Cựu Trung Úy Lê Văn Thiệu, tốt nghiệp khóa 1 Ðại Học Chiến Tranh Chính Trị Ðà Lạt bị tập trung trong các trại tù cộng sản 7 năm. Sau khi đi tù về, ông làm nghề thợ mộc nuôi con cho mãi đến năm 1995, gia đình mới sang Mỹ theo một chương trình H.O. khá muộn màng: H.31. Sau 5 năm định cư tại Hoa Kỳ, năm 2000, con đầu là Lê Thành học xong bằng Master về ngành điện tử tại đại học UTA (University of Texas at Arlington).
Năm 2004, con trai thứ ba, Lê Ðức Hiếu tốt nghiệp Master Computer science.
Năm 2005, Lê Huy, con trai thứ nhì, lấy bằng tiến sĩ cũng ngành điện tử.
Năm 2010, con trai út Lê Ðức Hiển, ra đời năm 1982 sau khi ông Thiệu từ trại tù trở về, cũng đã tốt nghiệp y khoa.
Vào năm 2005, nhân ngày lễ kỷ niệm 15 năm ngày thành lập hội H.O. Dallas-Fort Worth, gia đình ông Lê Văn Thiệu đã được vinh danh là một gia đình đến Mỹ muộn màng nhưng đã sớm thành công trên đất người.<!>
Năm 2006, ba anh em nhà họ Lê thành lập công ty “Luraco technologies, Inc.” sử dụng kỹ thuật cao (high-tech) chuyên về nghiên cứu và chế tạo sản phẩm cho quốc phòng Mỹ.
Ba năm trước, công ty được cấp kinh phí từ US Army để nghiên cứu và chế tạo ra một bộ cảm ứng thông minh (Intelligent Multi-Sensor) cho hai động cơ trực thăng chiến đấu hàng đầu của Mỹ là Blackhawk và Apache.
Ðể làm được điều này, nghiên cứu (research proposal) của công ty Luraco phải xuất sắc và vượt trội hơn nhiều công ty danh tiếng khác. Phát minh bộ cảm ứng thông minh này của công ty Luraco sẽ tiết kiệm hàng tỷ Mỹ kim mỗi năm cho Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ về vấn đề bảo trì và an toàn cho hai loại máy bay trên. Hãng WPI tại Fort Worth, Texas đã mời Tiến Sĩ Lê Huy làm việc với chức vụ là khoa học gia (scientist) để đảm trách việc nghiên cứu về Flexible Active Circuits và Optical Sensors dùng trong hỏa tiễn và phi thuyền không gian. Hai năm qua, công ty Luraco cũng thắng được hai hợp đồng với US Air Force và được cấp kinh phí để chế tạo hệ thống kết nối những sensors FADEC (Full Authority Digital Electronic Control) trong động cơ phản lực F.35 của Không Quân Hoa Kỳ. FADEC là project lớn dưới sự giám sát của cơ quan NASA Hoa Kỳ.
Ngoài NASA, công ty Luraco vinh dự được làm việc chung với Boeing và GE là hai công ty chế tạo động cơ phản lực (jet engine) cho phản lực cơ Hoa Kỳ. Ðây là công ty duy nhất của người Việt Nam nhận được kinh phí trực tiếp từ Bộ Quốc Phòng Mỹ để nghiên cứu và chế tạo những sản phẩm kỹ thuật cao cho quân đội. Người Mỹ khó tin được là các em trong công ty mới mẻ này là con một gia đình tỵ nạn cộng sản chỉ mới đặt chân đến Hoa Kỳ từ năm 1995. Thực dụng trong ngành thẩm mỹ ở Mỹ, Luraco là công ty đầu tiên sáng chế ra ghế Mini Pedicure Spa cho trẻ em, Jet nam châm (Magna-Jet) cho bồn Spa, máy khử mùi hóa chất (ChemStop) và máy hút bụi nail (Partigon) cũng như ghế Massage iRobotics.
Hai năm liền 2010 và 2011, công ty Luraco được vinh dự đón nhận bằng khen là một trong 50 công ty Châu Á phát triển nhanh nhất trên toàn quốc Hoa Kỳ. Năm 2010, công ty Luraco được xếp hạng thứ 69 trong 100 công ty phát triển nhanh vùng Dallas Fort Worth do Khoa Thương Mại trường Ðại Học SMU bình chọn. Trong bốn anh em nhà họ Lê, Tiến Sĩ Kevin Huy Lê là một thành viên trong Hội Quang Học Quốc Tế (The International Society for Optical Engineering) và là người giám định (Peer Reviewer) cho nhiều công bố về khoa học kỹ thuật cũng như tác giả của hơn 20 “technical publications in journals and conference proceedings.”
Những ngày ở Gio Linh: Nhớ lại những ngày xa xưa, Lê Thành, giám đốc công ty Luraco, ngày nay cũng là một MC và “Mạnh Thường Quân” của cộng đồng tị nạn tại Dallas, Ft. Worth, đã nói rằng anh không bao giờ quên những ngày khốn khổ ở vùng quê Gio Linh, một vùng bị chiến tranh tàn phá rất nặng nề, ngổn ngang những đống gạch vụn và những hố bom. Sau tháng 4, 1975, khi thân phụ phải vào trại tù tập trung, mẹ anh phải đưa các con về nương tựa bên ngoại. Khi mẹ anh kiếm được một chân y tá tại trạm y tế Gio Linh, Thành mới lên 5 tuổi, cùng với đứa em kế theo mẹ về trạm xá, còn hai em nhỏ trong đó có một đứa mới sinh phải “rứt ruột” gởi cho ông bà ngoại nuôi. Ba mẹ con ở trong một căn phòng lợp tranh, vách đất, không có điện bên cạnh trạm xá. Sau những giờ đi học, Thành phải đi mót củi, nấu cháo hay khoai và trông chơi với em. Thành rất thương mẹ, nhớ đến những lúc mẹ khóc, nước mắt ướt cả mặt anh vì cuộc sống quá cơ cực, cô đơn mà chồng không biết lưu lạc ở trại tù nào. Con đến trường thì bị gọi là “con ngụy”, mẹ nơi chỗ làm thì được xem là “chồng có nợ máu!”
Sau 7 năm, khi cha của ông đi tù về mở một tiệm mộc, mẹ ông bỏ việc trở về sum họp với gia đình tại thôn Gio Mai. Thành lên trung học rồi thi đỗ vào Ðại Học Sư Phạm Huế. Những năm cuối cùng trước khi lên đường đi Mỹ, Thành dạy tại trường Cao Ðẳng Sư Phạm Quảng Trị. Nhờ những tín chỉ của ÐH Sư Phạm, chỉ 5 năm sau khi đến định cư tại Dallas- Ft Worth, Lê Thành đã lấy xong Master ngành điện tử, cùng với các em Lê Hiếu, bốn năm sau lấy bằng tiến sĩ cùng ngành để xây dựng lên một công ty có đủ khả năng cạnh tranh với các công ty lớn của Mỹ. So với những gia đình cựu tù nhân khác, gia đình ông Lê Thiệu đến Mỹ tương đối muộn vì lúc ra tù, ông tìm về quê cũ, một vùng đất xa xôi, nghèo khổ, xa ánh sáng đô thị, thiếu hẳn tin tức và bạn bè. Nhất là sau khi Thừa Thiên, Quảng Trị sát nhập với Quảng Bình của miền Bắc để thành Bình Trị Thiên, tỉnh này thuộc cơ chế hành chánh của miền Bắc, khắt khe và đầy sự kỳ thị.
Mãi đến đầu năm 1990, khi thấy rõ, chắc chắn bạn bè lên đường đi định cư ở Mỹ, ông Lê Thiệu mới dám nộp đơn cho công an địa phương. Nhờ tinh thần hiếu học và sự cố gắng vươn lên trong hoàn cảnh khắc nghiệt của tuổi ấu thơ nên khi đến Mỹ, anh em nhà họ Lê như giống tốt gặp môi trường đất đai, khí hậu, phân bón tốt đã đâm chồi, nẩy lộc, cho trái tốt. Tuy vậy "nhớ công ơn cha mẹ đã trải qua những nỗi nhọc nhằn, tạ ơn nước Mỹ, đất của cơ hội đã cưu mang cho chúng con một đời sống mới và cộng đ ồng người Việt tị nạn luôn luôn gần gũi, thương yêu gia đình chúng con,” đó là những lời giãi bày của những đứa trẻ từ mảnh đất Gio Linh nghèo khó, hôm nay đã thành công trên đất nước Hoa Kỳ. Công ty Luraco của người Việt ký hợp đồng với Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ Luraco Technologies lọt vào Top 50 tức 50 công ty hàng đầu do người Mỹ gốc Châu Á làm chủ có tiềm năng và đã phát triển mạnh. Luraco Technologies Inc. là một công ty kỹ thuật cao, thành lập năm 2005 do ba anh em trong một gia đình người Việt điều hành.
Đây là một gia đình từ Đông Hà, Quảng Trị sang Mỹ theo diện HO năm 1995, định cư tại nơi Luraco ra đời là thành phố Arlington thuộc quận Tarrant tiểu bang Texas 18 năm qua. Quận Tarrant, bao gồm hai thành phố rộng lớn Dallas Fort Worth và Arlington, cũng có một ủy viên người Mỹ gốc Việt, anh Nguyễn Xuân Hùng. Tuần trước, trong một lần gặp gỡ với ủy viên Tarrant County Nguyễn Xuân Hùng, Thanh Trúc được nghe về Luraco Technologies như sau: "Tôi quen anh Lê Thành, anh Kevin Lê và các anh em trong gia đình đó. Tôi rất hãnh diện về những thành đạt của công ty Luraco Technologies, một trong những tiểu thương vượt bực trong vùng Bắc Texas này, đã được tổ chức SBA Small Business Administration công nhận điều đó. Tôi có đi tham dự nghi lễ trao tặng giải thưởng, tôi cũng rất hãnh diện và vui lây cho sự thành công đó của gia đình anh Lê Thành. Một trong những đặc điểm làm Luraco khác với những công ty khác là luôn khiêm nhường trước những thành công của mình, và đặc biệt Luraco lúc nào cũng đóng góp, tái đầu tư lại trong cộng đồng Á Châu và cộng đồng Việt Nam của chúng ta. Luraco lúc nào cũng đóng góp, tái đầu tư trong cộng đồng Á Châu và cộng đồng Việt Nam của chúng ta." (Ô. Nguyễn Xuân Hùng, UV quận Tarrant)
Ba người trong năm anh chị em của gia đình đã tạo dựng công ty kỹ thuật cao Luraco là anh cả Lê Thành, giám đốc điều hành Luraco, người em kế Lê Huy Kevin, tiến sĩ ngành Quang Học Điện Tử, giám đốc kỹ thuật, đã sáng chế Bộ Cảm Ứng Thông Minh Intelligent Multi- Sensor, sử dụng trong hai động cơ trực thăng chiến đấu Blackhawk và Apache của quân đội Hoa Kỳ. Bên cạnh đó, Luraco Technologies còn đảm nhận hợp đồng của Bộ Quốc Phòng để nghiên cứu và sáng chế các cơ phận điều khiển và phản ứng cho phản lực cơ chiến đấu F35 của không lực Hoa Kỳ. Đó cũng là lý do hai lần liên tiếp Luraco Technologies được vào Top Denfense Contractors của Tarrant County.
Đến với mục Đời Sống Người Việt Khắp Nơi hôm nay, tiến sĩ Lê Huy Kevin là người đầu tiên nói chuyện cùng quí vị: "Về hệ thống Multi Sensor, Hệ thống Cảm Ứng Thông Minh mà công ty Luraco Technologies đã thành công phát minh ra được thì Kevin không được phép nói nhiều. Nhưng nói sơ thì đây là hệ thống được dùng trong các máy bay chiến đấu của Hoa Kỳ và nó đảm nhiệm nhiều chức vụ rất quan trọng. Bên cạnh đó, công ty Luraco Technologies đã vinh dự nhận được sự ủng hộ của US Air Force, đã cung cấp chi phí để công ty nghiên cứu và phát triển ra một hệ thống điều khiển và phản ứng trong máy của F35."
Để có thể ký được những hợp đồng chế tạo Bộ Cảm Ứng Thông Minh cho trực thăng Blackhawk và Apache của quân đội Hoa Kỳ, tiếp đến là hệ thống kiểm soát và cảm ứng trong máy móc của phản lực cơ chiến đấu F35, giám đốc kỹ thuật Lê Huy giải thích tiếp:
"Bước chân vào lãnh vực nghiên cứu cho Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ là một quá trình rất khó khăn. Nghiên cứu khoa học đã khó rồi mà làm cho quốc phòng lại càng khó hơn. Thứ nhất, đối với quốc phòng Hoa Kỳ, khoa học kỹ thuật của họ rất cao, người ta chỉ bỏ tiền ra cho các công ty nghiên cứu những dự án mà chưa được làm, những gì phải rất mới mẻ, phải rất novel tức phải rất advanced, rất tân tiến thì người ta mới bỏ tiền ra chi cho các công ty nghiên cứu mà thôi. Một điều nữa, khi giao trách nhiệm cho một công ty làm nghiên cứu cho họ thì người ta audit tức là người ta kiểm tra công ty đó về khả năng có làm được hay không, có đủ máy móc trang thiết bị hay không rồi thì lý lịch của từng kỹ sư, từng khoa học gia trong nhóm làm nghiên cứu cho dự án đó, nói chung là có đủ trình độ kỹ thuật cao hay không và công ty đó có tin tưởng được hay không nữa chứ người ta không muốn giao dự án cho một công ty mà có thể một năm hay hai ba năm sau công ty đó không còn tồn tại. Thành thử khi nhận được dự án của bên chính phủ, đặc biệt bên Bộ Quốc Phòng của Hoa Kỳ, thì rất khó khăn. Điều vinh dự là chúng tôi đã được sự ủy nhiệm của Bộ Quốc Phòng giao cho công ty Luraco Technology đảm nhiệm nghiên cứu khoa học được dùng trong Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ. Không chỉ là công ty công nghệ cao…"
Theo giám đốc điều hành Lê Thành, Luraco không phải là công ty lớn nhưng để làm được những dự án cho quốc phòng thì cũng phải hội đủ những điều kiện cần thiết: Như tiến sĩ Huy Lê có nói là quốc phòng họ audit thường xuyên chứ họ không muốn đưa tiền mà cuối cùng không nhận được cái gì, thành ra là cái điều hành của một công ty mà coi như đầy đủ tất cả các ban ngành, đồng thời phải căn cứ vào cái standard của Bộ Quốc Phòng thì thực ra đó cũng là một vấn đề khó khăn. Những ban ngành mà giám đốc điều hành Luraco, anh Lê Thành, vừa đề cập tới có thể được kể ra là Ban Quản Lý, Ban Khoa Học Kỹ Thuật, Ban Kế Toán, Ban Nhân Sự, Ban Tiếp Thị...
Bên cạnh đó, giám đốc kỹ thuật Lê Huy trình bày tiếp:
Bằng chứng nhận Luraco Tech. được xếp hạng 50 công ty hàng đầu do người Mỹ gốc Châu Á làm chủ "Dưới sản xuất thì có Bộ Phận Sản Xuất, Ban Yểm Trợ Sản Xuất, Ban Yểm Trợ Kỹ Thuật. Tất cả các ban phải phối hợp làm việc và hỗ trợ lẫn nhau để dẫn dắt công ty mỗi ngày càng phát triển. Rất nhiều người Mỹ làm trong này rồi người Ấn Độ, người Việt Nam cũng nhiều. Người Mexico vô đây xin việc cũng nhiều lắm nhưng anh em vẫn nói với nhau là mình tạo ra công ăn việc làm thì mình giúp cho công đồng Việt Nam chúng ta.
Tháng Năm vừa qua, Luraco Technologies được giải thưởng Exporter Of The Year, Nhà Xuất Khẩu Của Năm, do SBA Phòng Tiểu Thương quận Tarrant trao tặng. Cũng trong hai năm liền, 2011 và 2012, Luraco Technologies lọt vào Top 50 tức 50 công ty hàng đầu do người Mỹ gốc Châu Á làm chủ có tiềm năng và đã phát triển mạnh.
Công ty Luraco hai năm liền (2011-2012) đứng Top 50 công ty toàn quốc do người Mỹ gốc Châu Á làm chủ về sự phát triển mạnh và hứa hẹn. Đồng thời cũng hai năm liền đạt danh hiệu Top Defense Company Công Ty Quốc Phòng Hàng Đầu ở Tarrant County tức là vùng này. Vùng Dallas Fort Worth này có rất nhiều hãng Defense Company, trong đó ngay cả Lockheed, Bell Helicopter, Raytheon là những công ty tên tuổi trong ngành quốc phòng, nhưng Luraco Technologies vinh dự được bình chọn là Top Defense Company trong quận Tarrant và được hai lần như vậy, năm 2011 và 2012. Công ty Luraco Technologies đã vinh dự nhận được sự ủng hộ của USS Air Force, đã cung cấp chi phí để công ty nghiên cứu và phát triển ra một hệ thống điều khiển và phản ứng trong máy của F35." (Tiến sĩ. Lê Huy Kevin) Với đầu óc kinh doanh nhạy bén cộng thêm tính cần mẫn, anh em nhà họ Lê trong Luraco Technologies còn tận dụng công nghệ cao để chế tạo những sản phẩm tiên phong cho ngành móng tay thẩm mỹ mà người Việt ở Hoa Kỳ gần như chiếm lĩnh thị trường của đất nước này: Luraco có 3 divisions, một phần làm cho quốc phòng Hoa Kỳ, một phần làm cho sức khỏe và thẩm mỹ và một phần làm những bộ điều khiển hệ thống bồn tắm Jacuzzi, cái này cũng đi vào thị trường Mỹ.
Còn về ngành Nails, Việt Nam chúng ta chiếm 75% thị trường Nails của thế giới chứ không phải của Hoa Kỳ nữa thì Luraco có nhiều sản phẩm tiên phong trong đó. Ví dụ Luraco là công ty đầu tiên chế tạo ra cái ghế Mini Spa cho trẻ em, Luraco là công ty đầu tiên trên toàn cầu nghĩ ra và làm ra cái ghế Pedicure Spa cho trẻ em. Rồi Luraco đã được đài truyền hình NBC đưa tin nhiều lần vì đây là cái đột phá mới trong vấn đề vệ sinh an toàn và có rất nhiều sản phẩm mà Luraco là công ty tiên phong. Còn ví dụ như ghế massage Irobotics, Luraco là công ty đầu tiên và duy nhất chế tạo ra ghế massage vật lý trị liệu y khoa. Không phải tự hào là đầu tiên nhưng ít ra Luraco cũng làm được cái điều mà Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc đã làm thì Việt Nam cũng có công ty đầu tiên là Luraco làm.
Với 18 năm định cư tại đất mới, chưa được hai thập niên khi tương đối đã lớn tuổi, do đâu mà các anh em trong gia đình lại thành đạt như vậy? Trả lời câu hỏi này, tiến sĩ Lê Huy cho biết có thể nhiều phần là do anh em trong nhà luôn tự hào về gốc gác Đông Hà Quảng Trị và truyền thống hiếu học mà cha mẹ trao truyền cho: "Gia đình em đi theo diện HO 31, qua Mỹ năm 1995, trước khi đi gia đình em vẫn ở Đông Hà, Quảng Trị. Năm 1995 tức là 20 năm sau khi chiến tranh kết thúc thì lúc đó Kevin ở Việt Nam vừa mới vào đại học, qua đây phải làm lại tất cả từ đầu, phải đi học lại. Từ nhỏ khi còn ở Việt Nam, ba mẹ lúc nào cũng khuyến khích con cái học hành.. Ba em là người rất hiếu học. Bởi vì có vốn tiếng Anh, tiếng Pháp học từ miền Nam mà sau này ba em đi làm thông dịch cho các phái đoàn nước ngoài vào thăm Việt Nam, đồng thời ba em cũng dạy cho tụi em tiếng Anh. Lúc bước chân đến Mỹ thì tụi em đã có ít vốn tiếng Anh học từ trường và học từ ba.
Qua đây, dĩ nhiên có nhiều cái mình phải cố gắng, nhất là tiếng Anh, mặc dù có học ở Việt Nam nhưng vẫn rất khó khăn. Lúc đầu thực ra mà nói vào trường mà muốn học tới bằng Cử Nhân là mừng lắm rồi nhưng sau khi tốt nghiệp cử nhân xong thì em thấy mình có khả năng để học lên nữa. Lúc đó, xong cử nhân thì em ra làm kỹ sư ở bên ngoài, buổi đêm đi học thêm để lấy bằng Master. Sau cái Master thì em nghỉ làm và em bắt đầu chương trình Tiến Sĩ."
Tiến sĩ Lê Huy Kevin, GĐ Kỹ thuật Luraco Technologies nhận bằng khen (Photo courtesy of Luraco)
Vừa đi làm vừa chịu khó đi học, mấy anh em của Lê Huy đều tốt nghiệp và có bằng cấp. Ngoài Lê Huy lấy bằng tiến sĩ, anh cả Lê Thành, hiện tại là giám đốc điều hành của Luraco Technologies, cũng tốt nghiệp bằng Master về ngành điện. Người em thứ ba, Lê Hiếu, tốt nghiệp Master về ngành Computer Science, còn người em trai út là bác sĩ về ngành tim:
"Có rất nhiều cái dẫn dắt gia đình với bản thân Kevin đến ngày hôm nay. Thứ nhất là sự khuyến khích và sự hướng dẫn của ba mẹ, thứ hai là sự cố gắng và thứ ba nữa là sự động viên của bà xã Kevin. Bà xã Kevin lúc nào cũng hết mình support ủng hộ cho Kevin học hành đó." Đúng như lời ủy viên Tarrant County Nguyễn Xuân Hùng, Luraco Technologies không chỉ là một công ty công nghệ cao mà còn là một doanh nghiệp xã hội. Điều này được tiến sĩ Lê Huy xác nhận : "Công ty Luraco trước tiên hết là một family company, khi là một công ty gia đình thì nói chung công ty rất quan tâm các vấn đề ngoài xã hội. Luraco thường xuyên tham gia các chương trình gây quĩ, giúp đỡ người nghèo hoặc giúp những em học giỏi ở Hoa Kỳ cũng có và ở Việt Nam cũng có. Tại Hoa Kỳ thường là công ty Luraco cũng có một quĩ trao phần thưởng cho học sinh tốt nghiệp hạng ưu để khuyến khích các em, Ở Việt Nam thì Luraco nhiều lần trao học bổng cho học sinh, sinh viên nghèo có thành tích xuất sắc, để giúp các em học hành.
Đối với quê hương Đông Hà Quảng Trị của Kevin thì công ty cũng cấp học bổng cho một số trường và các em học sinh nghèo quanh Đông Hà Quảng Trị để cho họ có cơ hội tiếp tục học hành. Đa số thì cũng còn túng thiếu nhiều thứ nên đối với bà con, nhất là những người lớn tuổi, thì gia đình Kevin coi đó là một phần san sẻ và cố gắng giúp cho những người kém may mắn hơn mình." Với những lời chia sẻ của tiến sĩ Lê Huy, Thanh Trúc mạn phép ngưng câu chuyện về Luraco Technologies, công ty kỹ thuật cao đang sánh vai cùng những công ty Hi-Tech tên tuổi của người bản xứ ở Dallas Fort Worth và Arlington, tiểu bang Texas, Hoa Kỳ.
Thanh Trúc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét