Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 3 tháng 6, 2019

Hoa Sen lấm ‘bùn đỏ’ - Mạnh Kim

Thượng tọa Thích Thanh Quyết, cũng là đại biểu Quốc hội Việt Nam, giới thiệu bức tranh "Đạo pháp và dân tộc" tại một buổi lễ mừng ngày sinh của Đức Phật tại Học viện Phật giáo ở Sóc Sơn, Hà Nội, hôm 10/5. (Ảnh chụp màn hình VietNamNet)
Đàn áp tàn bạo
Một trong những hành động đầu tiên của chính quyền đối với Phật giáo miền Nam ngay sau tháng 4-1975 là tổ chức các chiến dịch đàn áp và khủng bố tinh thần. Tượng Phật nhiều nơi bị đập phá. Các cơ sở từ thiện Phật giáo, chẳng hạn Cô nhi viện Quách Thị Trang (Sài Gòn) và nhiều phòng phát thuốc miễn phí tại nhiều địa phương, bị tịch thu. Các nhà ấn loát thuộc quản lý Phật giáo bị đóng cửa. Viện Đại Học Vạn Hạnh bị dẹp. Trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội bị ngưng hoạt động. Ủy ban Tái thiết và Phát triển Phật giáo bị giải tán, ngân quỹ bị tịch thu. Tu sĩ bị ép lên khu “kinh tế mới”. Thậm chí Thủ tướng Phạm Văn Đồng còn ký một quyết định yêu cầu nam tu sĩ (18-25 tuổi) phải đi “nghĩa vụ quân sự” (Quyết định số 310/TTG ngày 22-7-1976). Nhiều chùa được yêu cầu treo hình ông Hồ Chí Minh. Trong một số trường hợp, tu sĩ bị triệt luôn đường sống. “Thí dụ tại Long Thành một số tăng sĩ năm 1975 đã trồng tiêu và họ đã bán mùa tiêu trong năm đó được 2 triệu đồng. Chính phủ đánh thuế 1 triệu 9 trăm ngàn đồng. Một số các tu sĩ khác làm mía năm 1976. Họ bán vụ mía được 300.000 đồng, và bị đánh thuế là 300.000 đồng” – theo “Lời kêu gọi bảo vệ nhân quyền” của Viện Hóa đạo, ngày 9-6-1977 (Nguồn: “Phật Giáo Việt Nam, Biến Cố và Tư Liệu: Hai Mươi Năm Trong Chế Ðộ Cộng Sản, 1975-1995”, Văn Phòng II Viện Hóa Ðạo, Hoa Kỳ, 1996).
Trong một bức thư ký ngày 28-11-1975 lên án sự ngược đãi chính quyền, Hòa thượng Thích Trí Thủ, Viện Trưởng Viện Hóa Ðạo, viết:
“Ngày 24 tháng 10 năm 1975, Ủy Ban Cách Mạng xã Tân Bình đã cho gọi Ðại đức Thích Huệ Hiền đến văn phòng xã buộc phải chấp hành những điều sau đây:
1. Cấm tuyệt đối không được treo cờ Phật giáo ngoài chùa.
2. Cấm tuyệt đối không được để chung việc cầu nguyện tôn giáo cho Bác và liệt sĩ vào các chương trình hành lễ.
3. Tăng Ni thiền viện không được nhập thất và tịnh khẩu mà phải ăn cơm và nói chuyện để học theo đường lối cách mạng.
4. Ông Trụ Trì phải có trách nhiệm phát huy thắng lợi vẻ vang lịch sử vĩ đại của Cách Mạng cho Tăng Ni Thiền Viện.
5. Tăng Ni Thiền Viện phải hợp tác sinh hoạt chính trị các tổ chức đoàn thể của Cách Mạng.
6. Cấm tuyệt đối không được thu nhận đệ tử xuất gia và tại gia.
(Nguồn: “Phật Giáo Việt Nam, Biến Cố và Tư Liệu”)
Câu chuyện liên quan Ðại đức Thích Huệ Hiền, như trong bức thư của Hòa thượng Thích Trí Thủ, không chỉ có vậy. Nó là một sự kiện kinh khủng chấn động. Trước đó, ngày 2-11-1975 (ngày 29 tháng 9 Ất Mão), 12 vị tăng ni, với người đứng đầu là thầy trụ trì-Đại đức Thích Huệ Hiền, thuộc Thiền viện Dược Sư (ấp Tân Long A, xã Tân Bình, huyện Phụng Hiệp, Cần Thơ) đã thực hiện một cuộc tự thiêu tập thể! Trong Bản tuyên bố, 12 vị tăng ni nêu: “Chúng tôi sắp sửa thể hiện việc thiêu thân để bảo toàn chánh pháp, để bảo vệ danh nghĩa của giới Tăng sĩ tại địa phương cũng như toàn quốc… Hành động của chúng tôi ngày hôm nay là cốt đem tấm nhục thân này làm bó đuốc soi sáng cho những người mê muội vô ý thức, những người với lòng lang dạ thú”…
Cùng với việc xóa mờ ảnh hưởng Phật giáo, chính xác hơn Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN), các chiến dịch nhắm vào những gương mặt uy tín Phật giáo cũng được thực hiện với cách thức cứng rắn và quyết liệt. Năm 1977, hàng loạt nhân vật nòng cốt của GHPGVNTN bị bắt: Hòa thượng Thích Huyền Quang – Phó Viện Trưởng Viện Hóa Đạo; Hòa thượng Thích Quảng Độ – Tổng thư ký Viện Hóa Đạo; Hòa thượng Thích Thuyền Ấn – Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Hoằng Pháp; Thượng tọa Thích Thông Bửu – Quyền Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Cư Sĩ; Thượng tọa Thích Thông Huệ – Chánh Đại diện GHPGVNTN Quận Gò Vấp kiêm Trưởng ban kinh tế tự túc Tăng Ni; và Thượng tọa Thích Thanh Thế, Trưởng ban thanh tra Ban kinh tế tự túc Tăng Ni.
Riêng đối với Hòa thượng Thích Thiện Minh (cố vấn Hội đồng Viện Hóa Đạo) – một gương mặt rất “cứng đầu”, sau khi yêu cầu các chùa không được “chứa chấp” khiến ông lang thang hết nơi này đến nơi khác, ngày 13-4-1978, nhà cầm quyền bắt ông. Ban đầu ông bị giam ở số 4 Phan Đăng Lưu (Bình Thạnh) rồi sau đó được đưa qua Chí Hòa. Tại đây, ông bị tra tấn cho đến chết chỉ vài tháng sau. Thi thể ông được bí mật đưa đến trại cải tạo Hàm Tân. Theo bài viết ngày 10-9-2011 của Hòa thượng Thích Nguyên Siêu thì:
“Hình ảnh cuối cùng của Thượng Tọa Thiện Minh mà người ta thấy, là một thi thể được che phủ kín mít, nằm tại một khu rừng ở Hàm Tân (Bình Tuy) ngày 18 tháng 10, 1978. Hòa thượng Thích Trí Thủ, Viện trưởng Viện Hóa Đạo, là một trong số rất ít người được công an thành phố Sài Gòn cho phép đến thăm và nhìn thi thể của Thượng tọa lần chót. Khi Hòa thượng Trí Thủ giở tấm vải che mặt, những người chứng kiến xúc động, thấy khuôn mặt của Thượng tọa bầm đen và râu tóc trắng xóa mọc dài. Những gì có thể thấy được và biết được về Thượng tọa Thiện Minh chỉ có thế. Chính quyền cộng sản Việt Nam cũng muốn gói trọn cái thi thể và tất cả những tin tức về cái chết của Thượng Tọa Thiện Minh tại khu rừng Hàm Tân xa xôi, hẻo lánh”…
Khống chế
Năm 1977, Nghị quyết 297/NQ-CP (11-11-1977) về hoạt động tôn giáo ra đời. Nghị quyết nêu: “Các cấp chính quyền phải bảo đảm tự do tôn giáo cho đồng bào có đạo, quan tâm tới việc tuyên truyền, giáo dục chức sắc tín đồ tôn giáo tích cực tham gia xây dựng đất nước sau chiến tranh, cảnh giác đấu tranh với việc kẻ địch lợi dụng tôn giáo chống phá thành quả cách mạng”. Cuối thập niên 1970, chiến dịch vận động “thống nhất Phật giáo” ráo riết được thực hiện, với sự tham gia của đại diện chính quyền gồm Nguyễn Văn Linh, Trần Bạch Đằng, Xuân Thủy, Trần Quốc Hoàn…
Đầu xuân Canh Thân (1980), chính quyền tổ chức gặp một số đại diện Phật giáo tại trụ sở Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc, số 176 đường Võ Thị Sáu, Sài Gòn. Trước mặt các hòa thượng Thích Đôn Hậu, Thích Trí Thủ và Thích Minh Châu, Bí thư TP.HCM Nguyễn Văn Linh nói: “Muốn tạo nên một thành trì kiên cố làm chỗ dựa vững chắc cho Đảng, cho cách mạng Việt Nam, không có cách nào tốt hơn là phải củng cố và thống nhất Phật giáo… Xin quí hòa thượng cho phép chúng tôi được gọi là Phật giáo của chúng ta, và đề nghị quí ngài cũng nên gọi là Đảng của chúng ta” (trích tâm thư của quyền Viện trưởng Viện Hóa Đạo GHPGVNTN Thích Huyền Quang, ngày 24-9-1992 – nguồn: “Phật Giáo Việt Nam, Biến Cố và Tư Liệu”).
Cuối cùng, ngày 7-11-1981, “thành trì kiên cố” – “Giáo hội Phật giáo Việt Nam” – ra đời, hoạt động theo đường hướng: “Đạo pháp-Dân tộc-Chủ nghĩa xã hội” (Nguồn: “60 năm Ngành quản lý nhà nước về tôn giáo ở Việt Nam 1955-2015” của Ban Tôn giáo Chính phủ). Sự ra đời cái gọi là “Giáo hội Phật giáo Việt Nam” đã vấp phải phản ứng quyết liệt của giới chân tu. Kết quả, nhiều vị đã bị bắt. Ngày 1-4-1984, Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ và Thích Nguyên Giác bị bắt tại chùa Già Lam, trong khi Hòa thượng Thích Trí Siêu (Lê Mạnh Thát) và Thích Như Minh bị bắt tại Viện Phật học Vạn Hạnh. Chiến dịch vây bắt được tổ chức chặt chẽ. Để tránh vấp phải phản ứng kháng cự của các thầy trụ trì, cả thầy trụ trì Già Lam (Thích Trí Thủ) lẫn Vạn Hạnh (Thích Minh Châu) đã được vời đi vắng vào ngày công an mở chiến dịch. Thầy Trí Thủ có giấy mời lên “họp” ở Mặt trận Tổ quốc TP.HCM; trong khi thầy Minh Châu được “triệu” ra Hà Nội. Cùng đợt bắt này còn có Thích Nữ Trí Hải. Ngày 30-9-1988, trong phiên tòa xét xử tội “hoạt động lật đổ chính quyền nhân dân”, thầy Tuệ Sỹ và thầy Trí Siêu bị xử tử hình (dưới áp lực quốc tế, năm 1998, thầy Tuệ Sỹ và Trí Siêu được thả). Và trong số các thầy bị đàn áp dai dẳng nhất phải kể đến thầy Thích Huyền Quang (tịch diệt ngày 5-7-2008) và thầy Thích Quảng Độ…
Sen vẫn nở
Ngoại trừ cuộc biểu tình của khoảng 40.000 Phật tử Huế ngày 24-5-1993 (sau vụ tự thiêu của một Phật tử trước Bảo tháp của Đức cố Đệ tam Tăng Thống, Đại lão Hòa thượng Thích Đôn Hậu, tại chùa Linh Mụ), cho đến nay, không có bất kỳ “biến cố Phật giáo” nào đáng kể. Từ một tôn giáo – với yếu tố “đạo” và “triết”, Phật giáo bắt đầu bị “nhuộm đỏ” và trở thành một tổ chức “bán chính trị”, dưới sự điều hành của Ban Tôn giáo Chính phủ, cơ quan thuộc quản lý Bộ Nội vụ. Chính quyền thật ra chẳng che giấu về việc “chính trị hóa” Phật giáo nói riêng và tôn giáo nói chung.
Quyết định số 06/2015/QĐ-TTg ngày 12-2-2015 của Thủ tướng Chính phủ, về “Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Tôn giáo Chính phủ”, đã ghi rõ:
- Thông tin, tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo.
- Thống nhất quản lý về xuất bản các loại sách kinh; các ấn phẩm, giáo trình giảng dạy, văn hóa phẩm thuần túy tôn giáo của các tổ chức tôn giáo được Nhà nước cho phép hoạt động theo phân cấp của Bộ trưởng Bộ Nội vụ.
- Khen thưởng theo thẩm quyền và đề xuất với cấp có thẩm quyền khen thưởng và áp dụng chính sách đãi ngộ đối với các tổ chức tôn giáo, cá nhân tham gia hoạt động tôn giáo.
- Đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ công tác tôn giáo cho cán bộ, công chức làm công tác tôn giáo thuộc các cơ quan Trung ương và địa phương…
Trong bài “Công tác quản lý nhà nước về tôn giáo hiện nay” (tạp chí Lý Luận Chính Trị, số 12, 2015), bàn tay của Đảng thò ra thậm chí công khai hơn, khi tác giả Hà Quang Trường viết: “Nhà nước là chủ thể quản lý các tôn giáo”... Xét ở góc độ chính trị, nhà cầm quyền đã thành công trong việc thao túng gần như tuyệt đối Giáo hội và tạo ra được một hệ thống “sư quốc doanh”. Tuy nhiên, điều đó chỉ cho thấy rõ hơn chân tướng của “tổ chức giáo hội” chứ không phải là sự xuống dốc của Phật giáo hay sự suy đồi của triết lý thâm sâu Phật giáo. Làm thế nào để chống lại sự áp bức thô lậu của chính quyền đối với Phật giáo? Có lẽ chỉ cần thức tỉnh nhận ra rằng, cho dù con đường mà “giáo hội Phật giáo cộng sản” có dẫn dắt sai lệch như thế nào thì nguyên ủy những gì Đức Phật dạy vẫn không hề suy suyển và mai một. Những đóa sen Phật giáo, trong đám “bùn đỏ”, chưa bao giờ tàn. Ngắm Phật thôi, đừng nhìn “giáo hội”. Thấy sen thôi, không cần nhìn “quỷ”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét