Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 23 tháng 9, 2019

Dự án Di Sản VNCH / Lịch Sử Người Mỹ Gốc Việt - Triều Giang thực hiện

image.png image.png
Hình trái: Tiến sĩ Giáo sư Tường Vũ phát biểu trong buổi lễ ra trường của sinh viên trong ngành Á Châu học vào tháng 6 năm 2016. Hình phải: Mặt tiền của Đại học Oregon
LTG: Lịch sử chiến tranh Việt Nam và nguồn gốc của người Mỹ gốc Việt đã và đang bị ngộ nhận trên 40 năm qua bởi sự tuyên truyền của nhóm sử gia phản chiến cũng như CSVN tại học đường và xã hội Hoa Kỳ, Trung Tâm Á Châu Học của Đại Học Oregon và Hội Bảo Tồn Lịch Sử Người Mỹ Gốc Việt (VAHF) được sự khuyến khích và hỗ trợ đặc biệt của một số cựu viên chức chính phủ VNCH, đã chính thức hợp tác để hòan thành dự án Di sản Việt Nam Cộng Hoà/Lịch sử người Mỹ gốc Việt với mục tiêu khuyến khích và đào tạo các sử gia trẻ  nghiên cứu và viết về lịch sử Việt Nam, về chiến tranh Việt Nam  và Lịch sử người Mỹ Gốc Việt. 
<!>
Dự án sẽ kéo dài trong vòng 5 năm để hoàn thành 3 cuốn sách dành cho giới nghiên cứu, sách giáo khoa Trung học và Đại học, và cho đại chúng. Để phổ biến những nghiên cứu của mình, những sử gia trẻ này còn được khuyến khích tham dự và trình bày tại những cuộc hôi thảo chuyên ngành hàng năm tại các Trung tâm nghiên cứu về chiến tranh Việt Nam như Vietnam Center và tại Hiệp Hội Các Sử Gia Về Quan Hệ Đối Ngoại Của Mỹ ( Society for Historians of American Foreign Relations (SHAFR). Đây là một bước tiến quan trọng của nỗ lực trả lại sự thật cho lịch sử chiến tranh VN, và công bằng cho VNCH được rất nhiều người trong cộng đồng người Việt quan tâm. Để tìm hiểu vấn đề một cách sâu rộng hơn, chúng tôi đã liên lạc với Giáo sư Tiến Sĩ Tường Vũ hiên là Giám Đốc Trung Tâm Á Châu Học của Đại Học Oregon và cũng là người trực tiếp điều hành Dự Án để thực hiện cuộc phỏng vấn dưới đây, mời độc giả theo dõi.
Triều Giang::  Xin Gs cho biết mục đích của Dự án Di sản Việt Nam Cộng Hoà/Lịch sử người Mỹ gốc Việt ?
Gs. Tường Vũ: Chủ trương của Dự án là khuyến khích việc nghiên cứu nghiêm túc và nâng cao hiểu biết về lịch sử Việt nam Cộng hoà và lịch sử người Mỹ gốc Việt.
Những công trình nghiên cứu về Việt nam Cộng hoà của người Mỹ không thiêú nhưng phần lớn bị ảnh hưởng bởi phong trào phản chiến nên có quan điểm miệt thị Việt nam Cộng hoà như một con rối của Mỹ: chính quyền thì tham nhũng độc tài, quân đội thì hèn nhát, xã hội miền Nam chỉ toàn buôn lậu, ma cô và đĩ điếm chẳng hạn. Quan điểm một chiều của phần lớn nhà nghiên cứu không khác mấy với tuyên truyền của cộng sản Hà nội về Việt nam Cộng hoà.
Trong khi đó, những tác phẩm nghiên cứu về người Mỹ gốc Việt rất ít, và phần lớn do các học giả trong ngành học về người Mỹ gốc Á châu (Asian-American studies) viết. Các tác phẩm này thường chỉ nhìn cộng đồng người Việt ở Mỹ với con mắt thương hại, coi người Mỹ gốc Việt là nạn nhân của “đế quốc Mỹ.” Nhưng không phải Mỹ xâm lăng Việt nam khiến người Việt phải bỏ nước ra đi; ngược lại, họ không thể chấp nhận sống với cộng sản và tin vào những giá trị phổ quát của nhân loại là tự do, dân chủ và nhân quyền.
Lịch sử của người Mỹ gốc Việt sẽ hoàn toàn bị lệch lạc nếu không nhắc đến cộng sản. Trong 80 năm cầm quyền, chế độ cộng sản đã tước đoạt tài sản và tự do của dân chúng, đàn áp tôn giáo, bịt miệng trí thức, trả thù quân cán chính Việt nam Cộng hoà. Người Việt tị nạn bỏ nước ra đi dù phải trả giá rất đắt. Vì không hiểu đúng lý tưởng tự do và lý do người Việt tị nạn bỏ nước ra đi, giới học giả và truyền thông Mỹ thường ngộ nhận là cộng đồng người Việt hải ngoại chống cộng một cách mù quáng. Điều này cũng giống với tuyên truyền của cộng sản Hà nội về người Mỹ gốc Việt.
Sự thiếu vắng nghiên cứu và hiểu biết lệch lạc về lịch sử Việt nam Cộng hoà và lịch sử người Mỹ gốc Việt là rất rõ ràng, và là lý do cộng đồng người Việt hải ngoại cần có sách viết về lịch sử của mình với cái nhìn khách quan và không có thái độ miệt thị hay thương hại.
Triều Giang: Theo ý kiến của Gs. thì dự án này có quá trễ khi mà lịch sử của VNCH, chiến tranh VN và sự có mặt của người Việt hải ngoại đã bị bóp méo, bị xuyên tạc quá nhiều và quá lâu?
Gs. Tường Vũ: Tôi nghĩ trong cái dở có cái hay. Với thời gian, nhiều sự thật lịch sử được tiết lộ giúp cho chúng ta có đầy đủ chứng cớ hơn. Tôi nghĩ dự án này ra đời đúng thời điểm với hàng loạt nghiên cứu mới nhất về chiến tranh Việt nam đã được xuất bản trong một thập kỷ qua buộc giới sử gia phải đánh giá lại cuộc chiến và vai trò của Việt nam Cộng hoà. Dù có ai đó muốn phủ nhận chúng ta bây giờ cũng không được vì chúng ta có chứng cớ rất mạnh.
Triều Giang: Xin Gs. Cho biết chương trình làm việc của dự án?
Gs. Tường Vũ: Dựa trên chủ trương trên, dự án có ba chương trình cụ thể như sau:
Một là: thành lập quỹ học bổng để mỗi năm cung cấp một học bổng hậu tiến sĩ cho một tân tiến sĩ ngành lịch sử để nghiên cứu lịch sử Việt nam Cộng hoà và lịch sử người Mỹ gốc Việt. Học bổng này sẽ giúp vị tân tiến sĩ này có cơ hội và kinh nghiệm làm việc cũng như chuẩn bị chuyên môn tốt hơn để có thể giành được một vị trí giáo sư đại học ngành lịch sử Việt nam hay lịch sử người Mỹ gốc Á châu (Asian-American studies).
Hai là: thành lập một quỹ tài trợ cho các học giả trẻ có cơ hội trình bày nghiên cứu của họ về lịch sử Việt nam Cộng hoà và lịch sử người Mỹ gốc Việt ở những Hội thảo quan trọng dành cho các học giả Mỹ về đề tài trên.
Ba là: mời gọi các học giả nghiên cứu và đóng góp vào 3 quyển sách (viết bằng Anh ngữ và xuất bản cả tiếng Anh và bản dịch Việt ngữ): hai hàn lâm và một đại chúng. Hai quyển sách hàn lâm, một về lịch sử Việt nam Cộng hoà và một về lịch sử người Mỹ gốc Việt, nhằm đề ra những hướng nghiên cứu mới có giá trị gây chú ý trong giới học giả đại học, nâng cao sự hiểu biết có hệ thống và khách quan về hai đề tài này, thay thế dần những sách vở có thái độ miệt thị làm lịch sử của chúng ta bị hiểu và dạy sai lạc. Quyển sách thứ ba nhằm phục vụ đại chúng kể cả học sinh trung học về chủ đề lịch sử người Mỹ gốc Việt. Nội dung sách bắt đầu từ cuộc chiến tranh Việt nam đến khi di tản, tị nạn, và định cư ở Mỹ. Vì không phải sách hàn lâm, quyển sách này sẽ được viết với lối văn sinh động, kèm theo nhiều hình ảnh sống động về lịch sử cộng đồng người Mỹ gốc Việt để thu hút các bạn trẻ. Sách có hai hình thức: sách giấy và sách đọc trên mạng. Sách có thể dùng trong trường phổ thông hay cho việc tra cứu của độc giả phổ thông.
Chúng tôi hy vọng 3 quyển sách trên sẽ ra đời trong 5 năm tới để phục vụ cộng đồng.
Triều Giang: Điều mà cộng đồng người Việt buồn phiền nhất là nhà trường tại Hoa Kỳ đã và đang dạy những bài học sai sót, có những thế hệ học sinh, sinh viên bây giờ đã trở thành trung niên và họ không muốn con cái họ và cả những thế hệ sau này phải tiếp tục học những bài lịch sử sai sót đó, theo Giáo sư thì những cuốn sách này có thể trở thành những sách giáo khoa hoặc là những sách tham khảo cho những sách giáo khoa trong các trường học hay không?
Gs. Tường Vũ: Tôi nghĩ những cuốn sách mà dự án thực hiện sẽ có đủ điều kiện để được dùng trong nhà trường cấp đại học và trung học cho mục đích tham khảo và cung cấp kiến thức nền tảng cho học sinh sinh viên. Nếu chúng ta có khả năng tài chính có thể biến sách thành một loại tài liệu trên mạng không thu phí (free online resource) có thêm phần hướng dẫn soạn bài, câu hỏi bài thi, phim ảnh dùng cho bài giảng, v.v… giúp cho các thầy cô trung/đại học dạy học thì họ sẽ thích dùng hơn.
Triều Giang: Giáo sư có thể cho biết vai trò và chương trình làm việc của Trung tâm Á Châu Học tại Đại học Oregon mà Gs. đang giữ vai trò Giám Đốc?
Gs. Tường Vũ: Chương trình Á Châu học (Asian Studies Program) ở trường Đại học Oregon ra đời từ năm 1942 là một chương trình liên ngành khoa học xã hội và nhân văn tập trung vào Á châu. Chúng tôi có nhiều học giả rải rác nhiều ngành học (địa lý, lịch sử, chính trị, văn chương, ngôn ngữ, nghệ thuật) nghiên cứu về Nhật bản, Trung quốc, Hàn Quốc/Bắc Hàn, Đông nam Á, và Nam Á. Chương trình Á Châu học kết nối các hoạt động và lớp học của họ. Chương trình cấp bằng cử nhân và cao học về Á Châu Học, và tổ chức các hoạt động ở trường như hội thảo có liên quan đến Á châu.
Ngoài Chương trình Á Châu học, ở trường Đại học Oregon còn có Trung Tâm Nghiên cứu về Á Châu và Thái Bình Dương (Center for Asian and Pacific Studies). Trung Tâm này là nơi tổ chức và tài trợ các hoạt động nghiên cứu tập thể hay cá nhân của các giáo sư trong trường có liên hệ đến khu vực Á châu-Thái Bình Dương. Chương trình này nhận tài trợ của chính phủ liên bang, tiểu bang, và các quỹ nghiên cứu của Nhật Bản và Hàn quốc, do Viện Nghiên Cứu Toàn Cầu (Global Studies Institute) quản lí.
Dự án Di sản Việt nam Cộng hoà/Lịch sử người Mỹ gốc Việt cũng do Viện Nghiên Cứu Toàn Cầu quản lí về mặt pháp nhân và tài chính. Viện Nghiên Cứu Toàn Cầu tập hợp nhiều tổ chức, trung tâm, và dự án nghiên cứu của nhiều vùng trên thế giới. Viện do một Phó Chủ tịch (Vice Provost) của trường Đại học Oregon đứng đầu. 
Triều Giang:  Dự án có cần sự tiếp tay của cộng đồng người Việt hải ngoại hay không? Nếu có thì trong lãnh vực nào?
Gs. Tường Vũ: Dự án ra đời do sự vận động tích cực và đóng góp tài chính của hội Bảo Tồn Lịch Sử Văn Hóa Người Mỹ Gốc Việt (Vietnamese-American Heritage Foundation (VAHF) qua cô Nancy Bùi. Đây là tổ chức có uy tín đã hoạt động lâu năm trong cộng đồng người Việt ở Mỹ. VAHF đã thực hiện hàng trăm cuộc phỏng vấn có quay phim với những nhân vật lịch sử và nhiều người lớn tuổi trong cộng đồng để bảo vệ và duy trì ký ức của cộng đồng cho những thế hệ tiếp nối. VAHF cũng đã đóng góp tư liệu về người Việt tị nạn cho Trung Tâm Việt Nam ở Đại học Texas Tech University in Lubbock, TX, nơi lưu trữ và bảo tồn tài liệu về chiến tranh Việt nam. Dự án sẽ hợp tác với VAHF để sử dụng những tư liệu này.

Tương tự với VAHF, dự án rất cần sự tiếp tay của cộng đồng người Việt hải ngoại hỗ trợ tinh thần, đóng góp ý tưởng, giúp đỡ tài chính, cung cấp tư liệu lịch sử, và quảng bá các ấn phẩm bằng cách vận động các thư viện trường học địa phương mua và dùng sách. Sự ủng hộ và tham gia của cộng đồng sẽ giúp dự án thành công và phục vụ cộng đồng tốt hơn.

Triều Giang: Xin chân thành cám ơn giáo sư đã dành thì giờ cho cuộc phỏng vấn này
Mọi ý kiến, đóng góp với Dự án, xin liên lạc với:

Giáo sư Tường Vũ

Triều Giang- Nancy Bùi:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét