Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 21 tháng 6, 2019

Dân biểu Mỹ lên tiếng vụ nhà hoạt động Hà Văn Thành sắp bị trục xuất - VOA

Ông Hà Văn Thành bị Cơ quan Thực thi Di trú và Hải Quan Hoa Kỳ (ICE) câu lưu tại một cơ sở ở thành phố Chaparral, bang New Mexico từ tháng 7 năm 2018 đến nay.
Một nhà hoạt động Việt Nam xin tị nạn chính trị tại Mỹ đang đối mặt với việc bị trục xuất bất cứ lúc nào sau khi hồ sơ của ông bị bác trong khi các dân biểu Quốc hội Mỹ đang lên tiếng mạnh mẽ kêu gọi nhà chức trách xem xét lại quyết định đối với ông. Ông Hà Văn Thành hiện đang bị câu lưu tại một nhà tù di trú ở thành phố Chaparral thuộc bang New Mexico ở Tây Nam kể từ tháng 7 năm 2018, khi ông vượt qua biên giới phía Nam của Mỹ với Mexico để vào Mỹ xin tị nạn, luật sư của ông cho biết. Ông Thành được nói là một trong những người tham gia tổ chức và đồng hành cùng các giáo dân giáo xứ Song Ngọc ở Nghệ An vào năm 2017 khi họ đi kiện Formosa Hà Tĩnh vì những thiệt hại từ thảm họa ô nhiễm môi trường biển do công ty này gây ra. Một số nhà hoạt động trong cuộc biểu tình này đã bị nhà chức trách Việt Nam bắt giữ và tuyên án tù.
<!>
Gia đình và những người quen biết xác nhận ông Thành gặp “nhiều trở ngại” với công an địa phương và vì lo lắng có thể bị bắt giam, ông đã rời Việt Nam ra nước ngoài xin tị nạn, theo RFA. Ông đi tới các nước Lào, Thái Lan, Panama rồi Mexico, nơi ông nhập cảnh Mỹ qua một cửa khẩu biên giới.
Ông Thành nộp đơn xin tị nạn nhưng bị từ chối. Đơn kháng cáo của ông cũng bị bác, hôm 10 tháng 5. Giờ ông có thể bị Mỹ trục xuất bất cứ lúc nào.
“Lúc mà quan tòa hỏi những câu hỏi thì có nhiều lúc anh Thành không xác định lại được thời gian và trả lời không phù hợp với câu hỏi,” luật sư di trú Khanh Phạm, đại diện pháp lý cho ông Thành trong các phiên tòa di trú vừa qua, cho VOA Việt ngữ biết. “Về vấn đề tị nạn thì bây giờ nói chung họ làm khó hơn.”
Luật sư Khanh nói thêm rằng những thẩm phán di trú ở khu vực Tây Nam - nơi hiện là điểm nóng của cuộc khủng hoảng di dân với hàng chục ngàn người Mỹ Latin đổ vào Mỹ xin tị nạn - có xu hướng chấp thuận yêu cầu xin tị nạn thấp hơn những khu vực khác ở Mỹ.
Trường hợp của ông Thành đã khơi lên lo ngại từ bốn dân biểu Quốc hội Mỹ, tất cả đều thuộc Đảng Dân chủ và đại diện các địa hạt mà người Việt tập trung đông đảo ở bang California.
Tuần trước, bốn dân biểu này đã gửi thư tới lãnh đạo của Cơ quan Thực thi Di trú và Hải Quan (ICE) yêu cầu đình chỉ các thủ tục trục xuất ông Thành.
“Xét lịch sử của ông Hà với nhà chức trách địa phương, việc ông ấy tham gia trong các cuộc biểu tình ôn hòa, lời chứng của Cha Nguyễn Đình Thục thuộc Giáo xứ Song Ngọc, cũng như sự đối xử với những người biểu tình đồng cảnh ngộ và việc họ bị bỏ tù, có đủ bằng chứng để suy luận rằng ông ấy đối mặt với nguy cơ lớn bị bức hại nếu ông ấy quay trở về Việt Nam,” bức thư viết.
Trả lời phỏng vấn của VOA Việt ngữ qua điện thoại hôm 18/6, dân biểu Alan Lowenthal, Chủ tịch Nhóm làm việc về Việt Nam trong Quốc hội Mỹ (Congressional Caucus on Vietnam), cho biết ông và các nhà lập pháp khác quyết định can dự “ngay lập tức” khi biết tin ông Thành sắp sửa bị trục xuất.
“Tất cả chúng tôi đều quyết định đây là một trường hợp rất quan trọng,” ông Lowenthal nói. “Một công dân Việt Nam đến Mỹ để xin tị nạn là điều rất bất thường. Khi nghĩ đến chuyện xin tị nạn, chúng ta thường không nghĩ đến những người từ Việt Nam đến Mỹ hồi gần đây.”
“Chúng tôi nghĩ [anh Thành] là một điển hình hoàn hảo của một người nên được cấp quy chế tị nạn,” ông nói.
Dân biểu Lowenthal cho VOA Việt ngữ biết tuần trước ông đã liên lạc với một quan chức của Bộ An ninh Nội địa, cơ quan chủ quản của ICE, để lên tiếng về trường hợp của ông Thành cùng với việc gửi bức thư nhưng vẫn chưa nhận được phản hồi chính thức nào.
Một phát ngôn viên của ICE trả lời email của VOA Việt ngữ hôm 19/6 cho biết cơ quan sẽ phản hồi thư của các dân biểu, nhưng không nói vào lúc nào.
“ICE sẽ hồi đáp thư của Quốc hội thông qua các kênh chính thức. Chúng tôi không có bình luận nào để đưa ra về trường hợp cụ thể này [của ông Thành] vào lúc này,” Jennifer D. Elzea, người phát ngôn của ICE, nói.
Bộ Ngoại giao Mỹ từ chối cho biết họ có hay biết về trường hợp của ông Thành hay không khi được liên lạc qua email và đề nghị VOA chuyển các câu hỏi qua cho Bộ An ninh Nội địa.
Chính quyền của Tổng thống Donald Trump đang tăng cường siết chặt di trú bằng những biện pháp quyết liệt hơn, bao gồm thắt chặt các quy định đối với những người xin tị nạn trong khi cuộc khủng hoảng di dân ở biên giới phía Nam ngày càng trầm trọng.
Luật sư di trú Khanh Phạm nói có phần chắc bức thư của các vị dân biểu sẽ không giúp được gì nhiều để đảo ngược quyết định đối với hồ sơ của ông Thành. Ông cho biết đang cùng một số nhà vận động khác nghiên cứu thu thập bằng chứng để củng cố lập luận rằng ông Thành sẽ bị bức hại nếu bị trả về Việt Nam.

“Nếu không thì nói chung hơi khó cho anh Thành,” luật sư Khanh nói.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét