Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 27 tháng 8, 2019

Hồi ức Hương Giang - Lê Quang Kế

Tôi đã lớn lên bên dòng sông ấy tới tuổi lập thân rồi bỏ sông mà đi. Người ta bảo tên sông Hồng gọi theo sắc màu, tên Cửu Long gọi theo dáng hình, còn Hương giang thì gọi theo mùi hương… Dòng sông thơm! Mùi hương lạ lùng ấy ai xa rồi dạ bồn chồn xao xuyến khôn nguôi. Vậy mà tôi đã biền biệt xa Huế, xa con sông quê dễ mấy chục năm trời…Sông Hương có tự bao giờ? Sách Dư địa chí của Nguyễn Trãi viết năm 1435 gọi là sông Linh – dòng sông thiêng, Ô Châu cận lục do Dương Văn An nhuận sắc năm 1555 gọi Hương giang là Kim Trà đại giang, nhiều tài liệu còn cho biết sông Hương còn có tên Lô Dung, sông Dinh hay Yên Lục; sông Hương thời điểm chúa Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa lại mang tên Hương Trà – cùng tên huyện nhà nơi dòng sông chảy qua trên đất Thừa Thiên.<!>

Và con sông thơ mộng – dịu dàng – ngạt ngào – huyền thoại ấy đã thành nỗi đam mê kim cổ cho tao nhân mặc khách – không tiếc ngôn từ tụng ca. Nhiều người thích câu thơ của cố thi sĩ Bùi Giáng – chỉ cặp câu lục bát mà khái quát cả xứ Huế mộng mơ “Dạ thưa xứ Huế bây giờ/ Vẫn còn núi Ngự bên bờ sông Hương”.
Hương giang – con sông thần thái của Huế – con sông trong tâm tưởng của bao người, của tôi. Nhà tôi chỉ cách sông một quãng ngắn, qua khỏi cửa Ngăn là tới bến đò Thừa Phủ một thời cắp sách. Những cô nữ sinh Đồng Khánh duyên dáng áo dài trắng tinh mỗi bận qua đò.

Những ngày cuối xuân đầu hạ khi mặt nước lặng lờ nhìn đò rời bến lấp loáng cơ man không biết bao chiếc nón bài thơ dịu ngọt – không biết bao tà áo dài thướt tha trong bóng nước.

Lạ thật! Cực chẳng đã mà phải qua Tràng Tiền thôi còn bước lên đò sang sông là nét duyên thơ của tâm hồn Huế. Hình như sông đò ấy đã ươm hạt giống văn chương cho mỗi người Huế dù cho chỉ là bước trắc trở gian truân.
Có người thơ Huế đã ra đi – Phương xích lô, một phu xe trần trụi nặng nợ áo cơm và nỗi cô đơn cùng tận đã hốt nhiên cùng với sông: “Vắng khách đôi khi về chở gió/ Không tiền, không bạc vẫn cười vang/ Dừng lại bên cầu nghe nước chảy/ Chợt thấy mình: một giọt nước Hương giang…”. Phương ơi! Những ngày bé dại bên sông Phương đã nói tới sự linh nghiệm cùng những ẩn ngữ ẩn ức trong cuộc đời – rồi ra tất cả chỉ là bóng mờ giữa cõi đời phiền lụy. Điều cuối cùng còn lại đó là người sông Hương vẫn yêu quý Phương vẫn nhớ dòng sông thơ “chở gió” – chỉ thế thôi là đủ, phải không Phương?

Ngày ấy lũ chúng tôi tắm sông vào dịp nghỉ hè. Chiều tới thả mình trên dòng nước lắng nghe tiếng sông rì rào. Bên kia Đập Đá có tiếng vỗ nhẹ của ghe câu cào hến. Những con người cần mẫn lạ lùng lặn hụp bên sông cực nhọc kiếm sống. Những lưng trần nắng rám bám riết đáy sông cả một đời.

Tôi đã gặp một người như thế – chú Thôi. Sinh ra và lớn lên trên sông nước vạn đò, chú chọn nghề xúc hến mưu sinh. Bây giờ cơm hến – người ta gọi nó là văn hóa ẩm thực, văn hóa vật thể của Huế, còn chú Thôi tôi đã bị dòng Hương cuốn trôi từ dạo ấy – trận lụt lịch sử năm 1999. Chú Thôi ơi, tôi cũng thế phải ra đi bôn ba tha phương với bao chồng chất lẫn lộn – chẳng biết bây giờ thím và các cháu ra sao? Gia đình đã kịp lên bờ định cư nơi vùng Xuân Hòa đất mới hay còn lênh đênh mạn thuyền sớm trưa cào hến nuôi thân nuôi con? Cháu nào đã có thể thay cha đảm đương cái nghề nhọc nhằn khổ ải ấy? Hến Cồn có còn hương vị ngày trước không?

Mười năm gió bụi (Thập tải phong trần khứ quốc xa) – thân già bệnh tật, không bè bạn, ở nơi xa vắng; thi hào Nguyễn Du cũng đã sống tháng ngày vất vưởng cực nhọc với bao đè nặng lo âu. Và ông quan lạnh kia vào nhậm chức Đại học sĩ chốn kinh thành hoa lệ – nhìn sông nước lững lờ đã phải thốt lên “Hương giang nhất phiến nguyệt/ Kim cổ hứa đa sầu” (Sông Hương một mảnh trăng/ Xưa nay đã gợi nên bao nỗi sầu).
Đã có lần tôi trở về bên sông. Tìm kiếm bước chân của ngày tháng cũ. Dòng sông xưa vẫn âm thầm lặng lẽ. Bao thanh âm quen thuộc của đêm sông Hương một thuở hiện về. Phía cồn Giã Viên có chiếc đèn câu le lói. Lặng lẽ ngư phủ dầm chèo yên ả. Lặng lẽ mưu sinh. Đêm nay trăng tỏ. Mặt sông như những hạt cườm rơi vãi lấp lánh đủ sắc màu. Văng vẳng xa đưa một giọng hò não nề thương nhớ: “Chiều chiều trước bến Vân Lâu/ Ai ngồi ai câu ai sầu ai thảm/ Ai thương ai cảm ai nhớ ai mong/ Thuyền ai thấp thoáng bên sông/ Nghe câu mái đẩy chạnh lòng nước non”. Ngày xưa, thuyền câu nơi bến sông này, ông vua yêu nước Duy Tân đã hẹn thề với hai chí sĩ Trần Cao Vân và Thái Phiên để hoạch định con đường đánh Pháp. Công việc bại lộ, nhà vua bị đày biệt xứ còn các chí sĩ phải chịu án tử hình. Câu mái đẩy trên dòng Hương đã ngót trăm năm nghe ra vẫn da diết, ngậm ngùi…

Những ngày đông Huế, tôi và bạn bè lại thích xuống cà phê Thọ. Quán nằm sát bờ sông Hương cuối chợ Đông Ba có bến xe buýt và các chuyến đò xuôi Ngã Ba Sình. Bao giờ cũng thế, phải tìm chỗ bởi khách cà phê đã đông nghịt từ sáng sớm. Bếp than đỏ rực lửa tự bao giờ, một chảo nước sôi sùng sục để hâm nóng ly tách trước khi pha chế cà phê. Ông chủ Thọ cẩn trọng tay cầm chiếc gắp được thiết kế đặc trưng – chỉ một công việc gắp ly ra khỏi chảo – từng ly trống không còn bốc khói được vớt ra chúc ngược sạch nước. Cà phê nóng cái ly nóng ấm làm khách nghe ấm lòng như quên đi cái se lạnh mùa đông. Ngồi cà phê Thọ nghe tiếng sông Hương với nhiều thanh âm ồn ã đời thường – chủ đò quay máy xình xịch chuẩn bị xuất bến – chuyến xe tới bà con ào xuống kịp buổi chợ sáng – tiếng hỏi chào lao xao chợ cá, tiếng kỳ kèo trả giá eo sèo… 


Từ góc khuất này, tôi nhìn sông Hương qua lăng kính khác, u tối buồn thương hơn. Một cô gái trên sông tình cờ tôi gặp – cô Sương đò chị Lặn. Tuổi thanh xuân nàng Sương hương sắc phải lênh đênh trên sông đón khách, một lần về thăm quê bị trúng đạn ở chân, Sương thành thương tật, chẳng ai đoái hoài. Sống sông nước phải tìm cách mưu sinh trên sông nước, cô mua chiếc ghe nhỏ chèo ghe từ đò này sang đò khác bán các thứ cho khách đêm. Người thân lần lượt bị chiến tranh cướp mất, Sương tứ cố vô thân, chiếc ghe là căn nhà – lều của cô gái trên sông. Bữa lời bữa lỗ do vụng về khi đứng lên ngồi xuống… Vậy mà ông trời chẳng tha, trận lụt lớn năm kia đã cuốn trôi Sương và cả chiếc ghe che mưa nắng. Người vạn đò chỉ cứu được cô còn “chiếc ghe cần câu” mất tăm. Mất sạch mọi thứ dành dụm cả một đời.

Văn nhân thi sĩ đã dựng Hương giang thành tượng đài nghệ thuật cùng bao nỗi lo âu về một vẻ đẹp mong manh đang dễ bị phá vỡ… Những năm gần đây đang có nhiều dự án như chuyện: Hương giang sẽ có thêm nhiều chiếc cầu làm cắt vụn khoảng không gian thoáng đãng của dòng sông. Vẫn còn đâu đó mối lo với việc dự án xây khu resort lừng lững giữa cồn Dã Viên trên dòng chảy – không biết toan tính trong dự định đang đi tới đâu? Phía bờ bắc của vùng kinh thành Huế đã xuất hiện một số công trình mới làm che khuất tầm nhìn hướng về dòng sông và Tử Cấm Thành đang gây không ít lần tranh cãi. Người xây dựng đề án phát ngôn mang cảm tính với lập luận – đó là mong muốn phát huy những lợi thế độc đáo của dòng sông Hương hay là chế ngự những tai ương mà thiên nhiên vô tình gây ra trên sông!? Với các dự án đang được dư luận quan tâm – dường như ai cũng nói vì Huế, muốn tận dụng để tôn vinh vẻ đẹp của sông Hương. Nhưng xin hãy nhẹ tay với dòng sông – yêu Huế, yêu sông Hương xin mọi người hãy bình tâm nghĩ thật kỹ thật chín thật thấu đáo mọi lẽ mọi chuyện về con sông xinh đẹp và thơ mộng này. Hương giang xưa nay vẫn luôn là điểm nhạy cảm nhất của Huế, nơi vẻ đẹp tự nhiên của tạo hóa rất dễ bị bàn tay con người làm biến dạng phản cảm…

Sông Hương nặng tình với mưa Huế. Mưa Huế… mưa mãi mưa hoài dài từ tháng Chín cho tới Giêng, Hai. Mưa ngày mưa đêm mưa rả rích mưa thâm căn cố đế. Mưa… tình – hình như nghe trong mưa có đủ: giọt thương giọt nhớ, giọt nhẹ nhàng, giọt sâu lắng, giọt giận hờn, giọt đức hạnh thủy chung; giọt như tiếng dạ thưa ngọt lịm. Mưa Huế là phần sâu lắng nhất của tâm hồn Huế. Hương giang trong mưa lặng lờ, trầm mặc. Tìm trong mưa lời thì thầm của sóng nước. Những bọt nước vỡ tung trên mặt sông gợi bao nỗi niềm thiếu nữ.

Con gái Huế lạnh như băng nhưng thâm trầm như biển sâu. Làm quen tán tỉnh một cô nàng Huế khó thật khó nhưng đã yêu ai thì yêu cả một đời. Có khi tình yêu chỉ là một thoáng bâng quơ nhưng để lại vết thương lòng không dễ gì quên; có khi chưa kịp cầm tay nụ hôn đầu đời thì chàng phải ra đi theo bước công danh nhưng nàng vườn xưa chốn cũ vẫn cứ mỏi mòn chờ đợi…

Mối tình đầu của tôi – ôi nhớ một đời! Tôi yêu em vụng dại chân thành không toan tính dẫu biết rằng “Nhưng mấy khi tình đầu kết thành duyên mong ước/ Mấy khi tình đầu kết tròn mộng đâu em” (Anh Việt Thu)… Tình đầu như cơn mưa đầu hạ khiến lòng ta dịu mát – tình đầu như bước chân nhung nhẹ nhưng vết hằn lại rất sâu. Nàng học Đồng Khánh ngôi trường nữ đẹp nhất thơ mộng nhất của Huế yêu – “Trời hôm ấy mười lăm hay mười tám/ Tuổi của nàng tôi nhớ chỉ mười ba” (Nguyên Sa). Ngày ấy, tôi yêu em trắng trong, chưa cầm tay em chưa lần hò hẹn chứ nói chi tới nụ hôn đầu đời… Thế mà những đổi thay vỡ vụn và cơn biến động đường đời tôi mất em từ đấy… Giờ ngoài nớ em còn nhớ… hay em đã quên?

Có khi sông Hương hiền hòa bỗng trở nên dữ dằn trong cơn cuồng nộ – đó là những trận lụt bất thường ở xứ Huế. Câu ca ngày ấy âm hưởng điệu buồn da diết: “…Quê hương em nghèo lắm ai ơi/ Mùa đông thiếu áo hè thời thiếu ăn/ Trời rằng trời hành cơn lụt mỗi năm à ơi/ Khiến đau thương thấm tràn ngập Thuận An / Để lan biển khơi ơ hò ơ hò…” (Phạm Đình Chương). Những đứa con Huế xa quê những ngày mưa lụt não ruột ngóng tin: Biết chừ ngoài nớ ra răng? Sông Hương nước lên ngang mô rồi? Mùa màng năm ni chắc là thất bát? Nước sông Hương băng băng xối xả như cuốn phăng tất cả về cửa biển Thuận An. Những ngày ấy màu sông đục ngầu vàng sẫm, réo rắc giai điệu bi thương lời buồn nức nở… Cảm ơn nhà soạn tuồng Đào Tấn, ông không là người xứ Huế mà cảm được mùi hương của dòng Hương: “Cộng ẩm Hương giang thủy/ Vô nhân thức thủy hương” (Cùng uống nước sông Hương/ Không có mấy người cảm được cái mùi thơm của nước). Còn tôi đã chừng ấy năm xa quê xa sông, tôi như nợ nần. Sông ơi, Hương giang của tôi ơi! Món nợ tình sông cứ vay… vay hoài… Lần lữa… lần lữa… trả mà có trả được đâu!?



Lê Quang Kế

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét