Nhạc cảnh “Nắng Đẹp Miền Nam” do các cựu học sinh Liên Trường trình diễn, được tán thưởng nhiệt liệt. (Hình: Văn Lan/Người Việt) GARDEN GROVE, California (NV) – Liên Trường Trung Học Việt Nam Nam California (Liên Trường) vừa kỷ niệm 18 năm thành lập, trong tình thân hữu với biết bao niềm vui hội ngộ giữa cựu học sinh và thầy cô các trường trung học VNCH thời trước 1975. Buổi kỷ niệm thật vui tươi sống động tại nhà hàng Golden Sea, Garden Grove, hôm Chủ Nhật, 18 Tháng Tám, với sự tham dự thật đông cựu học sinh các truờng trung học miền Nam Việt Nam trước 1975 như Trưng Vương, Gia Long, Lê Văn Duyệt, Nguyễn Trãi, Chu Văn An, Petrus Ký, Quốc Học-Đồng Khánh (Huế), Phan Thanh Giản/Đoàn Thị Điểm (Cần Thơ), Châu Văn Tiếp (Phước Tuy), Nông Lâm Súc (Bảo Lộc), Nguyễn Hoàng (Quảng Trị), Phan Châu Trinh (Đà Nẵng), Liên Trường Pleiku, Nữ Trung Học Nha Trang, Lê Ngọc Hân (Mỹ Tho), Hồ Ngọc Cẩn, Võ Trường Toản, Marie Curie, Văn Đức.
Toàn ban hợp ca Liên Trường cùng hợp ca bài “Hè Về” sáng tác Hùng Lân để cùng nhớ về những ngày Hè tuổi thơ đã qua.
“Bao nhiêu năm rồi chỉ họp mặt để gây quỹ cho thương phế binh VNCH, với những công tác xã hội, tại sao kỳ này không tổ chức vui chơi với nhau. Chúng tôi đã già, 18 không phải là tuổi trưởng thành, nhưng nếu đợi đến năm 2020 mới tổ chức gặp nhau thì e rằng sẽ thiếu vắng vài người, nên hôm nay tổ chức kỷ niệm 18 năm thành lập Liên Trường,” ông Mai Đông Thành, chủ tịch luân phiên của Liên Trường, phát biểu chào mừng khai mạc.
Ông Nguyễn Mai (trái), tổng thư ký Liên Trường, và Bác Sĩ Võ Đình Hữu bắt tay thân ái trong ngày kỷ niệm 18 năm thành lập Liên Trường. (Hình: Văn Lan/Người Việt)
Tổng Thư Ký Nguyễn Mai tường trình về hoạt động của Liên Trường trong 18 năm qua. Ông cho biết Liên Trường Trung Học Việt Nam Nam California là một tổ chức bất vụ lợi, do các cựu học sinh từng theo học các tại các trường trung học tại miền Nam Việt Nam trước năm 1975 thành lập từ Tháng Tư, 2001, chuyên hoạt động văn hóa, xã hội, hoàn toàn độc lập với các tổ chức khác, không hoạt động chinh trị, tôn giáo, đảng phái…
“Công tác chính của Liên Trường là hằng năm tổ chức Quỹ Cây Mùa Xuân Thương Phế Binh VNCH vào dịp cuối năm (Countdown New Year’s Eve) để gởi quà Xuân về cho các thương phế binh trong dịp Tết Nguyên Đán, những người đã hy sinh thân mình cho lý tưởng tự do, và những quả phụ hiện đang sống khổ sở nơi quê nhà!” ông Mai nhấn mạnh.
Về những việc đã làm trong thời gian qua, ông Nguyễn Mai cho biết, trong dịp Tết Nguyên Đán Kỷ Hợi 2019, Liên Trường đã gởi về giúp đỡ 505 gia đình thương phế binh và quả phụ VNCH, mỗi gia đình $50 hoặc $100 (tùy theo thương tật). Tổng cộng (kể cả chi phí $3 cho một người) được: $40,465.
Từ năm 2002 đến 2018, Liên Trường đã giúp được 5,110 gia đình thương phế binh và quả phụ, tặng 29 xe lăn. Tổng số tiền trợ giúp lên đến $288,671.
Ngoài ra, Liên Trường cũng gây quỹ đóng góp cho các công tác xã hội khác như yểm trợ Quỹ Xây Dựng Tượng Đài Tưởng Niệm Hoàng Sa (Tháng Sáu, 2019) $4,100; Quỹ Động Đất Nepal (Tháng Sáu, 2015) $30,300; Quỹ Bảo Lụt Irma Texas/Harvey Florida (2016) $27,000; Giúp cuồng phong Oklahoma (2013) $11,000, Quỹ Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ $10,025; bão lụt miền Trung, bão lụt miền Tây… và nhiều công tác xã hội khác như Giải Khuyến Học Việt Nam, Trung Tâm Khuyết Tật Sài Gòn.
Vũ điệu Tango “Mộng Ban Đầu” do cựu học sinh Liên Trường trình diễn. (Hình: Văn Lan/Người Việt)
Trong dịp này, ông tổng thư ký cũng ngỏ lời cảm ơn đến các vị mạnh thường quân và ân nhân, đã luôn đồng hành với Liên Trường trong các nghĩa cử cao đẹp này suốt 18 năm qua không ngừng nghỉ.
Bác Sĩ Võ Đình Hữu, hội trưởng Quốc Học/Đồng Khánh (Huế), một sáng lập viên Liên Trường, chủ tịch Hội Đồng Liên Kết Người Việt Quốc Gia Hải Ngoại, trong lời tâm tình chia sẻ: “18 năm qua, các trường trung học VNCH vẫn ngồi cùng nhau đoàn kết hoạt động, chứng tỏ công tác ái hữu đã kết với nhau thành một cộng đồng rất vững mạnh, sẽ là nền tảng để hướng dẫn con em chúng ta, về văn hóa Việt Nam, hoạt động cho Việt Nam, để có cơ hội hỗ trợ các công cuộc tranh đấu cho tự do dân chủ tại quê nhà.”
Nhiều kỷ niệm, tâm tình xưa hôm nay được dịp thố lộ trong không khí rộn ràng vui tươi của ngày hội ngộ.
Ông Lâm Minh Nghị, cựu học sinh Châu Văn Tiếp, Phước Tuy, cho biết: “Châu Văn Tiếp là trường công lập, thi vào cũng không dễ. Tôi thi rớt một năm phải về học lại lớp Đệ Thất bán công trường Lê Văn Duyệt, sang năm thi lại Châu Văn Tiếp nên khi vào học trễ hết một năm. Vào được trường công của tỉnh cũng là niềm hãnh diện của người học trò quê Phước Hải thời đó. Học niên khóa 1968-1975, vừa xong hết Tú Tài 2 là vừa ‘đứt phim’ luôn!”
Ban tổ chức Liên Trường, ban đại diện các trường trong ngày kỷ niệm 18 năm thành lập. (Hình: Văn Lan/Người Việt)
“Tôi nhớ nhất là thầy Phan Văn Hai dạy Anh Văn, lúc đó học tiếng Anh chú trọng viết và văn phạm, không chú trọng về nói, nên thường nói theo giọng Pháp, bị thầy sửa hoài, nhưng cũng nhờ thầy dạy những mẹo nói mà phát âm chính xác hơn. Thời học trò quá nhiều kỷ niệm vui buồn kể hoài không hết, qua tới Mỹ bạn bè dù khắp bốn phương thầy trò vẫn còn liên lạc được nhau, thật là quý hóa!” ông Nghị bồi hồi chia sẻ.
Giáo Sư Phạm Thanh Mai cho biết sau khi ra trường Đại Học Sư Phạm Sài Gòn, đã chọn nhiệm sở về Trung Học Châu Văn Tiếp, Phước Tuy (Bà Rịa-Vũng Tàu), dạy môn Lý-Hóa Đệ Nhị cấp. Vào trường lúc ấy còn trẻ, chỉ hơn học sinh khoảng 5 tuổi, dù thương học trò nhưng cũng phải ra oai, nghiêm khắc mới có thể dạy được, và thường áp dụng kỷ luật khi còn học ở Gia Long trước đó.
“Để ngăn sự giúp đỡ trong các kỳ thi giữa các lục cá nguyệt, tôi cho học sinh Đệ Tam và Đệ Nhị ngồi xen kẽ nhau, thành ra không thể copy, cũng chẳng giúp được gì nhau. Ban B (Toán) thì đông nam sinh, còn ban A (học các môn chính là Lý-Hóa-Vạn Vật) nữ sinh thì nhiều nhưng chỉ có vài em trai, nên đôi khi tôi cũng hay nâng đỡ, vì nếu rớt phải đi lính, cũng thấy thương!” cô nhớ lại.
Ông Lâm Mỹ Hoàng Anh, cựu học sinh Petrus Ký, thuộc hàng niên trưởng, ra trường 1964, kể: “Được vào trường là niềm hãnh diện lớn, không chỉ của học sinh mà còn cả cha mẹ nữa. Khởi sắc từ năm 1960 khi trường kỷ niệm Trần Văn Ơn, sau đó là những lần làm đặc san, đem qua các trường khác chào bán vào dịp Tết, mà thật ra đó chỉ là dịp để qua các trường nữ khác để ‘cua’ các em, như cô gái Gia Long là người của tôi, gặp ngay khi bán báo Xuân lần đầu!”
Một “rừng” nhiếp ảnh gia săn ảnh trong ngày kỷ niệm 18 năm thành lập Liên Trường. (Hình: Văn Lan/Người Việt
Có những trò nghịch phá thời học trò, ai chẳng từng tham gia, như cô Đỗ Hoa trường Văn Đức, hay phá xe đạp của các thày cô bằng cách lật ngửa xe lên, quay vòng bánh xe chơi, kiểu “hiền vậy thôi.” Còn Giáo Sư Nguyễn Thị Thu dạy Lý Hóa thì cho biết bị học trò trét kẹo gum lên ghế ngồi, nếu không để ý sẽ bị dính đầy cả áo dài, hoặc bánh xe bị xẹp sau khi cho điểm thấp!
“Cảm động nhất là ở một nước rộng lớn này, các em vẫn tìm về với nhau được, với những thành tích phi thường tại xứ người,” cô Thu nói.
Chương trình văn nghệ mừng 18 năm thành lập Liên Trường bắt đầu và tiếp diễn với những màn trình diễn thật đẹp mắt với những vũ điệu đầy màu sắc, trong những nhạc phẩm bất hủ qua bao năm tháng.
Hầu hết màn vũ của các trường đều dày công luyện tập, với các nhạc cảnh “Nắng Đẹp Miền Nam” (Nhóm Quê Hương Lê Văn Duyệt và thân hữu), màn trình diễn áo dài hippy trong vũ điệu Tango “Mộng Ban Đầu” (cựu nữ sinh Liên Trường), “Áo Em Thu Vàng” (Võ Tánh, Nha Trang), “Hoa Rụng Ven Sông” (Trưng Vương), “Em Lễ Chùa Này” (Nhóm Luật Khoa và thân hữu), “Cô Gái Quê” (Nguyễn Hoàng, Quảng Trị), “Ba Chàng Đẹp Trai Hỏi Vợ” (Phan Châu Trinh, Đà Nẵng).
Chương trình còn kéo dài với màn dạ vũ, cùng những tâm tình thăm hỏi trong ngày vui hội ngộ tưởng chừng không có hồi kết thúc.
Mọi chi tiết về Liên Trường Trung Học Việt Nam Nam California, xin liên lạc (714) 889-8498 hoặc email: lientruongthvn@yahoo.com. (Văn Lan)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét