; biết chọn món ăn phù hợp theo vùng, theo mùa.
- Người sành điệu trong ăn uống là người ăn uống một cách từ tốn, lịch sự, tao nhã; biết chú ý, tôn trọng và thân mật cởi mở với những người cùng ngồi ăn; biết cách sử dụng dụng cụ ăn uống hợp lý, hợp vệ sinh; biết tiết chế được mình, nhất là khi ăn tự chọn. Người sành điệu trong ăn uống là người biết chọn địa điểm ăn có không khí trong lành, không gian đẹp, ấm cúng.
- Người sành điệu trong giải trí không phải là đắm chìm nghiện ngập trong cờ bạc, tửu sắc, suốt ngày la cà ở các quán bar, vũ trường..., mà là người chọn những hình thức giải trí lành mạnh, biết chơi thể thao, biết khiêu vũ, biết yêu các môn nghệ thuật, ham đọc sách, thích du lịch, biết hưởng thụ cuộc sống bằng chính công sức của mình làm ra.

4. Sành điệu trong tiếp nhận và lĩnh hội tri thức:
- Người sành điệu là người có tri thức rộng, hiểu biết nhiều lĩnh vực của cuộc sống, do đó luôn trau dồi tri thức của mình không chỉ ở trường lớp, mà phải cập nhật nguồn tin hàng ngày bằng các phương tiện truyền thông báo chí, truyền hình, Internet, và học ở thực tế đời sống.
- Người sành điệu là người thành thạo trong chuyên môn, làm việc có kế hoạch có phương pháp, có hiệu quả; nên luôn học hỏi, tìm tòi, nghiên cứu, suy ngẫm thật sâu thât kỹ về chuyên môn của mình.
- Người sành điệu là người thành đạt, là người biết chung sống, do đó trong lĩnh hội tri thức người sành điệu không chỉ học chữ, học nghề mà còn học kỹ năng sống để có khả năng thích nghi với nhu cầu và thách thức của cuộc sống hàng ngày như những kỹ năng tự nhận thức, tư duy sáng tạo, giải quyết vấn đề, kỹ năng giao tiếp ứng xử, ứng phó với các tình huống căng thẳng ...
- Vì phải tiếp nhận nhiều kiến thức, nên người sành điệu luôn chủ động trong phương pháp học tập, biết chọn lọc học những gì cần thiết để không bao giờ lạc hậu với thời cuộc. Điều quan trọng để chủ động tiếp cận tri thức là phải biết sử dụng các phương tiện hiện đại để hổ trợ như; Máy tính, Internet, máy ghi âm, ghi hình…

III. Ý nghĩa của việc sành điệu:

- Sành điệu giúp con người biết cách thể hiện trước đám đông, biết tạo nên sức hút, sức hấp dẫn và niềm tin yêu đối với mọi người, do vậy người sành điệu dễ dàng đạt được mục đích chinh phục của mình. 
- Người sành điệu không chỉ thông minh mà còn tinh tế, thường được coi là hình mẫu được mọi người khâm phục, ngưỡng mộ và làm theo.
- Đối với sự phát triển ngày càng cao của xã hội thì sành điệu được coi là tiêu chuẩn của sự thành đạt, của tài năng, là đích đến của người hiện đại; cũng được xem như là một trong rất nhiều phẩm chất quan trọng của thanh niên thời nay.

IV. Làm gì để trở thành người sành điệu:

Để trở thành người sành điệu cần chú ý đến những điều cơ bản sau: 
- Quan tâm đến ngoại hình: Cần học hỏi những quy tắc của thời trang để biết lựa chọn và sự phối hợp giữa trang phục và các phụ kiện sao cho phù hợp với vóc dáng, và phong cách mình theo đuổi. Học cách trang điểm cho phù hợp với khuôn mặt và hoàn cảnh. Cũng cần cập nhật và đổi mới để luôn phù hợp với xu thế của thời đại.
- Trau dồi kiến thức: Sành điệu là một giá trị sâu sắc, không chỉ thể hiện ở vẻ bề ngoài. Kiến thức sẽ làm nên sức mạnh nội tại, tạo những giá trị bền vững. Do đó phải thường xuyên học tập để nâng cao trình độ kiến thức của mình. 
- Rèn luyện phẩm hạnh, kỹ năng sống: Phẩm hạnh là cái gốc, còn kỹ năng sống là phương thức giúp người sành điệu biết chủ động và linh hoạt, biết sống bặt thiệp, hòa nhã, cởi mở và luôn chia sẻ với mọi người.
- Làm mới bản thân: Phải biết yêu quý bản thân mình, tự dành cho mình khoảng thời gian tĩnh lặng bằng những chuyến du lịch để lấy lại thăng bằng, nạp lại năng lượng, nâng cao hiểu biết về thế giới quanh mình.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét