Hồi trước, để bước chân vào giảng đường đại học, những thí sinh phải thi đậu kỳ thi tú tài rồi mới thi vào đại học. Kỳ thi đại học bao giờ cũng là bước ngoặt lớn trong cuộc đời học hành, quyết định sự nghiệp, cuộc đời tương lai của một người. Để tham dự những đợt thi tuyển này, từ đầu năm lớp 12, mỗi người cầnôn luyện chuẩn bị cho kỳ thi đại học. Tới đợt đi thi phải lo thủ thân thi đủ ba đợt cho chắc ăn: hai đợt đại học, một đợt cao đẳng. Nếu rớt trường này thì vẫn còn trường kia. Nếu thua đại học vẫn còn chốn cao đẳng dung thân. Bao nhiêu cảnh éo le, tốn kém của việc đi thi: từ miền núi cao lặn lội xuống tỉnh, từ miền Bắc xuôi vào Huế, Sài Gòn vì điểm chuẩn của hai nơi này thấp hơn Hà Nội. Dọc dường kể sao hết tốn kém, bất trắc. Nào ăn cơm bụi, ở nhà trọ, lại thêm bị nạn móc túi, lừa đảo, tai nạn giao thông…<!>
Nhiều trường hợp oái oăm, ví như trọ xa, không biết đường, kẹt xe… thí sinh tới nơi thì cổng trường đã đóng. Nhà nghèo, ăn hại tới sang năm biết còn cơ hội đi thi không, qua mỗi năm bài vở rớt rơi phần nào….
Thế nên từ năm 2015, kỳ thi tuyển sinh đại học và cao đẳng bãi bỏ, chỉ còn một kỳ thi tốt nghiệp trung học vào cuối năm lớp 12. Kết quả điểm cao hay thấp của kỳ thi này được chọn để tuyển vào đại học.
Mà thi tốt nghiệp trung học có vẻ… nhẹ nhàng hơn thi tuyển đại học vì được tổ chức ngay tại địa phương. Trong khi để ứng thí những kỳ thi đại học trước đó. Thí sinh phải lều chõng khăn gói đến tận ngôi trường mình muốn thi vào. Muốn thi vào Y Hà Nội thì phải đến tận Hà Nội ngồi làm bài cho dù thí sinh ở Ninh Bình, Thanh Hóa… Muốn thi vào Bách khoa Saigon, cũng phải tề tựu vào Sài Gòn mặc dù ở tận Bình Thuận, Cà Mau… Đỡ rất nhiều tốn kém tiền bạc công sức khi khắp cả nước, thí sinh khỏi phải di chuyển tán loạn từ nơi ở của mình đến tận ngôi trường muốn thi vào. Chỉ ngồi tại chỗ, đi từ nhà tới trường như quãng đường ngắn vẫn đi học hàng ngày và cố gắng làm tốt bài thi tốt nghiệp của mình thôi.
Thông thường học sinh ở các thành phố lớn có điểm thi cao hơn những nơi khác. Nguyên do là thành phố lớn có trường lớp tốt, giáo viên giỏi, học sinh được cha mẹ theo dõi, săn sóc chu đáo, cho đi học thêm nhiều. Các môn chính ở trường, học sinh đều phải đi học thêm cả: Toán, lý, hóa, văn, ngoại ngữ… không kể các môn nhiệm ý: hội họa, âm nhạc, thể dục… Thiếu khá nhiều những điều kiện đó nên đa số học sinh ở vùng xa, vùng sâu thường có điểm thi kém hơn học sinh thành phố.
Cứ thế kỳ thi tuyển êm đềm qua mấy năm. Thế nhưng bỗng nhiên năm 2018, người ta bỗng phát giác tỷ lệ thí sinh đạt 9 điểm, gần như điểm tuyệt đối ở những môn Toán, Vật lý, Hóa học là những môn khó, đòi hỏi giỏi chứ không phải môn thuộc lòng, lại thấy xuất hiện chi chít ở những tỉnh miền núi như Hà Giang, Lai Châu, Sơn La. Điểm cao đột ngột một cách kỳ lạ, cao hơn tỷ lệ chung toàn quốc, cao hơn những học sinh giỏi ở các thành phố lớn. Và lại rất nhiều học sinh điểm cao chất ngất chứ không phải vài em giỏi xuất sắc khiến ai nấy nghi ngờ.
Dư luận ồn ào. Thế là quật mộ các bài thi. Bộ Giáo dục phải cho chấm lại những bài thi có từ 8 điểm trở lên. Kết quả hết sức tốt đẹp vì các bài đó chấm đi, chấm lại, điểm vẫn…như nhau. Phải tới phiên Công an ra tay mới lòi ra sự thật. Té ra mọi thứ đã được sửa lại từ bài thi gốc.
Dây chuyền sửa điểm đi từ phó chủ tịch tỉnh, bí thư tỉnh, giám đốc sở giáo dục, chánh thanh tra sở giáo dục, công an giữ chìa khóa phòng thi… Coi như chặt chẽ từ đầu tới cuối.
Ai đời, một thí sinh có điểm thực gồm Toán 0; Vật lý 0,25; Anh văn 0,2 . Được phù phép biến ra ba con số 9, thành tổng điểm là 27 (tăng thêm 26,55 điểm). Hai điểm 0, một điểm 1 vẫn đậu Top 3 trường quân đội. Từ điểm “liệt toàn phần” tới điểm cao ngất ngưởng. Nhìn số điểm thực này, người ta phải có ý nghĩ: thí sinh học dốt đến mức không làm được một câu nào cả, hoặc yên tâm sẽ đậu cao nên chẳng cần qua quýt 1,2 câu cho khỏi bị điểm liệt thì học làm gì cho hao hơi tổn sức. Chắc chắn sự việc rơi vào trường hợp thứ ai vì chỉ tâm thần mới làm bài điểm liệt kỳ cục như vậy. Từ con số 0 mà mém thành con số tuyệt đối thì đúng là học làm gì cho phí công!
Chỉ tội nghiệp cho những thí sinh đủ điểm đậu lại trượt oan uổng nhường chỗ cho kẻ chạy điểm. Khi mọi việc vỡ lở, kẻ chạy điểm bị buộc thôi học nhưng những người đáng lẽ đậu thì ngậm ngùi vì sự bất công. Một thí sinh đã phải đi thi đại học tới lần thứ 3 và chỉ thiếu 0,05 điểm để đậu trong khi có người được biếu không tới 26,55 điểm. Học tài thi phận. Biết sang năm đi thi nữa chăng hay xoay qua cày cuốc, thợ hồ….
Đầu tiên, người trực tiếp nhận ân huệ là thí sinh. Khỏi cần học hành, nghiễm nhiên được nhảy vào các trường đại học điểm cao vòi vọi. Vậy tội phạm đích danh là những thí sinh được nâng điểm, phải tước quyền học ở trường đại học, và bêu tên cho bàn dân thiên hạ biết.
Dư luận nhao nhao bênh vực. Phải xử sự theo kiểu nhân văn, còn tương lai dài của trẻ phía trước. Trẻ ngây thơ nào biết chuyện nâng điểm, hạ điểm. Bổn phận của trẻ là ăn, học, ngày ngày chỉ chuyên tâm cắp sách đến trường. Còn kết quả thi cử là bổn phận có cha mẹ lo. Không quen biết thì có kim ngân. Nén bạc đâm toạc tờ giấy. Bởi thế có câu: “cái gì không mua được bằng tiền thì mua bằng nhiều tiền”!
Đành chỉa mũi dùi sang phụ huynh.
Tuy nhiên hỏi ra tất cả các bậc phụ huynh đều là những người rất mực ngây thơ.
Chữ “ngây thơ” được định nghĩa là: Không hiểu biết hoặc hiểu biết rất ít về đời do còn non trẻ, ít kinh nghiệm. Thế mà những người đứng tuổi này vẫn ngây thơ… vô số tội.
Phụ huynh tự tin trả lời: “Tôi không có lỗi gì cả”.
Ông Bí thư tỉnh ủy từng tuyên bố trong một hội nghị: “nhìn thẳng vào sự thật và kiên quyết đấu tranh loại bỏ cái xấu”. Khi được tin con gái mình nằm trong danh sách nâng điểm, ông khẳng định: “Con tôi học giỏi 3 năm liền, không việc gì phải xin điểm”. Và cuối cùng ông ngơ ngác khẳng định không biết gì về việc động trời này: “Tôi cảm thấy rất buồn khi ai đó tự ý nâng 5 điểm thi cho con gái tôi”.
Vợ ông phó Giám đốc sở Giáo dục Hà Giang cũng tỏ vẻ ngạc nhiên không kém: “Việc nằm trong danh sách được nâng điểm chính cháu cũng không biết và gia đình chúng tôi càng không có chủ trương, sắp xếp”.
Vợ (công an) chồng (phó chủ tịch huyện Quỳnh Nhai) tuyên bố: “Không hề biết huyện nâng điểm. Chỉ biết thì biết mọi người, chứ thân quen đến mức để tác động được thì không”.
Lại có phó thường dân có con học giỏi “bị” nâng điểm tỏ cảm giác bàng hoàng thật sự không dưng bị lôi kéo vào scandal. Té ra, một ông nắm chìa khóa kho bài thi vì năm ngoái có người em họ bị trượt nên áy náy với tình họ hàng, năm nay “tự động” sửa điểm cho cô em họ nhằm chuộc lỗi. Chứ không thiên hạ lại dèm pha nói quyền sinh sát trong tay mà không giúp người nhà.
Tới nước này thôi đành khai ra. Có trường hợp nhận gần một tỷ đồngvà đã giao nộp hết cho nhà chức trách. Thế nhưng lạ là người nhận tiền khai rõ ràng nhận của ai, nhận bao nhiêu nhưng những người đưa tiền đều nhất loạt chối, không hề đưa ra chọt chọt xu nào. Cho nên tiền đó sung vào công quỹ hết.
Bỏ cả tỷ đồng cho một kỳ thi thì những gia đình này đủ sức lo cho con đi du học các nước Âu Mỹ. Thế nhưng hiện nay tình hình cho thấy du học không phải là cách tốt nhất cho đường tương lai con cái. Chính sách thắt ngặt đối với dân nhập cư khiến du học sinh đi học cả chục năm vẫn khó ở lại. Nếu dốt quá, thì tiền dù bỏ ra như nước cũng chẳng có chữ nào chui vào đầu được, chỉ vài năm quay về quê không bằng cấp không nghề ngỗng lại nhiễm thói ăn chơi trời Tây. Chi cho bằng cố chạy điểm để vào các ngành hot hy vọng ra trường chắc chắc có việc làm bền vững và thu nhập cao ngay. Chứ ngay cả du học sinh về nước, sau này số lượng quá nhiều, cũng khó tìm được công việc ưng ý.
Chuyện sửa điểm dễ dàng như chốn không người nên có thể tiện tay “giúp không công” thêm cho một mớ. Nên tổng số có mấy trăm thí sinh “vạ lây” bị nâng điểm.
Chỉ mất 6 giây để sửa một bài thi nên một cán bộ khảo thí Hà Giang đã nâng điểm hang trăm bài thi trong vòng hai tiếng đồng hồ, đưa số điểm chênh lệch lên tới 29,95 điểm. cho 4 môn thi trắc nghiệm của một thí sinh.Thí sinh được sửa điểm “bạo” tới mức trở thành thủ khoa, á khoa la liệt các trường. Thật lòng tham quá đáng. Chẳng những nâng điểm dư đậu mà còn phải đậu nhất nhì bảng.
Coi bộ chuyện nhờ vả, chạy chọt và sửa điểm xảy ra thường xuyên hàng năm. Dễ dàng tới mức Phó bí thư tỉnh Sơn La có con đã đủ điểm đậu nhưng vẫn xin thêm cho dư dả. Đúng là xui nên mới bị khui ra.
Chuyện xảy ra từ 2018 mà dây dưa tới giờ vẫn chưa giải quyết xong.
Vụ thi cử sửa điểm này khiến người ta nhớ đến vụ chạy điểm để lọt vào trường đại học ở trời Tây vừa qua.
Trường Stanford đã âm thầm buộc thôi học nữ sinh viên sau bê bối nhà giàu chi tiền khủng để giúp con cháu vào các trường đại học danh tiếng Mỹ bị bại lộ hồi tháng 4 vừa qua. Cũng như đại học Yale, Stanford đã không công bố danh tính của nữ sinh viên này.
Để vượt qua yêu cầu khắt khe đầu vào về năng lực thể thao của Đại học Stanford, cha mẹ của nữ sinh viên vừa bị buộc thôi học đã bỏ ra số tiền tới 500.000 USD. Đây là trường hợp chạy trường thứ ba bị phát hiện tại đại học danh tiếng này.
Bê bối “chạy trường” liên quan đến một số trường đại học danh tiếng như Yale, Stanford, Georgetown và Đại học Texas ở Austin. Ít nhất 50 nhân vật nổi tiếng ở Hollywood, các doanh nhân thành đạt và nhiều huấn luyện viên thể thao có dính líu.
15 người đã nhận tội, bao gồm cả nữ diễn viên Huffman. Nếu bị kết án, họ có thể đối mặt với 5 năm tù. Cô Huffman và chồng, nam diễn viên William H. Macy, bị buộc tội quyên góp 15.000 USD cho tổ chức của Singer để nhờ một người khác sửa câu trả lời của con gái trong bài thi đầu vào SAT.
Thôi thì an ủi ở đâu cũng vậy. Chạy trường, sửa điểm vốn thường tình. Chuyện nhỏ thôi đó mà!
SGCN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét