Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 30 tháng 7, 2019

Thủ đô Nga bắt số lượng người biểu tình lớn nhất trong mười năm


Cảnh sát trấn áp người biểu tình ở Nga (Ảnh: Youtube)
Các nhóm quan sát tại Nga cho hay gần 1.400 người biểu tình đã bị bắt giữ sau khi cảnh sát dùng bạo lực trấn áp cuộc biểu tình quy mô lớn của phe đối lập ở Moscow hôm Chủ nhật 28/7. Đây là số người bị bắt lớn nhất từ một cuộc biểu tình ở thủ đô Nga trong vòng một thập kỷ qua.  OVD-info, tổ chức giám sát các vụ bắt bớ của cảnh sát Nga từ 2011, nói số lượng người biểu tình bị bắt giam đã lên tới 1.373 vào sáng Chủ nhật. Phần lớn trong số đó đã được thả, nhưng 150 người vẫn đang bị giữ, theo thông báo của ODV-Info và một nhóm luật sư hỗ trợ hôm Chủ nhật. <!>
Các cuộc trấn áp người biểu tình chống chính phủ đã bắt đầu từ nhiều ngày trước khi diễn ra cuộc biểu tình. Lãnh đạo phe đối lập Alexei Navalny bị bắt và tuyên án giam 30 ngày vào hôm thứ Tư vì tội kêu gọi biểu tình chống lại cơ quan bầu cử, cơ quan đã cấm các ứng viên đối lập ra tranh cử trong cuộc bầu cử hội đồng thành phố Moscow vào ngày 8/9 tới. 
Phát ngôn viên của ông Navalny cho hay ông đã bất ngờ phải nhập viện hôm Chủ nhật với lý do được chính quyền đưa ra là bị dị ứng nghiêm trọng. 
Bà Kira Yarmysh nói ông Navalny trước đó không hề bị bất kỳ loại dị ứng nào, đã được đưa từ nhà tù Moscow tới bệnh viện trong buổi sáng Chủ nhật, ngày diễn ra cuộc biểu tình, với tình trạng mặt bị sưng và mẩn đỏ nghiêm trọng. 
Biểu tình tại Nga (Ảnh: Youtube)
Cảnh sát Moscow đã dùng bạo lực để giải tán hàng ngàn người đổ xuống những con đường thủ đô từ thứ Bảy nhằm biểu tình phản đối cơ quan bầu cử thành phố. Nhiều người biểu tình bị cho là đã bị cảnh sát đánh gãy tay, chân và chảy máu đầu. Cảnh sát nói họ có hành động nghiêm túc như trên là do cuộc biểu tình chưa được chính quyền cấp phép. 
Những người tham gia biểu tình lần này chủ yếu là thanh niên, phản ánh sự bất mãn của giới trẻ Nga đối với chính phủ Putin. Ngoài ra, nhiều thành viên của đảng đối lập muốn đứng ra tranh cử cũng bị bắt. 
Cảnh sát với trang bị chống bạo động đã đẩy lùi người biểu tình ra khỏi khu vực tòa thị chính thành phố, tuy nhiên hàng ngàn người lại tái tập trung ở các điểm khác nhau gần đó và tổ chức một đợt biểu tình mới. Truyền thông nước ngoài mô tả một số cảnh sát Moscow đã dùng dùi cui đánh người biểu tình gục xuống đất, trong khi nhiều người khác giằng co với cảnh sát. 
Cảnh sát Moscow cho hay số lượng người biểu tình là 3.500, nhưng video quay từ trên cao ở nhiều địa điểm cho thấy ít nhất 8.000 người đã tham gia. 
Dmitry Gudkov, một nhân vật đối lập đã bị cấm tranh cử tại hội đồng thành phố Moscow, bị bắt hôm Chủ nhật khi ông tham gia phân phát thức ăn cho người biểu tình. Ông Gudkov hiện vẫn đang ở trong tù. 
Đại sứ Mỹ tại Moscow lên án việc cảnh sát Nga sử dụng bạo lực thái quá để trấn áp người biểu tình và Hội đồng Tổng thống Nga về Nhân quyền nói họ quan ngại về tình trạng bạo lực của cảnh sát. 
Tổng thống Nga Vladimir Putin không có mặt ở Moscow trong những ngày biểu tình nổ ra. 
Đức Trí

Tàu chiến Anh tới vùng Vịnh để đảm bảo tự do hàng hải

Tàu chiến Anh đã tới vùng Vịnh sẵn sàng hộ tống các tàu chở hàng của Anh quá cảnh qua Eo biển Hormuz trong bối cảnh leo thang căng thẳng với Iran, Bộ Quốc phòng Anh thông tin hôm Chủ Nhật (28/7).
Tàu chiến Anh tới vùng Vịnh đảm bảo tự do hàng hảiTàu chiến Anh tới vùng Vịnh đảm bảo tự do hàng hải. (Ảnh: Hải quân Hoàng gia Anh)
Hãng tin AP, dẫn lời Bộ Quốc phòng Anh hôm Chủ Nhật (28/7), cho biết tàu khu trục lớp 45 HMS Ducan sẽ tới vùng Vịnh cùng tàu tuần Dương HMS Montrose đã tới đây từ đầu tuần để bảo vệ tự do hàng hải.
Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace nói rằng Hải quân Hoàng gia Anh sẽ hộ tống các tàu chở hàng của Anh tại vùng Vịnh cho tới khi nào các bên liên quan đạt được một giải pháp ngoại giao để đảm bảo an toàn trở lại cho tuyến hàng hải quan trọng này.
Tuần trước, căng thẳng Anh-Iran leo thang khi chế độ Tehran bắt giữ tàu chở dầu Stena Impero treo cờ Anh đang quá cảnh qua Eo biển Hormuz. Một số quan chức Iran thời điểm đó nói rằng việc Tehran bắt giữ tàu Stena Impero là để trã đũa cho việc Hải quân Hoàng gia Anh đã hỗ trợ các nhà chức trách Gibraltar bắt một tàu chở dầu Iran với cáo buộc vi phạm chế tài của Liên minh Châu Âu cấm bán dầu cho Syria.
Eo biển Hormuz kết nối Vịnh Ba Tư với Vịnh Oman và trong vài tháng gần đây đang trở thành điểm nóng mất an toàn hàng hải cho tàu chở dầu của nhiều quốc gia khác nhau.
Đầu tuần này, Hải quân Anh đã chính thức cử tàu chiến tới vùng Vịnh để hộ tống các tàu hàng của Anh đi qua Eo biển Hormuz, tránh rủi ro tiếp tục bị Iran bắt giữ. HMS Ducan là tàu chiến thứ hai của Anh tới vùng Vịnh chỉ trong một tuần.
Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace xác nhận rằng an toàn hàng hải trong khu vực là quan trọng đối với lợi ích thương mại thế giới. Ông Wallace nói với AP:
Tự do Hàng hải tại Eo biển Hormuz là quan trọng không chỉ với Anh, mà còn với các đối tác và đồng minh quốc tế của chúng tôi.
Các tàu hàng phải được tự do di chuyển hợp pháp và giao thương an toàn ở bất cứ nơi đâu trên thế giới.
Tôi vui mừng thông báo rằng tàu HMS Duncan sẽ tiếp tục công việc tốt của tàu HMS Montrose trong việc giúp đảm bảo an toàn tuyến hàng hải quan trọng này.
Đồng thời với việc chúng tôi tiếp tục thúc đẩy một giải pháp ngoại giao sẽ giúp [tuyến hàng hải này an toàn] mà không cần sự hỗ trợ của quân đội, thì Hải quân Hoàng gia Anh sẽ vẫn tiếp tục cung cấp sự bảo vệ an toàn cho các tàu hàng của Anh cho tới khi [tuyến hàng hải này] thực sự an toàn.
Theo Force News, Hải quân Anh dự kiến sẽ điều thêm hai tàu chiến tới vùng Vịnh vào cuối năm nay. Khi đó, tàu tuần dương HMS Kent cùng với tàu hỗ trợ RFA Wave Knight sẽ làm nhiệm vụ đảm bảo tự do hàng hải tại Eo biển Hormuz thay cho tàu khu trục HMS Duncan.
Trong khi đó, theo AP, dù không trực tiếp đảm bảo tự do hàng hải ở vùng Vịnh, nhưng tàu HMS Montrose sẽ vẫn duy trì đồn trú tại Trung Đông cho tới năm 2022.

Xuân Thành(trithucvn)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét