Các cựu giáo sư Quốc Học và Đồng Khánh, cùng các cựu học sinh cao niên nhận những món quà tinh thần cao quý trong ngày hội ngộ.
GARDEN GROVE, California (NV) – Với chủ đề “Nhớ Trường Xưa Bạn Cũ,” Hội Ái Hữu Cựu Học Sinh Quốc Học Đồng Khánh vừa có buổi hội ngộ vào sáng Chủ Nhật, 2 Tháng Sáu, tại nhà hàng Diamond Seafood, Garden Grove. Vì là buổi hội ngộ giữa thầy cô và nhiều thế hệ các cựu học sinh của hai trường, nên có rất đông người tham dự, đa số đều đã trên tuổi “Thất thập cổ lai hy,” nên buổi hội ngộ tràn ngập tình đồng môn, thầy trò sau bao ngày gặp lại.
<!>
Bà Đỗ Khánh Niệm (thứ tư, trái), cựu nữ sinh Đồng Khánh, trong vòng tay yêu thương của bạn bè sau khi trình bày bản nhạc “Gởi Gió Cho Mây Ngàn Bay” trong ngày hội ngộ.
“Quốc Học sau này được mở ra cho con của dân vào học, học sinh từ nhiều tỉnh miền Trung vào thi, thành ra phải học giỏi mới thi đậu vào Quốc Học được. Quốc Học có trước Đồng Khánh 20 năm, là hai trường lớn nhất nước thời bấy giờ. Cả hai đều cách nhau một đoạn đường ngắn, cùng nhìn ra đường Lê Lợi, rực cả màu đỏ phượng vĩ khi Hè về, và cùng nhìn ra bờ sông Hương bên kia là Phu Văn Lâu, ngay trước Kỳ Đài và Ngọ Môn,” ông kể.
Ông Hữu nhớ lại những kỷ niệm thời học trò: “Vì hai trường gần nhau nên khi tan học về, em đi bộ hoặc đi xe đạp chạy trước, các anh lẽo đẽo theo sau, đó là cảnh nhạc sĩ Phạm Duy đã viết trong nhạc phẩm ‘Ngày Xưa Hoàng Thị’ một thời các anh hát say mê. Còn những khi các em tan học về đi trong mưa thì khỏi nói, đẹp mất hồn đến nỗi có câu hát ‘Em đi về cầu mưa ướt áo/ Đường phượng bay mù không lối vào/ Hàng cây lá xanh gần với nhau,’ mà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong bài ‘Mưa Hồng’ đã diễn tả.”
“Hơn nửa thế kỷ trôi qua, nói về kỷ niệm ngày xưa thật thơ mộng mỗi khi về đây gặp lại thầy cô và đồng môn. Vì lý do đó mà hằng năm hai trường chúng tôi đều cùng nhau tổ chức hội ngộ, ôn lại chuyện xưa quý hóa lắm, gặp lại nhau đây, thật cảm động vô cùng,” ông nói tiếp.
Cộng Đồng Pomona Valley, lực lượng hùng hậu nhất trong ca khúc tranh đấu “Bài Ca Tuổi Trẻ.”
Giáo Sư Thái Doãn Ngà, dạy ở cả hai trường Quốc Học và Đồng Khánh, từ 1957-1966, sau đó vào làm hiệu trưởng trường Phan Châu Trinh Đà Nẵng, và giám đốc Học Chánh Đà Nẵng, cho biết Quốc Học là ngôi trường sản sinh nhiều nhân tài, các sĩ quan thuộc các binh chủng QLVNCH.
“Khi đi dạy tôi 25 tuổi, nay đà 86 tuổi rồi, học trò tôi ít nhất cũng 80. Sau 44 năm gặp lại nơi hải ngoại, học trò vẫn nhớ tới thầy cô là điều tôi xúc động nhất,” ông tâm sự.
Nhớ lại thời xa xưa, cựu Đại Tá Lê Bá Khiếu, cựu tỉnh trưởng tỉnh Quảng Ngãi, cựu học sinh Quốc Học khóa 1948-1955, cho biết: “Vì là trường công duy nhất và lớn nhất thời đó, nên thi vào lớp Đệ Thất (lớp 7) Quốc Học rất khó, thi 2,200 người chỉ đậu được 250. Tôi sau đó ra trường làm việc khắp các nơi, còn có một lớp 48-55 nữa, chúng tôi thường gặp mặt ở đây, năm rồi chỉ còn 32 người. Chỉ còn họp mặt Quốc Học-Đồng Khánh là đông, vì nhiều thế hệ già trẻ còn có dịp gặp nhau, cảm động lắm!”
Cựu học sinh Đồng Khánh thi vào trường năm 1951, bà Đỗ Khánh Niệm, cho biết: “Có ba cái rất khó cho học sinh Đồng Khánh, thứ nhất là khi thi vào trường, thứ hai là chương trình học khó, và thứ ba là thầy cô rất nghiêm khắc. Mỗi năm gặp lại ở đây ngày càng vắng, ra đi hết rồi. Trong buổi hội ngộ tôi đánh đàn Hạ Uy Cầm bài ‘Gởi Gió Cho Mây Ngàn Bay’ để tặng các thầy cô và bạn học, cũng để nhớ về một thời hoa mộng nay đã quá xa!”
Văn sĩ Tôn Nữ Áo Tím (trái) trao tặng số tiền ủng hộ ra mắt sách của bà cho ông Thạnh Nguyễn, đại diện Tổ Chức Homless Nam California, do Hội Ái Hữu Cựu Học Sinh Quốc Học-Đồng Khánh bảo trợ.
Từ San Jose, nơi được biệt danh là “Thung lũng hoa vàng, chị Tôn Nữ Áo Tím, cựu nữ sinh Đồng Khánh niên khóa 1963-1970, từng đoạt giải truyện ngắn của Văn Thơ Lạc Việt 2014, và giải truyện ngắn của Tạp Chí Văn Học Nghệ Thuật Nguồn tại San Jose 2017, Bắc California, cũng về tham dự.
Trong buổi hội ngộ, bà giới thiệu hai tác phẩm “Con Đường Phượng Vĩ” và “Dòng Chảy,” được đón chào nồng nhiệt! trong tình thân hữu. Có lẽ tinh thần của ngôi trường thân yêu ngày cũ đã in đậm dấu ấn thơ mộng trong tâm hồn, để từ đó những tác phẩm văn học được thai nghén và ra đời, hòa quyện vào nhau giữa thực và mộng, giữa cuộc đời và ảo tưởng, mà hư cấu cũng là yếu tố góp phần.
Chị cho biết: “Tất cả tiền thu được từ việc ủng hộ sách đều được ủng hộ lại Tổ Chức Homeless Nam California, được Hội Ái Hữu Cựu Học Sinh Quốc Học-Đồng Khánh Nam California tài trợ, và đây là một hoạt động nổi bật của hội.”
Cuộc hội ngộ còn kéo dài trong tình thân hữu, đồng môn và thầy trò, tuy năm nào cũng gặp lại, nhưng tâm tình thì không bao giờ phai, tình bằng hữu trường tồn mãi với thời gian
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét