Hình ảnh tuần duyên Trung Quốc và bản đồ khu vực Bãi Tư Chính trên Biển Đông. (Ảnh chụp màn hình Thanh Niên)
Trong gần 2 tuần nay, 9 tổ chức và gần 700 cá nhân đã và đang vận động chữ ký cho một văn bảnkêu gọi chính quyền Việt Nam “kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế” về tranh chấp ở Biển Đông.Một nhà nghiên cứu lâu năm về Biển Đông bình luận với VOA rằng việc đưa Trung Quốc ra tòa trọng tài quốc tế sẽ có lợi cho Việt Nam nhiều hơn là có hại, song ông cũng phân tích về 2 lý do có thể làm Việt Nam còn e ngại chưa tiến hành bước đi quyết đoán.
<!>
Thư kêu gọi được đưa lên mạng xã hội hôm 10/9 với những chữ ký đầu tiên của các nhân vật có nhiều ảnh hưởng như nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai, tiến sĩ Nguyễn Quang A, nhà văn Nguyên Ngọc, tiến sĩ Chu Hảo, nguyên Giám đốc Sở Tư pháp TP. HCM Võ Văn Thôn, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế TP. HCM Đào Công Tiến, và nhiều học giả, nhà hoạt động trong và ngoài nước, kể cả ở Mỹ, Pháp, v.v…
Bức thư xuất hiện trong bối cảnh 2 tháng đã trôi qua kể từ khi tàu khảo sát địa chất của Trung Quốc bắt đầu hoạt động tại Bãi Tư Chính nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam từ đầu tháng 7.
Trung Quốc đãThạc sĩ Hoàng Việt
Theo tìm hiểu của VOA, từ đó đến nay, tàu của Trung Quốc thực hiện 3 đợt khảo sát, gây ra một số cuộc đấu khẩu ngoại giao giữa hai nước láng giềng.
Có tin đợt khảo sát thứ 3 vừa kết thúc. Trang Facebook mang tên Dự án Đại sự ký Biển Đông cho biết đội tàu Trung Quốc gồm tàu Hải Dương Địa Chất 8 và 4 tàu hải cảnh hộ tống vào sáng sớm ngày 22/9 “bất ngờ rời khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam về Đá Chữ Thập”.
Thông tin trên được Dự án Đại sự ký Biển Đông đưa ra căn cứ vào dữ liệu trên hệ thống nhận dạng tự động tàu bè AIS, là hệ thống quốc tế nhận và phát tín hiệu qua vệ tinh để thông báo về vị trí, tốc độ, hướng đi, tên tàu, số nhận dạng, kích thước tàu, v.v…
“Đây là lúc thuận lợi nhất để kiện Trung Quốc ra toà án quốc tế”, một đoạn trong thư của 9 tổ chức và gần 700 cá nhân viết, đồng thời thư nhấn mạnh rằng “đã đến lúc không thể nhân nhượng để cầu mong yên bình trước sự thách thức ngang ngược của nhà cầm quyền Trung Quốc đối với chủ quyền quốc gia”.
Bức thư kêu gọi chính quyền Việt Nam thực hiện 3 việc gồm kiện nhà cầm quyền Trung Quốc về việc nước này “xâm phạm quyền lợi kinh tế biển của Việt Nam ở Biển Đông”, bên cạnh đó là đòi họ “trả lại các đảo” của Việt Nam thuộc quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà Trung Quốc đã cưỡng chiếm bằng vũ lực, và nâng quan hệ đối tác toàn diện với Mỹ thành “đối tác chiến lược toàn diện”.
Thạc sĩ luật quốc tế Hoàng Việt, một nhà nghiên cứu lâu năm về Biển Đông, nói với VOA rằng trong hai yêu cầu đầu tiên mà những người vận động đưa ra, việc kiện đòi Trung Quốc tôn trọng lợi ích của Việt Nam có tính khả thi hơn.
Nhà nghiên cứu Hoàng Việt giải thích rằng việc đòi Hoàng Sa, Trường Sa là tranh chấp về chủ quyền, lãnh thổ, do đó nếu Việt Nam muốn đưa Trung Quốc ra tòa về vấn đề này, nước láng giềng phương bắc phải đồng ý là một bên trong vụ kiện thì một tòa án quốc tế mới có thể xét xử. “Nhưng đó là điều khó khăn vì Trung Quốc luôn luôn từ chối đưa ra tòa”, thạc sĩ Hoàng Việt nói.
Ngược lại, Việt Nam hoàn toàn có thể “đạt hiệu quả” nếu làm tương tự như Philippines là kiện Trung Quốc tại tòa trọng tài quốc tế để yêu cầu đất nước có hơn 1,4 tỉ dân phải tuân thủ Công ước về Luật biển LHQ, trong đó phải tôn trọng vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và dừng các hành vi xâm phạm, ông Hoàng Việt nói với VOA.
Trong trường hợp này, dù Trung Quốc từ chối ra tòa, phiên tòa vẫn có thể thiết lập được và ra phán quyết được, theo thạc sĩ Hoàng Việt.
Lưu ý rằng dù phán quyết tại tòa trọng tài dù “không có giá trị thi hành” vì không có cơ quan quốc tế bắt buộc thi hành án, song nhà nghiên cứu Biển Đông này cho rằng Việt Nam vẫn có lợi nếu làm như vậy.
Dẫn lại phán quyết của tòa quốc tế hồi tháng 7/2016 về vụ Philippines kiện Trung Quốc, ông Hoàng Việt nói dù Trung Quốc tuyên bố không công nhận giá trị của phán quyết song Trung Quốc kể từ đó đã phải đối phó rất nhiều.
Ông nói thêm:
“Trong tuyên bố gần đây nhất, của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Cảnh Sảng, ngày 18/9, họ không nhắc đến yêu sách đường 9 đoạn/đường lưỡi bò nữa. Có lẽ Trung Quốc thấy rằng phán quyết của tòa bác bỏ đường này, và đường này hoàn toàn vô lý, nên Trung Quốc thay đổi chăng. Thứ hai, có rất nhiều giới chức Trung Quốc ở nhiều tầng lớp khác nhau, mức độ khác nhau phải tìm cách chống lại phán quyết này, và điều đấy cũng khiến cho Trung Quốc bị mệt mỏi rất nhiều”.
Một điểm lợi khác mà Việt Nam có thể xem xét, theo nhận định riêng của thạc sĩ Hoàng Việt, là Trung Quốc đã phải “xuống thang rất nhiều” sau phán quyết. Trước đây, Trung Quốc khẳng định toàn bộ vùng Scarborough thuộc chủ quyền nước này, nhưng kể từ khi có phán quyết, Tổng thống Duterte của Philippines đã có lợi thế để đàm phán về khai thác dầu khí chung ở vùng biển nêu trên.
“Nếu không có phán quyết, còn lâu ông Duterte mới có thể đàm phán với Trung Quốc trên vùng biển này được. Nói gì thì nói, phán quyết vẫn có tác động của nó”, nhà nghiên cứu Hoàng Việt nói với VOA.
Thư kiến nghị của 9 tổ chức và gần 700 cá nhân cho rằng các động thái phản ứng của Việt Nam về việc Trung Quốc tiến hành khảo sát ở Bãi Tư Chính cũng như chưa kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế cho thấy sự “yếu ớt” của Việt Nam.
Từ góc nhìn của nhà nghiên cứu, thạc sĩ Hoàng Việt bình luận với VOA rằng Việt Nam đang ở vào thế khó vì có 2 điều cản trở. Ông giải thích thêm:
“Lý do thứ nhất, là lý do lớn, là sức ép và sự đe dọa trả đũa từ Trung Quốc. Trung Quốc đã gây sức ép với Philippines rất là mạnh. Chắc chắn với Việt Nam, Trung Quốc sẽ làm mạnh và còn căng thẳng hơn. Điều đấy cũng chứng tỏ một điều là nếu Trung Quốc không coi phán quyết của tòa là cái gì, tại sao Trung Quốc lại phải lo ngại khi Việt Nam có thể khởi kiện. Thứ hai, một số người ở Việt Nam cho rằng trong tuyên bố về đường cơ sở năm 1982 của Việt Nam, nó còn có một số vấn đề”.
Cụ thể, theo ông Hoàng Việt, Việt Nam công bố đường cơ sở trên biển vào tháng 11/1982, một tháng trước khi Công ước về Luật biển LHQ được ký kết, nhưng đường cơ sở này vấp phải sự phản đối của 10 nước trong đó có Trung Quốc, Thái Lan và Campuchia vì một số điểm mốc không phù hợp, hay một số viện dẫn lịch sử của Việt Nam, nhất là gắn với Vịnh Bắc Bộ, đã bị “lạc hậu”. Đây là những điểm yếu mà Trung Quốc có thể tìm cách khai thác để chống lại vụ kiện tiềm tàng của Việt Nam, ông Hoàng Việt đưa ra ý kiến.
Những người khởi xướng bức thư kiến nghị Việt Nam kiện Trung Quốc chưa đặt ra hạn chót sẽ gửi thư đến chính quyền Việt Nam.
Trong khi đó, hôm 21/9, Phó thủ tướng Việt Nam Vũ Đức Đam đã gặp Phó thủ tướng Trung Quốc Hàn Chính nhân Hội nghị thượng đỉnh thương mại-đầu tư Trung Quốc-ASEAN tại Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc.
Nói về Biển Đông, Phó Thủ tướng Đam “đề nghị Trung Quốc tôn trọng quyền và lợi ích chính đáng của Việt Nam, không để tiếp diễn tình hình phức tạp trên biển”.
Đáp lại, Phó thủ tướng Trung Quốc Hàn Chính khẳng định coi trọng phát triển quan hệ láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện với Việt Nam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét