Nhìn Ra Bốn Phương

Chủ Nhật, 1 tháng 9, 2019

Nghệ thuật sống sót - Nguyễn Ngọc Tư


(Địa phủ phát hành cho những linh hồn lỡ lấy vé đầu thai làm người Kỳ Cục)

1. Nói chuyện ăn trước, bởi có thực mới giựt được tùm lum. Ở Kỳ Cục, không ăn thì chết đói, ăn thì bạn sẽ ăn hải sản ướp phân u rê, phở nhồi phộc môn, cá khô tưới thuốc sâu, gạo tẩm thuốc chống mọt, thịt heo thấm đượm chất tạo nạc, rau xanh tưới dầu nhớt siêu mướt, xưởng tương ớt làm ở chuồng gà, khô bò sản xuất trong nhà máy nhựa, rượu chỉ từ nước lã hòa với cục men nước Lọa. Chỉ còn cách sắm miếng đất, tự trồng mà ăn, nhưng nhiều khả năng sống không yên với hàng xóm, họ nghĩ bạn đang nuôi sâu bọ phá vườn ruộng họ. Nói chung, đằng nào thì bạn cũng quay lại địa phủ sớm, không nên mang hành lý chi nhiều.<!>
2. Giờ tới chuyện học. Không đi học bạn dốt là cái chắc, mà đi học thì nhiều khả năng bị cô giáo mẫu giáo giẫm đạp như thiên hạ giặt mùng mền đón Tết, không thì bị buộc dây vô góc phòng để khỏi chạy lung tung xèng ảnh hưởng việc lướt fây búc của các cô. Nói chung, ở tuổi đó bạn không có đường đỡ, hên/xui thôi. Lên cấp một, bạn cứ chơi trong lớp, đừng ra sân trường chạy nhảy tránh xe hơi hiệu trưởng tông vô.. Ngồi trong lớp tốt nhất ngồi im như tượng, bởi lỡ gây lỗi vặt, cô giáo bạn có thể hoặc đích thân hoặc lệnh cho bạn học tát bạn xéo mỏ rớt răng mắt sụt xuống hai mi li mét so với vị trí ban đầu. Nhưng nói đi cũng phải nói lại, Nọ cũng còn nhiều thầy cô giáo lương tâm tốt ròng tấm lòng tốt mịt, và một lần nữa phải nhắc lại, mọi thứ nằm trong hai chữ: hên/xui.

3. Tai nạn, nó có thể ở khắp mọi nơi ở cái xứ sở bạn sắp đầu thai. Tai nạn vì xe cộ là bèo quá rồi, ngày nào không có một đoàn sứt đầu mẻ trán kéo xuống địa phủ. Giờ người ta còn đuối nước trên những con đường nội thành sau mưa, té hàng rào rì sọt trong lúc leo qua đó ra bãi biển vớt rong về nấu canh, thậm chí ngồi trong nhà gạch trùm mền với vợ (hoặc chồng), bạn cũng gặp nguy vì đập nhân tạo trên núi vỡ gây lũ quét cùng đá lở. À, nhắc tới đập, bạn đừng quên đập thủy điện lủ khủ ở Kỳ Cục, tốt nhất đừng sống ở hạ nguồn. Nhưng thượng nguồn thì toàn núi đá, bạn nên học khỉ cách trèo cây hái trái mà sống. Và sống được hay không tùy vào lâm tặc. Nói chung cũng hên xui.

4. Làm dân cày thì nghèo, nhưng làm quan khổ lắm, phải nuôi heo, chăn bò, bán chuối chiên để xây biệt phủ dát vàng. Để kiếm khoản tiền ngoài lương cho vợ ăn sáng bên Sing, con đi Dubai làm tóc, quan phải làm lụng sút móng chớ không phải vừa, nhưng đây là vinh hạnh lớn, bạn nếu mắc kiếp dân cày thì muốn cũng không được. 

Nói chung, u uất là một khổ nạn riêng dành cho dân cày Kỳ Cục, nhưng tỉ lệ bạn cầm vé đầu thai vô nhà ấy rất cao. Hãy học thiền ngay. Thiền sẽ giúp bạn không ức hộc máu mà đi chầu Diêm chúa sớm, bởi miếng đất ở gần trăm năm bỗng dưng bị thu hồi, ruộng đang mần bị lấy làm sân gofl, biển đang tắm bị rì sọt bao dí, đường đang đi họ dựng trạm thu phí. Nói chung, mần dân, nếu hông tức bể phổi thì cũng nổi khùng thôi. Chia buồn với bạn !

5.. Chuyện bạn sống chung với đồ giả là không tránh khỏi. Heo giả thịt bò, cao su giả khô mực, đường bê tông cốt tre giả cốt thép, tham quan giả thanh liêm, con bạc giả cảnh sát, kẻ thù kế bên nhà giả làm bạn hiền kêu cho mượn tiền rồi lấy đất xiết nợ. Ở xứ xài đồ giả riết quen, không chịu được đồ thiệt nên xu hướng phá tanh bành xí bẹ ra để làm giả lại. Bạn phải làm quen, đừng có buồn quá đi mua thuốc chuột tự tử, nhằm chai thuốc giả ngoài nước sông ra không có cái chất khỉ khô gì. 

Sống sót ở xứ Kỳ Cục, dĩ nhiên không chỉ phụ thuộc vào năm điều cốt yếu kể trên đây, nó còn tùy thuộc vào bạn là ai, bạn sống ở đâu. Thí dụ như bạn sống nhà lầu có nguy cơ cháy không đường chạy, còn sống gầm cầu thì ai biết cây cầu cốt sắt hay cốt cây sậy. Bạn đau bụng gió bác sĩ cắt nhầm cái thận, còn bạn mạnh cùi cụi chẳng bịnh gì thì một cú lọt ống cống (họ quên đậy nắp) cũng thành Bảy Cụt như chơi. Nên bí quyết đắt giá nằm trong hai chữ : hên/xui. Hai chữ đó quyết định sống còn thành bại của bạn, và hưởng dương hay hưởng thọ cũng do nó mà nên. 

Nên chúc bạn may mắn với cuộc đi lành ít dữ nhiều này. Hãy nhớ cánh cổng địa phủ lúc nào cũng chào đón bạn quay trở lại.

Nguyễn Ngọc Tư

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét