Ủy ban Châu Âu (European Commission) vừa cho biết rằng Hội đồng Bộ trưởng của Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua Hiệp định Thương mại Tự do Châu Âu – Việt Nam (EV-FTA). EU sẽ ký kết hiệp định này với Việt Nam tại Hà Nội vào ngày 30/06/2019.
Sau khi được ký kết, hiệp định này sẽ được đưa ra cho Nghị viện Châu
Âu (European Parliament) – cơ quan lập pháp cao nhất của EU – để cơ quan
này bỏ phiếu phê chuẩn trước khi có hiệu lực.
Việc ký kết hiệp định này hôm 30/06 như vậy không phải là bước cuối cùng để hiệp định có hiệu lực ngay.
Quyết định phê chuẩn hay không tùy thuộc vào kết quả bỏ phiếu của 751
nghị viên đến từ nhiều liên minh riêng biệt với các lập trường chính
trị khác nhau trong Nghị viện Châu Âu.
Nếu được Nghị viện Châu Âu phê chuẩn, EV-FTA sẽ tạo ra những chuyển
biến lớn về kinh tế, đồng thời sẽ có những ảnh hưởng nhất định đến giới
hoạt động nhân quyền Việt Nam.
EV-FTA trong bối cảnh
nhân quyền Việt Nam
Như Luật Khoa đã đưa tin,
EV-FTA được kỳ vọng sẽ tạo ra những thay đổi lớn trong quan hệ thương
mại giữa EU và Việt Nam với khả năng giúp Việt Nam gia tăng GDP và giúp
giảm thuế nhập khẩu đến 99% cho cả hai bên.
Quá trình thương lượng EV-FTA diễn ra từ năm 2012 và đã hoàn tất vào
năm 2015. Tuy nhiên, hiệp định vẫn không được EU thông qua suốt từ năm
2015 cho đến hôm 25/06/2019. Đây được cho là do các vướng mắc pháp lý
liên quan đến các điều khoản về đầu tư.
Trong thực tế trước nay, EU thường đặt nặng
các cam kết về dân chủ, nhân quyền trong ký kết hiệp định quốc tế. EU
cũng không phớt lờ các vi phạm nhân quyền của nhà nước Việt Nam.
Trong phiên Đối thoại Nhân quyền lần thứ 8
giữa EU và Việt Nam vừa diễn ra vào tháng 03/2019, EU đã phê phán “sự
gia tăng các vụ bắt giữ và kết án cũng như về những hạn chế trong quyền
tự do đi lại của những nhà bảo vệ nhân quyền kể từ năm 2016”.
Nhiều người thuộc giới hoạt động nhân quyền và vận động dân chủ cũng có một số nỗ lực đáng kể trong các năm qua để cập nhật đầy đủ cho phía EU biết tình trạng nhân quyền đáng lo ngại ở Việt Nam.
Từng có nhiều kỳ vọng về việc EU có thể đưa thêm vào EV-FTA các ràng
buộc và chế tài rõ ràng hơn để đảm bảo nhân quyền, hoặc EU có thể hoãn
phê chuẩn hiệp định cho đến khi nào Việt Nam cải thiện tình trạng nhân
quyền trong nước. Một số động thái gần đây nhất từ EU cho thấy khả năng
thứ hai cao hơn.
Các động thái đó đều đến từ Nghị viện Châu Âu – cơ quan lập pháp sẽ có nhiệm vụ quyết định có phê chuẩn EV-FTA hay không.
Nghị viện Châu Âu sẽ xử lý EV-FTA
như thế nào?
Theo quy trình phê chuẩn
của EU, Nghị viện Châu Âu chỉ có thể phê chuẩn (give consent) chứ không
được phép chỉnh sửa nội dung của các hiệp định thương mại.
Vào tháng 09/2018, một nhóm 32 nghị viên đến từ bốn liên minh lớn nhất trong Nghị viện Châu Âu đã ký một lá thư chung
yêu cầu Việt Nam phải cải thiện tình trạng nhân quyền (bao gồm việc thả
tù nhân chính trị) trước khi họ bỏ phiếu thông qua EV-FTA.
Vào tháng 11/2018, 76 nghị viên thuộc sáu liên minh khác nhau cùng đệ trình một nghị quyết khẩn cấp (urgent resolution) yêu cầu Việt Nam phải cải thiện tình trạng nhân quyền trong nước.
Nghị quyết này đã được ít nhất là hơn một nửa trong tổng số 751 nghị viên bỏ phiếu thông qua. Tuy nhiên nghị quyết này không đưa ra điều kiện áp đặt mạnh mẽ như lá thư nói trên của 32 vị nghị viên.
Vả lại, các động thái nói trên đều đến từ các nghị viên thuộc nhiệm kỳ 2014-2019. Nhiệm kỳ này vừa kết thúc vào ngày 23/05/2019.
Kết quả bầu cử
vào Nghị viện Châu Âu trong nhiệm kỳ mới 2019-2024 cho thấy thành phần
nghị viện đã thay đổi khá nhiều (hai liên minh lớn nhất là EPP và S&D cùng mất đến 69 ghế).
Tuy nhiên, nhiều nghị viên chủ chốt trong nhóm 32 nghị viên gửi thư hồi tháng 09/2018 vẫn còn tại vị.
Hai người trong số đó từng đăng video kêu gọi chính phủ Việt Nam tôn trọng nhân quyền trong nước. Họ là ông Ramon Tremosa thuộc Liên minh ALDE và bà Jude Kirton-Darling thuộc Liên minh S&D.
Trong những người thuộc nhóm gửi thư vẫn tại vị trong nhiệm kỳ 2019-2024 còn có ông Eric Andrieu,
một trong những phó chủ tịch của Liên minh S&D vốn đang nắm 153 ghế
trên tổng số 751 ghế đại biểu. Liên minh ALDE của ông Ramon Tremosa
hiện đã đổi tên thành Liên minh Renew Europe và đang nắm 108 ghế đại biểu.
Để EV-FTA được thông qua, cần có ít nhất 376 nghị viên bỏ phiếu thuận, theo tiêu chuẩn đa số phiếu.
Ngay cả khi các ông bà Kirton-Darling, Andrieu, và Tremosa kiên quyết
tiếp tục nhấn mạnh yêu cầu của họ, đồng thời (một khả năng hữu hạn)
thuyết phục được toàn bộ các thành viên trong các liên minh của họ cùng
tham gia ủng hộ, thì phe đòi cải thiện tình hình nhân quyền Việt Nam
trong cơ quan này vẫn chỉ có 261 phiếu.
Kịch bản tốt nhất cho giới hoạt động nhân quyền Việt Nam: Nghị viện
Châu Âu bỏ phiếu không phê chuẩn EV-FTA cho đến khi Việt Nam cải thiện
tình trạng nhân quyền, hoặc cho đến khi nội dung EV-FTA được Ủy ban Châu
Âu rút lại, soạn thảo và thương lượng lại với chính phủ Việt Nam để có
thêm các điều khoản ràng buộc, chế tài mạnh hơn nhằm bảo vệ nhân quyền.
Tuy nhiên, các phân tích nói trên về thực tế chính trị tại EU cho thấy kịch bản tốt nhất này khó có khả năng xảy ra.
Cũng đã có một số bình luận chỉ ra rằng nhiều liên minh trong nhiệm kỳ mới không hẳn ủng hộ các hiệp định thương mại tự do.
Do đó, một kịch bản khác là Nghị viện Châu Âu sẽ vì một hay nhiều lý
do trì hoãn việc phê chuẩn EV-FTA, nhưng kịch bản này có thể chỉ kéo dài
thực trạng “dậm chân tại chỗ”.
Việc tiếp tục “dậm chân tại chỗ” như thế tốt hay xấu cũng là điều khó
dự báo. Chính phủ Việt Nam có thể chọn thái độ lỳ lợm – tiếp tục gia
tăng đàn áp nhân quyền như họ đã làm hơn ba năm qua; và/hoặc sức ép từ
nhu cầu phát triển kinh tế có thể khiến chính phủ Việt Nam chọn việc
giao thương nhiều hơn với Trung Quốc thay vì EU, và theo đó sẽ càng phải
phụ thuộc vào Trung Quốc về thương mại và chính trị.
Trong lựa chọn giữa EU và Trung Quốc như một thế lực bên ngoài có khả
năng tác động đến tình hình nhân quyền trong nước, các nhà hoạt động
Việt Nam có lẽ không hy vọng gì nhiều từ nước láng giềng độc tài.
Tuy nhiên, cũng có thể vì tình trạng “dậm chân tại chỗ” này mà Việt
Nam buộc phải cải thiện tình hình nhân quyền trong ngắn hạn nếu muốn
hiệp định được thông qua.
Nếu EV-FTA được Nghị viện Châu Âu thông qua, giới hoạt động Việt Nam
có thể tận dụng nội dung hiệp định này để cải thiện tình trạng nhân
quyền Việt Nam hay không?
Tận dụng EV-FTA như thế nào?
Để có thể “vắt cổ EV-FTA ra nước”, các nhà hoạt động Việt Nam cần lưu ý ba việc.
1. Luôn tham khảo áp dụng nội dung EV-FTA song song với nội dung một hiệp định khác: Hiệp định khung đối tác và hợp tác toàn diện Việt Nam – Liên minh Châu Âu (EV-PCA).
Có hiệu lực từ ngày 01/10/2016, nội dung EV-PCA
quy định việc tăng cường quan hệ hợp tác và đối tác toàn diện giữa Việt
Nam và EU. Theo đó, EV-PCA xác định các nguyên tắc nền tảng nhất trong
mối quan hệ giữa Việt Nam và EU.
Điều 35 – EV-PCA quy định việc bảo vệ nhân quyền: “Các Bên nhất
trí hợp tác thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền, bao gồm việc thực hiện các
văn kiện quốc tế về nhân quyền mà các Bên là thành viên…”.
Điều 37 lại đề cập đến vai trò của xã hội dân sự: “Các Bên công
nhận vai trò và tiềm năng đóng góp của các hội và các tổ chức phi chính
phủ, bao gồm các đối tác xã hội trong quá trình hợp tác theo Hiệp định
này…”.
EV-PCA quy định rằng quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam-EU phải được
giám sát thực hiện thông qua một ủy ban hỗn hợp triển khai EV-PCA. Ủy
ban hỗn hợp này bao gồm đại diện cấp cao từ cả hai nước và tổ chức nhóm
họp định kỳ vào mỗi năm. Phiên họp năm nay của Ủy ban hỗn hợp vừa diễn ra vào ngày 10/05/2019.
Giúp việc cho Ủy ban hỗn hợp này sẽ là một nhóm các Tiểu ban
với các chuyên môn đặc biệt bao gồm: các vấn đề chính trị (political
issues), thương mại đầu tư (trade and investment), phát triển bền vững
(sustainable development), quản trị nhà nước (good governance), và pháp
quyền – nhân quyền (rule of law and human rights).
Nội dung EV-FTA
tập trung vào các vấn đề thương mại, nhưng EV-FTA sẽ hoạt động trên cơ
sở các nguyên tắc và quy định nền tảng thể theo nội dung EV-PCA.
Một Ủy ban Thương mại (Trade Committee) bao gồm đại diện của cả hai
bên sẽ được thành lập để giám sát việc thực hiện EV-FTA. Ủy ban này phải
báo cáo hoạt động định kỳ cho Ủy ban hỗn hợp triển khai EV-PCA (Điều 17.1 – EV-FTA).
Quan trọng hơn cả, nếu như một trong hai bên ký kết có các vi phạm
nghiêm trọng nội dung thỏa thuận chung trong EV-PCA, bên còn lại có thể
tận dụng các điều khoản thương mại của EV-FTA để trừng phạt bên vi phạm
đó (Điều 17.18 – EV-FTA).
Trong các trường hợp vi phạm nghiêm trọng nhất, sau khi mọi nỗ lực
cảnh cáo, trao đổi, phân xử, thảo luận song phương dài dòng vẫn không
khiến các vi phạm nghiêm trọng giảm đi, EV-FTA cho phép bên tố cáo vi
phạm được tạm ngưng (suspend) thực hiện nghĩa vụ thể theo nội dung
EV-FTA (Điều 15.15 – EV-FTA).
Nói nôm na, EV-FTA sẽ là “cánh tay chế tài bằng thương mại” của EV-PCA.
Trong mối quan hệ này, việc tạm ngưng các thỏa thuận thương mại trong
EV-FTA có thể được dùng để trừng phạt Việt Nam về kinh tế nếu Việt Nam
có các vi phạm nghiêm trọng (material breach) liên quan đến các nguyên
tắc nền tảng trong EV-PCA.
Các nhà hoạt động Việt Nam có thể tận dụng cơ hội này để thúc đẩy
việc tạo lập càng sớm càng tốt Tiểu ban Pháp quyền – Nhân quyền trực
thuộc Ủy ban hỗn hợp triển khai EV-PCA
Sau đó, họ cần theo dõi sát sao quá trình triển khai thực hiện EV-PCA
để có thể cập nhật kịp thời và đầy đủ các biểu hiện vi phạm EV-PCA của
chính phủ Việt Nam cho Tiểu ban Pháp trị – Nhân quyền này.
Các biểu hiện vi phạm nghiêm trọng sau đó có thể được Ủy ban hỗn hợp
triển khai EV-PCA đưa vào trao đổi, giải quyết song phương trước khi
quyết định thực hiện các chế tài thương mại nặng hơn thông qua Ủy ban
Thương mại và EV-FTA.
2. Giám sát chặt việc thực hiện các cam kết “treo” của Việt Nam liên quan đến EV-FTA
Một trong những việc Việt Nam buộc phải làm để EV-FTA được EU thông qua đó là phải thông qua
ba công ước cơ bản của Tổ chức Lao động Quốc tế – ILO (Công ước số 98
về quyền Tổ chức và Thương lượng tập thể; Công ước số 87 về quyền Tự do
Hiệp hội và Bảo vệ quyền được tổ chức; Công ước số 105 về xoá bỏ lao
động cưỡng bức).
Việt Nam mới chỉ thông qua Công ước số 98 về quyền Tổ chức và Thương lượng tập thể vào ngày 14/06/2019.
Theo cập nhật
hôm 25/06/2019 từ EU, chính phủ Việt Nam chỉ mới thông báo cho EU rằng
họ có ý định thông qua hai công ước ILO cơ bản còn lại muộn nhất là vào
năm 2023.
EU cũng ghi nhận là Việt Nam đồng thời đang chỉnh sửa lại pháp luật lao động trong nước bằng Dự thảo
Luật sửa đổi, bổ sung một số quy định của Bộ Luật Lao động 2019. Dự
thảo này dự kiến sẽ được thông qua trong kỳ họp Quốc hội sắp tới (kỳ họp
thứ 8 – Quốc hội khóa XIV).
Có thể thấy là chính phủ Việt Nam khá dè dặt với Công ước số 87 về
quyền Tự do Hiệp hội và Bảo vệ quyền được tổ chức. Quyền tự do hiệp hội được xem là một quyền chính trị khá nhạy cảm.
Một triển vọng khi Công ước số 87 được thông qua đó là Việt Nam có
thể xuất hiện các công đoàn độc lập không trực thuộc nhà nước. Giới
truyền thông nhà nước tại Việt Nam có vẻ rất cảnh giác
với khả năng xuất hiện các công đoàn độc lập do bài học lịch sử từ Ba
Lan. Vào những năm 1980, một liên minh công đoàn độc lập là Công đoàn Đoàn kết đã đóng vai trò then chốt trong việc chấm dứt chế độ cộng sản tại Ba Lan.
Trong nội dung
cập nhật đến ngày 14/06/2019 của EV-FTA không có đề cập chi tiết đến
việc Việt Nam phải thông qua hai công ước ILO cơ bản còn lại muộn nhất
là vào năm 2023.
Tuy nhiên, điều 13.4 của EV-FTA quy định cả hai bên phải “tôn trọng,
thúc đẩy, và thực thi có hiệu quả” các nguyên tắc nền tảng về quyền lao
động, trong đó có quyền tự do hiệp hội (the freedom of association). Nếu
bên nào còn chưa thông qua công ước ILO cơ bản nào thì phải “liên tục
duy trì nỗ lực thông qua” các công ước đó.
Nếu EV-FTA được phê duyệt và có hiệu lực, điều 13.4 này phải được cả
phía EU và các nhà hoạt động Việt Nam tập trung thúc đẩy, giám sát chính
quyền Việt Nam thực hiện.
3. Chủ động duy trì thông tin liên lạc thường xuyên với Ủy ban Thương mại quản lý giám sát việc thực hiện EV-FTA
Thể theo điều 17.1 – EV-FTA, Ủy ban Thương mại giám sát thực hiện
EV-FTA có quyền “liên lạc” (communicate) về các vấn đề trong phạm vi
EV-FTA với các bên có liên quan bao gồm giới tư nhân, các đối tác xã hội
và các tổ chức xã hội dân sự.
Lẽ ra, điều khoản này nên là một điều khoản bắt buộc. Qua đó, chính
Ủy ban Thương mại phải thông tin liên lạc đầy đủ cho các bên liên quan
để đảm bảo là việc giám sát thực hiện EV-FTA được thực hiện công khai
minh bạch nhất.
Tuy nhiên, điều 17.1 chỉ cho Ủy ban Thương mại “quyền liên lạc” chứ không bắt buộc cơ quan này phải liên lạc.
Như vậy, bên cạnh việc phải duy trì thông tin liên lạc thường xuyên
với Tiểu ban Pháp quyền – Nhân quyền trực thuộc Ủy ban hỗn hợp triển
khai EV-PCA, các nhà hoạt động Việt Nam có thể chú ý đòi hỏi minh bạch
thông tin thường xuyên từ Ủy ban Thương mại giám sát EV-FTA.
***
EV-FTA không phải là một hình mẫu hoàn hảo về một hiệp định thương
mại có khả năng thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền. Tuy nhiên, giới hoạt động
Việt Nam vẫn có thể nỗ lực tận dụng các điều khoản của hiệp định này để
cải thiện tình trạng nhân quyền tại Việt Nam nhất trong phạm vi có
thể.
—
Từ khóa:
Hiệp định Thương mại Tự do EU – Việt Nam: EU – Vietnam Free Trade Agreement (np)
Hiệp
định khung đối tác và hợp tác toàn diện Việt Nam – EU: EU-Vietnam
Framework Agreement on Comprehensive Partnership and Cooperation (np)
Ủy ban châu Âu: European Commission (np)
Nghị viện Châu Âu: European Parliament (np)
tiêu chuẩn lao động: labour standard (np)
công đoàn: labour union, trade union (np)
công đoàn độc lập: independent labor/trade union (np)
xã hội dân sự: civil society (np)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét