Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 28 tháng 8, 2019

'Đội quân một người' từng giải phóng thành phố Hà Lan - Duy Sơn


Leo Major (trái) mất một mắt trong chiến dịch Overlord. Ảnh: War History.
Khi nhập ngũ đầu Thế chiến II, Leo Major không bao giờ nghĩ rằng mình sẽ trở thành anh hùng nhờ chiến công đơn độc giải phóng thành phố Zwolle. Leo Major sinh ngày 23/1/1921 trong một gia đình người Canada gốc Pháp ở bang Massachusetts, Mỹ, sau đó gia đình Major chuyển đến sống ở thành phố Montreal, Canada. Leo Major luôn bị cha hắt hủi và đối xử lạnh nhạt vì cho rằng ông không có tiền đồ. Điều này thúc đẩy ông chuyển đến sống cùng người dì khi mới 14 tuổi. Năm 1940, ông gia nhập quân đội Canada để chứng tỏ cha đã sai, khẳng định rằng ông có thể làm nên những điều đáng tự hào.<!>
Ngày 6/6/1944, hai triệu quân Đồng minh mở màn chiến dịch đổ bộ mang mật danh "Overlord" lớn nhất trong lịch sử, với mục tiêu đánh chiếm bãi biển Normandy từ tay phát xít Đức và tạo bàn đạp giải phóng châu Âu. Leo Major nằm trong đội hình quân đội Canada tham gia chiến dịch này.

Trong một trận chiến vài tuần sau đó, Major trúng mảnh văng lựu đạn của Đức và bị hỏng mắt trái. Major được khuyên lui về tuyến sau, nhưng ông từ chối và tiếp tục chiến đấu với lý do "chỉ cần một mắt để bắn súng".

Major sau đó được điều sang Hà Lan và tham gia trận Scheldt tháng 10-11/1944. Đây là một phần trong chiến dịch quy mô lớn nhằm xóa sổ các cứ điểm phòng thủ của phát xít Đức ở bờ biển Hà Lan, cho phép quân Đồng minh tiếp viện bằng đường biển.

Đơn vị của Major được giao nhiệm vụ diệt vị trí quân Đức ở sông Scheldt. Vào một buổi tối, ông nhận lệnh đi tìm một số đồng đội mất tích khi tuần tra. Khi phát hiện cứ điểm Đức, người lính Canada này quyết định một mình mang vũ khí bơi qua sông để tiếp cận mục tiêu.

Major diệt hai lính canh rồi bí mật lẻn vào sở chỉ huy địch, bắt sống sĩ quan chỉ huy Đức đang ngủ ở trong. Việc chỉ huy bị bắt làm tù binh khiến 93 lính Đức tại cứ điểm này nhanh chóng đầu hàng. Major được đề nghị tặng thưởng huân chương chiến công nhưng từ chối vì không muốn nhận nó từ tổng chỉ huy quân đội Anh Bernard Montgomery, người mà ông không đánh giá cao.
Quân Đức đầu hàng tại Scheldt. Ảnh: War History.
Tháng 1/1945, quân Đức lúc này đã bị đánh bật khỏi nước Pháp. Trong một lần lái xe tải ở khu vực Rhrineland, miền tây nước Đức, một quả mìn phát nổ khiến Major bị hất văng lên không trung, rơi mạnh xuống đất và gãy một số đốt sống lưng.

Sau khi được điều trị tại bệnh viện dã chiến, Major bị xếp vào danh sách thương binh mất khả năng chiến đấu và nhận lệnh rời khỏi chiến trường. Tuy nhiên, ông kháng lệnh và trốn khỏi bệnh viện trong đêm, trở lại đơn vị chiến đấu sau đó một tháng.

Tháng 4/1945, quân đội Canada tấn công thành phố Zwolle, Hà Lan đang bị lính Đức chiếm đóng. Ngày 13/4, Major và đồng đội bắt đầu trinh sát ngoại ô thành phố này. Trong quá trình làm nhiệm vụ, họ giao tranh với hai lính Đức, khiến người đồng đội thiệt mạng. Major cũng hạ hai binh sĩ Đức sau trận đấu súng.

"Trong đầu tôi khi đó chỉ có suy nghĩ là phải giải phóng Zwolle bằng mọi giá", Major hồi tưởng.

Major bắt được một sĩ quan Đức, nói rằng quân chủ lực Canada đang chuẩn bị tiến vào thành phố. Ông thả viên sĩ quan với mong muốn tin giả sẽ khiến quân Đức mất tinh thần và đầu hàng. Major dành cả buổi tối 13/4 để khiến đối phương tin rằng một cuộc tấn công quy mô lớn sắp diễn ra. Ông bắn và ném lựu đạn vào các vị trí phòng thủ Đức, đồng thời liên tục thay đổi vị trí.

50 lính Đức phòng thủ thành phố Zwolle đầu hàng vi tin rằng họ đang bị lực lượng Canada áp đảo. Major xuất hiện để bắt tù binh rồi chuyển giao họ cho lực lượng kháng chiến Hà Lan. Lực lượng còn lại của Đức rút lui.

Vị trí Zwolle (dấu đỏ) tại Hà Lan. Đồ họa: Lodder.
Sáng hôm sau, quân chủ lực Canada vào tiếp quản thành phố. Major tiếp tục được đề nghị tặng huân chương chiến công với thành tích một mình giải phóng thành phố Zwolle với 50.000 người dân, lần này ông không từ chối phần thưởng.

Sau chiến tranh, Major trở về sống tại Canada. Trong suốt những năm sau đó, ông luôn khiêm tốn mỗi khi được yêu cầu kể về thành tích của mình và qua đời năm 2008 ở tuổi 87. Tên ông được đặt cho một con phố tại Zwolle cùng dòng chữ "người Canada đầu tiên giải phóng thành phố".

Duy Sơn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét