Bà Ann chưa bao giờ trễ, mỗi trưa thứ năm cứ đúng 5 giờ là bà có hẹn làm móng tay và móng chân. Nhưng hôm nay bà đã trễ nửa tiếng mà không thấy gọi gì cả. Thoa lo lắng, vì rất quý bà khách đúng hẹn, thay vì hai tuần một lần bà hẹn mỗi tuần mà tiền tip lại rất cao. Thoa đợi khoảng 15 phút nữa rồi bốc điện thoại gọi về nhà. Có một người lạ trả lời:
- Hello! Koeing residence.
- Hello! May I speak to Mrs Ann"
- Hello! Koeing residence.
- Hello! May I speak to Mrs Ann"
Bà Ann lên phone giọng buồn xin lỗi là quên gọi báo tin hôm nay không đến được và cho hay là cũng như mọi ngày sau khi đi đón hai con đi học về bà ghé nhà cho chúng ăn tí gì qua loa rồi đến beauty salon, nhưng hôm nay khi về đến nhà bà khám phá ra chồng bà nằm chết trên nền nhà, hiện cảnh sát và cứu thương đang lập biên bản và mang xác ông ta đi để khám nghiệm. Trước khi gác máy bà hứa sẽ gọi lại.
<!>
<!>
Bẵng hơn một tháng bà điện thoại làm hẹn như ngày giờ vẫn định từ mười năm nay. Bước vào ngồi trên ghế trước mặt Thoa, bà trông dáng vẻ mệt mỏi hơn là buồn khổ, hai đứa con đi theo bà cũng như mọi khi tản ra tìm mỗi đứa một nơi ngồi, lôi sách ra đọc. Thoa ân cần hỏi thăm cớ sự. Bà chậm rãi kể là chồng bà bị biến chứng tim đột ngột mà ông mới có năm mươi ngoài tuổi.
Bà Ann là người đàn bà Do Thái nhỏ nhắn, sắc đẹp bình thường, bà hút thuốc liên tục, vẻ mặt không lúc nào tươi, ít khi bà cười hay nói chuyện lăng nhăng như những người đàn bà khác vào tiệm, nhất là lại không huyên thuyên cười hô hố như những người đàn bà Mỹ sồn sồn. Bà ít bắt chuyện làm quen với ai. Nhưng lúc nào cần nói chuyện bà nhỏ nhẹ và nhạt nhẽo tuy vậy bà rất tốt và thảo với Thoa. Là Do Thái nhưng bà có hai đứa con sinh đôi da đen. Thoa thắc mắc sao bà này Do Thái lại nuôi con da đen, không dám hỏi nhưng Thoa nghĩ là bà có quả tim rộng lượng đón trẻ mồ côi về nuôi thì đâu ngại gì màu da.
Năm nay chúng được mười hai tuổi, bà nói với Thoa là lấy chồng được mười năm thì bà biết được là không thể sinh đẻ gì nên hai vợ chồng đồng ý tìm con nuôi. Đợi mãi mới được gọi là có hai đứa sinh đôi một trai, một gái nếu nhận bà phải nhận cả hai. Hai vợ chồng đồng ý đi đón hai đứa bé da đen đỏ hỏn mới có một tháng mang về nuôi nấng tưng tiu, cho đi học toàn trường tư đắt tiền. Năm ngoái bà phải thuê người kèm hai đứa để được thi vào cái trường tư trên đồi Palos Verdes mà trong quyển Mommy Dearest kể lại đời nữ tài tử Joan Crawford có nói đến.
Thoa gặp hai đứa bé từ khi chúng mới có ba tuổi xinh xắn ngộ nghĩnh. Nhìn hai đứa xinh đôi da đen ngoan ngoãn do người mẹ nghiêm nghị dạy dỗ, hàng tuần năm này qua năm khác hai đứa lớn lên trong thời khóa biểu đều đặn của người mẹ với beauty salon của Thoa thành như một nơi bà con quen thuộc, nên khi đến chúng biết cư xử thế nào để không làm mẹ phải giận, đôi khi ngày sinh nhật của chúng hay những ngày lễ chúng cũng được ngồi vào ghế khách để các cô thợ dũa móng tay và thoa bóp kem mềm chúng thích lắm cứ nhìn nhau cười khinh khích, thằng con trai làm nghiêm bặm môi ngó trần nhà để khỏi nhìn cô em đang muốn lôi mình vào cái cười không đâu vô duyên.
Cứ thế Thoa nhìn chúng lớn lên từ từ, đứa con trai thi đậu vào trường còn đứa con gái phải học lại hai tháng sau mới được vào mà nếu học lơ mơ là sẽ bị đuổi vì vậy bà Ann lo lắm. Sau khi Thoa có bằng massage thì bà rất mừng hẹn mỗi tháng một lần nhưng bà muốn Thoa đến nhà vào chiều tối sau khi cơm nước như vậy thoa bóp xong bà đi ngủ luôn một giấc ngon lành đến sáng.
Hôm đầu tiên đến nhà Thoa mới biết bà Ann rất giàu. Nhà bà ta rộng hai tầng có cả người giúp việc tại nhà. Phòng ngủ của bà rộng như cả một cái nhà của Thoa. Hai đứa bé súng sính trong bộ đồ ngủ chạy sang hôn mẹ và chào Thoa good night. Một hôm Thoa đến thì bà Ann không có nhà, không phải là chị người làm mà là người đàn ông da đen khoảng trung tuần chững chạc đẹp trai ra mời Thoa vào. Ông ta tự giới thiệu là chồng bà Ann, lễ phép mời ngồi rót nước xin lỗi Thoa phải đợi, vì bà Ann và hai con sang thăm người mẹ ốm chưa về, rồi ngồi đối diện truyện trò như đã quen Thoa từ lâu:
- Vợ tôi có nhiều về cô. Cám ơn cô bấy lâu nay làm vui lòng vợ tôi, những người Á Đông quả có tấm lòng tốt và chịu khó. Chúng tôi lấy nhau lâu rồi, tôi quý Ann lắm vì vợ tôi tánh tình dễ dàng không bao giờ cằn nhằn đòi hỏi gì cả. Chúng tôi có hai night club làm ăn cũng phát đạt, có một nhà ở Palm Spring và một chiếc tàu sáu mươi feet. Vợ tôi ngoài việc lo cho hai cháu thì họp bạn đánh bài hai tối một tuần giải trí. Vợ tôi cũng là đứa con rất có hiếu với người mẹ góa.
Chỉ trong nửa tiếng Thoa biết bà Ann nhiều hơn là đã biết bà mấy năm nay.
Hèn nào không bao giờ Thoa gặp ông ta tuy là sau khi xong việc Thoa ra khỏi nhà thì cũng đã mười giờ đêm. Căn nhà rộng mênh mông, hai đứa bé đã ngủ, chị người làm ngủ không biết chung quanh. Không khí vắng lặng. Thường mỗi khi xong việc bà Ann khoác vội cái robe trắng theo Thoa xuống nhà tiễn ra cửa, nói nhẹ nhàng lời chào cám ơn và good night. Không biết tại nhà Thoa đã nhỏ lại đông người nên cả những giờ đi ngủ cũng lăng xăng ồn ào. Hay một cái gì đó trong không khí ngôi nhà đồ sộ này bàn ghế trang trí đắt tiền mà như nặng chìm vào nơi u tịch xa khuất không có bóng nhân sinh từ lâu.
Sau khi người chồng mất, bà Ann lại còn ít nói hơn và hút thuốc nhiều hơn. Thoa luôn luôn ân cần hỏi thăm sức khỏe của bà.
Sau khi người chồng mất, bà Ann lại còn ít nói hơn và hút thuốc nhiều hơn. Thoa luôn luôn ân cần hỏi thăm sức khỏe của bà.
Một hôm tiệm vắng người bà thong thả kể với Thoa là sau khi an táng chồng xong bà soạn giấy tờ thì khám phá ra ông có tình nhân từ bao giờ không rõ. Bà cũng không muốn tìm hiểu xem người đàn bà đó là ai mà giao cho người em chồng lo liệu tất cả. Chồng bà tạo riêng cho người tình của ông nhà cửa khang tranh, tiền mặt trong băng chẳng còn bao nhiêu có lẽ tiền đã tiêu hết vào cô vợ bé, hai cái night club thì mang nợ, ông giả chữ ký của bà vay nợ trên hai cái nhà. Giọng bà nhỏ nhẹ không vui không buồn. Bà nói sau khi khám phá ra sự thể bà không biết mình có buồn vì chồng chết hay giận người chết đã phản bội để lại cho bà cả một gia tài rỗng tuếch mà bà không biết phải xoay trở ra sao.
Nghe hết câu chuyện, Thoa ngẩn ngơ nhìn bà không biết phải nói năng gì để an ủi mà chỉ biết xoa bóp hai bàn tay bà lâu hơn.
Cũng từ ngày chồng bà mất Thoa không còn đến nhà bà Ann để làm massage cho bà mỗi tối thứ ba nữa, chỉ đôi ba tháng bà lại ở lại trễ để được massage tại tiệm. Mỗi ngày bà Ann mỗi gầy đi, những hôm massage cho bà Thoa thấy lòng thương hại rạt rào thân thể xương xẩu cứng nhắc của bà.
Ít lâu sau bà lại nhẹ nhàng cho Thoa biết mẹ bà mất tháng rồi, có ít nữ trang để lại cho bà nhưng người chị kiện bà là phần của mẹ để lại chia không đều. Thoa không dám hỏi thêm là bà sẽ xử như thế nào, chỉ hỏi thăm xem công việc night club và nhà cửa bà lo xong chưa. Bà cho hay là cái nhà ở Palm Spring và cái tàu thì bán để trả nợ hết cái nhà đang ở. Cũng bán luôn một night club để xóa nợ còn một cái hùn chung với người em chồng để ông ta lo cho có chút tiền mẹ con sống.
Một năm sau đó bà vẫn giữ hẹn mỗi tuần đều đặn, nhưng hai đứa trẻ ít theo bà đến tiệm, mà có đưa đến thì chúng cũng không ngồi yên như trước vì chúng cao lớn ngồi đâu cũng thấy không còn thoải máu, nên cái beauty salon này của mẹ chúng trở thành nhàm chán hơn là nơi thân mật. Có đến thì đứa con trai hay vòi tiền mẹ chạy sang bên cạnh chơi máy arcade còn đứa con gái thì chỉ mua chip ngồi nhau roam rốp. Bà Ann lại hay đến với một người bạn gái là Gloria mà bà giới thiệu là hàng xóm. Hai vợ chồng thường là bạn hầu bài bà Ann, không có con nhưng rất yêu trẻ. Bà này cũng lại thành một khách hàng của tiệm, bà Gloria xinh đẹp cười nói huyên thuyên và chăm cho đứa con gái hơn cả chính bà Ann.
Hai đứa trẻ không còn học trường tư đắt tiền nữa mà học cái trường công gần nhà, chúng có thể đi về một mình. Bà Ann xin được làm cho văn phòng nha sĩ tiếp khách trả lời điện thoại. Không còn người giúp việc nữa nên bà tự làm lấy mọi thứ trong nhà, ba mẹ con thường hay ăn ngoài. Nhiều buổi hai đứa trẻ bước vào tiệm với hai cái hamburger còn bà Ann chỉ có ly nước Pepsi Cola và bao thuốc lá.
Một hôm bà Ann bảo Thoa hôm nay không phải sơn móng tay và móng chân vì hai hôm nữa bà sẽ vào nhà thương để mổ ngực vì bị ung thư. Thoa lặng người ngửng lên nhìn bà không tìm thấy một nét hốt hoảng sợ hãi nào mà chỉ thấy mặt bà tái hơn trước nhiều.
Như đọc được ý của Thoa, bà Gloria liếng thoáng:
- Tôi sẽ đưa Ann đi nhà thương và lo cho hai đứa con.
Bà Ann vẫn lặng lẽ hút thuốc không nói gì chỉ khẽ bảo:
- Tôi không lo sợ gì cả, đau thì đi mổ lấy ra có gì mà sợ, cô đừng lo nhé.
Thời gian ở nhà thương và dưỡng bệnh bà có nhắn là đừng bỏ thời giờ đi thăm bà rồi bà sẽ trở lại ngay ấy mà. Rồi bà trở lại gầy và xanh hơn trước. Ngồi xuống bà nói ngay:
- Cắt hết cả hai vú bây giờ phải làm chemo, nhưng tôi thấy vô ích. Hôm dưỡng bệnh ở nhà tôi giặt quần áo cho con móc ra trong túi quần đứa con trai một ngàn rưỡi đôla, tôi cứ tưởng là nó ăn cắp tiền của tôi nhưng tôi làm gì có số tiền mặt như vậy để ở nhà. Sau khi tra gạn thì rõ ra là cậu con nghe lời xúi biểu bạn bè buôn bạch phiến.
Bà vội gửi thẳng nó vào nơi cải huấn tư mỗi tháng trả rất đắt. Còn đứa con gái hay cười thì lúc này cười nhiều hơn nói. Bác sĩ bảo là nó không được bình thường nên phải chữa trị. Vì vậy bà không thể đến mỗi tuần nữa mà có lẽ ba tuần một lần. Thoa nén tiếng thở dài thảng thốt qua lời kể trầm trầm của bà Ann y như bà kể chuyện của ai.
Sau đó kỳ hẹn không định sẵn nữa mà chỉ khi nào bà gọi. Đôi khi Thoa phải dời khách để cho bà có giờ hẹn. Lúc bà biết điều đó bèn dặn Thoa đừng làm vậy nữa bà không muốn phiền ai cả. Sau khi làm móng tay và móng chân bà đều có massage, lúc bà cởi áo ra Thoa tò mò nhìn lén lồng ngực đàn bà phẳng như ngực đàn ông. Hai cái thẹo đã lành. Cái sú cheng vắt trên thành ghế có lót đội chất silicon mềm hình dáng hai cái vú.
Những lúc được thoa bóp bà buông thả để mặc Thoa muốn làm gì thì làm. Bà nhắm mắt nhưng không thiếp ngủ đi chốc lát như ngày xưa. Đôi khi Thoa muốn bà ngủ vài phút cho tâm bà bỏ lại giây lát những rối rắm của đời bà.
Mỗi ngày bà đến một thưa dần, bà Gloria vẫn đến đều đặn với đứa con gái lúc này cao lỏng khỏng ngồi yên một chỗ không cười cũng không nói, mà cứ nhìn xuống nhai mấy đầu móng tay.
Một hôm mưa to bà Gloria mang đến một tin mà Thoa không muốn đợi là bà Ann phải check vào hospice vì ung thư đã đến xương sống lưng vô hy vọng. Trước khi vào hospice bà ký hết giấy tờ nhà cửa với luật sư để tên hai đứa con và ông bà Gloria là quản lý, thằng con trai năm nay cũng đã mười lăm sau vài lần vào ra nhà thương nó khá hơn, biết mẹ sắp chết nên những khi về thăm nhà biết lo lắng dọn dẹp. Còn đứa con gái thì gần như ở hẳn với bà Gloria vì nó quá ngờ nghệch không thể ngó lơ được. Có lần nó ra cửa bỏ đi đâu mất hết hai hôm bà Gloria lo mất ăn mất ngủ thì lính tìm ra nó đi lang thang ngoài đường, hỏi gì cũng chẳng nhớ đi đâu còn bảo là đi theo boyfriend, bà Gloria chỉ sợ nó mang bầu thì tội con bé.
Gần cuối năm đó bà Ann mất. Tin bà Ann qua đời cũng âm thầm như suốt hơn mười năm bà là khách hàng của Thoa, yên lặng nhẹ nhàng như chiếc lá khô mùa thu đong đưa rời khỏi cành rơi nhẹ không gây một tiếng động, không khoắng rộn hơi gió loanh quanh. Bà không cho ai đến thăm bà trừ bà Gloria và hai con.
Nhớ bà Ann, trong Thoa chợt bùng vỡ một triết lý gì đó, a thì ra sau cái chết của người chồng phản bội, dồn dập mẹ chết, người chị không còn là chị em nữa. Tài sản tan tành. Hai đứa con nuôi sinh đôi là hai cái họa vào cuối đời bà. Bà không muốn kéo lê ngày qua ngày cái tương lai bất định. Bà đã không đoán trước được tình người chị cùng một mẹ chui ra, không đoán được tương lai hai đứa con không phải ruột thịt giờ nó lớn lên trở thành quá xa lạ mà bà cứ tưởng bấy lâu bà là mẹ.
Thoa đã nghĩ bà Ann là người đàn bà biết chịu đựng, cái chịu đựng an phận mong ngày mai có gì khá hơn chăng. Bà Ann chắc có biết điều gì đó ở người chồng đi sớm về khuya, căn nhà lạnh lẽo. Mỗi tối bà lên cái giường rộng mênh mông nằm dỗ giấc ngủ một mình, hai đứa con có ít cơ hội chào good night daddy.
Tại sao bà hút thuốc nhiều vậy" Tại sao bà có dáng điệu nhạt nhẽo hiền lành ít nói"
Không phải đời bà thất bại mà bà phải bỏ cuộc chơi, vì cuộc chơi đã tan từ lâu rồi, mọi người trong cuộc không chơi nữa. Bà như chiếc lá khô nước chỉ đọng rồi lại rơi mà không làm ướt được. Hoàn cảnh xoay quanh bà lưu chuyển dồn dập mà Thoa không bao giờ thấy bà giỏ một giọt nước mắt hay có nét giận buồn dù trong ánh mắt.
Chiếc lá héo khô đã rơi trong im lặng.
Trời buồn trời chẳng thở than
Thu buồn thu đắp lá vàng ngủ yên.
Thiên Hương
2003
2003
NPN/blog
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét