Hoàng hôn trên sông Amazon ở Leticia, Colombia. Ảnh: Wikipedia.
Khởi nguồn từ đỉnh Nevado Mismi cao 5.597 mét có nguồn gốc núi lửa trong dãy Andes, thuộc Arequipa của Peru, con sông Amazon có chiều dài 6.992 km với lưu vực trải rộng hơn 7 triệu km². Thế nhưng, điều kỳ lạ là con sông này không hề có một cây cầu nào bắc qua Được xem là con sông dài nhất thế giới, có lưu vực rộng nhất và lưu lượng nước nhiều nhất thế giới, sông Amazon ở Nam Mỹ khiến bất kì ai lần đầu nghe đến cũng phải kinh ngạc khi không có tới nổi 1 cây cầu. Chính vì vậy, dù có tới 25 triệu người sinh sống hai bên bờ sông nhưng nếu muốn băng qua bờ bên kia, họ phải chèo thuyền hoặc đi phà.<!>
Con sông “trẻ”
Sông Amazon được Francisco de Orellana phát hiện năm 1542, ban đầu nó được đặt tên là Riomar. Theo kết quả nghiên cứu những mẫu trầm tích lấy từ hai lỗ khoan ở cửa sông Amazon của những nhà khoa học tại Đại học Liverpool (Anh), Đại học Amsterdam (Hà Lan) và Công ty dầu mỏ Petrobras của Brazil, nó được xác định đã 11 triệu năm tuổi và có hình dạng như hiện nay từ 2,4 triệu năm trước.
Trước nghiên cứu này, độ tuổi chính xác của sông Amazon vẫn là một bí ẩn.. Các nhà nghiên cứu vốn không thể xâm nhập vào Amazon Fan - một cột trầm tích dày tới 10 km - ở con sông này. Công ty Petrobras đã quyết định khoan hai lỗ ở cửa sông Amazon - một cái sâu tới 4,5 km dưới mực nước biển - để lấy trầm tích phục vụ cho nghiên cứu.
Sông Amazon ở Brazil. Ảnh: E+.
Tuy nhiên, Amazon, dù được xem là dài nhất thế giới, vẫn khá "trẻ" so với nhiều con sông khác trên thế giới. "Sông New ở Bắc Mỹ và Nile ở châu Phi được cho là đã hàng trăm triệu năm tuổi", Carina Hoorn, thuộc Đại học Amsterdam (Hà Lan), cho hay.
Lưu vực sông rộng nhất thế giới
Sông Amazon chiếm khoảng 20% tổng lưu lượng nước ngọt cung cấp cho các đại dương. Chỗ rộng nhất của sông vào mùa khô khoảng 11 km và lên tới 40 km vào mùa mưa lũ. Với khu vực cửa sông có thể rộng tới 325 km (202 dặm) nên Amazon còn được gọi là sông biển.
Lưu vực sông bao phủ phần lớn rừng Amazon, khu rừng nhiệt đới lớn nhất trên thế giới, chiếm diện tích 5.500.000 km² (phần lớn ở Brazil).
Amazon có lưu vực rộng nhất thế giới với hơn 1.000 sông nhánh đan chéo nhau dệt thành một mạng sông dày đặc, trong đó có hơn 17 nhánh có chiều dài 1.500 km. Lưu vực Amazon chiếm khoảng 40% tổng diện tích đại lục Nam Mỹ, lớn gấp đôi diện tích lưu vực sông Congo ở châu Phi.
Bức không ảnh chụp một phần bị ngập của sông Amazon trong mùa lũ. Ảnh: NASA.
Bản đồ hiển thị lưu vực sông Amazon với sông Amazon được làm nổi bật. Ảnh: Wikipedia.
Sông Amazon và các phụ lưu của nó đặc trưng bởi những khu rừng rộng lớn bị ngập nước vào mỗi mùa mưa. Mỗi năm mực nước sông dâng cao hơn 9 mét, làm ngập lụt các khu vực rừng lân cận, được gọi là "rừng bị ngập nước". Các khu rừng bị ngập nước của Amazon là những ví dụ điển hình nhất cho kiểu môi trường sống này trên thế giới. Tính trung bình trong mùa khô, diện tích bị ngập nước khoảng 110.000 km², trong khi mùa mưa diện tích bị ngập nước trong lưu vực lên đến 350.000 km².
Năng lượng sóng và thủy triều của Đại Tây Dương đủ để mang hầu hết vật liệu trầm tích của sông Amazon ra biển, do đó Amazon không hình thành một đồng bằng châu thổ thực sự. Các đồng bằng châu thổ lớn trên thế giới tất cả nằm trong các vùng nước được bảo vệ một cách tương đối, trong khi Amazon không hội đủ những yếu tố như thế.
Không hề có cầu bắc qua sông
Thực chất thì trong hầu hết chiều dài sông Amazon, không phải chỗ nào mặt sông cũng rộng đến mức không thể xây cầu, nhưng đó là mùa khô. Vào mùa mưa, sông dâng cao hơn 9m và mặt sông mở rộng khoảng 40 km chỉ trong vòng vài tuần. Lớp phù sa mềm bồi đắp hai bên bờ không ngừng sạt lở, lòng sông thường đầy đất đá vụn - gồm cả những mảng rừng trôi nổi có khi rộng tới 4 hecta. Amazon mùa mưa thực sự đem đến ác mộng cho những kỹ sư xây dựng.
Không hề có một cây cầu bắc qua con sông dài nhất thế giới này. Ảnh: National Geographic.
Thế nhưng, lý do thực sự dẫn đến sự vắng bóng của những cây cầu rất đơn giản. Lưu vực Amazon có rất ít đường sá để kết nối với những cây cầu. Ngoài một số thành phố lớn, dân cư của những khu rừng rậm rất thưa thớt và tự thân dòng sông là một đường cao tốc của người dân trong vùng.
Việc đầu tư tốn kém cho một công trình to lớn nhưng không có mấy tác dụng, có lẽ đó chính là nguyên do mà người ta… chẳng buồn xây cầu qua con sông này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét