Khủng hoảng Mỹ-Iran : rủi ro mê hồn trậnTú AnDân Iran đốt mặt nạ hình tổng thống Mỹ Donald Trump trong một cuộc biểu tình ở Tehran, ngày 31/05/2019Meghdad Madali/Tasnim News Agency/via REUTERSHồng Kông và Hoa lục, tuy cùng một nước nhưng ngày càng xa nhau. Mỹ và Iran cùng thổi lửa tại Trung Đông. Hai địa danh đầy bất trắc tiếp tục chiếm ngự các trang chính của báo chí Pháp hôm nay bên cạnh thời sự bóng đá nóng bỏng.<!>
Nguy cơ chiến tranh toàn diện đe dọa Trung Đông
Le Monde, la Croix, Le Figaro đồng loạt báo động Trung Đông có nguy cơ chìm trong thảm họa chiến tranh. Một mê hồn trận đang mở ra ở vùng Vịnh nếu Mỹ và Iran tiếp tục leo thang dọa nhau.
Làm mưa làm gió trên hồ sơ hạt nhân, Iran đe dọa sẽ không tôn trọng hiệp định hạt nhân 2015, Le Monde cho biết Teheran gây thêm căng thẳng với hai mục đích : vừa gây chia rẽ nội bộ chính phủ Hoa Kỳ, giữa phe diều hâu và phe chủ hòa vừa khuyến cáo châu Âu phải có hành động « giải tỏa » lệnh trừng phạt kinh tế của Mỹ, thay vì chỉ phản ứng thụ động. Vấn đề là liệu Washington và Iran có đủ bình tĩnh để dừng lại đúng lúc hay không ? Nhận định của tổng thống Pháp hôm 13/05, sau vụ hai tàu dầu bị tấn công trong biển Oman nói lên mối lo ngại này : Nếu mỗi bên cứ nhân danh an ninh chung ra tay tiêu diệt trước nguy cơ đe dọa thì cuộc mặc cả sẽ leo thang không biết đến khi nào. Nhưng không phải chỉ có hai tác nhân Mỹ và Iran, mối lo càng lớn hơn nữa vì thủ tướng Israel đã biểu lộ thái độ cứng rắn: « Israel không để cho Iran chế tạo bom hạt nhân ». Thế giới hồi hộp chờ thêm 10 ngày nữa, phát ngôn viên cơ quan hạt nhân Iran báo trước là đến ngày 27/06, Iran sẽ chế tạo hơn 300 kilô uranium tinh lọc. Mỹ và Israel sẽ hành động như thế nào ?
La Croix cũng lo ngại không kém. Với bức ảnh một chiếc tàu dầu bị bốc lửa sau vụ tấn công bí ẩn vào tuần trước trong biển Oman, nhật báo Công Giáo dành hai trang phân tích các rủi ro có thể biến xung khắc Mỹ-Iran thành chiến tranh toàn diện : Iran tuyên bố không có lý do gì tôn trọng hiệp định 2015, Mỹ đưa thêm 1000 quân sang vùng Vịnh theo chiến thuật « áp lực tối đa », Ả Rập Xê Út sẵn sàng ủng hộ Mỹ đến cùng, Hội đồng 6 vương quốc vùng Vịnh đoàn kết ngăn chận ảnh hưởng của Iran. Tuy nhiên, một số dấu hiệu cho phép La Croix và đồng nghiệp Le Figaro suy đoán một chiến dịch quân sự do Mỹ đề xuất rất khó huy động được các nước trong vùng thực tâm ủng hộ. Trước hết, theo nhật báo Công Giáo, trong các hồ sơ quốc tế từ Trung Quốc, Iran cho đến Bắc Triều Tiên, tổng thống Donald Trump lớn tiếng hô hào chỉ vì quyền lợi kinh tế của Mỹ mà thôi.
Cũng trong tầm nhìn này, Le Figaro nhận định : mặt trận chống Iran bị rạn nứt. Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất cũng chống giải pháp quân sự. Đồng minh thứ hai là Ả Rập Xê Út cũng không rõ ràng : quốc vương Salman kêu gọi « trả đũa tối đa » còn thái tử nối ngôi Mohammad Ben Salman lại tuyên bố « không muốn chiến tranh » cho dù tố cáo đích danh Iran là thủ phạm tấn công hai tàu dầu ở biển Oman.
Hồng Kông, con gà đẻ trứng vàng của Trung Quốc tẩy chay chế độ Bắc Kinh.
Tập Cận Bình phải nhượng bộ chiến thuật để bảo vệ đầu cầu kinh tế. Đó là nhận định của Le Monde và Les Echos.
Trong bài phân tích « Hai Nhà nước trong một quốc gia », chuyên gia Trung Quốc học Emmanuel Dubois de Prisque đặt câu hỏi : vì sao một dự luật dẫn độ liên quan đến nghi can phạm pháp sang Trung Quốc lại bị dân Hồng Kông chống đối mãnh liệt trong khi hàng chục nước khác đã ký với Bắc Kinh ?
Thực chất vấn đề, theo tác giả, dân Hồng Kông muốn đẩy Hoa lục « đi chỗ khác ». Bảo vệ tính độc lập của tư pháp cũng là bảo vệ « bản sắc và chủ quyền ». Giới trẻ Hồng Kông rất sung sướng khi biết lãnh địa của mình là nơi trú ẩn an toàn cho những người bị Trung Quốc truy bắt hơn cả nhiều nước châu Âu, trong đó có nước Pháp. Qua qui mô hàng triệu người xuống đường, mọi người đều thấy dự luật dẫn độ là một tia lửa trong toàn cảnh quan hệ giữa Bắc Kinh và dân Hồng Kông đã suy thoái từ trong cơ cấu. Giới trẻ Hông Kông, hoàn toàn đoạn tuyệt với khẩu hiệu tuyên truyền của Bắc Kinh theo đó « Trung Quốc với Hồng Kông có định mệnh tương đồng » cùng xóa tan tàn tích đô hộ Tây phương. Tuy nhiên, những cây dù vàng được giương lên trong đoàn biểu tình là biểu tượng của quyết tâm không để bị tuyên truyền chính trị của chế độ Trung Quốc lây nhiễm. Gắn bó với tự do chính trị và độc lập tư pháp, Hồng Kông chứng tỏ là một thành phố Tây phương, không chỉ vì lịch sử mà còn vì vị trí địa lý, nhìn ra biển khơi thoáng đạt, bỏ Hoa lục ở sau lưng với hàng rào chính trị và tường lửa kiểm soát thông tin.
Trái lại, theo quan điểm của Bắc Kinh, tình hình căng thẳng hiện nay không phải do chính sách can thiệp của Trung Quốc gây ra mà vì « kiểm soát không chặt chẽ ». Một cuộc nổi dậy như thế, nếu diễn ra tại Hoa lục, như phong trào sinh viên ở Thiên An Môn năm 1989, đã bị guồng máy công an đàn áp từ trong trứng nước. Vấn đề là nếu hai nền kinh tế liên hệ chặt chẽ thì trái lại về chính trị, hai bên ngày càng xa nhau.
Hồng Kông gặp định mệnh không may vì lúc thương thuyết lấy lại chủ quyền, Trung Quốc chuyển hướng mở cửa với Tây phương. Thế mà, khi xảy ra phong trào dân chủ Thiên An Môn thì chế độ lại đàn áp một cách tàn bạo.
Bắc Kinh phản ứng ra sao để tránh mô hình « một quốc gia hai chế độ » biến thành « một quốc gia, hai Nhà nước », sản sinh một « Nhà nước Hồng Kông » dựa trên nền tảng tự do dân chủ tương phản với chế độ Trung Quốc.
Cùng chủ đề, thông tín viên của Liberation cho biết, dù lãnh đạo đặc khu Carrie Lam (Lâm Trịnh Nguyệt Nga) công khai xin lỗi, phong trào phản kháng vẫn tiếp diễn. Chiến thuật của giới trẻ là thu hút truyền thông quốc tế chú ý đến Hồng Kông. Xuống đường chỉ là một trong các phương án.
Trong khi đó, nhật báo Les Echos, với cái nhìn kinh tế, cho là « Tập Cận Bình phải nhượng bộ mà thôi » vì áp lực của cộng đồng quốc tế và của giới doanh nhân, tài chính. Cho dù không hoàn toàn thỏa mãn vì dự luật dẫn độ chưa bị hủy bỏ và Carrie Lam « con rối của Bắc Kinh » chưa từ chức, phong trào tranh đấu ghi được bàn thắng vẻ vang đầu tiên : cảnh báo Trung Quốc là « đừng tưởng dễ nuốt Hồng Kông».
Cũng trong bối cảnh căng thẳng này và chiến tranh thương mại với Mỹ, chủ tịch Trung Quốc đi thăm Bắc Triều Tiên. Le Figaro suy đoán Tập Cận Bình đánh lá chủ bài Kim Jong Un để trắc nghiệm Donald Trump trước thượng đỉnh G20 tại Nhật Bản vào cuối tháng.
Trong không khí Cúp Vô Địch Bóng Đá Nữ Thế Giới đang diễn ra tại Pháp,
Le Monde không bỏ lỡ cơ hội vinh danh phái đẹp : Phụ nữ là tương lai của bóng đá. Trong khi đó, Liberation dành nhiều trang về tai tiếng tham ô trong liên đoàn FIFA khi trao quyền tổ chức Cúp Thế Giới 2022 cho Qatar.
Từ trang nhất cho đến trang 5, Libération đưa độc giả vào cuộc điều tra bắt đầu từ ba năm nay để trả lời câu hỏi vì sao Qatar, một tiểu quốc sa mạc nóng quanh năm, được FIFA cho tổ chức Cúp Bóng Đá Thế Giới 2022. Cựu danh thủ Pháp Michel Platini, nguyên chủ tịch liên đoàn bóng đá Pháp bị tạm giữ để điều tra cùng với một nữ cố vấn của cựu tổng thống Nicolas Sarkozy. Tư pháp muốn biết nội dung cuộc trao đổi trong bữa ăn ở điện Elysée do tổng thống Pháp lúc bấy giờ khoản đãi trong đó có Michel Platini và Nasser al Khelaifi, nhân vật tín cẩn của triều đình Qatar và cũng là chủ tịch câu lạc bộ Paris Saint Germain.
Để cổ vũ thêm cho phong trào bóng đá nữ quốc tế mà 24 đội tuyển đang tham gia Cúp Thế Giới 2019 tại Pháp, Libération than phiền là tiếng Pháp phải chế ra nhiều từ « giống cái » cho « nữ làm bàn » « nữ thủ môn» « nữ trọng tài » « nữ huấn luyện viên ». Với tiếng Pháp thì rắc rối vô cùng bởi vì các nhà văn phạm không theo kịp. Thật ra, theo nhật báo cánh tả, lỗi không do ngôn ngữ chậm theo mà vì « ý thức hệ trọng nam khinh nữ » trong bộ môn thể thao số một thế giới.
Cùng nhận định, Le Monde chọn hướng tấn công khác qua bài « Nữ giới là tương lai của bóng đá ». Trước hết là kết quả vòng một của đội tuyển tóc dài Pháp : ba trận đấu, ba trận thắng, cũng với những vui mừng và cực nhọc cam go như đồng nghiệp nam giới. Trong nhiều thập niên, bóng đá nữ là nạn nhân của định kiến xem thành công hay thất bại của họ là vì họ là phụ nữ. Từ 2011 đến nay, giới lãnh đạo bóng đá Pháp, cấp quốc gia cũng như câu lạc bộ, tập trung đầu tư vào bóng đá nữ, tuyển dụng huấn luyện viên, mở trường đào tạo, khuyến khích tài năng. Các đài truyền hình cũng quan tâm hơn, khán giả đi xem trận đấu đông đảo hơn. Theo Le Monde, đã đến lúc tăng tốc chuyên nghiệp hóa bóng đá nữ sau Cúp Vô Địch Thế Giới 2019 không phải chỉ ở cấp quốc gia mà cả cấp châu Âu, hiện đang còn quá yếu và quá ít (tài chính).
Một trong những chênh lệch nam nữ cần phải cân bằng là lương bổng và giá vé
.
Năm 2050, làm sao nuôi 10 tỷ dân địa cầu ?
Theo Le Monde thì không nên lo thái quá vì giới chuyên gia nông nghiệp có giải pháp.
Theo dự báo của Liên Hiệp Quốc, đến giữa thế kỷ 21, dân số địa cầu sẽ là 9,7 tỷ người và 11 tỷ vào cuối thế kỷ .
Câu hỏi then chốt là trái đất có đủ lương thực hay không ? Theo chuyên gia canh nông sinh thái Marc Dufumier, nếu tuân thủ nguyên tắc canh tác tôn trọng môi trường thì không có gì phải lo. Nói cách khác, phải giảm bớt lối trồng trọt sử dụng thuốc trừ sâu, trừ cỏ, phân hóa học với mục đích tăng năng suất nhưng kỳ thật là phá hoại đất đai, nguồn dinh dưỡng của hoa màu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét