Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 24 tháng 8, 2019

‘Sóng Vỗ Bèo Trôi,’ tiếng thở dài của vị lính già - Đằng Giao/Người Việt

Nhà văn Huy Phương trong chương trình “Quê Nhà Quê Người” trên Người Việt TV. (Hình: Người Việt) WESTMINSTER, California (NV) – Không kèn, không trống, không làm lễ đầy tháng” cho đứa con tinh thần trẻ nhất mang tên “Sóng Vỗ Béo Trôi,” (2019) nhà văn, nhà báo lão thành Huy Phương, như tự tin rằng “Sóng Vỗ Bèo Trôi” sẽ tự tìm được chỗ đứng cho mình trong lòng độc giả khắp nơi.“Sóng Vỗ Bèo Trôi” là cuốn tạp ghi thứ 12 của Huy Phương nên ông có sự tự tin ấy cũng là chuyện hiển nhiên thôi.Tự tin là phải, vì đã sống hơn 30 năm sau cái tuổi “tri thiên mệnh,” am tường đạo lý ở đời rồi, cho dù Huy Phương không cần phải mím môi cố gắng huy động vốn sống của mình thì những nhận định sắc bén, những cảm nhận sâu xa của ông, tự nó cũng đã toát ra trong từng con chữ.Huy Phương viết tạp ghi một cách khoan thai, tự nhiên, thoải mái, như người ta rút khăn mùi-xoa trong túi ra.<!>
Đọc “Sóng Vỗ Bèo Trôi,” người ta như đang ngồi nghe ông rủ rỉ nói chuyện bâng quơ trong một buổi cà phê vỉa hè. Nhưng nghe được vài ba chuyện rồi, người ta mới chợt nhận ra rằng cái vị đắng trong miệng mình không phải là từ ngụm cà phê vừa hớp mà là cái dư vị của những mẩu chuyện vừa nghe.
Những gì Huy Phương góp nhặt trong tạp ghi của ông hoàn toàn không là những tản mạn rời rạc mà là từng thành tố quan trọng của một cấu trúc tổng thể chặt chẽ với một chủ đích rõ ràng.
“Sóng Vỗ Bèo Trôi” là mấy chữ mượn từ hai câu lục bát của cụ Nguyễn Du: “Từ con lưu lạc quê người/Bèo trôi, sóng vỗ, chốc mười lăm năm…”
Cụ Nguyễn Du mượn cuộc đời trầm luân tứ xứ của nàng Kiều để nói lên nỗi niềm rứt ray thống khổ của một trí thức lỡ thời, Huy Phương mượn hai câu thơ này để giãi bày nỗi bi thống đắng cay cứ mải canh cánh bên lòng của một kẻ sĩ long đong xa xứ mà lòng cứ như văn sĩ Tú Xương, “ngoảnh cổ mà trông cảnh nước nhà…”
Lưu lạc xứ người mà tâm hồn ông luôn quanh quẩn chốn quê xưa.
Và vì chưa quên mình là con dân xứ Việt nên ông cứ triền miên gặp phải những phút nhói lòng, xót xa cho hai chữ Việt Nam. Ngòi bút Huy Phương tinh tế và tế nhị, không viết hẳn ra mà ai cũng phải cùng ông mà chua xót cho nước nhà.
Ông nhập đề lung khởi, dẫn dắt từ dải non song gấm vóc ca ông để lại cho chúng ta:

Bìa sách “Sóng Vỗ Bèo Trôi,” tác phẩm mới nhất của nhà văn Huy Phương. (Hình: Người Việt)

Trong “Hai Tiếng Việt Nam,” ông đau xót cho quê hương cha ông để lại: “Hai tiếng Việt Nam, tên gọi của dất nước chúng ta không phải mới có từ đời nhà Nguyễn (1802,) mà đã được ghi nhận trong sử sách cách đây hơn 500 năm, từ thời Nguyễn Trãi (Dư Địa Chí,) Lê Quí Đôn (Văn Đài Loại Ngữ,) Nguyễn Bỉnh Khiêm (Trình Tiên Sinh Quốc Ngữ.)
Từ khi chế độ Cộng Sản xâm nhập vào  đất nước chúng ta…”
“…Một phụ nữ ở Sài Gòn kể chuyện với chúng tôi: ‘Năm 2008, vào dịp Tết Nguyên Đán, tôi được con trai cho đi du lịch Doha (Qatar), sẵn dịp công ty của con bảo lãnh cho qua chơi Dubai. Nhưng đến chiều về lại Doha thì bị giữ lại phi trường vì nghe nói có chuyện gì xảy ra ở một siêu thị mà có người Việt mình dính vô. Trong khi cả đoàn ‘check in’ thì riêng tôi bị giữ lại vì mang passport CHXHCN Việt Nam. Mang hộ chiếu Việt Nam đi nước ngoài buồn lắm ông ơi!’” Cái khéo léo và thâm thúy của Huy Phương là ở đây, ông không cần phải nói trắng ra là chuyện gì đã xảy ra ở siêu thị,  mà đau buồn thay, là người Việt, ai đọc cũng hiểu ngay.
“Sóng Vỗ Bèo Trôi” còn vô số những mẩu tạp ghi ngắn gọn nhưng thăm thẳm nỗi đau như xẻ da, xé thịt tương tự như “Hai Tiếng Việt Nam” mà mọi người nên tìm đọc để cùng Huy Phương chiêm nghiệm, sẻ chia tiếng sườn sượt thở dài cho dân tộc trong nỗi nhục nhằn lênh đênh lận đận chốn quê người.
Trong cái tâm thức mùa Đông cuộc đời của vị lính già còn nặng lòng với non sông, đất nước, đâu đó có niềm khắc khoải của Nguyễn Khuyến: “Đêm sao đêm mãi tối mò mò/Đêm đến bao giờ mới sáng cho?/Đàn trẻ u ơ chừng muốn dậy/Ông già thúng thắng vẫn đương ho….” (Đêm Dài).
Đọc “Sóng Vỗ Bèo Trôi” đi, để cảm nhận được một nỗi u hoài của một vị lính già tóc bạc, để ngao ngán cho thân phận quê hương dân tộc, để phẫn phận cho đồng bào bị xúc phạm nhân quyền, cho tổ quốc bị dày xéo bởi một tập đoán vô lương.
Tám mươi hai tuổi đời, Huy Phương, vẫn với bút pháp già dặn, chín chắn phối hợp cùng ánh nhìn nhạy bén và mẫn cảm từng được bạn học, bạn tù, bạn đồng hương cũng như những hậu duệ trẻ trung đón nhận một cách nồng nhiệt qua những tạp ghi khác như những cuốn tạp ghi trước.
Sau “Nước Non Ngàn Dặm,” “Quê Hương Đã Khuất,” và “Ga Cuối Đường Tàu,” tạp ghi mới nhất của Huy Phương, “Sóng Vỗ Bèo Trôi” chắc chắn sẽ để lại một dấu ấn trong lòng người đọc một thời gian dài sau khi đã cất cuốn sách lên kệ.
Nhà văn, nhà báo Huy Phương nguyên là một sĩ quan thông tin, báo chí VNCH, một người tù trong các trại tập trung của Cộng Sản bảy năm sau 1975, sang Mỹ thập niên 1990.
Tại Hoa Kỳ, ông là tác giả 12 tác phẩm văn thơ, hiện cộng tác với đài truyền hình SBTN trong chương trình Huynh Đệ Chi Binh, viết mục thường xuyên cho Người Việt, hệ thống Saigon Nhỏ và BTrẻ, Thời Báo (Canada,) đài Phát Thanh Việt Nam (Oklahoma) và viết blog cho đài VOA (tiếng nói Hoa Kỳ)
Huy Phương sở trường với thể loại tạp ghi, viết về sinh hoạt và tâm tình người Việt Nam trên đất Mỹ. (Đằng Giao)
Mọi chi tiết, xin liên lạc tác giả Huy Phương: huyphuong37@gmail.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét