Biểu tình đòi dân chủ tiếp diễn tại Hồng Kông với một khẩu hiệu của phong trào phản kháng: "Chúng tôi muốn có dân chủ". Ảnh chụp ngày 02/09/2019.REUTERS/Kai Pfaffenbach Bạo lực leo thang tại Hồng Kông: Liệu có Bắc Kinh nhượng bộ giới trẻ khao khát tự do lên tuyến đầu chống độc tài Trung Quốc? Nước Ý hy vọng thoát khủng hoảng chính trị? Một năm học mới và cải cách mới tại Pháp sẽ êm xuôi? Đó là những chủ đề chính trên báo Pháp hôm 02/09/2019.<!>
Tuổi trẻ Hồng Kông trước chiếc bẫy bạo lực
Đối đầu với Bắc Kinh và đàn áp, giới trẻ Hồng Kông kiên định đến cùng. La Croix giới thiệu một số gương mặt sinh viên thanh niên trong phong trào dân chủ đang bị chính quyền dọa nạt. Với tấm ảnh hàng rào cảnh sát và lửa khói trên đường phố, Le Figaro khẳng định « phong trào chống Bắc Kinh quyết liệt hơn với thành phần trẻ khao khát tự do và bất khuất trên tuyến đầu ».
Trước hết, nhật báo Công Giáo La Croix trở lại hai ngày biểu tình cuối tuần dẫn đến xung đột dữ dội với cảnh sát : rào cản bốc lửa, bom xăng, lựu đạn cay… trung tâm Hồng Kông rối loạn đến nửa đêm thứ bảy 31/08. Đó cũng là ngày mà cách nay 5 năm, Bắc Kinh từ chối tổ chức bầu cử tự do theo lối phổ thông đầu phiếu tại Hồng Kông sau hơn hai tháng đương đầu với phong trào Dù Vàng.
Tình hình căng thẳng hiện nay cũng là chuyện nhân quả. Bởi vì Hoàng Chi Phong, gương mặt sinh viên dấn thân hiện nay, lúc đó là lĩnh tụ học sinh 15 tuổi. « Bề dầy » 5 năm tranh đấu, với mấy lần ra toà và bản án hai tháng tù cho phép anh, cùng với nhiều bạn trẻ cùng lứa, trong đó có Agnes Chow (sinh năm 1996) và Nathan Law, thành lập đảng « Dân chủ và Kháng chiến ». Với tổ chức này, Nathan Law đắc cử dân biểu vào năm 23 tuổi, đại biểu trẻ nhất trong viện lập pháp.
Tối thứ sáu, sau khi được thả sau nhiều giờ bị câu lưu cùng với Agnes Chow, Hoàng Chi Phong kêu gọi « Toàn dân Hồng Kông cùng tranh đấu, chúng ta không bao giờ lui bước ».
Nếu Hoàng Chi Phong và đảng « Dân chủ và Kháng chiến » chỉ chủ trương « Hồng Kông tự trị », thì một khuôn mặt tranh đấu khác là Andy Chan, rút bài học « Dù vàng » 2014, cho là phong trào của « đàn anh » thiếu kiên định. Andy Chan lập đảng Dân Tộc với mục tiêu « đòi độc lập » hẳn hoi.
Cũng như đồng nghiệp La Croix, nhưng súc tích hơn với bốn bài tường thuật, nhật báo thiên hữu Le Figaro cho biết phong trào dân chủ Hồng Kông, tuy được đa số dân cư hưởng ứng nhưng phong trào này gây phân hóa xã hội, gây căng thẳng trong một số gia đình : trẻ muốn dân chủ, già thì sợ hậu quả bất lợi cho kinh tế. Có người còn cho là « bọn trẻ bị Mỹ xúi dại ». Trong xã hội, thiểu số giàu có thân giới chính trị cầm quyền và thân Bắc Kinh trong khi đa số thuộc thành phần trung lưu, ủng hộ dân chủ, ghét Bắc Kinh và rất chống cộng sản.
Chiến thuật xe cán đá của Tập Cận Bình
Tình hình này sẽ đi về đâu ? Bài xã luận của Le Figaro với tựa « bánh xe hủ lô » phân tích thế kẹt của Tập Cận Bình nếu chấp nhận nhượng bộ tại Hồng Kông.
Trừ phi có một « hạt cát » nào đó có thể làm chiếc hủ lô của Tập Cận Bình đổi hướng, khì khó có thể Bắc Kinh nhượng bộ Hồng Kông. Từ ba tháng nay , 7 triệu dân Hồng Không thách thức « hoàng đế đỏ », kẻ tự cho là cai trị 1,4 tỷ dân Hoa Lục với bàn tay sắt, và trong đó có 7 tỷ người Hồng Kông mỗi cuối tuần xuống đường bảo vệ « chế độ » tự do của mình, đang bị Bắc Kinh gặm nhắm.
Bất chấp lời hứa tôn trọng quy chế « một quốc gia , hai chế độ » cho đến 2047, Tập Cận Bình nhất định không tha thứ một hành động chống lại « chủ quyền » của Bắc Kinh ở Hồng Kông hay Đài Loan. Ông ta rút bài học Liên Xô tan rã, bất cứ một dấu hiệu « mềm yếu » nào cũng có thể đưa đến sự sụp đổ của một đế chế. Do vậy, nền kinh tế tư bản phải do chế độ độc tài mang dấu ấn Mao kiểm sóat. Trung Quốc dựng lên một chế độ hoàn toàn trái ngược với mô hình phát triển của các đại cường dân chủ trên thế giới mà Bắc Kinh cho là đang « suy đồi » để dễ dàng áp đặt một chế độ độc tài lên đầu dân Hoa Lục.
Do vậy, « chế độ thứ hai » tại Hồng Kông có thể làm rạn nứt « tính chính đáng » của chế độ độc tài tại Trung Quốc. Trong bối cảnh Bắc Kinh muốn áp đặt luật Trung Quốc tại Hồng Kông thì người dân đặc khu đứng lên bảo vệ « hệ thống tư pháp, báo chí và các quyền tự do cá nhân ». Nếu Tập Cận Bình chấp nhận các đòi hỏi này thì ông ta sẽ giải thích ra sao với người dân Hoa Lục ?
Vì thế mà Tập Cận Bình chọn giải pháp để cho tình hình tự rữa nát dần: đối lập Hồng Kông bị tống vào nhà tù hoặc bị côn đồ các tổ chức xã hội đen thân Bắc Kinh đánh đập làm cho người biểu tình uất ức lên và trở thành cực đoan hơn. Thâm ý của Bắc kinh là tạo điều kiện để một ngày nào đó có lý do « can thiệp » mạnh.
Khủng hoảng Ý : Đủ rồi nhé ! (Beppe Grillo, cha đẻ đảng 5 Sao)
Về thời sự quốc tế, Les Echos đánh cược nước Ý sẽ thóat được khủng hoảng chính trị. Đâu là những yếu tố cho phép nhật báo kinh tế tương đối lạc quan ?
Theo Les Echos, Ý sắp khỏi bế tắc. Trước hết, tổng thống Ý đã tỏ ra không thể tiếp tục nhẫn nại nhìn lãnh đạo đảng 5 Sao Luigi Di Maio mặc cả ghế phó thủ tướng với đảng Dân Chủ. Ông kỳ hẹn cuối tuần này phải có chính phủ mới theo một lịch trình mà tổng thống đã ủy nhiệm cho thủ tướng Giuseppe Conte. Tham vọng cá nhân của lãnh đạo 5 Sao là chướng ngại sau cùng.
Thế mà, trong đảng, uy tín của ông đã giảm rất nhiều. Ngay người sáng lập đảng 5 Sao và cũng là người bảo trợ cho Luigi Di Maio cũng bất bình. Chủ tịch đảng dân túy cho đến 2017, nghệ sĩ hài Beppe Grillo công khai tuyên bố : Đủ rồi Luigi. Đừng có đòi hỏi về số ghế bộ trưởng nữa, cũng như bao nhiêu điểm trong cương lĩnh thỏa hiệp. Chúng ta có một cơ hội ngàn năm một thuở để tập hợp các sáng kiến và ước mơ một chân trời mới trong 10 năm ».
Lời khuyến cáo này rất đúng bởi vì nếu bầu lại nghị viện là rơi vào kế của phe cực hữu, đang ở thế mạnh, chực chờ cơ hội để nắm hết chính quyền.
Đổi cách ăn uống để cứu Amazon ?
Trong bối cảnh rừng Amazon tiếp tục cháy, cơn bão dữ Dorian với cơn gió mạnh 350 km/giờ đe dọa Bahamas và Florida, La Croix đưa ra một sáng kiến mới « hành động vì Amazon » còn Le Monde bắt đầu loạt bài « làm sao nuôi sống 10 tỷ dân địa cầu » ?
Đối với nhật báo La Croix, không nên quan tâm đến xung khắc Pháp- Brazil vì các giải pháp ngoại giao đều bế tắc. Trong khi chờ đợi một ngày nào đó Liên Hiệp Quốc có quyền can thiệp vào nội tình một thành viên để bảo vệ môi trường, hiện thời, vũ khí hiệu quả nhất để cảnh cáo Brazil là thương mại. Một nhóm dân biểu Pháp và nhiều tổ chức Phi Chính Phủ kêu gọi trừng phạt chống nhập khẩu thịt bò và đậu nành của Brazil. Nhưng công luận mới là áp lực mạnh nhất. Nếu người dân châu Âu không ăn thịt bò và đòi phải được thông báo đậu nành nuôi gà đến từ nước nào thì giới chính trị và doanh nghiệp không thể thụ động ngồi yên.
Le Monde đưa độc giả sang Hà Lan, chặng thứ nhất, nơi mà công nghiệp chăn nuôi đại quy mô đã trở thành gương mẫu : để bảo đảm cho 10 tỷ người không thiếu lương thực phải thay đổi tận gốc cách sản suất và cách tiêu dùng.
Thời sự Pháp nổi bật hôm nay là ngày tựu trường. Les Echos nhấn mạnh đến lòng mong đợi chính phủ thực hiện lời hứa tăng lương thêm 300 euro cho mỗi giáo chức. Liberation nhấn mạnh đến « 5 công trình » phải thực hiện : tăng lương, đào tạo chuyên môn, chương trình giáo dục ưu tiên ở những khu vực khó khăn, giảm phân nửa sĩ số học sinh mỗi lớp hai năm đầu và nhất là chương trình trung học cấp 3 cải cách, chuẩn bị cho lối thi Tú tài mới 2021.
Steve Bannon và móng vuốt Tập Cận Bình
Trở lại cuộc thương chiến Mỹ-Trung, Le Monde giới thiệu cuốn phim « Móng vuốt rồng đỏ » (Claws of the Red Dragon) của Steve Bannon, nguyên là cố vấn chiến lược của Donald Trump. Nhân vật chống Trung Quốc ra mặt dùng màn ảnh nhỏ để đánh tập đoàn Hoa Vi .
Xung khắc Mỹ-Trung và Hoa Vi , phim dài nhiều tập sẽ là đề tài của một cuốn phim dành cho truyền hình mà người sản xuất là Steve Bannon. Tựa phim Móng vuốt rồng đỏcũng đủ nói lên thông điệp của « cuốn phim truyện hư cấu » về chính sách bá quyền của Trung Quốc, với các tài tử hạng B cúa truyền hình Mỹ.
Cuốn phim bắt đầu với sự kiện có thật là Mạnh Vãn Châu, giám đốc tài chính Hoa Vi bị bắt tại Canada vào tháng 12/2018. Phần còn lại, với những tình tiết gay cấn từ thủ đoạn ngoại giao, hù doạ nhà báo, những cái chết mờ ám… được giới thiệu là dựa trên « các tư liệu ».
Giá trị của « 25 tập tài liệu » không rõ hư thực ra sao, nhưng một số tài liệu này trích từ nguồn Trump@War tán dương tổng thống Donald Trump là một người có bản lĩnh cho dù « ông cố vấn » bị chủ nhân Nhà Trắng đã cho thôi việc ngay trong tháng đầu sau khi tuyên thệ.
Đối với Steve Bannon, « đảng Cộng Sản Trung Quốc là mối đe dọa nguy hiểm lớn nhất mà phương Tây chưa bao giờ gặp. Hoa Vi là cánh tay vũ trang trong lãnh vực công nghệ cao và viễn thông ».
Cuốn phim này sẽ được chiếu đầu tiên tại Canada vào giữa tháng 9 trên đài NTD, Tân Đường Triều, thuộc phong trào Pháp Luân Công.
Tin rằng cuộc chiến tranh kinh tế Mỹ-Trung sẽ là chủ đề chính trong kỳ bầu cử Mỹ sắp đến, Steve Bannon hy vọng cuốn phim « Móng vuốt Rồng đỏ » sẽ được chiếu trên nhiều đài khác để « thuyết phục khán giả » trong đó có một người đặc biệt : Donald Trump.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét