Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 23 tháng 8, 2019

Vì sao Nguyễn Trãi dạy con: ‘Áo mặc miễn là cho cật ấm; Cơm ăn chẳng lọ kén mùi ngon’?

Kết quả hình ảnh cho hình ảnh ông Nguyễn Trãi
Ngày nay, những gia đình có điều kiện thường cho con em trong nhà ăn ngon, mặc đẹp. Nhưng những bậc hiền nhân trong lịch sử lại dạy con sinh hoạt tiết kiệm đạm bạc, mà Nguyễn Trãi là một trong số đó. Nguyễn Trãi (1380 – 1442), hiệu Ức Trai, là khai quốc công thần nhà Lê sơ và cũng là một nhà văn hoá lớn. Phan Huy Chú nhận xét: “Ông Nguyễn Trãi tuổi trẻ đã văn chương nổi tiếng. Kinh sử, bách gia, binh thư thao lược, đều am hiểu cả” (Lịch triều hiến chương loại chí, 1961). Bên cạnh các tác phẩm văn chương chính luận như “Bình Ngô đại cáo”, “Quân trung từ mệnh tập”, hay các trước tác về lịch sử, địa lý, thơ chữ Hán…, ít ai biết rằng Nguyễn Trãi còn để lại những bài thơ Nôm giản dị dạy con, gìn giữ nếp nhà. 
<!>
Trong bài thơ “Huấn nam tử” (Dạy con trai), Nguyễn Trãi căn dặn con phải sống cần kiệm, đạm bạc, không biếng nhác xa hoa:
“Nhắn bảo phô bay đạo cái con
Nghe lượm lấy lọ chi đòn
Xa hoa lơ lắng nhiều hay hết
Hà tiện đâu đương ít hãy còn
Áo mặc miễn là cho cật ấm
Cơm ăn chẳng lọ kén mùi ngon
Xưa đã có câu truyền bảo
Làm biếng hay ăn lở non”.
Cơm ăn và áo mặc trong quan niệm của người xưa chỉ là để cho no bụng ấm thân mà thôi, no bụng và ấm thân là để có sức lực mà tu tâm dưỡng tính, khổ luyện thành tài, tạo phúc cho dân chúng. Chỉ có những người ích kỷ, vô đức mới truy cầu ăn ngon mặc đẹp để hưởng thụ và phô trương.
“Áo mặc miễn là cho cật ấm
Cơm ăn chẳng lọ kén mùi ngon”

Hai câu thơ giản dị, hàm súc chứa đựng cốt cách thanh bạch của một nhà Nho quân tử. Trong lịch sử, những bậc hiền nhân đều lấy chữ “Kiệm” để răn dạy cháu con. Gia Cát Lượng viết thư cho con là Gia Cát Kiều, nói về cách rèn luyện tu dưỡng nhân cách và học vấn, mở đầu bằng hai câu:
“Phu quân tử chi hành, tĩnh dĩ tu thân, kiệm dĩ dưỡng đức. Phi đạm bạc vô dĩ minh chí, phi ninh tĩnh vô dĩ trí viễn”.
Tạm dịch:
“Hành động của người quân tử là lấy tĩnh lặng để tu thân, lấy cần kiệm để dưỡng đức. Không đạm bạc thì không thể có trí tuệ sáng suốt, không yên tĩnh thì không suy nghĩ được xa”.
“Chu Tử gia huấn”, bản gia huấn kinh điển quản lý gia đình giáo dục con cái cuối đời nhà Minh cũng có mấy câu như sau:
“Cuộc sống cần phải tiết kiệm, làm tân khách chớ liên miên.
Đồ dùng bền lại sạch, gốm sứ hơn bạc vàng.
Ăn uống kiệm lại tinh, rau vườn hơn yến tiệc”.

Và để dạy dỗ con cái thành công, bản thân người làm cha mẹ phải là tấm gương mẫu mực. Trong “Quốc Âm thi tập” có rất nhiều bài thơ miêu tả cuộc sống thanh bạch chốn quê mùa của vị khai quốc công thần triều Lê – Nguyễn Trãi:
“Tả lòng thanh, vị núc nác,
Vun đất ải, luống mồng tơi.
Liêm cần tiết cả, tua hằng nắm,
Trung hiếu niềm xưa, mựa nỡ dời”.
(“Ngôn chí kỳ 09”, hay “Sang cùng khó”)
hay:
“Ao cạn vớt bèo cấy muống
Đìa thanh phát cỏ ương sen
Kho thu phong nguyệt đầy qua nóc
Thuyền chở yên hà nặng vạy then”.
(“Thuật hứng bài 24”)
Người quân tử lập chí ở cao xa, nên giữa cảnh đồng quê thôn dã với những núc nác, mồng tơi vẫn không quên tiết thanh liêm, niềm trung hiếu; khi vớt bèo cấy muống, phát cỏ ương sen mà tâm hồn khoáng đạt chứa được cả phong nguyệt yên hà.
Nếu dạy con lập được chí hướng cao xa như vậy, thì lo gì con không chịu được khổ cực phong ba, lo gì con sa ngã trong những thú vui trần tục thấp hèn. 
Bài thơ “Huấn nam tử” trọng điểm xoay quanh đức tính cần kiệm, thực ra cũng là một phương diện chủ yếu của Đức. Những bậc cha mẹ thông thái đều hiểu rằng Đức kia mới là cội gốc làm người, bao nhiêu phúc phận của đời người cũng đều từ Đức mà ra cả. Người ăn ở không có Đức thì về sau sẽ phải hứng chịu đủ thứ tai ương, nhân quả báo ứng vốn không sai bao giờ. Cho nên, Nguyễn Trãi còn có một bài thơ “Dạy con ở cho có Đức”, xin chép ra để quý độc giả cùng chiêm nghiệm.
“Lấy điều ăn ở dạy con,
Dẫu mà gặp tiết nước non chuyền vần.
Ở cho có đức có nhân,
Mới mong đời trị được ăn lộc trời.
Thương người tất tả ngược xuôi,
Thương người lỡ bước, thương người bơ vơ.
Thương người ôm dắt trẻ thơ,
Thương người tuổi tác già nua bần hàn.
Thương người quan quả, cô đơn,
Thương người lỡ bước lầm than kêu đường.
Thấy ai đói rách thì thương,
Rách thường cho mặc, đói thường cho ăn.
Thương người như thể thương thân,
Người ta phải bước khó khăn đến nhà.
Đồng tiền bát gạo mang ra,
Rằng đây “cần kiệm” gọi là làm duyên.
May ra ở chốn bình yên,
Còn người tàn phá chẳng nên cầm lòng.
Tiếng rằng: ngày đói tháng đông,
Ở phải có nhân có nghì,
Thơm danh vả lại làm bia miệng người.
Hiền lành lấy tiếng với đời,
Lòng người yêu dấu, là trời hộ ta.
Tai ương hoạn nạn đều qua,
Bụi trần giũ sạch thực là từ đây.
Vàng trời tuy chẳng trao tay,
Bình an hai chữ xem tày mấy mươi.
Mai sau bạc chín tài mười,
Sống lâu ăn mãi của đời về sau.
Kìa người ăn ở cơ cầu,
Ở thì chẳng biết về sau phòng mình,
Thấy ai đói rách thì khinh,
Cách nào là cách ích mình thì khen.
Hứng tay dưới với tay trên,
Lọc lừa từng tí, bon chen từng đồng!
Ở thì phất giấy đan lồng,
Nói thì mở miệng như rồng như tiên.
Gan thì quá ngỡ sắt đèn,
Miệng thơn thớt nghĩ rơi tiền bạc ra.
Mặt lành khéo nói thực thà,
Tưởng như xẻ cửa xẻ nhà cho nhau.
Ở nào mùi mẽ chi đâu,
Như tuồng cuội đất giấu đầu hở đuôi.
Nói lời lại nuốt lấy lời,
Một lưng bát xáo mười voi chưa đầy.
Cho nên mới phải lúc này:
Cửa nhà tàn phá phút rày sạch trơn.
Kẻ thì mắc phải vận nàn,
Cửa nhà một khắc lại tàn như tro.
Kẻ thì phải lính, phải phu,
Đem mình vào chốn quân gia trận tiền.
Kẻ thì mắc phải dịch ôn,
Kẻ thì thủy hỏa gian nan kia là!
Thấy người mà phải lo ta,
Sờ sờ trước mắt thực là thương thay,
Khuyên ai chớ bắt chước rày,
Ở lòng nhân nghĩa cho đầy mới khôn.
Lời cha dạy bảo nỉ non,
Trước sau ghi chép khuyên con nghe lời.
Nghe thì mới phải là người,
Chẳng nghe thì cũng là đời bỏ đi”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét